Tre Việt - Ngày 12/9, facebook Việt Tân đăng bài: “Tiêm vaccine là quyền, không là nghĩa vụ” của Thu Thủy xuyên tạc các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 mà Đảng, Nhà nước ta và chính quyền các cấp đang tiến hành, đặc biệt là kích động, xuyên tạc chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 đang được tiến hành trên diện rộng để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước ta vào trạng thái bình thường mới, khi cho rằng: “Chính quyền sẽ vi hiến nghiêm trọng nếu ép buộc người dân phải tiêm vaccine trái với ý muốn của họ. Đấy là hành vi giết người nếu cơ thể họ không thích hợp để tiêm vaccine hoặc Vaccine kém chất lượng dẫn đến tính mạng của họ bị đe doạ”.
Thành phố Hồ Chí Minh đưa xe tiêm chủng
lưu động đến tiêm vaccine cho người lớn tuổi
Như chúng ta đều biết, Việt Nam đang đối mặt với đợt dịch Covid-19 bùng
phát lần thứ tư với biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan
nhanh và rộng. Do đó, cùng với thực hiện nghiêm thông điệp 5K thì việc tiêm
vaccine là giải pháp quan trọng nhất, một cơ hội để phòng bệnh Covid-19 cho mỗi
người và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Vaccine có tác dụng phòng Covid-19
rất hữu hiệu, và trong trường hợp có mắc bệnh nhưng khi có kháng thể thì bệnh sẽ
ở thể nhẹ, tránh được nguy cơ phải nhập viện, tử vong. Với chủ trương tiêm
vaccine phòng Covid-19 miễn phí cho toàn dân, Việt Nam đang thực hiện chiến dịch
tiêm chủng lớn nhất lịch sử. Tính đến 18h00, ngày 12/9, tổng số liều
vaccine đã được tiêm là 28.213.392 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 23.157.067 liều,
tiêm mũi 2 là 5.056.325 liều. Nhờ đó, công tác phòng, chống dịch bệnh của đất
nước đã đạt được những kết quả theo chiều hướng tích cực.
Về vấn đề “tiêm vaccine không phải
là nghĩa vụ” và từ chối tiêm vaccine Covid-19 mà Việt Tân rêu rao, Tre Việt
thấy rằng: trong Quyết định số 447/QĐ-TTg, ngày 01/4/2020 của Thủ tướng Chính
phủ đã xác định: Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Theo đó, tại Khoản 1, Điều
29, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, quy định: cơ quan chức năng có
quyền yêu cầu bắt buộc người trong diện cần tiêm chủng đi tiêm chủng để phòng,
chống bệnh truyền nhiễm, đặc biệt ở vùng dịch. Thực tế hiện nay, các địa
phương, cơ quan chức năng vẫn đang thực hiện khuyến khích người dân đi tiêm để
bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Tuy nhiên, trong trường hợp Covid-19 diễn
biến phức tạp, nếu cơ quan y tế có thẩm quyền bắt buộc người dân tại
một số khu vực nhất định có đủ điều kiện tiêm chủng (sức khỏe, tuổi...) phải
tiêm vaccine phòng Covid-19 thì người dân cần phải thực hiện. Nếu người đó từ
chối, không chịu tiêm chủng thì sẽ bị xử phạt theo quy định.
Bên cạnh đó, tại Điểm a, Khoản 2, Điều 9, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP,
ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
y tế, chỉ rõ: các trường hợp từ chối tiêm vaccine theo yêu cầu bắt buộc của cơ
quan y tế có thẩm quyền, ngoại trừ những lý do chính đáng (phụ nữ mang thai hoặc
đang cho con bú, người có sức khỏe không đảm bảo để được tiêm...) sẽ bị xử phạt
hành chính từ 01 - 03 triệu đồng. Trường hợp không chịu tiêm vaccine Covid-19
dẫn đến bị nhiễm bệnh rồi lây nhiễm cho người khác thì có thể bị truy cứu trách
nhiệm hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”,
theo Điểm c, Khoản 1, Điều 240, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm
2017). Đối với tội danh này, khung hình phạt thấp nhất là bị phạt tiền từ 50 -
200 triệu đồng hoặc có thể bị phạt tù từ 01 - 05 năm.
Mới đây, trong cuộc họp báo ngày 09/9, đại diện Nhà Trắng thông báo Tổng
thống Mỹ J. Biden đã ký sắc lệnh, yêu cầu mọi nhân viên và nhà thầu làm việc
cho chính quyền liên bang phải tiêm vaccine ngừa Covid-19. Một sắc lệnh khác
cũng bắt buộc các doanh nghiệp có trên 100 nhân viên phải đảm bảo toàn bộ
nhân sự được chủng ngừa hay xét nghiệm hằng tuần. Mỗi trường hợp vi phạm có thể
phải nộp khoản tiền phạt lên tới 14.000 USD.