Nov 30, 2015

KHÔNG PHẢI CỨ ĐA ĐẢNG LÀ CÓ DÂN CHỦ HƠN

Tre Việt - Có ý kiến cho rằng, thực hiện đa đảng, có nhiều đảng cạnh tranh nhau thì sẽ dân chủ hơn, sẽ tốt hơn một đảng! Có đúng như vậy không? Câu trả lời là không. Hãy xem chính người Mỹ nói về nước Mỹ - một nước thực hiện chế độ đa đảng, thực chất là thế nào. Họ nói rằng, nước Mỹ là một nước “tự do”, người dân được tự do biểu tình, báo chí được tự do phanh phui những chuyện nhạy cảm, xuyên tạc, bôi xấu lẫn nhau vì sự cạnh tranh, hạ uy tín của đảng này với đảng phái kia, v.v. Nhưng điều đó không phải là bản chất thực sự của dân chủ, xin minh chứng bằng câu nói của giáo sư Paul Mishler, trường Đại học bang Indiana của Mỹ: “Mọi đói nghèo, thất nghiệp, thất học... đều do lỗi của hệ thống, lỗi từ chủ nghĩa tư bản Mỹ gây ra”; “Nước Mỹ tự xưng là đa đảng nhưng thực chất chỉ là một đảng, đó là đảng của chủ nghĩa tư bản, dù là đảng Cộng hòa hay Dân chủ”[1].
Như vậy, có thể rút ra một số vấn đề sau: thứ nhất, chế độ đa đảng của nước Mỹ “thực chất chỉ là một đảng”, là sự cầm quyền của đảng tư sản; thứ hai, dân chủ ở nước Mỹ là dân chủ tư sản, không phải là dân chủ của đa số, không thực hiện quyền lực thực sự thuộc về nhân dân; thứ ba, thực chất đa đảng đối lập trong xã hội tư bản chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là bảo đảm quyền lực cho giai cấp tư sản. Và, bất cứ một nền dân chủ nào, cũng đều nhằm đảm bảo sự thống trị của giai cấp thống trị, cầm quyền. Dân chủ không phụ thuộc vào cơ chế độc đảng hay đa đảng, mà nó phụ thuộc vào bản chất của đảng cầm quyền phục vụ cho giai cấp nào. Bản thân nền dân chủ tư sản, dù có được tô vẽ như thế nào chăng nữa, thì đó vẫn là nền dân chủ của giai cấp tư sản, nhằm bảo đảm sự thống trị, bóc lột của giai cấp tư sản đối với xã hội và lao động làm thuê. Trong các nước tư bản chủ nghĩa, dù tồn tại đa đảng và các đảng đối lập, nhưng vẫn định hình một đảng cầm quyền. Chính trường ở đó thường xuyên diễn ra các cuộc tranh giành quyền lực giữa các đảng chính trị tư sản. Họ chỉ đa nguyên, đa đảng trên hình thức, còn trên thực tế đều tỏ rõ sự nhất nguyên, bởi đảng chính trị tư sản nào cũng không bao giờ xa rời mục đích bảo vệ cho quyền thống trị và sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản. Ở các nước đó, chưa bao giờ có chuyện Đảng Cộng sản cầm quyền cả.
