Oct 20, 2020

Trò lố

            Tre Việt - Chiều 18/10, Thủ tướng Suga Yoshihide và phu nhân Suga Mariko đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 18 đến 20/10 theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Suga sau một tháng nhậm chức (ngày 16/9/2020) và là lần thứ hai liên tiếp Thủ tướng mới của Nhật Bản chọn Việt Nam là nước đi thăm đầu tiên ngay sau khi nhậm chức. Chuyến thăm của Thủ tướng Suga mang ý nghĩa lớn không chỉ đối với quan hệ song phương Việt Nam - Nhật Bản, mà còn là một thông điệp về hợp tác quốc tế. Qua chuyến thăm, Thủ tướng Nhật Bản muốn tiếp tục tăng cường quan hệ với Việt Nam, trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực và trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Thế mà, ngày 18/10, trang facebook RFA đăng status trích cái gọi là: thông cáo báo chí của tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW), do ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á của HRW viết rằng: “Nhật Bản nên sử dụng đòn bẩy là nhà tài trợ chính của Việt Nam và Indonesia để gây sức ép lên cả hai (chính quyền), chấm dứt vi phạm quyền con người…”. Trước đó, HRW đã ra những luận điệu vu cáo chính quyền Việt Nam “tiếp tục có những vi phạm về các quyền dân sự và chính trị của người dân bằng cách hạn chế quyền tự do bày tỏ ý kiến, lập hội, tụ tập ôn hòa, tự do tôn giáo…”; tổ chức này cũng không quên dẫn chứng một số cái tên mà họ gọi là “tù nhân chính trị” tại Việt Nam để minh chứng cho luận điệu xuyên tạc về tình hình nhân quyền tại Việt Nam như: Cấn Thị Thêu và hai con của ả là Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư; Nguyễn Thị Tâm, Phạm Thị Đoan Trang, v.v.

Nội dung thông cáo báo chí của HRW cho thấy, kịch bản cũ được lặp lại, vẫn là chiêu thức đánh tráo bản chất, mặc nhiên coi những đối tượng phạm pháp trong các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, chống đối, nhằm lật đổ chính quyền nhà nước thành nhà hoạt động cải cách, dân chủ, đấu tranh vì dân quyền, v.v. Bịa đặt, thổi phồng về tình hình nhân quyền ở Việt Nam; cổ súy, lợi dụng số đối tượng chống đối, bị chính quyền bắt giam, phạt tù để quy chụp và vu cáo một cách vô căn cứ, xuyên tạc tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Sự thật là, ngày 14/9, phát biểu tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 45, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, khẳng định: chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, được cộng đồng quốc tế tin tưởng, đánh giá cao; việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người được thực hiện tốt nhất và đem lại hiệu quả cao nhất thông qua đối thoại và hợp tác. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam luôn cam kết bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong bối cảnh đại dịch Covid-19; ủng hộ hợp tác quốc tế và cách tiếp cận đa phương nhằm ứng phó hiệu quả với đại dịch và phục hồi hậu đại dịch; coi trọng các chính sách ổn định kinh tế - xã hội, các biện pháp nhằm giảm thiểu tối đa tác động của đại dịch Covid-19 đối với quyền sống, quyền chăm sóc y tế và mưu sinh của người dân Việt Nam, đặc biệt quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.

Về vấn đề quan hệ Việt Nam và Nhật Bản, trong những năm gần đây, quan hệ giữa hai nước phát triển nhanh chóng, rất tốt đẹp, Nhật Bản là nước thuộc nhóm G7 đầu tiên đón Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến thăm (năm 1995); thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009); công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (năm 2011) và cũng là nước thuộc G7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng (tháng 5/2016). Trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào tháng 3/2014, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á. 

Từ quan hệ tốt đẹp đó đã tạo sự tin cậy cao giữa hai nước và ngày càng được củng cố. Các chuyến thăm, tiếp xúc ở các cấp, nhất là cấp cao được duy trì thường xuyên ở các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội cũng như tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Hai bên có các cơ chế hợp tác quan trọng, Ủy ban Hợp tác Việt-Nhật do hai Bộ trưởng Ngoại giao làm đồng chủ tịch; Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản về ngoại giao - an ninh, quốc phòng cấp thứ trưởng ngoại giao; Đối thoại chính sách quốc phòng Việt - Nhật cấp thứ trưởng; Đối thoại An ninh cấp thứ trưởng; Ủy ban hỗn hợp về thương mại, năng lượng và công nghiệp; Đối thoại Nông nghiệp cấp bộ trưởng; Đối thoại chính sách biển Việt Nam - Nhật Bản cấp bộ trưởng, v.v. Quan hệ đó góp phần giữ gìn hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển không chỉ của hai nước mà còn của khu vực.

 Chuyến thăm của Thủ tướng Suga cũng không nằm ngoài mục đích đó. Giới quan sát nhận định: Thủ tướng Nhật Bản đến thăm Việt Nam khi Hà Nội đang là Chủ tịch ASEAN nhằm thể hiện sự ủng hộ vai trò trung tâm của Hiệp hội; đồng thời, Nhật Bản muốn cùng Việt Nam xác định hướng hợp tác lâu dài do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đặc biệt là phối hợp trong chuỗi cung ứng toàn cầu mới.

