Jan 14, 2024

Trò lợi dụng “nhân quyền” để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam

         Tre Việt - Ngày 12/01, kênh tiếng Việt, Đài Á Châu Tự Do đăng bài: “Ba tổ chức phi chính phủ đề nghị Liên hợp quốc chất vấn Việt Nam về vi phạm tự do Internet”. Theo bài viết, ba tổ chức nhân quyền gồm Hiến chương 19, Sáng kiến Pháp lý Việt Nam và Open Net vừa có một bản đệ trình chung đề nghị Liên hợp quốc đưa vào nghị trình chất vấn Chính phủ Việt Nam về những nỗ lực nhằm hạn chế các quyền tự do ngôn luận, tiếp cận thông tin và quyền riêng tư trên internet của người dân. Họ còn cho rằng: Luật An ninh mạng năm 2018 và Nghị định số 53 ban hành năm 2022 của Chính phủ vi phạm quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư. Đây là sự vu cáo, can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Việt Nam cần đấu tranh, phê phán.

Chúng ta đều biết: Internet là hệ thống mạng toàn cầu có khả năng kết nối hàng tỷ thiết bị điện tử và mạng máy tính trên khắp thế giới, cho phép các thiết bị này liên kết, trao đổi dữ liệu thông qua các giao thức khác nhau. Bên cạnh những tiện tích mà Internet mang lại, như: là kho lưu trữ khổng lồ; cho phép người dùng tra cứu và tìm kiếm bất kỳ thông tin nào mà họ muốn thông qua các trình duyệt web; tạo môi trường kinh doanh số; mang đến thế giới giải trí,... thì mạng Internet cũng có những mặt trái, đó là: tình trạng lạm dụng và nghiện internet; lừa đảo và tội phạm trên internet; bạo lực và nội dung không lành mạnh trên internet; mất quyền riêng tư và bảo mật thông tin; gây ra sự chia rẽ trong xã hội, v.v. Ở Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động, hacker còn liên tục tấn công vào hệ thống máy tính, website của các cơ quan nhà nước để đánh cắp thông tin, phá hoại; thậm chí, chúng triệt để lợi dụng, coi không gian mạng là “mảnh đất màu mỡ” để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội, v.v.

Nhận thức rõ những vấn đề trên; đồng thời, khẳng định không gian mạng là chủ quyền quốc gia, nên Đảng, Nhà nước ta đã xây dựng, ban hành hệ thống văn bản pháp luật để phát huy mặt tích cực, quản lý, khắc phục những hạn chế, tiêu cực của Internet. Việt Nam đã ban hành Luật An ninh mạng, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Nghị định số 53/2022/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, v.v. Trong quá trình xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật này đều được thực hiện theo đúng quy trình, quy định của pháp luật Việt Nam và tuân thủ các quy định về quyền con người trong các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Trên thực tế, do người dân được tự do sử dụng, truy cập Internet nên số lượng người dùng Internet ở Việt Nam liên tục tăng, nằm trong top 10 nước có số lượng người dùng nhiều trên thế giới. Theo thống kê mới nhất của Công ty chuyên phân tích mạng xã hội toàn cầu, tính đến tháng 01/2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng internet, tương đương 79,1% dân số. Với việc người dân được tự do sử dụng, truy cập Internet đã góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước phát triển, trình độ dân trí được nâng cao. Trong một số lĩnh vực, các cơ quan chức năng như cảnh sát giao thông đã sử dụng hình ảnh được người dân ghi lại, chia sẻ trên mạng xã hội làm bằng chứng để xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật, được dư luận đồng tình ủng hộ. Song, có một số công dân do nhận thức chưa đầy đủ, bị xúi giục, kích động,... nên đã lợi dụng mạng xã hội để có hành động làm, phát tán các tài liệu tuyên truyền, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước, kêu gọi gây rối trật tự công cộng, lật đổ chính quyền. Điển hình, như: Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Đình Lượng, Nguyễn Lân Thắng, Phạm Đoan Trang, v.v. Đây chính là những đối tượng đã có những hành động vi phạm pháp luật Việt Nam, được quy định trong Bộ Luật Hình sự, Luật An ninh mạng và đã bị điều tra, xét xử nghiêm minh, bảo đảm đúng người, đúng tội.

Vậy thử hỏi, ba tổ chức phi chính phủ là Hiến chương 19, Sáng kiến Pháp lý Việt Nam và Open Net đưa ra dẫn chứng việc bắt giữ, kết tội những kẻ vi phạm pháp luậtViệt Nam, rồi suy diễn cho rằng: Việt Nam vi phạm tự do Internet, Luật An ninh mạng năm 2018 và Nghị định số 53 ban hành năm 2022 của Chính phủ vi phạm quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư có đúng không? Quí vị có thấy quốc gia nào trên thế giới những kẻ vi phạm pháp luật mà không bị xử lý không? Do vậy, những yêu cầu của cái gọi là “ba tổ chức phi chính phủ” trên là hoàn toàn vô lý, không có cơ sở. Và, chính quí vịđang vu cáo, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam - một đất nước có độc lập, chủ quyền. Việc này của quí vị mới cần bị đấu tranh, lên án./.