Feb 19, 2018

"Cảm ơn" Bùi Tín

Tre Việt - Qua địa chỉ langtreviet@gmail.com, bạn Nguyễn Văn gửi đến Tre Việt bài viết: “Cảm ơn” Bùi Tín, xin cảm ơn bạn Nguyễn Văn và giới thiệu bài viết cùng bạn đọc.              

           

"CẢM ƠN" BÙI TÍN

Nguyễn Văn

 

“Cảm ơn” Bùi Tín đã có bài viết: “Giữ nước từ xa”, “từ khi chưa lâm nguy” mà như thế này ư?” đăng trên VOA tiếng Việt, ngày 16-02-2018.

Bài viết đó của Bùi Tín đã phê phán bài chúc Tết toàn Đảng, toàn quân và toàn dân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng lại không có cơ sở.
Bùi Tín cho rằng, Tổng Bí thư đưa ra “khái niệm mơ hồ không ai hiểu rõ: “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, một khái niệm giáo điều mốc meo không tồn tại ở đâu trên thế giới này”. Chưa bàn đến khái niệm “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” là gì, nhưng đã thấy Bùi Tín sai về mặt logic: “không tồn tại” mà lại “mốc meo” được sao? Ngược lại, chỉ tồn tại thì mới “mốc meo” được chứ? Như thế là Bùi Tín đã thừa nhận có khái niệm “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Còn thế nào là “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” xin mời Bùi Tín nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành ngày 03-6-2017 được các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải.
Chỉ những gì cũ kỹ, lâu ngày không sử dụng đến thì mới có thể “mốc meo”, nhưng thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là một quan niệm mới của Đảng ta, vừa thực hiện, vừa tổng kết, đúc rút kinh nghiệm để không ngừng hoàn thiện thì không có chuyện “mốc meo” như Bùi Tín viết.
Trong bài chúc Tết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “quốc phòng toàn dân theo tinh thần “giữ nước từ xa” và “giữ nước từ khi nước chưa nguy!”, nhưng Bùi Tín cho rằng “không thật lòng” (!) Vì theo ông ta “giữ nước từ xa” và “giữ nước từ khi nước chưa nguy!”, mà Đảng, Nhà nước Việt Nam để cho “người Trung Quốc đã hiện diện hàng vạn, hàng chục vạn trên đất nước ta, từ Bắc chí Nam, thuộc đủ mọi ngành: trồng rừng, khai thác đủ thứ mỏ quặng, đặc biệt là bôxit, nhận thầu các công trình thủy điện, nhiệt điện, phân bón, hóa chất, giao thông vận tải,...” như thế thì không còn “giữ nước từ xa” được nữa. Về điểm này, có lẽ phải “cảm ơn” Bùi Tín đã “nhắc nhở”, nhưng sao không thấy ông ta nhắc đến người các nước khác cũng hiện diện ở khắp nơi trên đất nước ta, như người các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ,... mà chỉ nhắc đến người Trung Quốc là sao? Qua đó cho thấy rõ tư tưởng bài Trung của Bùi Tín. Nhân đây, xin lưu ý Bùi Tín:

Trước đây, ta đánh thực dân Pháp, phát xít Nhật, đế quốc Mỹ, bành trước Trung Quốc để giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, nay ta mời gọi Pháp, Nhật, Mỹ, Trung Quốc vào sản xuất, kinh doanh ở đất nước ta như vậy có đáng sợ không? Câu trả lời là không, hoàn toàn không có gì đáng sợ. Trước họ định nô dịch, xâm chiếm nước ta thì ta phải đánh đuổi để giành và giữ vững nền độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Nay ta là một đất nước có chủ quyền, có độc lập dân tộc mời gọi các nước đến hợp tác đầu tư sản xuất, kinh doanh để mang lại lợi ích cho các bên thì phải theo điều kiện, yêu cầu của ta. Khi không đáp ứng được yêu cầu, điều kiện của ta thì không nước nào có thể vào ta sản xuất, kinh doanh được. Trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng thì các nước đều tranh thủ thế mạnh của nước khác về vốn, trình độ quản lý, khoa học và công nghệ,... để vào nước mình đầu tư sản xuất, kinh doanh mang lại lợi ích cho cả hai bên, Việt Nam không phải ngoại lệ. Cho nên, việc nước ta mời gọi bất kỳ nước nào vào Việt Nam đầu tư sản xuất, kinh doanh không có nghĩa là đã rước “ngựa thành Tơ-roa” vào đất nước. Như thế, không có nghĩa là không còn “giữ nước từ xa” và “giữ nước từ khi nước chưa nguy!” đâu Bùi Tín ạ! Đành rành như Đảng ta đã chỉ rõ: trong đối tác cũng có mặt đối tượng phải đấu tranh, trong đối tượng cũng có mặt đối tác cần có sự hợp tác. Do đó, không vì quá đề cao cảnh giác dẫn đến bế quan tỏa cảng thì không thể phát triển trong thế giới toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng ngày nay. Đồng thời, không chỉ thấy mặt hợp tác mà không thấy mặt khác biệt phải đấu tranh. Cho nên, trong thế giới toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đòi hỏi chúng ta phải vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Nếu chỉ nhấn mạnh một mặt hoặc chỉ thấy hợp tác mà không thấy đấu tranh hoặc chỉ đấu tranh mà không thấy mặt hợp tác thì đều sai lầm./.