Jul 22, 2021

Những hệ lụy đến từ tư tưởng bài vaccine trong công tác phòng, chống dịch Covid-19

           Tre Việt - Đại dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp, lan rộng trên toàn cầu, tác động sâu sắc, toàn diện tới mọi mặt đời sống xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Để đối phó, các chính phủ trên thế giới, trong đó có Việt Nam bên cạnh việc thực hiện các giải pháp như khoanh vùng, dập dịch, cách ly y tế, thì hiện nay vaccine được xem là công cụ hàng đầu để đối phó với dịch bệnh và đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Tuy nhiên, ở nhiều nơi trên thế giới, quyết định tiêm vaccine ngừa Covid-19 lại gây tranh cãi cả trong giới chuyên gia cũng như trong một bộ phận dân chúng. Sự lo lắng về tính an toàn của vaccineđã gây nên làn sóng biểu tình phản đối xảy ra ở một số nơi. Tại Việt Nam chiến dịch tiêm vaccine đối mặt với một số vấn đề, như: xuất hiện tình trạng phản ứng phụ sau tiêm chủng, sốc phản vệ dẫn đến có trường hợp tử vong . Hiện tượng trên đã gây nên sự hoang mang ở một bộ phận người dân, xuất hiện tâm lý e dè, lo lắng khi tiêm vaccine. Lợi dụng vấn đề này, các thế lực phản động ra sức xuyên tạc, tung thông tin sai sự thật trên các trang mạng xã hội, gây hoang mang dư luận, kêu gọi người dân từ chối, chống đối chủ trương tiêm vaccine cho toàn dân của Chính phủ.

Vậy thực hư vấn đề này như thế nào? vaccine có thực sự đáng sợ như các thông tin xuyên tạc, chúng ta hãy làm rõ vấn đề này.

Thứ nhất, như đã biết, những lúc đỉnh điểm của dịch, trên toàn thế giới có hàng trăm triệu người sống trong các vùng cách ly, phong tỏa và các trung tâm cách ly; thế giới “điên đảo” vì tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2. Các nước phương Tây với sự tự tin về hệ thống và đội ngũ y tế hùng mạnh đã từng xem nhẹ căn bệnh này, đã từng có chủ trương thả nổi tạo miễn dịch cộng đồng. Hậu quả là những ngày đen tối nhất đã xảy ra ở: Italia, Pháp, Đức, Anh, Ấn Độ, đặc biệt là Mỹ, Ấn Độ khi mỗi ngày có hàng trăm nghìn ca bệnh mới, hàng nghìn người chết. Đó là hậu quả tai hại khi các nước trên thế giới xem nhẹ dịch bệnh và khi chưa có vaccine.

Thứ hai, để đối phó với dịch Covid-19, các nước trên thế giới, trong đó có Việt nam đã triển khai chiến dịch tiêm chủng với quy mô chưa từng có trong lịch sử và theo đánh giá bước đầu đã đạt được những hiệu quả nhất định; ở các nước phát triển tình hình dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát, Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu đã có kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế. Tại Việt Nam, chiến dịch tiêm chủng trên quy mô lớn đã được triển khai; trong đó, ưu tiên cho lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, như đội ngũ y bác sĩ, lực lượng phục vụ trong các khu cách ly, lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ phòng chống dịch. Đặc biệt, hiện nay nước ta đang triển khai tiêm chủng cho công nhân thuộc các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh, thành phố Hồ Chí Minh,… bước đầu đã từng bước kiểm soát được sự lây lan của dịch bênh; công nhân một số khu công nghiệp ở vùng có dịch có thể đi làm trở lại. Đây là sự khẳng định về sự đúng đắn của các giải pháp, trong đó có tiêm vaccine.

Thứ ba, mỗi người trong chúng ta cần hiểu rõ nguyên lý hoạt động của vaccine là tạo ra phản ứng miễn dịch trong cơ thể bằng cách đưa kháng nguyên của một loại virus cụ thể vào cơ thể thông qua các liều tiêm. Tất nhiên, không phải ai cũng có thể tiêm vaccine được, những người có hệ miễn dịch yếu hay dị ứng với một số thành phần của vaccine không được phép tiêm. Tuy nhiên, nếu số người tiêm vaccine tăng lên thì mầm bệnh khó tồn tại trong cộng đồng và nguy cơ phơi nhiễm của những người không được tiêm sẽ giảm xuống thấp. Trạng thái đó được gọi là miễn dịch cộng đồng. Do vậy, hiểu rõ về vaccine sẽ giúp mỗi người có niềm tin để chiến thắng đại dịch, bác bỏ những luận điểm xuyên tạc của các thế lực thù địch, tin tưởng vào sự thắng lợi của chiến dịch tiêm chủng do Chính phủ thực hiện.

        Tại Việt Nam hiện nay, đối với đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, Bộ Y tế đánh giá: dịch bệnh đang diễn biến phức tạp hơn các đợt dịch trước, có đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chủng (với biến chủng Delta) nên tốc độ lây nhiễm tăng cao hơn so với các đợt dịch trước, cho nên bên cạnh việc thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K” của ngành Y tế, thì tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 (ngày 29/5/2021), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo phải phòng chống dịch từ xa, từ sớm, từ trước khi có dịch với phương châm “5k + Vaccine + Công nghệ”. Nhận rõ tầm quan trọng của vaccine trong công tác phòng dịch, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy nhanh, thần tốc chiến dịch vaccine; đồng thời, có những chỉ đạo cụ thể để trong thời gian ngắn tình hình tiêm vaccine được cải thiện và chúng ta có thể nghĩ tới miễn dịch cộng đồng, đưa cuộc sống trở lại bình thường./.