Tre
Việt
– Vừa qua, trên facebook Việt Tân, Tân Phong có bài “Thị trường chứng khoán Việt
Nam sụp đổ, có gì lạ đâu?”; trong đó, Phong dựa vào sự suy giảm của chỉ số VN-Index
từ 1.423,05 xuống còn 1.300 điểm để kết luận. Liệu có đúng như vậy?
Thị trường chứng khoán là một phần của
thị trường tài chính, có chức năng: huy động vốn đầu tư cho nền kinh tế; cung cấp
môi trường đầu tư cho công chúng; tạo tính thanh khoản cho các chứng khoán; đánh
giá hoạt động của doanh nghiệp; cung cấp thông tin cho chính phủ thực hiện các
chính sách kinh tế vĩ mô. Như vậy, khi các nhà đầu tư mua chứng khoán, số tiền
nhàn rỗi của họ được đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần mở rộng sản
xuất; các nhà đầu tư cũng có thể mang chứng khoán họ đang sở hữu bán đi, thu lại
tiền mặt. Các loại chứng khoán trên thị trường rất khác nhau về tính chất, thời
hạn và độ rủi ro, cho phép các nhà đầu tư có những lựa chọn phù hợp với khả
năng, mục tiêu và sở thích của mình. Do đó, thị trường chứng khoán cung cấp cho
công chúng một môi trường đầu tư lành mạnh với các cơ hội lựa chọn phong phú. Vì
đây là nơi diễn ra hoạt động mua, bán chứng khoán của đám đông các nhà đầu tư
nên giá cả có lên, có xuống. Độ biến động giá chứng khoán phụ thuộc vào giá trị
của công ty, doanh nghiệp phát hành chứng khoán và tâm lý đám đông (còn gọi là
tâm lý thị trường). Nhưng xét trong dài hạn (đơn vị thời gian tính bằng năm)
thì thị trường luôn tăng điểm; đầu tư dài hạn luôn có lãi và đây là kênh tích
lũy tài sản rất tốt cho nhân dân. Một đất nước phát triển, văn minh, một nền
kinh tế thị trường đúng nghĩa phải có thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh.
Thực hiện đường lối phát triển nền kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ngày 20/7/2000, Trung tâm Giao dịch
chứng khoán TP.HCM khai trương hoạt động, trở thành đơn vị tổ chức giao dịch chứng
khoán tập trung đầu tiên của Việt Nam. Từ 02 doanh nghiệp niêm yết đầu tiền, với
giá trị cổ phiếu là 270 tỷ đồng, sau hơn 20 năm phát triển, tính đến hết tháng
6/2021, chứng khoán niêm yết trên 3 sàn đạt gần 2.000 mã, khối lượng đạt 172 tỷ
chứng khoán, vốn hóa đạt gần 8.300.000 tỷ đồng (trên 360 tỷ USD) tương ứng gần 134%
GDP - vượt 2 lần mục tiêu 70% GDP đề ra trong chiến lược phát triển thị trường
chứng khoán tới năm 2020.
Cùng với đó, quy mô giao dịch cũng tăng
theo; bình quân 6 tháng đầu năm 2021, giá trị giao dịch bình quân đạt 21.214 tỷ
đồng/phiên, tăng 185,9% so với bình quân năm trước; riêng tháng 5/2021, giá trị
giao dịch đạt 26.178 tỷ đồng/phiên, tăng 16% so với tháng kế trước. Đặc biệt,
giá trị giao dịch trên sàn HOSE trong ngày 04/6/2021 đạt đến 31.308 tỷ đồng,
vươn lên thứ 2 trong khu vực ASEAN, và vượt Singapore. Động lực chính tăng trưởng
của chỉ số là sự nhập cuộc mạnh mẽ của nhà đầu tư mới (gọi là F0); tháng
5/2021, nhà đầu tư trong nước mở mới 113.674 tài khoản chứng khoán, con số kỷ lục
từ trước tới nay. Lũy kế 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 480.490
tài khoản chứng khoán, vượt 20% số lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020. Tới
cuối tháng 5, số tài khoản chứng khoán trên thị trường Việt Nam ở mức hơn 3,25
triệu tài khoản, tương đương 3,2% tổng dân số. Với quy mô đó, thị trường đang
cung cấp một lượng vốn dồi dào cho nền kinh tế để phát triển sản xuất, kinh
doanh. Do đó, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 67,1 nghìn doanh
nghiệp thành lập mới với tổng số vốn là 942,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% về số
doanh nghiệp, tăng 34,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; cộng thêm 1.152,5
nghìn tỷ đồng vốn tăng thêm của 23,7 nghìn doanh nghiệp tăng vốn điều lệ thì tổng
số vốn bổ sung vào nền kinh tế là 2.095,1 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 26,1
nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước,
nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động
trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 93,2 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có
15,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Những chỉ số
đó đưa GDP 6 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng
1,82% của 6 tháng đầu năm 2020; khiến vị thế của chúng ta nâng lên một bước, là
một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Qua đó khẳng định, thị
trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh, sớm trở thành thị trường
mới nổi trên thế giới./.