Oct 27, 2018

Từ thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng về những vi phạm của ông Chu Hảo: Giữ gìn phẩm giá, uy tín của người trí thức chân chính



QĐND - Trí thức là những người đặc biệt trong xã hội. Tính đặc biệt thể hiện ở chỗ họ có tư duy, hiểu biết, kiến thức hơn người, có khả năng tìm ra những phát minh, sáng chế, sáng kiến góp phần thúc đẩy xã hội phát triển văn minh, tiến bộ và làm giàu của cải vật chất, văn hóa, tinh thần cho xã hội. Nói đến trí thức là nói đến phẩm chất lao động sáng tạo.

Không có tính sáng tạo thì khó có thể gọi là trí thức. Tuy nhiên, một trí thức chân chính, ngoài phẩm chất say mê lao động sáng tạo, thì còn phải có lòng tự trọng, đồng thời phải biết đồng hành, gắn bó thủy chung với cộng đồng, dân tộc, đất nước đã sinh ra, nuôi dưỡng mình lớn khôn, trưởng thành.
Thời gian qua, trong khi phần đông trí thức Việt Nam luôn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình và có nhiều đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, thì vẫn còn một số trí thức có những hành vi làm tổn hại đến sự nghiệp chung, gây bất lợi cho ổn định chính trị và sự đồng thuận xã hội.
Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp thứ 30 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: TTXVN
Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo về những sai phạm rất nghiêm trọng của một trí thức, đó là ông Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc-Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam). Theo thông tin của cơ quan chức năng cung cấp, từ năm 2005 đến 2018, với vai trò là Giám đốc-Tổng biên tập, ông Chu Hảo đã để Nhà xuất bản Tri thức xuất bản 29 cuốn sách có nội dung sai phạm; trao giải thưởng một số đầu sách có nội dung phức tạp, nhạy cảm. Là một đảng viên, nguyên là lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, nhưng từ năm 2011 đến nay, ông Chu Hảo đã tham gia ký tên, soạn thảo và trực tiếp soạn thảo 7 kiến nghị, thư ngỏ với nhiều nội dung chưa đúng, không phù hợp, trái với đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước, để các phần tử xấu lợi dụng, xuyên tạc sự thật, ảnh hưởng đến uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Không chỉ vậy, ông Chu Hảo đã “Vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vi phạm, khuyết điểm này là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật”-như thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra.
Nhiều ý kiến cho rằng, đáng ra ông Chu Hảo phải bị thi hành kỷ luật từ lâu, vì vi phạm của ông diễn ra trong thời gian dài. Mặc dù đã được các cơ quan cấp trên, cơ quan chức năng, tổ chức nghề nghiệp nhiều lần chân thành góp ý, nhắc nhở, nhưng ông vẫn không khắc phục khuyết điểm. Tuy nhiên, vì ông Chu Hảo từng đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo của một bộ, lại là một trí thức có ảnh hưởng nhất định trong đời sống xã hội, nên cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm đã rất thận trọng trong xử lý, xem xét toàn diện ở mọi khía cạnh rồi mới thống nhất đề xuất cấp có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật. Tất nhiên, phải quyết định kỷ luật đối với một trí thức là việc không ai mong muốn. Nhưng như người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta đã từng khẳng định: “Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”.
Qua sự việc này, chúng ta mới thấy không phải cứ là trí thức thì sẽ được mọi người vị nể, trọng vọng. Tài năng đến mấy nhưng không mang tài năng ấy ra phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân, mà lại lợi dụng khả năng, vị thế công tác của mình để làm phương hại đến sự nghiệp chung, tác động xấu đến dư luận xã hội, niềm tin trong nhân dân, thì rất đáng phê phán. Không riêng ông Chu Hảo, thời gian qua, nhân danh “kẻ sĩ yêu nước”, “trí thức thương nòi”, một số tri thức, văn nghệ sĩ đã lợi dụng tên tuổi của mình, lợi dụng bầu không khí tự do sáng tạo, đã có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trong đó nổi lên các biểu hiện như: Phản bác, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”, thể chế “tam quyền phân lập”, phát triển “xã hội dân sự”; nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học-nghệ thuật; cổ xúy cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan; thổi phồng mặt trái của xã hội; sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng…
Trí thức trước hết là một công dân, nên phải có ý thức, bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với xã hội như bao công dân khác. Trong xã hội pháp quyền lại càng đòi hỏi mọi công dân có ý thức sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đối với trí thức là đảng viên thì còn phải chấp hành điều lệ, kỷ luật Đảng. Không những vậy, người trí thức-đảng viên chân chính còn phải tham gia xây dựng, giữ gìn và làm lan tỏa ảnh hưởng vị thế, uy tín, danh dự của Đảng trong xã hội, góp phần làm cho hình ảnh của Đảng ăn sâu vào tình cảm, niềm tin trong nhân dân.
 Là người lao động trí óc, có trình độ học vấn, chuyên môn cao, có năng lực tư duy độc lập và sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy tiến bộ xã hội phát triển. Bất cứ một quốc gia nào muốn phồn vinh, hưng thịnh thì cũng phải đề cao vị thế, vai trò và biết khơi nguồn tiềm năng to lớn, sức mạnh dồi dào của đội ngũ trí thức. Nhận thức rõ vấn đề đó, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có quan điểm nhất quán là “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước. Ðầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”. Một mặt, Đảng ta khẳng định, thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức vì những mục tiêu tốt đẹp của đất nước, xã hội; mặt khác cũng mong muốn đội ngũ trí thức có bổn phận trước Tổ quốc và dân tộc, không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Bầu không khí tự do vừa là bệ đỡ, vừa là động lực nuôi nguồn cảm hứng và thúc đẩy tài năng sáng tạo cho trí thức. Nhưng cần hiểu tự do ở đây không phải là tự do vô giới hạn, mà là tự do có giới hạn và giới hạn đó không gì khác chính là ranh giới cần thiết để phòng ngừa những lệch lạc có thể làm tổn hại đến thanh danh, uy tín của trí thức và tác động không thuận đến sự ổn định, phát triển lành mạnh của xã hội, đất nước. Nói như một nhà văn, đối với trí thức và văn nghệ sĩ chân chính, không có tự do nào tuyệt đối bằng tự do tuyệt đối phụng sự Tổ quốc, phụng sự dân tộc, phục vụ nhân dân. Khi tâm huyết, tài năng của mình được thể hiện tự do trong tình yêu Tổ quốc, tình yêu nhân dân, tình yêu dân tộc thì nhất định công trình, tác phẩm của trí thức, văn nghệ sĩ sẽ được xã hội công nhận và đi vào lòng công chúng. Nếu không nhận thức thấu đáo vấn đề này, trí thức, văn nghệ sĩ sẽ đi chệch khỏi "đường ray" cuộc sống và dễ bị đào thải.
Lịch sử đã chỉ ra rằng, một khi trí thức giàu lòng tự trọng, trách nhiệm, tâm huyết với nhân dân, với Tổ quốc, biết giải quyết hài hòa giữa thực hiện vai trò, sứ mệnh của trí thức với đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân trong cuộc sống và trong hành trình sáng tạo của mình thì mới để lại danh thơm tiếng tốt cho bản thân, gia đình và xã hội. Ngược lại, nếu để “cái tôi” cá nhân lấn át “cái ta” cộng đồng, thiếu sự thủy chung, tinh thần xây dựng và ứng xử tiền hậu bất nhất... thì khó có chỗ đứng trong lòng công chúng.
THIỆN VĂN
Nguồn: qdnd.vn

