Feb 25, 2015

Brad Adams ăn nói càn xiên

Tre Việt - Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về việc bảo đảm quyền con người cả về pháp lý và thực tiễn. Ở Việt Nam mọi người dân đều được sống trong môi trường dân chủ, công bằng, văn minh, ra sức phấn đấu làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Hiện nay, Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc, là thành viên tích cực có trách nhiệm của các tổ chức có uy tín trên thế giới và khu vực. Việt nam được các nước trong khu vưc, thế giới đánh giá là có sự ổn định chính trị - xã hội, có nền kinh tế phát triển vững chắc, là điểm đến của các tập đoàn kinh tế, nhà đâu tư và quốc gia trên thế giới.
Mặc dù vậy, một số tổ chức, cá nhân với mục đích xấu vẫn tìm mọi cách xuyên tạc trắng trợn tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Vừa qua, phóng viên Trà Mi, thuộc VOA (Đài tiếng nói Hoa Kỳ) có bài phỏng vấn ông Brad Adams, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của cái gọi là tổ chức Theo dõi nhân quyền (Humam Rights Watch-HRW). Trong đó, ông ta đã đưa ra những phát biểu mang đầy định kiến đối với tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Brad Adams, cho rằng: người dân Việt Nam không có những quyền tự do căn bản như dân chúng các nước khác trên thế giới(!) Phải chăng vậy? Cần khẳng định ngay: đây là lời phát biểu càn xiên, nhận định chủ quan, phiến diện, hằn học! Vì sao nói vậy? Bởi, quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam có cơ sở lịch sử, chính trị tư tưởng và pháp lý rõ ràng
Về lịch sử: Quyền con người là thành quả phát triển lâu dài của lịch sử nhân loại, là giá trị cao quý của các dân tộc. Tháng 6-1945, Liên hợp quốc ra đời và thông qua Hiến chương Liên hợp quốc; trong đó, xem quyền con người là một mục tiêu, trụ cột. Ngày 10-12-1948, Liên hợp quốc thông qua bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người. Năm 1966, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua, trong đó quy định các quyền con người cơ bản. Ngày nay, cộng đồng quốc tế xem bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người và hai công ước nói trên là “Bộ luật nhân quyền” quốc tế. Việt Nam là một thành viên Liên hợp quốc, là quốc gia sớm ký, tham gia thực hiện “Bộ luật nhân quyền” quốc tế nói trên. Hơn nữa, để trở thành quốc gia độc lập để có thể tham gia ký kết và thực hiện “bộ luật” trên, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã anh dũng, đoàn kết đứng lên đánh đổ ách thống trị thực dân giành độc lập dân tộc. Thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á đã chứng minh rõ điều đó. Từ đây, đất nước Việt Nam độc lập, tự do, nhân dân Việt Nam có quyền làm chủ vận mệnh của mình để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Các thế lực thực dân, đế quốc chưa từ bỏ dã tâm nô dịch, tước mọi quyền con người của nhân dân Việt Nam, nên đã tiến hành xâm lược Việt Nam. Trên con đường đấu tranh lâu dài (30 năm, từ 1946-1975), dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý điều hành của Nhà nước Việt Nam mới, nhân dân Việt Nam đã anh dũng đánh bại thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược. Chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 1954), Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã trở thành biểu tượng của nhân loại trên con đường đấu tranh giành, bảo vệ quyền con người của nhân dân Việt Nam. Đất nước độc lập, thống nhất, cả dân tộc Việt Nam lại tiếp tục công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Như vậy, quyền con người ở Việt Nam là do nhân dân Việt Nam đứng lên dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam để giành lấy, chứ không phải do một thế lực nào ban phát. Điều này, chứng tỏ ông Brad Adams nói điều trên là nói càn, nói lấy được, chẳng hiểu gì về lịch sử quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam.
Về chính trị, tư tưởng: Quyền con người luôn có sự khác biệt trong các hệ tư tưởng, nhất là giữa hệ tư tưởng tư sản và hệ tư tưởng vô sản. Vì vậy, đây là một chủ đề của cuộc đấu tranh tư tưởng lý luận giữa hai hệ thống xã hội: TBCN và XHCN. Các học giả tư sản, các chính khách ở các nước tư bản phát triển luôn đề cao, tuyệt đối hóa tính phổ quát của quyền con người. Hơn nữa, họ còn cho rằng: quyền con người ở các nước tư bản phát triển là chuẩn mực; còn quyền con người quy định trong pháp luật ở các chế độ chính trị khác, nhất là chế độ XHCN là không phù hợp, thậm chí là vi phạm nhân quyền. Phải chăng vì thế mà ông Brad Adams cho rằng, ở Việt Nam người dân chẳng có quyền con người như các quốc gia khác (như quốc gia ông ta đang sống chẳng hạn)! Hay cổ suy cho những “nhà dân chủ mạng” đòi Việt Nam phải hủy bỏ nhiều điều trong Bộ luật Hình sự, năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009, trong đó có Điều 78 (tội phản bội Tổ quốc; Điều 258 (tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân), với lý do những điều này là vi phạm quyền con người(!) Thưa ông, hành động và lời nói của ông thật hàm hồ, định kiến với mục tiêu xấu.
