Nov 7, 2021

Không thể phủ nhận tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga

          Từ đêm ngày 24 đến rạng sáng ngày 26 tháng 10 năm 1917, có một sự kiện làm rung chuyển thế giới. Đó là cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại nổ ra và giành thắng lợi, đã biến ước mơ, khát vọng ngàn đời của những người bị áp bức, bóc lột thành hiện thực, để rồi nhân loại cần lao cùng thốt lên: “Nước Nga có chuyện lạ đời. Biến người nô lệ thành người tự do”. Đây là thành quả của sự đoàn kết, quyết tâm, kiên trì, bền bỉ, mưu lược, sáng tạo, một lòng, một dạ của công, nông, binh Nga dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Bônsêvich Nga, với lãnh tụ thiên tài, linh hồn của cách mạng – V.I. Lênin.

Lãnh tụ Đảng Bolshevich V. I. Lênin tuyên bố
thành lập chính quyền Xô Viết tại Đại hội Xô Viết ngày 07/11/1917
tại điện Smolny, ngay sau khi chiếm Cung điện mùa Đông.
(Ảnh tư liệu)

Cách mạng Tháng Mười Nga là một trong những sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ XX, đánh dấu một mốc mới trong lịch sử phát triển của nhân loại. Nó đã lật đổ giai cấp tư sản, địa chủ và chế độ người bóc lột người, đưa giai cấp vô sản bị áp bức, bóc lột nặng nề ở nước Nga trở thành giai cấp đứng đầu và làm chủ xã hội; giải phóng nhân dân lao động, đưa người lao động Nga từ thân phận nô lệ trở thành chủ nhân của đất nước; ra đời nhà nước xã hội chủ nghĩa - nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên trong lịch sử loài người và làm cho chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực trong đời sống chính trị thế giới. Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra một bước ngoặt căn bản trong lịch sử loài người, mở ra một thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Cách mạng Tháng Mười Nga đánh đổ chủ nghĩa đế quốc ở ngay “chính quốc”, đồng thời đánh vào hậu phương của nó là các nước thuộc địa của Nga hoàng; cổ vũ, lôi cuốn mạnh mẽ phong trào cách mạng giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc của những nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh. Ánh sáng tự do của Cách mạng Tháng Mười Nga đã soi rọi năm châu, thức tỉnh nhân loại cần lao khắp địa cầu hướng về nước Nga, về Cách mạng Tháng Mười, là điểm khởi đầu hình thành Liên bang Xô viết và hệ thống xã hội chủ nghĩa.

Cách mạng Tháng 10 Nga vĩ đại là thế, nhưng từ trước đến nay, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, cơ hội, xét lại, rồi bọn trở cờ, phản bội vẫn không ngừng tìm mọi âm mưu, thủ đoạn để phủ nhận những thành quả xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân loại; ra sức xuyên tạc, bôi nhọ, không thừa nhận vai trò to lớn của cách mạng vô sản nói chung và Cách mạng Tháng 10 Nga nói riêng trong tiến trình phát triển của lịch sử loài người. Chúng rêu rao rằng: Chủ nghĩa Lênin chỉ là lý thuyết cách mạng của một nước lạc hậu, với đại đa số dân cư là nông dân như nước Nga, nên không có ý nghĩa phổ biến với các nước, càng không phù hợp với các nước tư bản chủ nghĩa phát triển. Trước sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, chúng viện vào “khúc quanh” này của lịch sử để phủ nhận tính tất yếu của cách mạng vô sản và xuyên tạc rằng: Cách mạng Tháng 10 Nga là “quái thai”, “cái bướu thừa”, sự lựa chọn sai lầm của lịch sử; Việt Nam đi theo cũng là sai lầm, cần phải thay đổi.

Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự chống phá quyết liệt của chính chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch. Song đó chỉ là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội cụ thể chứ hoàn toàn không phải là sự “lỗi thời” của lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin về cách mạng vô sản và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Điều đó đã bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga và giá trị trường tồn, sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa xã hội vẫn là tương lai của xã hội loài người.

Năm tháng sẽ qua đi, nhưng những gì thuộc về giá trị tiến bộ của loài người vẫn sáng mãi với thời gian. Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn mãi như mặt trời chói lọi, chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất đứng lên giải phóng dân tộc, giải phóng cuộc đời mình, xây dựng một xã hội tương lai tốt đẹp./.

 

(Nguồn Nhân văn Việt)

Văn nghệ sĩ “trở cờ” – những ranh giới không thể xóa nhòa và những sự thật không thể bôi vẽ

           Gần đây, Phạm Trần, một cái tên khá quen thuộc trong làng “dân chủ”, lại tung lên mạng internet bài viết “Tại sao văn nghệ sĩ bỏ đảng chạy lấy người”. Xuyên suốt bài viết vẫn là giọng điệu đổi trắng thay đen, quy chụp mọi lỗi lầm đều do Đảng, do chế độ, đồng thời ra sức biện minh, bênh vực cho những kẻ “trở cờ”, chống lại đất nước.

