Jan 15, 2023

Những suy nghĩ lệch lạc cần lên án, bác bỏ

 

Tre Việt - Vụ việc xảy ra giữa một số sinh viên nữ Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian học Giáo dục quốc phòng và an ninh tại Trường Quân sự Quân khu 7 đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Trên các trang mạng xã hội đã đăng tải hàng trăm bài viết, chia sẻ, bình luận về vụ việc này; trong đó, phần lớn là thông tin có nội dung bịa đặt, sai sự thật, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của Quân đội, gây hoang mang cho các sinh viên nữ khi học tập nội dung này. Đơn cử, trang facebook Việt Tân ngày 13/01/2023 đăng satus: “Một quan điểm đáng suy ngẫm đến từ một sinh viên RMIT. Bạn nghĩ sao về ý kiến này?” đăng kèm là hình ảnh chụp màn hình bài viết của một thành viên nhóm RMIT Vietnam Society. Trong bài viết có đoạn: “Chúng ta may mắn vì không phải học quân sự,…” và “Chúng ta may mắn vì chúng ta không phải học Marx-Lenin, thứ mà chúng ta không thể sử dụng trong thời đại này”. Status và nội dung này đã nhận được hàng nghìn lượt like, bình luận, chia sẻ. Tre Việt thấy rằng đây là nhận thức lệch lạc, sai lầm, phai nhạt mục tiêu lý tưởng, lối sống thực dụng, thờ ơ, vô cảm, cần phê phán, bác bỏ.

Trước hết, sự việc xảy ra tại Trường Quân sự Quân khu 7 là do nghi ngờ, nghi kỵ lẫn nhau giữa các bạn nữ sống trong cùng phòng ở khi một bạn bị mất tiền. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Trường Quân sự Quân khu 7 đã nhanh chóng phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo thông tin công khai, trung thực, khách quan về vụ việc. Đồng thời, khẳng định những thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội là thông tin thất thiệt, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, làm giảm uy tín của Quân đội. Chính vì thế, Cơ quan điều tra hình sự Quân khu 7 đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra về các đối tượng đưa thông tin sai lệch cho rằng nữ sinh “nhảy lầu tự tử do bị xâm hại”. Hiện nay, các cơ quan chức năng đã xác định được các đối tượng trực tiếp cắt ghép, chỉnh sửa, đăng tải, phát tán các clip chưa được kiểm chứng trên các nền tảng mạng xã hội. Rồi đây, họ sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật vì những hành vi vi phạm pháp luật mà họ gây ra.

Thứ hai, giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên là môn học chính khóa trong chương trình giáo dục quốc dân, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; trang bị những kiến thức và kỹ năng quân sự cần thiết cho học sinh, sinh viên, tinh thần sẵn sàng tham gia bảo vệ Tổ quốc khi cần. Đây là vinh dự, trách nhiệm của mỗi công dân, nhất là thế hệ trẻ.Hằng năm, các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh, cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã giáo dục cho hàng triệu lượt học sinh, sinh viên, có chất lượng tốt, bảo đảm an toàn, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng, đào tạo lớp lớp thế hệ trẻ có lòng yêu nước, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, bạn sinh viên RMIT cho rằng: “Chúng ta may mắn vì không phải học quân sự,…” là thể hiện sự thờ ơ, vô trách nhiệm với đất nước. Nếu ai cũng như vậy, thì ai sẽ là người bảo vệ Tổ quốc, mang lại sự bình yên cho chính bạn và mọi nhà?

Thứ ba, chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết cách mạng, khoa học, chỉ ra quy luật, vận động phát triển của xã hội loài người và hiện nay Học thuyết vẫn còn nguyên giá trị. Sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm ra con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Tiến hành cách mạng vô sản, đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường đúng đắn mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn. Lịch sử và thực tiễn những thành tựu to lớn của đất nước sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chứng minh điều đó. Cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Nên ai đó nói rằng: “Chúng ta may mắn vì chúng ta không phải học Marx-Lenin, thứ mà chúng ta không thể sử dụng trong thời đại này” là nhận thức lệch lạc, sai lầm, phai nhạt mục tiêu lý tưởng đối với Đảng, chế độ.

Vì thế, Việt Tân đăng tải thông tin này chính là để cổ vũ, a dua cho nhận thức lệch lạc, sai lầm, tạo mầm mống chống phá chế độ, cần bị vạch trần, lên án./.

