Chính phủ Việt Nam luôn thực thi chính sách bảo hộ công dân tại nước ngoài với tinh thần “tương thân tương ái” hỗ trợ tối đa để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đặc biệt là các điểm nóng xung đột, chiến tranh như Trung Đông, Bắc Phi và hiện nay là xung đột giữa Nga và Ukraine.
Người Việt tại Ukraine được hỗ trợ sơ tán
khỏi vùng chiến sự (Ảnh: Bộ Ngoại giao)
Tuy nhiên, các thế lực thù
địch và những thành phần tự xưng đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền luôn rêu rao
các quan điểm sai lệch về chính sách bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài nhằm
gây hoang mang dư luận, làm suy giảm niềm tin của công dân trong và ngoài nước
đối với Đảng, Nhà nước Việt Nam. Luận điệu này thể hiện trên một số điểm sau:
Phủ nhận vai trò của các cơ
quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Nga và Ukraine trong hỗ trợ người dân
sơ tán khỏi vùng chiến sự. Truyền thông hải ngoại, như: đài RFA, BBC tiếng
Việt, VOA, facebook của tổ chức khủng bố Việt Tân,… đã vẽ ra bức tranh quy kết
chính quyền Việt Nam “đứng ngoài lề, dửng dưng với những người dân đang kẹt lại
tại khu vực xung đột Nga - Ukraine”. RFA ngày 11/3/2022 đăng tải bài viết về
thực trạng người dân Việt Nam tại Ukraine và vu cáo “Không thấy vai trò của toà
đại sứ Việt tại các quốc gia đó ở đâu! Lại cái cảnh “dân giúp dân” như tại Việt
Nam thời Covid-19 hoành hành!”. Qua đó, nội dung bài viết phủ nhận những nỗ lực
của các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở Nga và Ukraine trong việc đưa ra các
phương án bảo vệ tài sản, tính mạng, sức khoẻ những người dân và cho rằng, khi
chiến sự nổ ra đã không quan tâm sơ tán người dân. Đây là luận điệu nguy hiểm,
đánh vào tâm lý những người dân đang kẹt lại các điểm nóng và gây hoang mang
cho người dân trong nước về tình hình cộng đồng người Việt tại Ukraine.
Làm giảm niềm tin của người
dân trong nước đối với hoạt động quản lý của cơ quan chức năng liên quan đến hỗ
trợ người dân tại các quốc gia đang xung đột, chiến tranh. Sau khi vụ án liên
quan đến hành vi nhận hối lộ của một số cá nhân tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao
được cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra, các thế lực thù địch, giới
dân chủ tự xưng đã khoét sâu vào những sai phạm này để quy chụp, bôi nhọ. Nhiều
bài viết các đối tượng vu cáo chính quyền Việt Nam bao che, dung túng sai phạm,
đồng thời rêu rao, kích động người dân không tin tưởng vào những hoạt động hỗ
trợ của chính quyền đối với kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Họ nhắc lại những
chiến dịch sơ tán người dân tại Bắc Phi, Trung Đông giai đoạn 2011-2014, đưa
các clip, hình ảnh, bài viết sai lệch về việc người Việt “phải tự mình xoay xở”
với hoàn cảnh khó khăn, từ đó suy diễn, vu cáo cơ quan ngoại giao của Việt Nam
không thực hiện chính sách bảo hộ công dân Việt ở nước ngoài.
Bôi lem hình ảnh, uy tín của
Việt Nam trên trường quốc tế, mục đích để thế giới nhìn nhận Việt Nam là quốc
gia thiếu trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề nóng trên thế giới. Việt Nam
đã tham gia ký kết các Công ước về ngoại giao theo luật pháp quốc tế nên các cơ
quan ngoại giao Việt Nam có cơ sở để lên tiếng yêu cầu các quốc gia đang có
xung đột, chiến tranh phải có trách nhiệm đối với cộng đồng người Việt Nam.
Thực tế, các cơ quan đại diện ngoại giao luôn đi đầu trong nắm diễn biến tình
hình và thực hiện các biện pháp bảo vệ tài sản, tính mạng cho công dân theo
chính sách bảo hộ của pháp luật. Tuy nhiên, nhiều cá nhân, tổ chức quốc tế có
những góc nhìn thiếu khách quan, trung thực trong đánh giá hoạt động của cơ
quan ngoại giao của Việt Nam. Một số tổ chức thiếu thiện chí đưa ra thông tin,
hình ảnh sai lệch nhằm bôi lem, hạ uy tín Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế,
các hội thảo đa phương, thậm chí lên án Việt Nam tại các phiên điều trần của
nghị viện Mỹ, EU… Một số cơ quan truyền thông phương Tây tô vẽ góc nhìn lệch
lạc, trái với bản chất, tạo ra dư luận xấu về hình ảnh của Việt Nam, mục đích
làm cho quốc tế nhìn nhận Việt Nam là quốc gia thiếu tin cậy, thiếu trách
nhiệm, thậm chí hướng lái thành “đứng ngoài cuộc” trong tham gia giải quyết các
điểm nóng, xung đột trên thế giới.