Không phải cứ đa nguyên, đa đảng là có thể xây dựng được xã hội dân chủ. Cũng không phải một đảng là trở ngại của sự phát triển dân chủ. Nêu lên quan điểm này người ta đã vô tình, hoặc cố ý không tính đến sự khác biệt bản chất giữa các đảng chính trị tư sản và cộng sản, giữa dân chủ tư sản và dân chủ XHCN. Với thực tiễn và đổi mới của Việt Nam, không ai có thể phủ nhận được những bước tiến rõ rệt về dân chủ mà Đảng và nhân dân ta đã đạt được trong những năm qua, trong nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền, trong thực hành dân chủ, đặc biệt là sự thừa nhận của chính người dân, về những nỗ lực của chúng ta trong việc thực hiện tính công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, quản lý, trong tranh luận, thảo luận, trong bầu cử, trong cải cách hành chính và cải cách tư pháp, v.v. Thành tựu của đổi mới sở dĩ có được là nhờ lực đẩy của dân chủ hóa và chính dân chủ là một trong những thành tựu nổi bật của đổi mới. Cuộc thảo luận rộng rãi trong toàn dân đóng góp cho Văn kiện Đại hội XII của Đảng là một minh chứng rõ rệt cho sự quan tâm đầy trách nhiệm của người dân đối với Đảng và Nhà nước của mình, cũng như nhân dân đã tham gia vào công việc xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị. Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội kỳ họp cuối khóa XIII vừa bế mạc là một thí dụ khác. Đó là những bằng chứng nói lên sức sống của đời sống chính trị dân chủ ở nước ta. Bởi thế, chắc chắn là, đông đảo các tầng lớp nhân dân sẽ có tiếng nói phê phán với những hoạt động tuyên truyền, những lời kêu gọi đòi đa nguyên, đa đảng ở nước ta. Cuộc sống vốn tường minh và nhân dân vốn sáng suốt, công bằng, nhạy cảm đủ sức sàng lọc, phân định để làm rõ chân và giả, thiện chí xây dựng và những toan tính sai lầm, gây hại cho dân, cho nước. Nhân dân đón nhận và ủng hộ những gì công tâm, chính trực và chối từ những ngụy tạo, ác ý.
Tôn trọng sự thật và chân lý để hành động có trách nhiệm, đó là thái độ và sự lựa chọn của chúng ta. Trên tất cả các phương diện từ lý luận khoa học đến thực tiễn chính trị cũng như sự trong sáng đạo đức, những ai thiện tâm, thiện chí, vì Tổ quốc, dân tộc và nhân dân đều thấy rõ, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và cầm quyền là một thực tế lịch sử, không gì có thể làm dao động lý trí và tình cảm của chúng ta. Điều 4 Hiến pháp 2013 đã khẳng định về vai trò lãnh đạo cầm quyền của Đảng. Đó là ý chí của dân, nguyện vọng của dân, đạt được sự đồng thuận rất lớn của xã hội. Đảng ta trong nhận thức và đánh giá của dân, có đầy đủ tính chính đáng pháp lý và sự xứng đáng về phẩm giá và uy tín của một Đảng lãnh đạo và cầm quyền.
Đảng cần ra sức tự vượt lên những hạn chế và khiếm khuyết bằng cách tự đổi mới, tự chỉnh đốn để xứng đáng với trọng trách của mình và niềm tin của nhân dân. Đóng góp vào công việc hệ trọng này là hành động có trách nhiệm của mỗi đảng viên và mỗi người dân. Bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ, về thực chất là bảo vệ dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của dân, hiện tại cũng như lâu dài./.



[1] - Tạp chí Nghiên cứu châu Âu số 7 (106), 2009, tr. 87-89

Nov 17, 2015

CHỌN NHẦM MẶT ĐỂ GỬI VÀNG

       Tre Việt - “Những ai đã phản bội ông cha?” là bài viết của Nguyễn Đình Cống đăng trên Blog Bùi Văn Bổng, ngày 15/11/2015. Đọc bài viết thấy nuối tiếc vì khi đất nước có chiến tranh, nhân dân đã không tiêc tiền của cho Nguyễn Đình Cống đi học ở Liên Xô, mà giờ đây ông ta lại trở cờ. Thật là chọn nhầm mặt để gửi vàng. Thật tiếc lắm thay!
