Trong dòng chảy cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hiện nay, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy Nhà nước chính là minh chứng sinh động cho tầm nhìn chiến lược, sự đổi mới tư duy và dũng khí chính trị của Đảng, Nhà nước. Đây không đơn thuần là một cuộc sáp nhập hành chính, mà là hành động cải tổ có tính căn cơ, chiến lược - thể hiện bản lĩnh cải cách vì dân, vì nước. Thế nhưng, trong khi cả hệ thống chính trị đang đồng lòng vào cuộc, thì một số thế lực thù địch, các tổ chức phản động như Việt Tân lại ra sức bóp méo sự thật, tung ra luận điệu xuyên tạc, thiếu tinh thần xây dựng và phản dân hại nước.
Cuộc sáp nhập lần này không phải là sự
“chia việc cơ học”, càng không phải là “cuộc chiến chính trị” như những kẻ chống
phá suy diễn. Đây là bước chuyển lớn của bộ máy Nhà nước, lần đầu tiên trong gần
nửa thế kỷ, số đơn vị hành chính cấp tỉnh được thu gọn còn 34 - là con số ít nhất
kể từ sau ngày thống nhất đất nước. Đây không phải là một con số khô khan, mà
phản ánh một bước tiến về tư duy quản trị quốc gia, nhằm xóa bỏ tình trạng
cồng kềnh, chồng chéo, trùng lặp và lãng phí nguồn lực kéo dài trong nhiều năm
qua.
Sự tinh gọn lần này không đơn thuần dựa
trên ranh giới hành chính hay mật độ dân cư, mà là một cuộc tái cấu trúc
chiến lược toàn diện, tính đến không gian phát triển dài hạn, năng lực tích hợp
vùng, hạ tầng kết nối, văn hóa - xã hội - quốc phòng và đặc biệt là hiệu quả phục
vụ nhân dân. Điều này đập tan luận điệu rằng việc sáp nhập làm “khó khăn thêm
cho người dân”. Ngược lại, một bộ máy nhỏ hơn, rõ ràng hơn về phân quyền - phân
cấp sẽ giúp tinh giản thủ tục, tiết kiệm thời gian, nâng cao chất lượng dịch vụ
công. Một cấp xã hoạt động hiệu quả là tiền đề để Trung ương mạnh, để công cuộc
quản trị quốc gia bước sang một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên của Chính phủ số -
công dân số - và xã hội số.
Chỉ trong vòng vài tháng triển khai, hơn
70% các địa phương đã hoàn tất việc sắp xếp tổ chức, kiện toàn nhân sự, vận
hành bộ máy mới - đó là sự đồng thuận, không chỉ của hệ thống chính trị mà còn
là niềm tin của nhân dân. Câu nói của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội
nghị ngày 15/6/2025: “Đảng chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng
tình, nhân dân ủng hộ thì chỉ bàn làm, không bàn lùi” - chính là bản tuyên
ngôn cho quyết tâm và niềm tin chiến lược đó.
Vậy thì tại sao một số kẻ lại cố tình
công kích, bịa đặt rằng “Quốc hội chịu sự chi phối của Bộ Chính trị” để hạ thấp
vai trò của cơ quan quyền lực cao nhất? Đơn giản, vì mục tiêu thật sự của họ
không phải là phản biện chính sách mà là công kích thể chế, cổ súy cho mô
hình “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự kiểu phương Tây” và mưu toan lái Việt
Nam ra khỏi quỹ đạo mà nhân dân đã lựa chọn. Đó là giọng điệu không mới, nhưng
ngày càng xảo quyệt, tinh vi, khi núp bóng những vấn đề được quan tâm để
đánh lạc hướng dư luận, gieo rắc hoài nghi, chia rẽ niềm tin.
Một số kẻ còn lớn tiếng đòi “xem lại ý
nghĩa sáp nhập”, rồi rêu rao rằng “tái cấu trúc bộ máy là cuộc chiến nội bộ để
giành quyền lực”. Đây là một sự vu khống trắng trợn. Thực tế, việc sáp nhập
không những không gây bất ổn, mà ngược lại đã khai phóng cơ hội thăng tiến
cho cán bộ thực chất, có năng lực, chấm dứt tư duy “chia ghế theo đơn vị hành
chính”, giúp tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần trẻ hóa và
chuẩn hóa đội ngũ công chức, viên chức từ cơ sở lên cấp tỉnh.
Từ
góc độ cải cách thể chế, cuộc cách mạng lần này là cú huých mạnh vào “điểm
nghẽn lịch sử” - tình trạng trì trệ, dàn trải, cơ cấu phình to nhưng hiệu
quả thấp. Chúng ta không thể bước vào kỷ nguyên mới bằng tư duy hành chính cũ,
mô hình quản lý lạc hậu. Chúng ta cần một bộ máy nhỏ nhưng tinh, một hệ thống
công quyền mà mỗi đồng lương công chức đi kèm với giá trị phục vụ rõ rệt cho
nhân dân, chứ không phải một hệ thống mà mỗi “ghế” là một “biên chế cồng kềnh”.
Dưới góc nhìn lịch sử, chưa bao giờ đất
nước ta hội tụ được đồng thời: ý chí chính trị mạnh mẽ, cơ hội chuyển
đổi số toàn diện, và sự đồng thuận xã hội sâu rộng như lúc này. Những
ai từng đi qua thời kỳ chia tách tỉnh ồ ạt sau năm 1975 để quản lý dễ hơn, sẽ
hiểu rằng lần cải cách hiện nay không phải là “đi lùi” - mà là bước nhảy vọt
về chất lượng quản trị. Nếu như khi xưa, chia tách để nắm bắt sát sao, thì ngày
nay, kết nối số, hạ tầng hiện đại, và phương thức điều hành khoa học cho
phép chúng ta quản lý cả vùng rộng lớn với hiệu quả cao hơn mà không cần nhân sự
phình to thêm.
Một cuộc cải cách tầm cỡ như vậy tất yếu
sẽ vấp phải những phản ứng từ những nhóm lợi ích cũ, từ các thế lực không muốn
thay đổi vì sợ mất đặc quyền, đặc lợi. Nhưng cũng như mọi cuộc cải cách vĩ đại
khác, sự chính danh, đúng đắn, và lòng dân chính là lá chắn vững chắc nhất.
Những tiếng nói xuyên tạc, bôi nhọ sẽ sớm bị lật tẩy bởi chính sự vận hành hiệu
quả của bộ máy mới, bởi sự hài lòng thực chất của người dân, và bởi sự phát triển
bền vững trong thời gian tới.
Tinh gọn để mạnh hơn. Cải cách để phục vụ
dân tốt hơn. Và dám thay đổi để tiến xa hơn. Đó là con đường đúng, là quyết
sách lịch sử mà không thế lực thù địch nào có thể ngăn cản được. Đã đến lúc
chúng ta tin tưởng, ủng hộ, và cùng đồng hành với cuộc cách mạng tinh gọn bộ
máy - không chỉ bằng lời nói, mà bằng sự hợp tác, đồng thuận và hành động cụ thể
vì một Việt Nam hiện đại, minh bạch và thịnh vượng./.
(Trich nguồn: nhanquyenvn.org)