Sep 4, 2019

Đừng “lập lờ đánh lận con đen”



Tre Việt - Việc Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu với đảng viên trẻ tiêu biểu toàn quốc vừa qua; trong đó có nhắn nhủ họ phải trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân. Đó là nhắn nhủ và yêu cầu của người đứng đầu Đảng và Nhà nước hoàn toàn đúng về lý luận và thực tiễn.
Thế nhưng, có người lại phê phán, họ cho rằng, tại sao lại đặt Đảng lên trên Tổ quốc? Tổ quốc đã có hàng nghìn năm, mà Đảng chưa tròn 90 tuổi? Cần khẳng định đó là sự “lập lờ đánh lận con đen”.
Trước hết, họ đã đồng nhất Tổ quốc với dải đất hình chữ S, đồng nhất Tổ quốc với điều kiện tự nhiên, lịch sử. Nếu vậy, tại sao vẫn dải đất ấy, vẫn điều kiện tự nhiên, lịch sử ấy mà khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam lại không có tên trên bản đồ thế giới? Vấn đề đặt ra là khi ấy ai mới là người làm chủ dải đất hình chữ S đấy? Có phải chế độ phong kiến Việt Nam hay thực dân Pháp? Nếu phong kiến thì tại sao lại không có tên Việt Nam trên bản đồ thế giới? Lúc này có gọi là Tổ quốc Việt Nam được không?
Thứ hai, để cấu thành tổ quốc, ngoài điều kiện tự nhiên, lịch sử thì yếu tố cơ bản không thể thiếu là vấn đề chính trị - xã hội, hay kiến trúc thượng tầng. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời lãnh đạo nhân dân ta đoàn kết đấu tranh chống sự xâm lược của thực dân Pháp, đập tan chế độ phong kiến, lập nên nhà nước công nông, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhà nước ấy có quốc kỳ, quốc ca riêng, có hiến pháp và hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, được cộng đồng quốc tế công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nhà nước ấy. Nhà nước công nông ấy dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam có quyền bình đẳng với các quốc gia - dân tộc trên thế giới. Việt Nam lại có tên trên bản đồ thế giới. Đấy mới là Tổ quốc Việt Nam hoàn chỉnh có đầy đủ hai yếu tố của một tổ quốc là (1). Về phương diện tự nhiên, lịch sử và (2). Về phương diện chính trị - xã hội. Thiếu một trong hai yếu tố trên thì không thể gọi là tổ quốc.
Như vậy, không có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân ta giành chính quyền từ tay thực dân Pháp thì không có Tổ quốc Việt Nam. Cho nên, nói phải trung thành với Đảng là để Tổ quốc mãi trường tồn. Khi nói trung thành với Tổ quốc được hiểu là phải có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia - dân tộc. Tất nhiên, Tổ quốc ấy để phục ai? Phục vụ nhân dân nên phải trung thành với nhân dân, phụng sự nhân dân bằng mọi điều kiện, khả năng của mình. Đấy mới là người đảng viên chân chính. Vậy thì, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi đề cập đến đạo đức của người cán bộ, đảng viên nói chung, đảng viên trẻ - người chủ tương lai của dân tộc phải trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân là phù hợp cả về lý luận thực tiễn và văn hóa, đạo đức. Xin đừng “lập lờ đánh lận con đen”./.

Dùng mạng xã hội thời 4.0: “Cần cái đầu lạnh và trái tim nóng”


        

 Tre Việt - Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, ở Việt Nam hiện nay có khoảng 90 triệu người dùng mạng xã hội. Không phủ nhận những tiện ích mà mạng xã hội mang lại, như: cung cấp lượng thông tin khổng lồ, mọi người có thể dễ dàng bày tỏ, trao đổi, chia sẻ những quan điểm, tư tưởng, suy nghĩ của cá nhân trước những sự việc, sự kiện, hoạt động diễn ra trong cộng đồng xã hội, v.v. Song, bên cạnh những tiện ích đó, các trang mạng xã hội, nhất là các trang mạng xã hội có máy chủ đặt ở nước ngoài đang là “mảnh đất” màu mỡ để các thế lực thù địch, phản động, bất mãn, tiêu cực lợi dụng tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ; kích động, xúi giục biểu tình gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thế nên, các trang blog, fan page, facebook phản động đang nở rộ, “mọc lên” như nấm sau mưa. Các trang mạng xã hội này đang tạo ra một “ma trận” nhiễu loạn thông tin. Thôi thì gi gỉ gì gi, cái gì nhìn trộm thấy, nghe hơi nồi trõ thấy,… họ đều đăng, chia sẻ lên mạng xã hội không cần kiểm chứng đúng, sai, làm cho chuyện bé xé ra to, chuyện nọ sọ chuyện kia, thông tin thật, giả lẫn lộn. Điều đó, đang tác động, ảnh hưởng xấu không nhỏ tới nhận thức, tư tưởng, khiến cho người dùng mạng xã hội cũng như dư luận xã hội không khỏi hoang mang, hoài nghi, v.v.
          Có thể nhận thấy rằng: việc bùng nổ thông tin trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là điều tất yếu. Nhưng người dùng mạng xã hội hãy luôn là những người thông thái, với “cái đầu lạnh và trái tim nóng”.
          Cái đầu lạnh để làm gì?
          Trong ma trận nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội hiện nay thì người dùng mạng xã hội cần dùng cái đầu lạnh để tỉnh táo nhận biết, phân biệt, phân loại thông tin, có sự chắt lọc, tiếp thu, xử lý thông tin một cách chính xác. Trên thực tế, đã có một bộ phận không ít người dùng mạng xã hội khi tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội làm cho cái đầu nóng lên và rồi bột phát, cảm tính đưa ra những bình luận, chia sẻ theo kiểu “mình thích thì mình like thôi”,… để lại những hậu quả xấu, không có lợi cho Đảng, tổ chức và cá nhân.
          Trái tim nóng để làm gì?
          Trước những thông tin từ mạng xã hội, nhất là những thông tin trái chiều, tuyên truyền, xuyên tạc, nói xấu chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, người dùng mạng xã hội cần dùng trái tim nóng của mình để lan tỏa, chia sẻ những hành động, việc làm tốt trong xã hội, lấy cái tốt lấn át cái xấu; để giải thích, chỉ rõ bản chất, mục đích, âm mưu của chúng, định hướng hành động cho những người xung quanh. Ở mức độ cao hơn, người dùng mạng xã hội cần dùng trái tim nóng để lên tiếng đấu tranh phản bác những thông tin sai trái, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ thành quả của cách mạng, nền tảng tư tưởng của Đảng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, v.v.
          Cuộc đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ dễ dàng cả, mà luôn gay go, phức tạp. Vì thế, dùng mạng xã hội với “cái đầu lạnh và trái tim nóng” được xem là xu thế hợp thời./.