Văn học nghệ thuật vốn là sản phẩm văn hóa tinh thần được thể hiện dưới những tác phẩm bằng: ngôn ngữ, âm nhạc, tranh, thơ, ca, hò, vè... nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần, hướng con người tới chân - thiện - mỹ, tránh xa cái ác, cái xấu, xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Ở bình diện quốc gia, các tác phẩm văn học
nghệ thuật được xem là “giấy thông hành”, “hộ chiếu”, là cơ sở để nhận diện, định
danh, phân biệt, đánh giá giữa dân tộc này với dân tộc khác; giữa quốc gia này
với quốc gia khác.
Ý nghĩa tốt đẹp của văn học nghệ thuật
luôn được xã hội, con người tôn trọng, chào đón. Tuy nhiên, trong thời dịch
Covid hiện nay, nhiều người tự phong là nhạc sĩ, ca sĩ, nhà văn, nhà thơ... đi
ngược với quan điểm gốc này mà sáng tác ra các “rác phẩm” dưới dạng thơ, ca,
hò, vè, tranh biếm họa, v.v. Họ phê phán quan điểm của Đảng, Nhà nước, cổ súy
cho đấu tranh bất bạo động và tự do, nhân quyền. Trong thời điểm này, họ tập
trung sáng tác những “rác phẩm” phê phán phương pháp tiến hành phòng, chống dịch
của Nhà nước, của chính quyền các địa phương. Có thể nói, họ lợi dụng tất cả những
gì khiếm khuyết của đội ngũ cán bộ để bới móc, quy chụp trách nhiệm cho Đảng,
Nhà nước và Chính phủ. Ví dụ: ngày 03/10, sau khi công nhân và người ở trọ tại
các tỉnh lân cận Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai tổ
chức thông chốt, bỏ về quê thì ngay lập tức tài khoản facebook có tên L. H. N
đăng tải video clip bài hát “Bản năng của quỷ đỏ”, do T. H sáng tác và P. N
trình bày. Cả hai nhân vật này đều là thành viên của nhóm “Du ca Việt Nam - Sài
Gòn”. Nội dung ca từ bài hát chỉ là những oán thán, trách móc và gán ghép thiếu
niềm tin về “họ”, dưới nền nhạc du dương rất đặc trưng nhạc Trịnh Công
Sơn. Có thể nói, lời bài hát là thứ văn xuôi lủng củng không vần điệu, được gắn
thêm nhạc điệu cho có vẻ trở thành nhạc phẩm. Trước đó, trên mạng xã hội tồn
tại nhiều sản phẩm đội lốt tác phẩm văn học nghệ thuật để đả kích, chia rẽ đoàn
kết dân tộc,v.v. Ví dụ như, sau vụ cô gái trẻ thông tin sai sự thật về việc
mình được tiêm vaccine phòng Covid-19, nhạc sĩ T. K liền viết một chuỗi bài
công kích về cái gọi là “đặc quyền, đặc lợi” trong các bệnh viện, rồi phát đi lời
kêu gọi thành lập “Hội những người không có ông ngoại”. Hay sau sự việc 30 lao
động nghèo đi bộ từ tỉnh Bình Định về Quảng Ngãi ngày 20/7, đã được lực lượng
phòng, chống dịch hỗ trợ lương thực, thực phẩm kịp thời và dùng xe ô tô đưa về
tận nhà, nhưng nhà văn T. T. C lấy ảnh đưa lên trang facebook cá nhân kèm những
thông tin mập mờ xuyên tạc rồi “lên giọng” cho rằng đó là “lỗi hệ thống” của chế
độ, v.v.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ ra những biểu hiện suy thoái trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, đó là “sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng”. Thực tế cho thấy những văn nghệ sĩ sáng tác các “rác phẩm” luôn có đặc điểm chung là lợi dụng tự do ngôn luận, tỏ ra là những người có sứ mệnh định hướng xã hội, đứng trên xã hội. Với một vài văn nghệ sĩ là cán bộ, đảng viên đã “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì những hạn chế trong tổ chức phòng, chống dịch Covid-19 chính là cái cớ để họ khoét sâu và thể hiện quan điểm cá nhân. Với một số khác thì “bôi đen”, “bóp méo”, kích động dư luận chỉ để thỏa mãn “cái tôi”, “cá tính” của họ. Thế nên, khi đọc, nghe, xem những gì họ sáng tạo ra có thể thấy, đó là những tác phẩm không nhằm hướng vào xây dựng tinh thần đoàn kết, cổ vũ người dân chống dịch mà dường như chỉ là “những anh hùng bàn phím” để khích bác, xuyên tạc chế độ. Thậm chí, có người sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật ám chỉ cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 của đất nước một cách bi thảm qua tâm trạng, góc nhìn riêng,... như đã ví dụ ở trên.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ XIII của Đảng xác định: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh,
hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” là nhiệm vụ trọng tâm. Đây là chủ
trương đúng đắn và góp phần rất lớn để tạo ra sức mạnh tinh thần cho xã hội. Muốn
làm được điều đó thì vấn đề cốt lõi là mỗi chúng ta cần phải có suy nghĩ và
hành động đúng đắn.