          Mở đầu bài viết, Nguyễn Đình Cống đặt vấn đề rất đúng rằng, “Ông cha của phần đông chúng ta đã theo Đảng Cộng sản, tôn sùng chủ nghĩa Mác – Lê-nin, làm cách mạng để giành độc lập, mang tự do, dân chủ, hạnh phúc cho nhân dân. Nhiều người đã hy sinh xương máu. Thế mà giờ đây có một số người phê phán và đòi từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, đòi xóa hoặc đổi tên Đảng Cộng sản. Những người như vậy liệu có phản bội lại sự hy sinh của thế hệ ông cha, liệu có vi phạm vào đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”. Đó là vấn đề được nhiều bạn trẻ đặt ra yêu cầu giải đáp. Tôi viết để trả lời câu hỏi đó”. Nhưng rất tiếc ông ta lại trả lời sai. Trả lời của Nguyễn Đình Cống cho thấy chính ông chứ không phải ai khác đã phản bội ông cha. Tại sao lại nói vậy?
          Khi đất nước phải chống sự xâm lược, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, Nguyễn Đình Cống được Đảng, Nhà nước gửi sang Liên Xô học tập, những mong ông mang kiến thức về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhưng giờ đây, ông lại viết kêu gọi lớp trẻ từ bỏ con đường ông cha đã chọn dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông Cống cho rằng, chủ nghĩa Mác – Lê-nin là sai lầm (!). Xin thưa, ai cũng biết, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trên hành trình đi tìm đường cứu nước theo lời kể của Người, khi được đọc Luận Cương về vấn đề dân tộc thuộc địa của V. I. Lê-nin, Người đã sung sướng, ngồi một mình trong phòng mà đọc to lên, như nói trước đồng bào mình: Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là cái giải phóng chúng ta. Đó chính là con đường cách mạng vô sản. Từ đó, Người tin theo V. I. Lê-nin và đi theo Cách mạng Tháng Mười. Do vậy, phải thành lập ra Đảng để lãnh đạo cách mạng. Đảng muốn lãnh đạo cách mạng thì phải có lý luận cách mạng, phải có “chủ nghĩa làm nòng cốt” nếu không thì như “thuyền không có lái”, như “người đi trong đêm tối” - Nguyễn Ái Quốc khẳng định. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập Báo Thanh niên (21/6/1925) để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin về nước là vì thế. Cho nên, năm 1930 Đảng Cộng sản được thành lập. Điều đó chứng minh Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời từ ba thành tố: từ chủ nghĩ Mác – Lê-nin, từ phong trào công nhân và từ chủ nghĩa yêu nước. Đồng thời, bác bỏ ý kiến của ông Cống cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là từ chủ nghĩa yêu nước, chứ không phải từ chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Ông Cống đã tuyệt đối hóa chủ nghĩa yêu nước mà bỏ qua hai thành tố kia cho thấy sự phiến diện với ý đồ không trong sáng của ông ta. Ai cũng biết, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX các cuộc vận động, phong trào, khởi nghĩa của nhân dân ta liên tục diễn ra với các phương án cứu nước khác nhau do các sĩ phu yêu nước lãnh đạo nhưng đều thất bại. Chỉ đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời có đường lối, phương pháp, tổ chức đấu tranh đúng mới lãnh đạo nhân dân ta giành được thắng lợi. Vậy, chủ nghĩa Mác – Lê-nin lại sai sao ông Cống? Chỉ với chủ nghĩa yêu nước mà không có chủ nghĩa Mác – Lê-nin, nhân dân ta có giành được thắng lợi đâu, thưa ông!
Ông Cống đã đúng khi cho rằng: “Tiêu chuẩn để đánh giá một học thuyết chính trị là thực tế thu được khi áp dụng nó vào cuộc sống chứ không phải do suy luận”. Mắt ông để đâu? Đầu ốc ông đâu rồi? mà không thấy, khi áp dụng chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã mang lại kết quả to lớn thế nào. Nhắc ông rằng, nhân loại vừa kỷ niệm 70 năm Chiến thắng phát xít; trong đó nhân dân và Hồng quân Liên Xô đóng vai trò quyết định. Đấy là nhờ áp dụng chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Cũng áp dụng chủ nghĩa ấy mà bố mẹ ông, ông và con cái ông nữa không phải sống kiếp ngựa trâu đấy thôi. Về kinh tế, dù có xuyên tạc thế nào cũng không thể phủ nhận được thành quả của nhân dân Liên Xô trước đây, thành quả của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta, đặc biệt là từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới đến nay.
