Jan 21, 2021

Vững tin vào Đảng, cảnh giác trước âm mưu chống phá

            Không khí hân hoan đang lan tỏa khắp các vùng miền trên cả nước khi ngày khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sắp đến gần.

Đại hội Đảng là một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Cán bộ, đảng viên và nhân dân đang rất quan tâm, theo dõi, mong chờ và đặt nhiều kỳ vọng vào thành công của Đại hội. Đại hội lần thứ XIII của Đảng được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; đất nước trải qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. Bởi thế, Đại hội XIII quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cho 5, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045, gắn với các mốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, thành lập nước.

Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII (đã được công bố rộng rãi cho mọi tầng lớp nhân dân góp ý) đã khẳng định: Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hoá. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Tuy nhiên, càng gần đến ngày Đại hội Đảng, các đối tượng thù địch lại tăng cường hoạt động hòng phá hoại thành công của Đại hội. Không phải ngẫu nhiên mà gần đây, Bộ Công an đã ra thông báo về tổ chức khủng bố “Triều đại Việt”. Phương thức hoạt động của tổ chức này là: Bạo động vũ trang, với phương châm: “Đốt sạch”, “Giết sạch”, “Phá sạch”, “Cướp sạch”; hỗ trợ tiền, chỉ đạo số cơ sở trong nước tiến hành các hoạt động khủng bố, phá hoại; kích động người dân xuống đường biểu tình, bạo loạn cướp chính quyền.

Theo nhận định của Thiếu tướng Bùi Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an, “Triều đại Việt” triệt để sử dụng các tiện ích trên không gian mạng, từng bước tiếp cận, tác động các đối tượng trong nước có nhận thức mơ hồ về chính trị, cần kíp về tài chính để móc nối, lôi kéo tham gia, tiến hành các hoạt động khủng bố, phá hoại theo chỉ đạo của tổ chức. Bởi vậy, mỗi người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác trước các âm mưu phá hoại sẽ góp phần giữ vững sự ổn định của đất nước, bình yên cho mỗi gia đình.

Tròn 10 năm trước, ngày 14/01/2011, Tổng thống Tunisia khi đó là ông Zine El Abidine Ben Ali đã buộc phải chạy đến Saudi Arabia xin tị nạn, chấm dứt hơn 23 năm cầm quyền. Khởi nguồn của cuộc “Cách mạng hoa nhài” ở Tunisia này là việc người bán hàng rong trẻ tuổi Mohamed Bouazizi uất ức vì bị cảnh sát trấn áp, đã tự thiêu trước Văn phòng Chính phủ ở trung tâm thị trấn Sidi Bouzid ngày 17/12/2010. Chỉ một thời gian ngắn sau, hàng loạt cuộc chính biến đã bùng nổ ở nhiều nước Bắc Phi và Trung Đông, được gọi chung với cái tên “Mùa xuân Arab”. Nhưng cho đến nay, ở phần lớn các nước này vẫn chỉ thấy chiến tranh, đau thương, đói khổ, tình trạng khủng bố, cực đoan gia tăng.

Bài học từ “Mùa xuân Arab” chính là bằng chứng để phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về vai trò lãnh đạo của Đảng trong lịch sử. Chúng xuyên tạc rằng, tháng 8/1945, khi Nhật đầu hàng tạo ra một khoảng trống quyền lực và Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ “ăn may” cướp chính quyền. Nhưng thực tế đã chỉ ra rằng, một đảng non trẻ 15 năm tuổi của giai cấp công nông chỉ với hơn 5.000 đảng viên đã lãnh đạo quần chúng nhân dân giành độc lập tự do khỏi ách thực dân, phong kiến, lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Vượt qua bao khó khăn gian khổ, Đảng tiếp tục lãnh đạo quân và dân ta trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, thống nhất đất nước và tiến hành công cuộc Đổi mới, để đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế như ngày nay.

Thành công đó chỉ có thể là bởi Đảng ta là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, có đường lối đúng đắn là chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng. Và trong những thời điểm khó khăn của năm 2020 khi đại dịch COVID-19 hoành hành, tính ưu việt của chế độ đã phát huy đúng lúc, đúng chỗ để huy động được toàn bộ hệ thống chính trị hoàn thành mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.

Bởi vậy, trước thềm Đại hội XIII, chúng ta càng vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng thì sẽ không có chỗ cho bất kỳ âm mưu thủ đoạn thâm độc nào có thể tồn tại.

(nguồn: Tin tức - Thông tấn xã Việt Nam)

Tích trữ vàng có lợi không?

