Jan 14, 2019

Không thể ngăn cản được lợi ích của mối quan hệ EU với Việt Nam


Tre việt - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, gọi là EVFTA sắp được ký kết sẽ mang lại lợi ích lớn cho nhân dân Việt Nam và các nước EU.
Nhận thấy lợi ích to lớn này, các nhà “dâm chủ” trong nước, các tổ chức nhân quyền quốc tế và thế lực thù địch ra sức chống phá, coi đây là cơ hội để gây sức ép cho Việt Nam về vấn đề dân chủ, nhân quyền. Chúng tích cực vận động hành lang để có những tác động đến Nghị viện châu Âu, như: tháng 9-2018, chúng vận động 32 dân biểu Quốc hội châu Âu ký tên vào bức thư gửi tới bà Federica Mogherini và bà Malmstrom (Đại diện cấp cao của EU) để yêu cầu khối này tăng sức ép, buộc Việt Nam cải thiện nhân quyền trước khi thông qua EVFTA; tháng 10-2018, chúng vận động Ủy ban chuyên trách thương mại quốc tế (thuộc Nghị viện châu Âu) thực hiện buổi điều trần công khai về EVFTA, v.v.
Ngày 10-01-2019 vừa qua, tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế (HRW) kêu gọi EU hoãn phê chuẩn EVFTA, với lý do và thời hạn là: “cho tới khi Chính phủ Việt Nam có các biện pháp cụ thể để cải thiện hồ sơ nhân quyền ngày càng tệ hại của mình” (!).
Tuy nhiên, đi ngược lại với ý đồ của chúng, EVFTA vẫn được đàm phán theo đúng lộ trình đã định. Nguyên nhân chủ yếu là các doanh nghiệp châu Âu “khát” thị trường gần 95 triệu dân. Theo đó, những năm qua, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh, lượng người có thu nhập trung bình trở lên tăng nhanh chóng khiến thị trường tiêu dùng với gần 95 triệu dân thực sự là điểm đến lý tưởng của hàng tiêu dùng châu Âu, nhất là nông sản, thực phẩm, sản phẩm thịt, sữa và dược phẩm. Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), công bố ngày 08-10-2018 tại Brussels (Bỉ), gần như tất cả doanh nghiêp châu Âu mong đợi EVFTA sẽ được thông qua và thực thi vào năm 2019, hoặc sớm nhất có thể. Theo báo cáo này, gần 80% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng, EVFTA sẽ tác động “mạnh mẽ” đến hoạt động kinh doanh trung hạn hoặc dài hạn; sẽ giúp Việt Nam tăng tính cạnh tranh; biến Việt Nam trở thành cánh cổng giao thương cho các doanh nghiệp châu Âu trong khu vực Đông Nam Á.
Đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam nhận định và cho biết, theo dự tính, EVFTA sẽ khiến nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng 35% - 40%, nhiều công ty châu Âu sẵn sàng đầu tư vào nông nghiệp, dược phẩm, thực phẩm của Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực. Những chuyến đi của doanh nghiệp châu Âu đến Việt Nam ngày một dày hơn, đón đầu thời điểm EVFTA thực thi để tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh đã cho thấy điều đó. Rất nhiều sản phẩm từ EU như máy móc, thịt bò, sữa, rượu vang, dược mỹ phẩm,… đang chờ đến “thời điểm vàng” để vào Việt Nam.
Theo các kết quả đàm phán, EVFTA sẽ cho phép giảm 99% thuế quan đối với tất cả các mặt hàng, trong đó, một số mặt hàng sẽ giảm thuế theo thời gian, lộ trình cụ thể và một số sẽ bị giới hạn về hạn ngạch. Ví dụ, Việt Nam sẽ miễn thuế đối với xe ô tô nhập khẩu từ EU (mức thuế hiện đang là 78%) trong 10 năm tới, miễn thuế đối với rượu vang (mức thuế hiện là 50%) trong 7 năm. Các doanh nghiệp từ EU cũng sẽ được đấu thầu các hợp đồng trong lĩnh vực công của Việt Nam. Việt Nam cam kết bảo vệ 169 sản phẩm đồ uống và thực phẩm của EU. Ngược lại, EU sẽ miễn thuế nhập khẩu trong 7 năm đối với một số sản phẩm của Việt Nam, như hàng dệt may, giày dép, v.v.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ nhì của EU ở Đông Nam Á (chỉ sau Singapore), tổng trị giá trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và EU trong năm 2017 đạt 50,46 tỷ đô la. Mối lợi ích khổng lồ này khiến cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, gây áp lực cho Nghị viện châu Âu đẩy nhanh việc phê chuẩn EVFTA, bất chấp những lời kêu gọi “vô lý” từ HRW. Điều đó cho thấy, không gì ngăn cản được lợi ích của mối quan hệ EU với Việt Nam./.