Hiện nay, sử dụng internet và mạng xã hội
đã trở thành một trong những nhu cầu quan trọng của xã hội. Bên cạnh những người
biết sử dụng một cách sáng suốt, hiệu quả với tinh thần xây dựng thì có không ít
người sử dụng nó để thể hiện “cá tính”, nhằm thỏa mãn động cơ, lợi ích cá nhân,
thậm chí “dựng thông tin”, gây dư luận xấu, đi ngược với chủ trương, biện pháp
xây dựng xã hội tốt đẹp của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thế nên, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý theo
đúng pháp luật, nhất là những cá nhân cố tình lợi dụng tự do ngôn luận, đưa ra
những “rác phẩm” độc hại, có nguy cơ ảnh hưởng đến nhận thức xã hội, nhất là nhận
thức của lớp trẻ. Nhà nước, cơ quan chức năng cần đầu tư, thúc đẩy văn hóa đọc trong
xã hội, tăng cường đưa các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ cao,
hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ lên internet, xây dựng lực lượng để đấu
tranh, kịp thời loại bỏ các “rác phẩm” ra khỏi cộng đồng, giúp người dân hiểu
và tránh xa những sản phẩm văn hóa xấu độc, thấp hèn.
Trong đời sống hằng ngày, mỗi cán bộ, đảng
viên cần nêu cao tinh thần tiên phong gương mẫu, giữ nghiêm kỷ luật Đảng, tích
cực nâng cao trình độ lý luận, trình độ thưởng thức các giá trị tốt đẹp của văn
học nghệ thuật. Đồng thời, động viên, khuyến khích người thân trong gia đình,
những người xung quanh tìm hiểu những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của
dân tộc để học hỏi, phát huy. Ngành văn hóa từ Trung ương tới địa phương cần có
phương cách tập hợp, tạo sân chơi cho nghệ sĩ sáng tác theo các đơn đặt hàng.
Tăng cường bồi dưỡng, giáo dục ý thức tư tưởng chính trị thường
xuyên, liên tục cho các văn nghệ sĩ và đội ngũ những người làm công tác văn học
nghệ thuật bằng những giải pháp hiệu quả hơn.
Thực tế cho thấy, dân tộc, quốc gia nào
có nhiều sản phẩm văn học nghệ thuật được lưu truyền rộng rãi qua thời gian và
được nhiều dân tộc khác, quốc gia khác chào đón thì chứng tỏ nơi ấy có đời sống
văn hóa tinh thần phong phú, con người được đề cao và kinh tế - xã hội cũng
phát triển tương xứng. Nghèo văn hóa sẽ dễ bị lôi kéo, dẫn dắt bởi những “rác
phẩm”, nhanh bước tới con đường “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong tư tưởng,
nhận thức. Cần thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Văn hóa soi đường cho quốc dân
đi” để đầu tư, phát triển văn học nghệ thuật, bảo vệ văn hóa lành mạnh, tạo đề
kháng và đẩy lui những thứ văn học nghệ thuật đội lốt, giả hiệu./.
(nguồn thanhnien.vn)