Văn học, nghệ thuật cùng các văn nghệ sĩ có vai trò rất lớn trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đất nước. Tuy nhiên trên thực tế, không ít văn nghệ sĩ, do có quan điểm, lập trường, nhận thức phiến diện, cực đoan, sai lầm… đã cho ra đời những tác phẩm văn học, nghệ thuật đi ngược lại giá trị chân – thiện – mỹ, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, thậm chí mang tư tưởng phản động, chống đối. Để biện minh, họ cố tình cổ xúy cho cái gọi là “nghệ thuật vị nghệ thuật”, thậm chí còn hàm hồ cho rằng “văn học, nghệ thuật do Đảng lãnh đạo là thứ văn học, nghệ thuật minh họa nghị quyết” và quy chụp những tác giả, nhà phê bình có quan điểm chính thống là “bồi bút cho Đảng”. Các “nhà dân chủ” thì gào thét, đòi mở cửa cho những “luồng gió mới” trong sáng tạo văn học, nghệ thuật. Như trong bài viết của Phạm Trần cho rằng: “việc kiểm soát tư tưởng văn nghệ sỹ là công tác sống còn của chế độ”, hoặc “có những xung đột về quan niệm sáng tác của các văn nghệ sĩ yêu chuộng tự do chống lại chủ trương kiểm soát, viết theo chỉ thị, hát theo viết sẵn của Tuyên giáo…, ” và “hai lối đi này sẽ không bao giờ gặp nhau”. Ra sức bênh vực cho những văn nghệ sĩ “trở cờ”, Phạm Trần cho rằng việc lên án họ giống như “gắp lửa bỏ bàn tay những nghệ sỹ lương thiện”, và sự thiện lương đó của văn nghệ sỹ, trong quan điểm của Phạm Trần và đồng bọn nghĩa là chống lại “chính sách hà khắc của Đảng”.

Cần phải khẳng định rằng, hiện thực xã hội luôn là mảnh đất màu mỡ, mà trên đó các tác phẩm văn học, nghệ thuật sinh sôi, nảy nở. Đến lượt mình, văn học, nghệ thuật, tự thân nó với 3 chức năng chủ yếu: nhận thức – giáo dục – thẩm mỹ, lại tác động trở lại tới đời sống tinh thần và sự vận hành, phát triển của xã hội. Ở đó, sự thiếu vắng hoặc hời hợt ở bất kỳ chức năng nào cũng đều dẫn đến một sản phẩm nghệ thuật kém giá trị, nếu không muốn nói là tầm thường và tệ hại. Theo đó, một tác phẩm văn học, nghệ thuật dưới lăng kính của người nghệ sĩ, nhất là của những nghệ sĩ tên tuổi và có ảnh hưởng lớn tới công chúng, khi phản ánh hiện thực hoặc một phần hiện thực cuộc sống xã hội, nhưng lại phản ánh một cách méo mó, lệch lạc, đồng thời lại được tung hô, cổ xúy, lan truyền có chủ ý, thì hệ quả của nó là vô cùng to lớn. Có lẽ vì vậy mà đám “dân chủ” đang ra sức lừa mị nhân dân và tự huyễn hoặc bản thân rằng chúng cũng như những kẻ trở cờ đó như là những người “đại diện của nhân dân”, là “người dám nói tiếng nói của dân”?

“Phản động” và “yêu nước” là hai phạm trù đối nghịch, không thể xóa nhòa ranh giới, dù bằng bất cứ cách thức nào. Cố tình đánh đồng “phản động” với “yêu nước” là cách thức mà đám dân chủ cuội dùng để che đậy bản chất thật của mình, bản chất của những kẻ tội đồ – phản động nhưng lại nhân danh lòng yêu nước. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà dân chủ lại ra sức hô hào, cổ xúy cho các phong trào lật sử, hòng rửa tội cho những kẻ phản quốc, đánh đồng giữa những người có công với đất nước với những kẻ làm tay sai cho giặc. Cũng không phải ngẫu nhiên mà những hội nhóm như “Nhân văn giai phẩm”, “Văn đoàn độc lập” cùng với đám nghệ sĩ “trở cờ”… lại được chúng hết lời ca tụng. Đó chẳng qua là sự biện minh kệch cỡm cho những hành động chống phá, đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc mà thôi.

Và những văn nghệ sĩ, dù vì bất cứ lý do gì, lại cam tâm tiếp tay cho những hành động phá hoại đất nước này, thì họ không còn xứng đáng với sự mến mộ của công chúng, không xứng đáng với danh xưng “nghệ sĩ”. Đúng như cái cách mà Phạm Trần nói trong bài viết của y: “khi một nhà văn đã can đảm viết lên sự thật là họ đã đánh đổi cả lương tâm và danh dự để bảo vệ tác phẩm”; tức là cái “sự thật” méo mó, dị hợm được các nghệ sĩ “trở cờ” bôi vẽ, nhào nặn đó, đã được trả giá bằng chính lương tâm và danh dự của họ.

Lẽ nào đó là hành động và biểu hiện của lòng yêu nước? Không! Chắc chắn là không! Bởi những người Việt Nam yêu nước, có lương tri không bao giờ hành động như vậy. Có những ranh giới không thể xóa nhòa và những kẻ quay lưng lại với quốc gia, dân tộc mãi mãi sẽ bị lịch sử trừng phạt./.

 (Nguồn Nhân văn Việt)