'Facebook đang vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam'

                           
Nguồn: Zing.vn:   https://news.zing.vn/facebook-dang-vi-pham-nghiem-trong-phap-luat-viet-nam-post907266.html 

                                       “Tất cả sản phẩm mà nếu rao bán ngoài đời thực có thể nhận án tù
                                       thì Facebook lại cho phép quảng cáo tràn lan”, lãnh đạo Cục PTTH và TTĐT cho biết.
Theo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), Facebook vi phạm pháp luật Việt Nam trên 3 lĩnh vực lớn gồm quản lý nội dung thông tin, quảng cáo trên mạng, thuế và thanh toán xuyên biên giới. Việt Nam hiện xếp thứ 7 trong số những quốc gia có lượng người dùng lớn nhất với 58 triệu người dùng (tính đến tháng 4/2018).
'Quảng cáo chính trị', nói xấu người khác
Theo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, về vấn đề kiểm soát nội dung, Facebook vi phạm rất nghiêm trọng các luật, nghị định, thông tư đã ban hành, đã có hiệu lực gồm luật an ninh mạng, nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và thông tư 38 về quản lý hoạt động cung cấp thông tin công cộng xuyên biên giới.
Cụ thể, Facebook không bóc gỡ các fanpage, tài khoản của các tổ chức phản động được Bộ Công an liệt kê trong danh sách, những tài khoản, fanpage nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đó là chưa kể đến những trang phái sinh, chia sẻ lại bài viết để lan truyền các thông tin chống phá trực diện. Với các tài khoản nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Facebook có tiến hành gỡ bỏ nhưng rất hạn chế.
“Họ làm rất lâu. Chúng tôi yêu cầu gỡ bỏ các tài khoản nói xấu lãnh đạo trong vòng 48 tiếng nhưng họ chỉ gỡ sau vài tháng. Mới đây, Facebook đã gỡ 3.000 status nói xấu, gồm cả tài khoản nhưng sau đúng một năm khi Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu”, lãnh đạo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cho biết.
Thứ hai, Facebook cho phép các tài khoản hoạt động rao bán, quảng cáo sản phẩm và dịch vụ bất hợp pháp tại Việt Nam. “Tất cả sản phẩm mà nếu rao bán ngoài đời thực có thể nhận án tù thì Facebook lại cho phép quảng cáo tràn lan”, vị này cho hay.
Tất cả sản phẩm mà nếu rao bán ngoài đời thực có thể nhận án tù thì Facebook lại cho phép quảng cáo tràn lan"
- Lãnh đạo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử.
Truy cập Facebook, không khó để người dùng tìm thấy các màn rao bán vũ khí, vật liệu cháy nổ, buôn bán người, hàng giả, động vật hoang dã hay mặt hàng không được phép quảng cáo như rượu. Mạng xã hội này cũng cho phép quảng cáo tràn lan cờ bạc, lô đề, quảng cáo mại dâm.
Facebook cũng cho phép người dùng mua quảng cáo để phát tán thông điệp tới một nhóm đối tượng mà người đó mong muốn.
Tại Việt Nam, những hành vi này đã xảy ra và mức độ rất nghiêm trọng. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã bị ai đó đăng thông tin sai trái, sau đó mua quảng cáo, tiếp cận với một lượng người dùng khổng lồ, cũng như cơ quan chức năng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự cũng như hoạt động kinh doanh của họ.
Với hình thức này, bất cứ ai cũng có thể phát tán các nội dung chưa được kiểm chứng nhằm mục đích tạo khủng hoảng truyền thông.
Chỉ cần lập fanpage, tung thông tin và chạy quảng cáo hướng đến nhóm đối tượng nhất định (ở đây là trên 18 tuổi, sống ở Hà Nội), bất kỳ ai cũng có thể phát tán nội dung chưa được kiểm chứng nhằm mục đích tạo khủng hoảng truyền thông.
Với tập người dùng khổng lồ lên đến 2,5 tỷ người, Facebook phân loại được từng nhóm đối tượng, sau đó đưa thông tin lên news feed của đúng nhóm đối tượng mục tiêu.
Một thuật ngữ mới có tên "quảng cáo chính trị" đang tạo ra mối nguy hại rất lớn. Tại Mỹ, 2 thượng nghị sĩ đã trình dự thảo cấm "quảng cáo chính trị". Tại Việt Nam, Bộ Thông tin Truyền thông đã yêu cầu Facebook không cho cá nhân tổ chức mua quảng cáo nói xấu cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, Facebook trả lời mập mờ rằng sẽ nghiên cứu và trả lời sau. Theo đánh giá của Bộ, "quảng cáo chính trị" không chỉ tác động đến cá nhân, tổ chức mà còn tác động đến an ninh quốc gia.
Thứ ba, Facebook hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, nhận tiền từ người dùng Việt Nam để chạy quảng cáo nhưng không nộp thuế tại Việt Nam.