Ông Cống lại đúng nữa khi cho rằng: “Giá trị thực của học thuyết nằm ở bản chất của nó, được xây dựng nên từ những luận cứ và luận chứng đầy đủ, minh bạch, chính xác, trung thực”. Ông nói được học chủ nghĩa Mác – Lê-nin nhiều ở cả trong nước và ở Liên Xô nữa, vậy ông “quên” chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã kế thừa và phát triển từ Triết học cổ điển Đức, Kinh tế chính trị cổ điển Anh và Chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp hay sao? Đó không phải là những “luận cứ”, “luận chứng” à? Ông Cống với lòng dạ không trong sáng đã đánh đồng chế độ cộng sản với chế độ diệt chủng ở Cam-pu-chia. Điều đó cho thấy ông nói học chủ nghĩa Mác – Lê-nin nhiều, mà ông chẳng hiểu gì cả. Thật phí công, tiếc cho tiền của, mồ hôi, công sức của nhân dân đã bỏ ra cho ông ăn học không chỉ trong nước mà còn ở Liên Xô nữa. Chính nhân dân mới là người nuối tiếc vì đã chọn nhầm mặt để gửi vàng.

 Ông hồ đồ kết luận: “những người phê phán và vận động từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lê-nin mới là người yêu nước, yêu dân thật sự” (!). Ông không thấy, không biết hay cố tình làm ngơ, nhà xuất bản ở Đức giữ bản quyền tác phẩm Tư bản của C. Mác đã phải tái bản nhiều lần để đáp ứng nhu cầu tìm đọc, nghiên cứu của chính các nhà tư sản. Vì qua tác phẩm đó của C. Mác các nhà tư sản tìm được câu trả lời, giúp sản xuất, kinh doanh của họ vượt qua được khủng hoảng kinh tế. Vậy mà ông kêu gọi từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Ông Cống đúng là người đã phản bội lại ông cha./.

Nov 13, 2015

Ý TƯỞNG NGÔNG CUỒNG

          Tre Việt - Lang thang trên mạng thấy: Cù Huy Hà Vũ ngông cuồng kêu gọi thực hiện “Cuộc cách mạng bất bạo động cho Việt Nam”. Chúng ta không ai lạ gì Cù Huy Hà Vũ. Hắn vi phạm pháp luật, bị tòa kết án 7 năm tù, rồi được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước. Ra tù, Vũ sang Mỹ tiếp tục phản bội Tổquốc. Hắn lên tiếng trình báo cho “đồng đảng” trên Đài BBC tiếng Việt bằng những lời nói sặc mùi chính trị: Chế độ chính trị ở Việt Nam rõ ràng là chế độ “độc tài - toàn trị”. Bởi vậy, một cuộc “cách mạng mới là cần thiết và cấp bách để cứu dân, cứu nước”!
         Trong lúc tình hình đất nước, khu vực và thế giới có những diễn biến phức tạp, nhiều nước lâm vào khủng hoảng chính trị, kinh tế, xung đột, chiến tranh, nhất là kinh tế nhiều nước suy thoái. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang nỗ lực phấn đấu để đưa nước nhà thoát khỏi tình trạng đó, thì Vũ lại là người làm phức tạp thêm tình hình, gây bất ổn chính trị ở trong nước, hòng lôi kéo các tổ chức phản động, các nước có mối thâm thù với Việt Nam vào cuộc. Nhưng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, sự cổ vũ, hưởng ứng nhiệt tình, triệu người như một của nhân dân, Việt Nam đã phát triển ngoạn mục, được thế giới đánh giá là “điểm sáng” về phát triển kinh tế. Ngân hàng thế giới (WB) đã dự báo nâng mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên mức 6,2 % năm 2015 và 6,3% năm 2016. Hãng tin Bloomberg của Mỹ, ngày 29-9-2015 cho rằng: “kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh vượt nhiều nước, sản phẩm quốc nội GDP của Việt Nam quý 3-2015 tăng 6,81% so với một năm trước, tựu trung 9 tháng qua tăng 6,5%”. Mạng tin châu Âu - Europe Presse Image, ngày 26-9-2015 nhận định: “Nhờ môi trường chính trị ổn định, Việt Nam đứng đầu các nền kinh tế về thu hút vốn đầu tư nước ngoài… từ nay đến năm 2050, Việt Nam sẽ nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Đây chính là những điều tích cực về mô hình một đảng” cầm quyền.