Vậy mà, tổ chức HRW ra sức đưa ra cái gọi là: thông cáo báo chí, can thiệp, gây sức ép nhằm phá hoại những thành quả tốt đẹp trong quan hệ hợp tác quốc tế của Việt Nam. Việc làm đó không những vi phạm tôn chỉ mục đích hoạt động của HRW, mà còn can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam, phá hoại quan hệ tốt đẹp Việt Nam - Nhật Bản. Đó là trò lố của HRW./.

 

Gắp lửa bỏ tay người

            Tre Việt - Trang Facebook Việt Tân, ngày 19/10/2020 có đăng status “Miền Trung đang lũ lụt tang thương, nhưng khắp cả nước Đảng Cộng sản vẫn nhộn nhịp tổ chức đại hội với những lời tung hô thành công rực rỡ”, “Đảng Cộng sản đừng vì “bộ lông của mình” mà quay lưng với nỗi đau đồng loại”. Đây là hành động “gắp lửa bỏ tay người”.

Thiên tai, lũ lụt là điều không ai mong muốn, song nó vẫn xảy ra. Những ngày này, miền Trung nước ta đang phải hứng chịu cảnh lũ lụt lớn hơn trận lũ lịch sử năm 1999, gây ra hậu quả nặng nề về tính mạng con người và tài sản của cá nhân, tập thể. Nguyên nhân đợt lũ lụt lần này là do hoàn lưu áp thấp nhiệt đới hình thành và liên tiếp biến động trên Biển Đông. Khởi đầu là áp thấp nhiệt đới thứ nhất (từ ngày 06/10 - 08/10), áp thấp nhiệt đới thứ 2 (ngày 10/10) cho đến Bão số 6 (ngày 11/10), tiếp đó là áp thấp nhiệt đới thứ 3 (ngày 12/10), Bão số 7 (ngày 13/10) và áp thấp nhiệt đới thứ 4 (ngày 16/10), đã khiến cho lượng mưa lớn, liên tục đổ dồn về khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam khiến nhiều địa phương ở miền Trung bị ngập lụt trên diện rộng, nhiều nơi nước lũ dâng cao, chia cắt, cô lập hơn 200 xã. Cũng do mưa kéo dài nhiều ngày, nền đất nhão, yếu nên đã xảy ra tình trạng sạt lở đồi, núi, gây ra hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Theo thống kê, trong đợt mưa lũ lần này đã có hàng trăm người chết, mất tích; hàng chục nghìn ngôi nhà, trường học, trạm y tế,… bị ngập, lũ cuốn trôi, v.v.

Trước tình hình đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã trực tiếp đến hiện trường, sát sao chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương, các ban, bộ, ngành mà trực tiếp là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ, tiếp tế lương thực, thực phẩm, giúp đỡ nhân dân vùng lũ. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, đồng bào trong cả nước ủng hộ, hướng về đồng bào miền Trung. Cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị Quân đội đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện cho việc tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, tiếp tế, cứu trợ. Trong khi làm nhiệm vụ, đã có 36 cán bộ, chiến sĩ hy sinh; trong đó, có nhiều cán bộ cao cấp, đảng viên cả trong và ngoài Quân đội. Nhiều ban, bộ, ngành đã phát động cán bộ, nhân viên ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung ít nhất một ngày lương. Trên thực tế, nhiều đại hội đảng bộ của các tỉnh đã phát động phong trào ủng hộ, tiết kiệm chi tiêu không cần thiết để ủng hộ, hướng về miền Trung ngay trong quá trình diễn ra đại hội, như: Hà Tĩnh, Hậu Giang, Vĩnh Phúc,… Riêng tỉnh Thừa Thiên Huế đã tạm hoãn Đại hội Đảng bộ Tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 để lãnh đạo địa phương tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ. Điều đó chứng tỏ những cán bộ, đảng viên đang đau với nỗi đau của đồng bào bị lũ lụt miền Trung, sao Việt Tân lại nói Đảng Cộng sản Việt Nam “quay lưng với nỗi đau của đồng loại”? Việc làm đó của Việt Tân chỉ để kích động, chia rẽ, gây hoang mang dư luận mà thôi.

Còn việc tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc là nhiệm vụ quan trọng, đã có kế hoạch xác định và được chuẩn bị từ lâu. Đây là công việc hệ trọng không những của Đảng mà của cả hệ thống chính trị và toàn dân để bàn bạc, thảo luận những chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội với từng địa phương và cả nước trong 05 năm tới và những chặng đường tiếp theo. Trong từng đại hội đều đề cập đến việc bảo đảm an sinh xã hội, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai của địa phương ra sao, v.v. Vì thế, việc cứu trợ, cứu hộ cứu nạn đồng bào miền Trung và tổ chức đại hội đảng ở các tỉnh đều là những nhiệm vụ quan trọng, phải tiến hành đồng thời. Thế mà Việt Tân cố tình làm ngơ. Vì vậy, cần cảnh giác với hành động “Gắp lửa bỏ tay người” của chúng./.