Già rồi còn đổ đốn, kỷ luật là đúng!

Tre Việt - Mấy ngày qua, dư luận ồn ào chuyện Chu Hảo bị cơ quan chức năng của Đảng Cộng sản Việt Nam xem xét kỷ luật. Nguyên do là bị suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống,“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, có những hoạt động đi ngược lại Cương lĩnh, Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm, phản dân, hại nước.
Đối với những đảng viên chân chính, thì cho rằng, cơ quan chức năng của Đảng Cộng sản ViệNam xem xét kỷ luật Chu Hảo là đúng. Bởi lẽ, Chu Hảo vốn là con của một lão thành cách mạng, có cuộc sống và điều kiện công tác như mơ. Ngay từ nhỏ, Chu Hảo đã được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện cho ăn học tử tế ở trong và ngoài nước. Lớn lên, trưởng thành, Chu Hảo viết đơn xin vào Đảng và được kết nạp. Trong quá trình công tác, Chu Hảo được Đảng cử sang giữ một số cương vị trong hệ thống chính trị, cao nhất là chức vụ thứ trưởng. Những tưởng Chu Hảo sẽ tiếp nối truyền thống cha anh thực hiện tốt lời thề của mình khi đứng dưới dưới lá cờ vinh quang của Đảng, trong lễ kết nạp đảng viên: “Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng. Nhưng không, bản chất cơ hội của Chu Hảo ngày càng lộ rõ, không chỉ suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, mà Chu Hảo còn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trượt dài trên con đường tiếp tay cho các thế lực chống cộng cực đoan, phản dân, hại nước. Vi phạm của Chu Hảo là rất nghiêm trọng. Mặc dù đã nhiều lần được tổ chức đảng, đồng chí, đồng đội các cấp nhắc nhở, phê bình, khuyên răn, nhưng tuy già rồi, Chu Hảo vẫn chứng nào tật ấy, ngày càng đổ đốn, chống phá Đảng quyết liệt hơn. Vì thế, việc cơ quan chức năng của Đảng ra tuyên bố xem xét kỷ luật Chu Hảo là việc làm khách quan, theo đúng Điều lệ Đảng, thuận lòng dân.
Ấy thế mà, một số cá nhân, trong đó chủ yếu là những kẻ cùng hội, cùng thuyền với Chu Hảo, điển hình như: Nguyên Ngọc, Mạc Văn Trang, Huệ Chi,… thì lại bảo vệ những hành vi suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của Ông ta, bằng cách tuyên bố: ra khỏi Đảng. Xin thưa với các ông rằng, đã từ lâu trong lòng các ông chẳng còn Đảng. Các ông đã vứt bỏ lời thề đã tuyên thệ khi xin vào Đảng, vi phạm có hệ thống cương lĩnh, Điều lệ Đảng, trượt dài trên con đường tiếp tay cho các thế lực chống cộng cực đoan, phản Đảng, hại nước, hại dân. Các ông đã trở thành ung nhọt, vô phương cứu chữa. Nếu các ông không “tự nguyện”, thì tổ chức Đảng cũng sẽ khai trừ, xóa tên các ông ra khỏi danh sách đảng viên.
Nhân đây cũng xin nói thêm rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam là một tổ chức chính trị, hoạt động theo cương lĩnh, điều lệ, phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam được nhân dân trao quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội, với cơ sở lý luận, chính trị, lịch sử và pháp lý rõ ràng, được cộng đồng quốc tế công nhận. Mọi tổ chức đảng, đảng viên của Đảng đều phải tuân thủ nghiêm cương lĩnh, Điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước, nếu không sẽ bị kỷ luật Đảng, thậm chí truy tố trước pháp luật.
Những kẻ như Chu Hảo, Mạc Văn Trang, Nguyên Ngọc đúng là già rồi còn đổ đốn, hại nước, hại dân, kỷ luật là đúng.