Chẳng lẽ tất cả những thành tựu ấy, sự thật ấy lại chứng tỏ chế độ một đảng lãnh đạo ở Việt Nam là “độc tài - toàn trị” tệ hại đến mức phải phát động “cách mạng bất bạo động” nhằm lật đổ Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam để “thiết lập nền dân chủ - đa đảng”? Thực tế cho thấy, ở Việt Nam không có cơ sở chính trị, xã hội và nhu cầu của đại đa số nhân dân về một “nền dân chủ - đa đảng” như mưu đồ của Vũ. Thực tiễn đấu tranh cách mạng của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thì tuyệt đại đa số nhân dân đều hiểu rằng: Bản chất cốt lõi nhất của dân chủ là bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; thể chế chính trị nào đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của đại đa số nhân dân, của dân tộc thì thể chế đó sẽ có sức sống lâu dài, mãnh liệt, không phụ thuộc vào một đảng hay đa đảng... Vấn đề quan trọng quyết định không phải là ở số lượng mà là ở chất lượng của đảng, tức là đảng đó là đảng của ai, được tổ chức, hoạt động như thế nào và vì lợi ích của ai, mối quan hệ với nhân dân như thế nào, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân ra sao, có được đại đa số nhân dân ủng hộ hay không… Chế độ chính trị của Việt Nam là kết quả của tiến trình lịch sử cụ thể của Việt Nam, trong đó có sự ủng hộ, ủy nhiệm rộng rãi của nhân dân đối với vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thực tiễn cuộc đấu tranh lâu dài giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đổi mới, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời phỏng vấn báo chí trước chuyến thăm Nhật Bản trung tuần tháng 7-2015 vừa qua.
Đành rằng, trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng mắc phải một số hạn chế, khuyết điểm, thậm chí sai lầm. Đó cũng là lẽ thường khó tránh khỏi. Cái chính là Đảng ta đã nhìn thấy, nhận ra và kiên quyết khắc phục, để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Vì vậy, Tre Việt có lời khuyên Vũ, rằng: hãy đến thăm các nhà nghiên cứu của Viện Phát triển quốc tế thuộc Trường Đại học Ha-vớt (Hoa Kỳ) và xin được tiếp xúc với công trình mà họ cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) nghiên cứu, xem họ đã rút ra kết luận gi? Có phải: “Ở Việt Nam, trong tương lai khó có thể hình dung cơ sở xã hội cho việc xây dựng một đảng có khả năng cạnh tranh với Đảng Cộng sản Việt Nam…”. Vậy, lời kêu gọi của Vũ chỉ là ảo tưởng ngông cuồng./.

SỰ ẢO TƯỞNG CỦA NHỮNG KẺ KHOÁC ÁO DÂN CHỦ

Tre Việt - Hiện nay, trên các trang mạng xã hội do “các nhà dân chủ” quản trị cụm từ, như: “Đảng Cộng sản Việt Nam độc tôn, độc tài” xuất hiện với tần xuất cao. Cùng với đó là những “Lời kêu gọi”, “Kiến nghị”,… đòi “Hạ bệ vai trò của Đảng Cộng sản”, thực hiện đa nguyên chính trị,… theo kiểu phương Tây. Thật là ảo tưởng!
