Feb 18, 2019

Mít-tơ oai!

Tre Việt - Trân trọng giới thiệu bài Mít-tơ Oai của bạn Nguyễn Phú Hưng gửi đến Tre Việt để chúng ta thấy thêm thói hư, tật xấu trong xã hội ta hiện nay.

MÍT-TƠ OAI!

                                        Nguyễn Phú Hưng

          Là cán bộ công tác ở cơ quan một bộ, nhưng anh luôn thể hiện là người quan trọng với đồng nghiệp, với cơ quan bạn, đơn vị và địa phương. Bởi vậy, khi nói về anh, không mấy người gọi anh bằng tên thật, mà lại “tặng” cho anh cái biệt danh mít-tơ Oai!
          Chẳng là, anh cũng chỉ là cán bộ òng èng, chuyên môn không có gì gọi là nổi trội, có chăng chỉ là sự hoạt ngôn, thế nhưng lại luôn thể hiện sự quan trọng của mình. Khi nói về ai đó ở một cơ quan, đơn vị hay địa phương có liên quan đến công việc, anh luôn buông câu: À, đó là “thằng” em ấy mà... cho dù cái “thằng” ấy có tuổi đời, tuổi công tác và đang giữ cương vị cao hơn mít-tơ Oai. Những ai có dịp đi công tác về đơn vị, địa phương nào đó cùng mít-tơ Oai lại thấy anh có thêm cách thể hiện “sự oai” của mình. Đó là, khi ngồi nói chuyện với cán bộ của đơn vị hay cán bộ địa phương, mít-tơ Oai thường lấy điện thoại gọi cho người này, người khác mà theo anh: đó là VIP. Đơn vị, địa phương có cần mít-tơ Oai “giúp đỡ” thì nói với anh một tiếng, anh chỉ cần “phôn” một cú là xong.

          Những ai lần đầu đến nhà riêng của mít-tơ Oai, chắc hẳn cũng ngỡ ngàng trước những tấm ảnh của anh chụp cùng các vị lãnh đạo cao cấp đương nhiệm, được phóng to treo trang trọng ở phòng khách. Chỉ có điều, những tấm ảnh ấy được thay đổi theo mỗi kỳ đại hội. Và người ta không nhớ rõ đã mấy lần có sự thay đổi này. Trong thời buổi kỹ thuật số, để có những tấm ảnh như thế cũng chẳng khó khăn gì. Ấy thế mà, ai đó trầm trồ muốn tò mò về những tấm ảnh đó, mít-tơ Oai sẵn sàng kể lịch sử từng tấm ảnh chụp ở đâu, bao giờ và trong hoàn cảnh nào, nghe cứ như thật! Những người công tác lâu cùng với mít-tơ Oai đều biết rõ những tấm ảnh đó được làm bằng phương pháp nào và tại sao lại phải thay đổi như vậy. Ấy thế mà cũng không ít người khi mới tiếp xúc với mít-tơ Oai, nghe anh nói cũng tin theo, muốn bấu víu, cung phụng để mau có dịp được cùng mít-tơ Oai tiếp cận các VIP, cũng là để mưu cầu lợi ích cá nhân. Tất nhiên, để được mít-tơ Oai đồng ý thì phải có điều kiện chứ chẳng phải dễ dàng gì. Vậy là, những điều kiện mà mít-tơ Oai đưa ra đều được người nhờ vả đáp ứng cả. Đổi lại, người ta chỉ nhận được những cuộc gặp gỡ khi thì ở khách sạn, lúc ở nhà hàng, với “thư ký” của các VIP kèm theo những lời hứa “như đinh đóng cột”. Thế nhưng, mãi chẳng thấy chức tước hay dự án gì, chỉ có thời gian trôi đi và tiền của dần hao hụt. 

Thiết nghĩ, chỉ khi nào trong xã hội giảm và đi đến chấm dứt các loại “chạy” và những kẻ chỉ hòng “đi bằng cửa sau”, thì khi ấy “nghề cò” của mít-tơ Oai mới không còn “đất” để thể hiện “sự oai” của mình./.

