May 7, 2018

Sai đến đâu, kiên quyết xử lý đến đó

Tre Việt - Ngày 28-4-2018, Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng cho biết, trong quá trình mở rộng điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” tại Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Đại tá Phùng Danh Thắm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Lợi dụng sự kiện này, một số đối tượng cho rằng, nguyên nhân của việc phạm tội là do “Quân đội làm kinh tế”.
Đã có rất nhiều giấy mực để phân tích vấn đề này, nhưng trước hết, chúng ta khẳng định rằng, Quân đội tham gia sản xuất, kinh doanh không phải do tự phát, thiếu quản lý. Lịch sử cho thấy, trong bất cứ điều kiện nào, dù khó khăn đến đâu, Quân đội luôn thực hiện vừa chiến đấu, vừa lao động sản xuất, tham gia xây dựng kinh tế bằng những hình thức, biện pháp sáng tạo, phù hợp, hiệu quả, đảm bảo “thực túc binh cường”, góp phần hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đây là truyền thống tốt đẹp của Quân đội ta.
Hơn nữa, đây cũng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Trong thời kỳ đổi mới, quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa đường lối đổi mới đất nước của Đảng được đề ra từ Đại hội VI, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) đã ban hành nhiều nghị quyết, như: Nghị quyết 71-NQ/ĐUQSTW, ngày 26-4-2002 về “Nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội - Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Quân đội”; Nghị quyết 520-NQ/QUTW, ngày 25-9-2012 về “Lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2020”; Nghị quyết 425-NQ/QUTW, ngày 18-5-2017 về “Sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Những cơ sở đó giúp Quân đội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế, phát triển đất nước. Những năm qua, khối doanh nghiệp Quân đội không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh kết hợp với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ của số ít cán bộ, trách nhiệm của một số cấp ủy, thủ trưởng doanh nghiệp còn hạn chế dẫn tới buông lỏng quản lý cán bộ; tác động của kinh tế thị trường khiến một số cán bộ chủ quan, thiếu kiên trì nguyên tắc hoạt động, dẫn đến tự diễn biến, tự chuyển hóa, vi phạm pháp luật làm giảm sút hình ảnh và uy tín của Quân đội. Đây là mặt trái, là lỗi kỹ thuật trong các hoạt động kinh tế, không phải bản chất của chủ trương, đường lối.
Ác ý hơn, họ còn quy kết cho lãnh đạo Bộ Quốc phòng là đồng phạm trong vụ việc.
Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, việc Quân đội tham gia làm kinh tế đã được rút kinh nghiệm kịp thời, luật hóa, cụ thể hóa nhiệm vụ bởi hệ thống văn bản pháp quy chặt chẽ. Việc phân cấp, phân quyền trong quản lý kinh tế rất rõ ràng; cá nhân nào làm sai, vi phạm đều phải xử lý theo luật định, nhất là Luật doanh nghiệp. Trên cơ sở các quy định của Luật, các doanh nghiệp xây dựng điều lệ công ty và các văn bản xác định tôn chỉ, mục đích, chiến lược kinh doanh, nhân sự,… và người đại diện cho doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả hoạt động của công ty. Theo Điều 7 Luật này, doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm; tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo yêu cầu kinh doanh. Theo Điều 14, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác. Như vậy, việc Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn hoạt động kinh doanh như thế nào; việc thuê ông Đinh Ngọc Hệ làm Phó Tổng Giám đốc và những sai phạm của ông Thắm là vấn đề nội bộ của Tổng Công ty Thái Sơn.

Điều tra rõ, xử lý nghiêm, bảo đảm tiến độ, không có vùng cấm, ai sai đến đâu, xử lý đến đó là khẳng định của Quân đội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đó là trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Quốc phòng./.