 

Cuộc chiến chống tham nhũng góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội

         Tre Việt - Trên phạm vi thế giới, tham nhũng, tiêu cực gây tác hại nghiêm trọng ở những nước đang phát triển. Về mặt chính trị, tham nhũng làm mục ruỗng các thể chế. Về mặt kinh tế, nó ăn bám nền kinh tế, gây ra những tổn thất to lớn nhưng khó xác định, làm tăng tình trạng nợ nần và bần cùng của đất nước. Về mặt xã hội, tham nhũng tập trung quyền lực và của cải vào tay những kẻ giàu có, có thế lực. Tham nhũng gây ra nhiều chi phí tốn kém về kinh tế cho xã hội nói chung.

Ở Việt Nam, tham nhũng, tiêu cực cho thấy sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, phá hoại việc thực hiện đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam và làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Tham nhũng và chi phí không chính thức là những vấn đề cản trở tăng trưởng kinh tế, gây bất bình trong xã hội, làm ô nhiễm môi trường kinh doanh và làm giảm quyết tâm của các nhà đầu tư khi bắt đầu triển khai một ý tưởng.

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ nhằm làm trong sạch đội ngũ, bảo vệ Đảng, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự lành mạnh trong quan hệ xã hội, mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội trên nhiều mặt. Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự lành mạnh trong các quan hệ xã hội. Ngăn chặn mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực là nhằm xây dựng một Chính phủ hiệu lực, công bằng và hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế mạnh hơn và thực hiện các chức năng xã hội tốt hơn.

Trên thực tiễn, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã và đang được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ và đem lại kết quả thực tế với việc xử lý nghiêm những vụ việc bức xúc trong dư luận, những vụ án gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, đã chỉ đạo xử lý hàng loạt vụ án kinh tế, tham nhũng, buộc nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những sai phạm. Điển hình trong thời gian gần đây đã khởi tố mới, điều tra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trong những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, xảy ra cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, như: Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); các vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Công ty AIC; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, v.v. Đặc biệt, việc xử lý nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Không chỉ ở Trung ương, mà công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở cũng được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả tích cực. Mặc dù mới được hình thành và đi vào hoạt động, nhưng các ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã tích cực, chủ động đưa gần 400 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý. Nhiều địa phương đã khởi tố cả Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, giám đốc sở, như: Lào Cai, Phú Yên, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Hà Nội, Quảng Nam, v.v.

Cùng với đó, công tác thu hồi tài sản tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm 2022, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị hơn 160 nghìn tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác; các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 16.000 tỷ đồng (tăng 7.000 tỷ đồng so với năm trước), v.v. Và số tiền thất thoát được ngăn chặn và thu lại thông qua công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một nguồn lực tài chính bổ sung cần thiết cho Chính phủ, dùng để nâng cao mức chi cho các khoản phúc lợi xã hội và mức lương cho đội ngũ công chức. Tiền lương hợp lý vừa giảm bớt nguy cơ tham nhũng vừa thu hút được nguồn nhân lực tốt để phục vụ cho khu vực hành chính công; đồng thời, nguy cơ “chảy máu” ngân sách đã từng bước được ngăn chặn.

Như vậy, bước đầu có thể khẳng định chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả có tác dụng thúc đẩy kinh tế-xã hội rõ rệt. Bởi, đấu tranh quyết liệt chống tham nhũng, tiêu cực sẽ bịt lại những lỗ hổng thất thoát của nền kinh tế chung đang chảy vào những túi riêng. Nhờ đó, các nhà đầu tư mạnh dạn phát triển sản xuất, kinh doanh vì tin vào sự minh bạch của hệ thống công quyền, không còn phải băn khoăn về các mánh lới “tạo quan hệ” để có giấy phép và “nuôi” giấy phép, v.v. Những giá trị này không thể lượng hóa bằng những con số. Cùng với đó là làm trong sạch đội ngũ cán bộ các cấp; tăng cường niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân đối với Đảng trong quá trình lãnh đạo đổi mới toàn diện đất nước.

Những kết quả trên cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Nó không chỉ phản ánh quyết tâm phòng, chống tham nhũng mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước ta, mà còn là minh chứng khẳng định: càng đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng của chúng ta càng mạnh lên, càng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho bộ máy trong sạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đồng thời bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”, làm “nhụt chí” những người khác./.