Họ cho rằng “Kịch bản của Đảng Cộng sản Việt Nam không khác với Liên Xô là mấy”!? Vì thế, chúng tìm mọi thủ đoạn từ “đấu tranh bất bạo động” gắn mác “dân chủ, nhân quyền”, đến tổ chức lập hội, lập bè, lôi kéo người dân tham gia thực hiện những hoạt động trái pháp luật, như: tụ tập đông người, tuần hành, biểu tình,… để phản đối đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước,… hòng làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Chúng hy vọng rằng: “Kịch bản xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã thành công ở Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu, ắt sẽ có ngày thắng lợi ở Việt Nam!?”. Để thực hiện mưu đồ này, chúng tích cực lôi kéo, đào tạo đám lưu manh mang danh “Các nhà hoạt động dân chủ”, “dân oan”, “nhà báo tự do”, “nhà hoạt động nhân quyền” và “tù nhân lương tâm”,… điên cuồng tấn công vào nội bộ, bôi nhọ sự lãnh đạo của Đảng, tác động sâu vào tư tưởng, niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Chúng đưa ra luận điệu và tìm cách chứng minh rằng: “chế độ một đảng duy nhất lãnh đạo là đối lập với dân chủ, độc nhất với độc tài, cản trở sự phát triển” và “chỉ có đa nguyên, đa đảng mới có thể khơi dậy sự sáng tạo của toàn dân, tốt hơn cho sự phát triển của xã hội!?”. Những luận điệu này, thực chất là nhằm che đậy mục đích hạ bệ Đảng Cộng sản, hướng lái đất nước Việt Nam phát triển theo chủ nghĩa tư bản. Cả về lý luận và thực tiễn đã chứng minh rõ dân chủ không phụ thuộc vào số lượng các đảng chính trị mà điểm mấu chốt là bản chất chính trị của đảng cầm quyền. Điển hình như ở Chi-lê, Chính phủ quân sự do Pi-nô-chê đứng đầu, hay ở Phi-lip-pin thời chính quyền F. Mac-cốt tồn tại chế độ độc tài trong môi trường chính trị đa đảng. Trong thực tiễn, chúng thường viện dẫn và xuyên tạc sự thật lịch sử để cố chứng minh rằng “nếu Đảng Cộng sản Việt Nam không “tiếm quyền” thì Việt Nam đã đứng trong danh sách những nước phát triển?!”, rồi “Đảng chỉ lãnh đạo trong chiến tranh, còn trong xây dựng kinh tế thì nên trao quyền cho lực lượng chính trị khác”, v.v. Chúng đòi Đảng Cộng sản Việt Nam tự nguyện rời bỏ vai trò lãnh đạo của mình, xóa bỏ Điều 4, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định vai trò lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội.
Tuy nhiên, lịch sử là hiện thực sống động nhất bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc mà đám cơ hội khoác áo dân chủ đang tuyên truyền. Cuối thế kỷ XIX và những thập niên đầu thế kỷ XX, nhân dân Việt Nam sống cuộc đời nô lệ “một cổ hai tròng”. Không cam chịu ách thống trị hà khắc của thực dân Pháp và chế độ phong kiến thối nát, nhân dân Việt Nam đã vùng lên đấu tranh dưới các ngọn cờ lãnh đạo theo hệ tư tưởng phong kiến, hay lập trường nông dân, tiểu tư sản và tư sản dân tộc. Đó là các phong trào: Cần Vương, Yên Thế, cuộc vận động Duy Tân, Đông kinh nghĩa thục, Phong trào Đông Du, v.v. Mặc dù các phong trào đó thể hiện quyết tâm, khí thế và tinh thần yêu nước bất khuất, kiên trung ngút trời của nhân dân Việt Nam, nhưng đều lâm vào bế tắc, bị đàn áp dã man, rồi cuối cùng thất bại. Thời gian này, hàng loạt tổ chức đảng phái chính trị ra đời, như: Hội Phục Việt (năm 1925), Việt Nam Quốc dân đảng (năm 1927),... với nhiều cương lĩnh chính trị khác nhau, nhằm chiếm lĩnh vũ đài lịch sử, nhưng tất cả những ngọn cờ này đều nhanh chóng bị hạ xuống, bởi không phù hợp với xu thế thời đại, không thỏa mãn được lợi ích và nguyện vọng chính đáng của cả dân tộc.