VOA tiếp tay cho cái gọi là "tôn giáo"

Tre Việt - Ở bất cứ quốc gia dân chủ nào, thì mọi hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đều phải tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật nước sở tại và ở Việt Nam cũng vậy.
Điều 24, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013) khẳng định: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Để hiện thực hóa những điều căn bản nêu trên, Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 (có hiệu lực  từ 01-01-2018) với 09 chương, 68 điều đã quy định cụ thể việc thực hành quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân, tổ chức tôn giáo và Nhà nước. Với tư tưởng, quan điểm rõ ràng, nhất quán, hệ thống pháp luật khoa học, thực tiễn, sự tạo điều kiện của hệ thống chính quyền các cấp, các hoạt động tín ngưỡng của người dân, tín đồ và tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đều chấp hành nghiêm pháp luật, luôn ổn định, có nhiều phát triển. Thực tế cho thấy, Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, có sự hiện diện, hoạt động của 06 tôn giáo lớn (Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin lành, Hòa Hảo, Cao Đài, Hồi giáo), với 37 tổ chức tôn giáo và 01 pháp môn tu hành được Nhà nước công nhận, cấp phép hoạt động. Theo đó, các tổ chức tôn giáo trên đều hoạt động theo phương hướng “tốt đời, đẹp đạo”, có nhiều đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó, để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân và tự do hoạt động của tổ chức tôn giáo, Nhà nước Việt Nam cũng kiên quyết đấu tranh, loại trừ các hành động lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để có những hành vi vi phạm pháp luật, làm tổn hại đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và chủ quyền quốc gia. Đây là sự thật khách quan không thể phủ nhận.
Vừa qua, ở Việt Nam xuất hiện một số cá nhân, hội, nhóm với danh nghĩa là tín đồ của cái gọi là “Hội Thánh Đức Chúa Trời” đã có nhiều hoạt động gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội. Ngày 02-5-2018, Hội Thánh Tin lành miền Bắc đã ký công văn 79, do Mục sư Nguyễn Đức Đồng, Phó Hội trưởng gửi Ban Tôn giáo Chính phủ, trong đó khẳng định: “Về việc này, Hội Thánh Tin lành Việt Nam đồng quan điểm với chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và kịch liệt phản đối các tổ chức, cá nhân tuyên truyền những giáo lý sai lạc, mê tín, dị đoan”. Còn Mục sư quản nhiệm Hội Thánh Tin lành miền Nam, Chủ tịch Hiệp hội Thông công Mục sư Việt Nam, Nguyễn Duy Thắng cho biết: “Hội Thánh Đức Chúa Trời”,… là 1 trong 30 tà giáo ở Việt Nam”, “Hoạt động của họ đi nghịch lại lời Chúa, Chúa dạy yêu thương gia đình, kính hiếu cha mẹ. Đối với gia đình phải hòa thuận, đối với xã hội vâng phục nhà cầm quyền, đối với anh em phải tha thứ,…”. Đồng thời, Ông cũng cho rằng, “nước màu đỏ của họ theo tôi biết và qua biểu hiện nó như một dạng bùa ngải, uống vào người ta quay cuồng, ảo tưởng, giống như dạng bùa mê, thuốc lú”.
 
Có thể khẳng định rằng, hoạt động của cái gọi là “Hội Đức Thánh Chúa Trời” là lợi dụng tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, có những hoạt động  mê tín, dị đoạn, vi phạm quyền con người, quyền công dân, vi phạm pháp luật, làm mất trật tự, an toàn xã hội, đi ngược lại truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc và truyền thống tốt đẹp của các tôn giáo. Vì thế, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều biện pháp ngăn chặn các hoạt động này và được người dân đồng tình ủng hộ. Ngay chính những người hoạt động tôn giáo chân chính có ý kiến phê phán hoạt động của cái gọi là “Hội Thánh Đức Chúa Trời” mà một số kẻ, trong đó có VOA cho đó là “tôn giáo”.  

Đó là ngày 04-5-2018, VOA cho đăng tải bài viết: “Vì sao Việt Nam đánh mạnh Hội Thánh Đức Chúa Trời”, cho rằng, hành động của Nhà nước Việt Nam, thực chất chỉ là “một cái cớ”, “một biện pháp độc tài” để nhà cầm quyền tăng cường sự quản lý đối với người dân, tôn giáo”! Không nghi ngờ gì nữa, VOA đang tiếp tay cho những hoạt động vi phạm pháp luật, vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo chân chính của người dân. Hành động của VOA thật là hổ thẹn./.