Jun 21, 2018

Công cụ giúp dân, phòng giặc


Tre Việt - Ngày 12-6-2018, sau khi Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng, các thế lực thù địch cho rằng, “Luật An ninh mạng là để dọa dân chứ không phòng giặc” (?)
Tại Việt Nam, sau 20 năm sử dụng internet, nhờ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ cáp quang mà cước phí liên tục giảm, làm cho các dịch vụ ứng dụng trên nền tảng internet, như: mạng xã hội, thương mại điện tử, xây dựng chính phủ điện tử,… phát triển mạnh, nhất là sau khi triển khai các dịch vụ 3G, 4G. Các ứng dụng công nghệ này đã kết nối cá nhân - tổ chức - xã hội, minh bạch hóa các mối quan hệ và giao dịch, tạo nên nền kinh tế chia sẻ, góp phần giải phóng sức lao động, tiết kiệm thời gian và nguồn lực, thúc đẩy Việt Nam phát triển mạnh mẽ; đồng thời, các hoạt động đó đã tạo nên cơ sở dữ liệu khổng lồ về hồ sơ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, đây là loại tài sản cực quý giá của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tính đến năm 2017, Việt Nam đã có 64 triệu người dùng internet, chiếm 67% dân số cả nước, xếp thứ 12 trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, đây cũng là môi trường thuận lợi cho các hoạt động phi pháp, như: buôn người, mại dâm, cá độ, đánh bạc, tuyên truyền chống phá các tổ chức, cá nhân trong xã hội,… đặc biệt là hoạt động của tin tặc đã gây thiệt hại lớn cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong cả nước. Theo thống kê của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam: năm 2016 khoảng 134.375 sự cố tấn công mạng (tăng 20 lần so với năm 2015); trong 3 tháng đầu năm 2017, đã có hơn 1.500 sự cố tấn công mạng, với khoảng hơn 600.000 máy tính bị nhiễm mã độc, v.v. Các vụ tấn công mạng đã làm hỏng nhiều Website của tổ chức, doanh nghiệp, lộ thông tin khách hàng, đánh cắp tiền và tài khoản ngân hàng,… gây thiệt hại trên 10.000 tỷ mỗi năm và không ngừng tăng lên.
Trước tình hình đó, Luật An ninh mạng ra đời với nhiều điều khoản quy định về quá trình triển khai, cung cấp, xử lý sự cố về an ninh mạng để ngăn chặn sự tấn công của tội phạm mạng, giúp bảo vệ quyền lợi của toàn dân, như:
Một là, giúp củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ thuần phong, mỹ tục. Điều 8 quy định, cấm: soạn thảo, đăng tải, tán phát thông tin có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; xuyên tạc lịch sử, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, kỳ thị giới tính, phân biệt chủng tộc; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội, v.v.
Hai là, bảo vệ uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức trong đời sống xã hội và hoạt động tài chính, sản xuất, kinh doanh. Điều 15 quy định, cấm phát tán thông tin bịa đặt, sai sự thật trên mạng về: sản phẩm, hàng hóa, tiền, trái phiếu, tín phiếu, công trái, séc và các loại giấy tờ có giá khác; trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ,... hoặc các thông tin có nội dung làm nhục, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, v.v.
Ba là, giúp người sử dụng phòng ngừa và khắc phục hậu quả sau sự cố mất an toàn, an ninh mạng. Luật quy định rõ trách nhiệm của nhà cung cấp thiết bị, dịch vụ mạng, như: phải cảnh báo cho người sử dụng về khả năng, tình huống có khả năng mất an ninh mạng và hướng dẫn biện pháp phòng ngừa; xử lý ngay các rủi ro an ninh mạng; có biện pháp ngăn chặn nguy cơ lộ lọt, tổn hại hoặc mất dữ liệu, đồng thời, thông báo tới người sử dụng và báo cáo với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, v.v.
          Cùng với đó, Luật cũng quy định công tác Phòng, chống gián điệp mạng, tấn công mạng, khủng bố mạng,… để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên không gian mạng; quy định Phòng ngừa, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng; có các biện pháp đấu tranh bảo vệ an ninh mạng, nhất là đã xây dựng được cơ chế triển khai bảo vệ hoạt động an ninh mạng.
Bằng những điều khoản “giúp dân, phòng giặc” đó, Luật An ninh mạng ra đời là một bước tiến quan trọng trong việc lành mạnh hóa quá trình kinh doanh và phát triển internet ở Việt Nam; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong cả nước. Vậy nên, những ý kiến phản đối sự ra đời của Luật An ninh mạng đều không có cơ sở./.