Apr 17, 2020

Ngộ nhận



          Tre Việt - Cách đây khoảng 20 giờ đồng hồ, trên trang faceboock Việt Tân có bài: “Tin tốt lành về “thế lực thù địch” của Nguyễn Đình Trọng. Bài viết dẫn các tin mà các báo chí của Nhà nước đã đưa, như: (1) Mỹ hỗ trợ Việt Nam 42 triệu USD giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế (vietnamfinance.vn); (2). Mỹ hỗ trợ Việt Nam gần 3 triệu USD chống dịch (vietnamnet.vn); (3). Lầu Năm Góc lên án vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam (thanhnien.vn). (4). Bộ Quốc phòng Mỹ lên tiếng vụ Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam (tienphong.vn) và (5) Thượng nghị sĩ Mỹ lên án Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam (vnexpress.net). Từ đó, ông ta ngộ nhận đưa ra kết luận áp đặt, kiểu “gắp lửa bỏ tay người”.
          Trước hết, Đảng, Nhà nước ta từ khi bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, không có tài liệu nào nói: Mỹ là thế lực thù địch của Việt Nam. Việt Nam và Hoa Kỳ từ là những cựu thù trong chiến tranh, hai nước đã chuyển sang bình thường hóa quan hệ và phát triển quan hệ lên một tầm cao mới với khuôn khổ “Đối tác toàn diện”. Trong quan hệ hai nước đã tạo niềm tin cho nhau, nên Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chọn Hà Nội để gặp gỡ lần 2 với nhà lãnh đạo Triều  Tiên Kim Jong-un. Chẳng nhẽ, Hoa Kỳ lại lựa chọn nước coi mình là “thế lực thù địch” để tổ chức một hội nghị có tầm quan trọng đặc biệt được cả thế giới quan tâm sao? Đúng vậy, hai nước không còn coi nhau là thù địch. Trong Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ được công bố sau cuộc gặp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Mỹ Barack Obama (tháng 7/2015) có đoạn: “Việc thực hiện tốt, đầy đủ và không ngừng làm sâu sắc, phong phú thêm quan hệ đối tác toàn diện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau là cơ sở để xây dựng lòng tin, tiến tới đưa quan hệ phát triển lên một tầm cao mới”. Thế là đã rõ, Nguyễn Đình Trọng đã “gắp lửa bỏ tay người” để cho rằng, Đảng, Nhà nước ta cho rằng, Mỹ là thế lực thù địch. Đó là sự ngộ nhận.
          Thứ hai, về mặt nguyên tắc, Đảng ta chỉ ra: tất cả những ai, những thế lực nào cản trở con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta thì đều phải đấu tranh; những ai ủng hộ con đường đó thì đều phải hợp tác; ngay trong đối tượng cũng có những mặt cần hợp tác, trong mỗi đối tác cũng có mặt phải đấu tranh. Qua đó cho thấy, tư tưởng vừa hợp tác, vừa đấu tranh, vừa đấu tranh vừa hợp tác. Đấu tranh chưa hẳn đã là “thế lực thù địch”, mà đấu tranh về những nhận thức còn khác biệt để đến chỗ nhận thức chung thống nhất nhằm hợp tác tốt hơn trong thời gian tiếp theo. Trong hợp tác cũng có mặt phải đấu tranh để bảo đảm và giữ vững nguyên tắc trong quan hệ đối ngoại là bình đẳng, vì độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, vì lợi ích quốc gia - dân tộc của mỗi bên.
          Như vậy, Nguyễn Đình Trọng ngộ nhận Hoa Kỳ là “thế lực thù địch”, để đi đến kết luận áp đặt: “Những lúc dịch bệnh, thiên tai, đất nước khó khăn chúng ta mới nhận ra ai là bạn ai là thù địch”. Ông ta viết tiếp: “Mong là ai đó thức tỉnh sớm dùm, càng nhận diện sớm là càng giúp được dân, ý nguyện lòng dân ở đó chứ đâu. Được lòng dân sẽ được tất cả, mất dân thì mất tất cả!”. Khi viết: “Mong là ai đó thức tỉnh sớm dùm” mặc dù không nói rõ, nhưng người đọc đều hiểu ông ám chỉ ai. Như trên đã nói, quan hệ với Hoa Kỳ, hai bên Việt Nam - Hoa Kỳ đã nâng lên thành “đối tác toàn diện” chứ có coi Hoa Kỳ là thế lực thù địch đâu, chẳng qua là Nguyễn Đình Trọng “Ngậm máu phun người” đó thôi./.