Về pháp lý: Hiện nay, cộng đồng quốc tế quan niệm: “Tất cả quyền con người đều mang tính phổ cập… Cộng đồng quốc tế phải xử lý các quyền con người… một cách công bằng và bình đẳng… Trong khi (thừa nhận tính phổ biến) phải luôn ghi nhớ ý nghĩa của tính đặc thù dân tộc và khu vực, bối cảnh khác nhau về lịch sử, văn hóa và tôn giáo… Tất cả các quốc gia không phân biệt hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa có nghĩa vụ đề cao và bảo vệ tất cả các quyền con người và tự do cơ bản[1]. Như vậy, quyền con người là một giá trị xã hội cơ bản, vốn có của các dân tộc, là quy định pháp luật (trong luật quốc gia và luật quốc tế) nhằm bảo vệ nhân phẩm, các nhu cầu về vật chất, tinh thần của tất cả mọi người cùng với nghĩa vụ mà họ phải chịu trách nhiệm đối với nhà nước và xã hội. Thực tế lịch sử cho thấy, không một quốc gia TBCN nào “chia sẻ” các giá trị nhân quyền cho dân tộc Việt Nam cũng như các dân tộc thuộc địa khác. Quyền con người và quyền công dân ở Việt Nam do nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng lên đấu tranh giành lấy. Đó là điều không thể bàn cãi. Quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam là dựa trên tiền đề, điều kiện cơ bản: độc lập dân tộc, CNXH, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước. Trong 70 năm qua (1945 - 2015), quyền con người và quyền công dân ở Việt Nam luôn được khẳng định, điều chỉnh và mở rộng phù hợp với luật pháp quốc tế và thực tiễn phát triển của đất nước. Hiện nay, ở Việt Nam, quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân được quy định tại Chương II, Hiến pháp năm 2013. Trong đó, thể hiện khoa học những nội dung, các nguyên tắc của quyền con người, quyền công dân, tương thích với các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người. Mọi người dân Việt Nam có đầy đủ các quyền dân sự, chính trị, như: quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình, v.v. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.
Ở Việt Nam, quyền con người, quyền công dân không chỉ được quy định trong Hiến pháp, pháp luật mà còn được thực thi trong thực tế. Trên lĩnh vực quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, hiện nay, Việt Nam có 845 cơ quan báo chí in (199 báo-tăng 07 cơ quan so với năm 2013), 01 hãng thông tấn quốc gia; có 98 báo, tạp chí điện tử; 67 đài phát thanh, truyền hình; 05 cơ quan báo chí, thông tân mở cơ quan thường trú ở nước ngoài; tại Việt nam hiện có 38 văn phòng báo chí nước ngoài với 35 phóng viên đăng ký thường trú. Trung bình hằng năm, có khoảng 230 đoàn với hơn 1.000 phóng viên nước ngoài vào Việt nam tác nghiệp. Đồng thời, người dân Việt Nam được tiếp xúc với 75 kênh truyền hình nước ngoài, trong đó có các kênh nổi tiếng, như: CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg, v.v. Hiện nay, có 20 cơ quan báo chí nước ngoài đã có phóng viên thường trú tại Việt Nam. Đặc biệt, in-tơ-nét đã được Nhà nước khuyến khích sử dụng và phát triển ấn tượng. Giá cả dịch vụ in-tơ-nét ở Việt Nam rẻ nhất khu vực, người dân có thể tiếp cận tin tức của các cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên thế giới, như: AFP, AP, BBC, VOA, Reuters, Kyodo, The Economist, Financial Times, v.v. Việt Nam là một trong số ít các nước đã về đích sớm một số Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs); trong đó, có mục tiêu giảm 50% tỷ lệ hộ nghèo, v.v. Theo đó, tỷ lệ người nghèo ở Việt Nam đã giảm từ 58,1% (năm 1993) xuống còn 10,7% (năm 2010); theo chuẩn nghèo mới của Chính phủ (giai đoạn 2011 - 2015), tỷ lệ nghèo đã giảm từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 9,6% (năm 2012). Cùng với đó, về mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học, ở Việt Nam tỷ lệ nhập học đúng tuổi ở bậc tiểu học đạt 97,7%.Về mục tiêu bình đẳng giới, Việt Nam là một trong năm nước đang phát triển ở châu Á có tỷ lệ đại biểu nữ ở Quốc hội cao nhất. Năm 2014, Nhà nước đã tạo thêm 1,2 triệu việc làm, đưa gần 90 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, v.v. Những thành tựu trên đây là hiện thực sống động bác bỏ mọi luận điệu cho rằng, ở Việt Nam, quyền con người, quyền công dân bị nhà nước vi phạm! Việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bao gồm cả việc xử lý đúng pháp luật những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật. Pháp luật Việt Nam đã xử lý những tổ chức tự xưng như: “Phong trào con đường Việt Nam”; “Tuyên bố 258” (Tuyên bố của mạng lưới Blogger Việt Nam”; “Tuyên bố về thực thi quyền Dân sự, Chính trị”; “Diễn đàn xã hội dân sự”…, gần đây là “Hội nhà báo độc lập”, “Ban vận động Văn đoàn độc lập”, hay các cá nhân tự xưng là nhà đấu tranh cho dân chủ, cho quyền cong người, như: Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải, v.v. Pháp luật Việt Nam là nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân được thực thi ngày càng tốt hơn. Trước pháp luật, mọi tổ chức và cá nhân đều phải tuân thủ đúng theo quy định pháp luật. Đó là chân lý!
Hà cớ gì mà ông Brad Adams, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của cái gọi là tổ chức Theo dõi nhân quyền lại ăn nói càn xiên, vu cáo Nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền. Hành động của ông sẽ bị nhân dân Việt Nam và cộng động quốc tế lên án, bác bỏ.