Ngày 03-02-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, với cương lĩnh, đường lối cứu nước đúng đắn, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng đã tạo ra bước ngoặt căn bản trong phong trào yêu nước, đánh dấu sự kết thúc thời kỳ khủng hoảng đường lối cứu nước của cách mạng Việt Nam. Vậy là, chính thời đại và nhân dân đã trao trọng trách lãnh đạo dân tộc, đất nước cho Đảng Cộng sản Việt Nam, chứ đâu phải là “tiếm quyền” như sự xuyên tạc của những kẻ cơ hội. Đảng Cộng sản Việt Nam xứng đáng được nhân dân giao trọng trách vinh quang đó. Bởi, Đảng là “đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”. Đó là điều mà không một đảng phái nào khác trong lịch sử Việt Nam, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, có thể gánh vác nổi. Từ khi ra đời, lãnh đạo đất nước đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tỏ rõ vai trò đối với đất nước, dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam làm nên thắng lợi vĩ đại: Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan chế độ thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á; lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước vững vàng bước vào công cuộc đổi mới để “xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Thực tiễn 85 năm qua đã chứng minh cho toàn thế giới thấy rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh: Việt Nam từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hiện nay, tuy còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng Việt Nam vẫn có sự phát triển ổn định, vững chắc về mọi mặt. Nền kinh tế phát triển năng động, ổn định, hiệu quả; đời sống của nhân dân được cải thiện, chính trị ổn định, quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng. Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Hiệp định thương mai xuyên Thái Bình Dương (TPP); là Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009; Ủy viên Hội đồng nhân quyền; Ủy viên Hội đồng kinh tế - xã hội, Ủy viên Hội đồng UNESCO Liên hợp quốc,… Việt Nam có quan hệ trên 180 nước và nền kinh tế, vùng lãnh thổ; trong đó, có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 05 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam là điểm đến đầu tư của các thể chế kinh tế, nhà đầu tư có uy tín trên thế giới. Hàng loạt chuyến thăm chính thức của lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam đến một số nước Tây Âu, Đông Âu, Châu Phi, Châu Mỹ La tinh, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Trung Quốc,… và ngược lại đã khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam trên trường quốc tế, tự nó đập tan những luận điệu sai trái của những kẻ cơ hội, khóa áo dân chủ.
Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam nhận rõ có lúc phạm sai lầm, khuyết điểm và nghiêm túc tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm, tự đổi mới, tự chỉnh đốn để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, tiếp tục lãnh đạo để đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam tiến lên. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm và biện pháp khắc phục. Hành động quang minh chính đại đó không chỉ phản ánh đúng tâm trạng của đảng viên, mà còn là tâm nguyện của mọi tầng lớp nhân dân, vì thế được nhân dân tin tưởng. Trên thế giới, nước nào cũng có đảng chính trị lãnh đạo xây dựng và phát triển đất nước, khác nhau ở chỗ, nước đó có một đảng hay nhiều đảng và đảng cầm quyền đứng trên lập trường nào. Thực tiễn chứng minh: Đảng cầm quyền nếu không thường xuyên đổi mới, chỉnh đốn để luôn trong sạch, vững mạnh thì vai trò cầm quyền của Đảng sẽ bị lu mờ và tự đánh mất vai trò lãnh đạo của mình. Điều này đã trở thành nguyên tắc. Cả về lý luận và thực tiễn đã chứng minh: “Đảng Cộng sản Việt Nam là một Đảng “đạo đức, trí tuệ, văn minh”, lãnh đạo, tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Những âm mưu, thủ đoạn của những kẻ cơ hội khoác áo dân chủ, giả danh, giả nghĩa có thâm hiểm đến đâu cũng chỉ là ảo tưởng. Nhân dân Việt Nam luôn nhận rõ và kiên quyết đấu tranh, bác bỏ./.