Theo số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2018 mức độ chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam ước đạt 550 triệu USD, trong đó quảng cáo chi cho Facebook chiếm 235 triệu USD. Riêng Google và Facebook chiếm 66,7% thị phần quảng cáo tại Việt Nam và hoàn toàn không đóng thuế.
Quảng cáo cờ bạc, mại dâm
Facebook cũng cho các game cờ bạc, mại dâm, quảng cáo tràn lan tại Việt Nam và thu lợi bất chính từ những quảng cáo này.
Chính sách quảng cáo Facebook nêu rõ, mạng xã hội này không chấp nhận hiển thị quảng cáo thực phẩm chức năng, sản phẩm, dịch vụ người lớn... Tuy vậy, những quảng cáo này vẫn nhan nhản xuất hiện trong thời gian qua.
Quảng cáo thuốc kích dục, dịch vụ y học - những thứ nằm trong danh mục cấm chạy quảng cáo của Facebook.
Gần đây, nhiều người dùng phản ánh các quảng cáo lách luật xuất hiện trên news feed của họ. "Các quảng cáo này sử dụng các ký tự đặc biệt hoặc dấu chấm giữa những từ nhạy cảm. Những từ này vừa khó đọc, vừa có nội dung xấu. Tôi rất bất ngờ khi Facebook nhận tiền để quảng cáo thuốc kích dục như vậy", Thùy Linh, người dùng Facebook ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM chia sẻ.
Theo ông Lê Minh Hiệp, người làm lâu năm trong lĩnh vực quảng cáo đa nền tảng, những mặt hàng như nước hoa kích dục, thực phẩm chức năng, thuốc trị bệnh chưa biết hiệu quả đến đâu nhưng đều vi phạm chính sách quảng cáo của Facebook. "Trên lý thuyết là vậy, nhưng giới "cao thủ chạy ads" vẫn có những chiêu trò để né được sự kiểm duyệt này", ông Hiệp nói.
"Đầu tiên họ sẽ chuẩn bị một tài khoản Facebook có độ tin cậy cao. Để lấy được lòng tin từ Facebook, tài khoản này phải đáp ứng các điều kiện như đã từng chạy quảng cáo các sản phẩm sạch với lượng tiền lớn", ông Trọng Nhân, một người trong "giới chạy ads" chia sẻ.
Sau khi có được tín nhiệm từ Facebook, các trang này bắt đầu đổi hướng sang chạy những nội dung quảng cáo vi phạm chính sách. "Đa phần những từ khóa nhạy cảm sẽ được diễn đạt dưới dạng ẩn ý, không tập trung vào mặt hàng, dùng tiếng lóng... Đồng thời những từ khóa này sẽ được tùy biến lại bằng những ký tự đặc biệt của bộ mã Unicode", ông Hiệp nói thêm.
"Với tỷ lệ chốt đơn cho những mặt hàng ngách này khá cao. Chỉ cần một lần Facebook 'cắn tiền', những nhà quảng cáo sản phẩm bẩn có thể có thu nhập vài chục triệu đồng/ngày", ông Trọng Nhân cho biết.
Facebook ‘câu giờ’ với cơ quan chức năng VN
Theo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhiều lần gửi công văn, email, làm việc chính thức với Facebook nhưng mạng xã hội này đều dùng các lý do khác nhau để thoái thác.
“Việc ngăn chặn các quảng cáo trái phép hoàn toàn nằm trong khả năng của Facebook nhưng họ chỉ làm khi chúng ta gửi báo cáo và thời gian cũng mất rất lâu. Nguyên nhân sâu xa nằm ở việc Facebook sống nhờ quảng cáo nên họ đang gián tiếp tiếp tay cho những hoạt động sai trái này”, lãnh đạo Cục cho hay.
“Dưới góc độ kinh doanh, không có lý do gì một doanh nghiệp khi vào Việt Nam kinh doanh, kiếm vài trăm triệu USD mà không tuân thủ pháp luật. Mục đích họ sang, gặp mặt chúng ta chỉ là để câu giờ. Họ không bao giờ chốt các vấn đề, không làm việc bằng văn bản bản chất. Facebook đang kinh doanh kiếm lời tại một quốc gia và không tuân thủ luật pháp quốc gia đó", vị này khẳng định.
Mục đích họ sang gặp mặt chúng ta chỉ để câu giờ. Facebook đang kinh doanh kiếm lời tại một quốc gia và không tuân thủ luật pháp quốc gia đó
- Lãnh đạo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử.
Theo đại diện Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, việc yêu cầu Facebook tuân thủ pháp luật Việt Nam cần có sự chung tay của nhiều bên, trong đó, không thể thiếu sự hợp tác của Tổng cục Thuế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Phía Bộ Thông tin và Truyền thông đang yêu cầu Facebook ký kết bổ sung cam kết tuân thủ pháp luật Việt Nam trong thỏa thuận đặt máy chủ tại Việt Nam với các nhà cung cấp mạng. Theo Cục Viễn thông, hiện có 8 nhà cung cấp trong nước đang hợp tác với Facebook, đặt khoảng 900 máy chủ tại Việt Nam.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan để quản lý các hoạt động thanh toán, thuế đối với giao dịch thương mại, quảng cáo tại Việt Nam của Facebook.
Bộ cũng đang tính đến phương án áp dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết trong trường hợp Facebook không có động thái tích cực.
Thành Duy