         Tre Việt – Đầu năm 2021, trong Hội nghị ngành Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu các cơ quan xây dựng cơ chế để huy động nguồn lực trong dân, nhất là vàng, ngoại tệ; có thể vay của người dân tương đương vay vốn ODA. Ngày 11/01/2021, Việt Tân có bài viết kêu gọi người dân không “mắc lừa” Chính phủ mà vẫn cần phải tích trữ vàng, ngoại tệ phòng khi “trái gió trở trời”.

Thực tế, tiền có nhiều dạng như: tiền giấy – tín tệ; vàng, bạc – hóa tệ; tiền điện tử - bút toán trong các ngân hàng; tiền mã hóa – tiền ảo; về phương diện hoạt động, tiền có hai dạng là tiền dự trữ giá trị và tiền trong lưu thông. Tiền trong lưu thông gọi là vốn, dùng để sản xuất, kinh doanh, sinh ra lợi nhuận; tiền cất trong nhà chỉ có chức năng dự trữ giá trị.

Trong nền kinh tế thị trường, quá trình sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa là tất yếu và diễn ra mạnh mẽ. Trong đó, vốn là một trong 4 yếu tố (vốn, nhân lực, công nghệ, đất đai) quan trọng nhất; vốn là cội nguồn để sản sinh ra các yếu tố khác theo quy tắc: hàng hóa sức lao động, công nghệ, máy móc, nguyên vật liệu,… phải được đổi ra tiền và ngược lại. Do đó, để một nền kinh tế phát triển, hay nói cách khác là có tăng trưởng thì yếu tố vốn là cực kỳ quan trọng, là vấn đề tiên quyết để khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển xã hội. Với ý nghĩa đó, cầu về vốn luôn lớn hơn cung. Mọi quốc gia trên thế giới nếu muốn phát triển thì tất yếu phải nỗ lực xây dựng cơ chế, chính sách để huy động vốn và khơi thông dòng chảy của vốn. Vốn chủ yếu thuộc quyền sở hữu của người dân, một phần khác nằm trong tay nhà nước, đó là phần thuế mà nhân dân đóng góp. Khi chính phủ thiếu vốn thì tất yếu phải đi vay của nhân dân hoặc vay nước ngoài.

Người dân lao động sản xuất sẽ thu được tiền công, tiền lãi khi bán sản phẩm, dịch vụ; một phần thu nhập này được tiết kiệm để bảo đảm cuộc sống khi cần thiết. Tuy nhiên, nếu khoản tiết kiệm cất trong nhà thì lượng vốn này không hoạt động, nó như “cục máu đông” nằm một chỗ; nó không sinh lời mà chỉ mất dần giá trị do lạm phát của thị trường; đồng thời, thị trường thiếu vốn, sản xuất, kinh doanh không phát triển được, kinh tế suy thoái và đời sống xã hội đi xuống. Còn nếu đưa vào lưu thông dưới dạng: gửi ngân hàng, góp vốn, đóng cổ phần, cho vay,… thì thị trường sẽ có nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh; khi kinh tế phát triển, người dân sẽ được chia một phần lợi nhuận dưới dạng lãi suất huy động hay lợi nhuận góp vốn.

Xa xưa, vàng, bạc là dạng tín tệ được con người dùng làm phương tiện thanh toán rộng rãi trong xã hội; gia đình nào càng nhiều vàng bạc thì càng giàu có. Ngày nay, thói quen tích vàng vẫn còn nặng nề trong các quốc gia Châu Á, trong đó có Việt Nam. Xã hội hiện đại sản sinh ra nhiều công cụ thanh toán tiện lợi hơn như tiền giấy, tiền điện tử, nên vàng (gồm vàng nữ trang và vàng miếng) được tích trữ với mục đích chính là dự trữ giá trị.

Như vậy, người dân tích vàng, bạc, ngoại tệ là việc chôn vốn trong nhà; giá trị của lượng tiền này không có trong lưu thông; “cục máu đông” này càng lớn thì xã hội càng hiếm vốn, sản xuất, kinh doanh không phát triển được, kinh tế quốc gia suy thoái, đời sống nhân nhân đi xuống.

Nếu người dân bán vàng ra rồi mang gửi ngân hàng hoặc đóng góp cho sản xuất hoặc cho Nhà nước vay vàng thì sẽ nhận được tiền lời; xã hội có vốn phát triển kinh tế, nhà nước thu được thuế; tái đầu tư cho an sinh xã hội thì đời sống của nhân dân được nâng lên. Qua đó cho thấy, tích trữ vàng, ngoại tệ là không có lợi cho cả người dân và toàn xã hội./.