Thực tế, những hoạt động tích
cực của các cơ quan chức năng Việt Nam thể hiện xuyên suốt, từ chủ trương,
chính sách đến hành động bảo hộ công dân Việt Nam tại nước ngoài. Điều đó được
biểu hiện ở các nội dung:
Một
là, Đảng, Nhà nước Việt Nam khẳng định công dân Việt ở nước
ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đặc
biệt trong giai đoạn hội nhập quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là
một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập sâu
rộng với thế giới. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định chính sách nhất
quán “nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân”. Nhằm cụ thể hóa tinh thần
này của Đại hội XIII, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 nhấn mạnh cần “triển khai
toàn diện, mạnh mẽ, kịp thời, hiệu quả công tác đối với người Việt Nam ở nước
ngoài và bảo hộ công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người Việt Nam ở
nước ngoài”; “chăm lo, hỗ trợ đồng bào ta, nhất là ở những địa bàn khó khăn”.
Đối với các điểm nóng, xung đột trên thế giới như tại Ukraine hiện nay, Chính
phủ đã gửi Công điện 201, ngày 26/02/2022 về việc “Bảo hộ công dân và pháp nhân
Việt Nam và một số vấn đề cần lưu ý trước tình hình tại Ukraine”, yêu cầu các
bộ, ngành, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ukraine và các nước lân cận Ba
Lan, Nga, Rumania, Hungaria, Slovakia phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai
các phương án bảo hộ công dân, đảm bảo an ninh, an toàn, các điều kiện cần
thiết để sơ tán công dân Việt Nam khỏi vùng chiến sự, đến các nước lân cận và
về nước nếu có nguyện vọng.
Hai
là, dưới góc độ luật pháp, Việt Nam cam kết thực hiện chính
sách bảo hộ công dân tại nước ngoài theo quy định pháp luật Việt Nam và phù hợp
với luật pháp quốc tế. Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Công dân Việt Nam ở nước
ngoài được Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam bảo hộ” (Khoản 3, Điều 17). Luật
Quốc tịch Việt Nam ghi nhận: “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam bảo hộ quyền lợi
chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài. Các cơ quan nhà nước ở trong
nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thi hành mọi biện
pháp cần thiết, phù hợp với pháp luật của nước sở tại, pháp luật và tập quán
quốc tế để thực hiện sự bảo hộ đó” (Điều 6, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008,
sửa đổi, bổ sung năm 2014). Việt Nam cũng đã chủ động sửa đổi Luật Cơ quan đại
diện nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ở nước ngoài năm 2009 (sửa đổi, bổ sung năm
2017) nhằm phù hợp với Công ước quốc tế như Nghị định thư bổ sung Công ước
Geneva về bảo hộ nạn nhân trong các cuộc xung đột quốc tế; Công ước Viên về
quan hệ ngoại giao năm 1961.
Ba
là, xuất phát từ thực tế thực hiện chính sách bảo hộ công dân
Việt Nam ở các nước trên thế giới luôn được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan
tâm và xác định đó không chỉ là lợi ích của mỗi cá nhân mà còn thể hiện trách
nhiệm của Chính phủ Việt Nam đối với công dân khi công tác, học tập làm ăn ở
nước ngoài theo tinh thần “không ai bị bỏ lại đằng sau”. Ngày 6/3/2022, trong
cuộc làm việc với Bộ Ngoại giao liên quan đến sơ tán công dân Việt từ Ukraine
khỏi vùng chiến sự, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Công tác bảo
hộ công dân cần được đặc biệt quan tâm; quá trình tổ chức cần thực hiện những
chuyến bay miễn phí đưa trường hợp khó khăn về nước, đồng thời phải thực hiện
nhất quán “ưu tiên phụ nữ, trẻ em, người già”. Đó là minh chứng cho những lời
hứa thực hiện bảo hộ công dân Việt tại nước ngoài nhằm thực hiện cam kết của
Chính phủ với người dân trước những diễn biến phức tạp tại Ukraine.
Mặt khác, trong những năm
qua, Việt Nam đã từng tổ chức nhiều phương án, biện pháp thiết thực như lập cầu
hàng không sơ tán người lao động ở Libya năm 2011 và 2014; đưa hành khách ra
khỏi châu Âu do núi lửa phun trào năm 2010; giải cứu hành khách bị kẹt tại Thái
Lan do khủng hoảng chính trị năm 2008; vận chuyển công dân Việt Nam trở về từ
Malaysia, Trung Đông các năm 2005 - 2007, v.v. Năm 2021, Bộ Ngoại giao đã phối
hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức gần 600
chuyến bay đưa hơn 130.000 công dân từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về Việt
Nam.
Thực tế đó thể hiện rõ chủ
trương, chính sách và hành động thiết thực của Việt Nam trong công tác bảo hộ
công dân ở nước ngoài; là bằng chứng sinh động phủ nhận những luận điệu sai
trái, vu cáo của các thế lực xấu./.