Tre Việt - Ngày 08/02, một tài khoản trên mạng xã hội Tik Tok là Đào Minh T, với hình ảnh mặc quân phục Quân đội nhân dân Việt Nam đã đăng tải thông tin: “Đ/c Nguyễn Văn Thái - Đại đội phó Đại đội 2, trợ lý phái bộ Hòa bình Liên hợp quốc hy sinh lúc 03h55′ tại Uganda. Xin chia buồn cùng gia đình đồng chí”. Thông tin này sau đó đã nhanh chóng gây chú ý trên mạng xã hội, khiến nhiều người băn khoăn về độ chân thực của thông tin.
Trong ngày 09/02, Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam và
các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đang tiến hành xác minh đối tượng tung
tin giả trên. Đại diện của Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam cho biết: “Lực lượng không có đồng chí nào tên là Nguyễn
Văn Thái, thông tin được đăng tải là giả. Hiện chúng tôi đang xác minh làm rõ đối
tượng tung tin giả lên mạng xã hội”. Vì vậy, thông tin về một sĩ quan Lực
lượng Gìn giữ Hòa bình Việt Nam hy sinh tại Uganda đang lan truyền trên mạng là
tin giả.
Như chúng ta đã biết, Lực lượng Gìn giữ Hòa bình
Việt Nam đã chịu mất mát to lớn khi ngày 06/01/2022 vừa qua, đồng chí Đỗ Anh đã
hy sinh tại Bệnh viện dã chiến cấp 3 của Liên hợp quốc ở Nakasero, Kampala,
Uganda. Với công lao cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân
và Quân đội, cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đồng chí Đỗ Anh đã được
Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận liệt sĩ và cấp Bằng Tổ quốc ghi
công; Bộ Quốc phòng đã truy thăng quân hàm từ Thiếu tá lên Trung tá cho đồng
chí Đỗ Anh.
Việc đưa ra thông tin sai sự thật về sự hy sinh của
cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia lực lượng làm nhiệm vụ gìn
giữ hòa bình là hết sức nguy hiểm; vì nó là tin bịa đặt, nên được cường điệu,
thu hút người đọc với sự ly kỳ, hấp dẫn, dễ đánh vào xúc cảm, tâm lý của những
người mà có tính hiếu kỳ. Đáng buồn là nhiều người thiếu sự cảnh giác trước các
thông tin chưa được kiểm chứng xuất hiện tràn lan trên không gian mạng sau đó
chia sẻ, hưởng ứng. Đây là lý do mà tin giả được nhiều cá nhân sử dụng như là một
chiêu trò trong việc câu view, câu like, v.v.
Liên quan đến hành vi lan truyền tin giả, nhiều
chuyên gia luật học đã lên tiếng cảnh báo về các hậu quả pháp lý mà chủ thể của
những hành vi này có thể sẽ phải gánh chịu. Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm
hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại
đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước
hoặc người thi hành công vụ. Người có hành vi này gây hậu quả nguy hiểm cho xã
hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Khoản 1, Điều 288, Bộ luật Hình sự
năm 2015 về “Tội đưa hoặc sử dụng trái
phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” với mức phạt tù lên đến 3
năm.
Vì vậy, chúng ta cần có bản lĩnh vững vàng, nêu cao cảnh giác, không biến
mình thành nạn nhân của tin giả, từ đó tiếp tay để nạn tin giả, thông tin chưa
được kiểm chứng gây tác hại đến đời sống xã hội và hoang mang trong nhân dân./.