Ký ức của một người bạn Argentina về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc

Tre Việt  - Nhân dịp kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, Tre Việt xin  giới thiệu bài viết Ký ức của một người bạn Argentina về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, để bạn  đọc thấy được tình cảm của các bạn quốc tế với cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta.

 https://baotintuc.vn/thoi-su/ky-uc-cua-mot-nguoi-ban-argentina-ve-cuoc-chien-dau-bao-ve-bien-gioi-phia-bac-20190217131440224.htm

Ký ức của một người bạn Argentina về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc

Bà Poldi Sosa Schmidt vẫn được biết như một người bạn lớn của nhân dân Việt Nam. Trong suốt những năm tháng tuổi trẻ, dù đã bôn ba ở rất nhiều nước, từ Anh, Chile, Cuba hay quê nhà Argentina, bà đều luôn tham gia tích cực vào các phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam, ủng hộ hết mình cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam vì độc lập dân tộc và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Bà Poldi Sosa Schmidt trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN.
Một ngày mùa hè giữa tháng 2 ở Nam Bán cầu, chúng tôi có mặt ở căn hộ nhỏ của bà Poldi (sinh năm 1942) và được nghe bà chia sẻ về câu chuyện cách đây đúng 40 năm khi nhận được tin Trung Quốc tràn qua biên giới tấn công vào lãnh thổ Việt Nam. Đó là một câu chuyện buồn đối với đất nước mà bà luôn hằng yêu mến và tưởng như đã thoát khỏi nỗi đau chiến tranh sau chiến thắng năm 1975. Mặc dù vậy, bà Poldi vẫn luôn tin tưởng vào thắng lợi của nhân dân Việt Nam vì trong suốt nhiều năm tìm hiểu và nghiên cứu về đất nước nhỏ bé nhưng anh hùng này, bà luôn hiểu rất rõ tính cách và bản chất con người Việt Nam nhân hậu nhưng luôn kiên định, sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ Tổ quốc.
Chia sẻ về những ký ức về ngày 17/2/1979 đau buồn đó, bà Poldi cho biết: “Đó là thông tin buồn nhất mà một người yêu mến Việt Nam có thể nhận được vào thời điểm đó, nhất là sau khi đất nước này phải trải qua quá nhiều khổ đau, mất mát, hy sinh trong nhiều năm trước. Tưởng rằng cuối cùng chiến tranh đã chấm dứt trên mảnh đất anh hùng đó, nhưng rồi quân và dân Việt Nam lại phải hứng chịu những đau thương mới. Trước đó là cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, truy quét chế độ diệt chủng Khmer Đỏ và giờ đây lại là những người hàng xóm Trung Quốc.
Ngày hôm đó, khi tôi đang ở văn phòng làm việc thì được một số người bạn thông báo vừa nghe được qua đài phát thanh tin Trung Quốc đã tấn công vào lãnh thổ Việt Nam. Đó là một thông tin có vẻ như bất ngờ đối với nhiều người vì không ai nghĩ hai nước láng giềng từng rất gắn bó với nhau lại có thể xảy ra một sự kiện như vậy. Cá nhân tôi, với những tình cảm gắn bó với Việt Nam trong nhiều năm thì đó là một thông tin khiến tôi bàng hoàng, nhưng tôi hiểu rằng đó là những gì tất yếu phải xảy ra sau những căng thẳng mà phía Trung Quốc gây ra ở khu vực biên giới trong suốt những thời gian đó. Tôi lo lắng cho những người bạn Việt Nam yêu mến mà tôi đã từng quen biết trong những năm trước đó nhưng không có cách gì liên lạc được.
Những ngày sau đó tôi thường xuyên theo dõi tình hình và cầu nguyện cho dân tộc Việt Nam, luôn tin tưởng vào chiến thắng của quân và dân Việt Nam, bởi vì tôi biết rằng không dễ gì khuất phục được dân tộc anh hùng này.
Tôi cũng đã nghĩ tới các hoạt động xuống đường phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa này như những gì chúng tôi đã làm trong quá khứ, nhưng mọi việc diễn biến quá nhanh và sau một thời gian ngắn thì tôi được biết Trung Quốc đã rút quân về nước cho dù xung đột ở biên giới giữa hai nước vẫn kéo dài thêm nhiều năm sau đó”.
Có lẽ cũng vì những tình cảm gắn bó trong suốt những năm tháng khó khăn và gian khổ của nhân dân Việt Nam đã khiến bà Poldi quyết tâm thành lập Viện Văn hóa Argentina - Việt Nam năm 1997, một tổ chức qui tụ những người Argentina yêu mến Việt Nam, và từ đó tới nay rất nhiều hoạt động thiết thực để quảng bá về văn hóa, đất nước con người Việt Nam đã được bà đứng ra tổ chức với mục tiêu giúp cho hai dân tộc xích lại gần nhau hơn.
Mặc dù đã cao tuổi nhưng người phụ nữ đôn hậu này vẫn là một đầu tàu trong các hoạt động hữu nghị và đoàn kết với Việt Nam ở Tây Bán cầu.

Hoài Nam - Phương Lan (Pv TTXVN tại Argentina)