Jul 8, 2025

Việt Nam quan tâm bảo đảm các quyền dân sự, chính trị

            Trong hai ngày 07 - 08/7/2025, Đoàn Việt Nam với đại diện của 9 cơ quan tham dự Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) tại Phiên họp thứ 144 của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sĩ).

Đây là cơ hội để Việt Nam báo cáo những nỗ lực và kết quả đạt được trong việc thực hiện Công ước, đồng thời thể hiện tinh thần đối thoại cởi mở, cầu thị và tiếp tục hoàn thiện các chính sách quyền con người.

Được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 16/12/1966 và có hiệu lực từ năm 1976, ICCPR là một trong những văn kiện quốc tế quan trọng nhất về quyền con người, bao gồm các quyền cơ bản như quyền sống, tự do ngôn luận, tự do hội họp, quyền bầu cử, và quyền xét xử công bằng. Ngày 24/9/1982 Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Công ước.

Từ đó đến nay, Việt Nam không ngừng nỗ lực cụ thể hóa các cam kết quốc tế thông qua cải cách pháp luật, xây dựng, hoàn thiện chính sách, bảo đảm các quyền dân sự và chính trị được công nhận và thực thi trong thực tiễn. Hiến pháp năm 2013 tạo nền tảng pháp lý quan trọng về quyền con người. Chương II của Hiến pháp quy định về quyền con người và quyền công dân, phản ánh các nguyên tắc cốt lõi của ICCPR như quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, và quyền bầu cử.

Các nội dung này cụ thể hóa trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Về quyền tự do ngôn luận, quy định tại Điều 19 của ICCPR, Việt Nam đã cụ thể hóa trong Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018. Các văn bản tạo hành lang pháp lý để công dân tiếp cận thông tin từ các cơ quan nhà nước một cách minh bạch, thực hiện quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng, đồng thời ngăn chặn các hành vi lợi dụng quyền này để lan truyền thông tin sai lệch, gây bất ổn xã hội. Các chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền tự do ngôn luận do chính quyền địa phương và các cấp, ngành liên quan triển khai rộng rãi qua tờ rơi, phát thanh, hội thảo, tọa đàm, v.v.

Về quyền bầu cử, quy định tại Điều 25 của ICCPR, năm 2015 Việt Nam ban hành Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân, quy định công dân được tham gia bầu cử và ứng cử, không phân biệt giới tính, dân tộc, hay tôn giáo. Nhờ đó các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp được tổ chức định kỳ, minh bạch, với tỷ lệ cử tri đi bầu luôn đạt mức cao.

Tại kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV (22/5/2016) và khóa XV (23/5/2021), tỷ lệ cử tri cả nước tham gia đạt hơn 98%. Điều này phản ánh sự tham gia tích cực và trách nhiệm của người dân vào đời sống chính trị. Có thể khẳng định, những nỗ lực của Việt Nam trong việc nội luật hóa ICCPR phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và truyền thống văn hóa tạo nền tảng pháp lý vững chắc để thực thi các quyền dân sự và chính trị.

Suốt hơn 40 năm, kể từ khi gia nhập ICCPR, Việt Nam đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong việc bảo đảm các quyền dân sự và chính trị, thể hiện qua hoạt động cải cách pháp luật, các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách thúc đẩy quyền con người. Riêng giai đoạn 2019 - 2025, kể từ Phiên họp thứ 143 (tháng 3/2019) đến Phiên họp thứ 144 (tháng 7/2025), Việt Nam ban hành và sửa đổi nhiều văn bản pháp luật quan trọng thể hiện cam kết giảm dần việc áp dụng án tử hình, phù hợp với xu thế quốc tế và Điều 6 của ICCPR.

Mới đây, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ ngày 01/7/2025 đã bỏ hình phạt tử hình đối với tám tội danh gồm: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội phá hoại cơ sở vật chất-kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội vận chuyển trái phép chất ma túy; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược. Những người bị kết án tử hình về tám tội nêu trên trước ngày 01/7/2025 sẽ không phải thi hành án và được chuyển xuống tù chung thân.

Luật Tư pháp cho người chưa thành niên năm 2019 và Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/7/2025 tăng cường các biện pháp bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương, bảo đảm quyền được xét xử công bằng và quyền an toàn cá nhân.

Các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, như: Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội, ban hành 18/11/2019) tập trung vào 10 dự án thành phần, thúc đẩy quyền tự quyết và bình đẳng dân tộc phù hợp với Điều 1, Điều 25 của ICCPR.

Khi triển khai, các dự án hỗ trợ đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt; phát triển giáo dục, y tế; và bình đẳng giới đã cải thiện đáng kể đời sống đồng bào và tạo cơ hội để người dân tiếp cận thông tin nhanh chóng và khuyến khích tham gia các hoạt động chính trị-xã hội.

Hay chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 18/1/2022) ưu tiên hộ nghèo, tăng cường quyền sống và an sinh xã hội, đặc biệt ở vùng khó khăn.

Các chính sách ban hành kịp thời đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quyền con người, đặc biệt ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền dân sự và chính trị không ngừng được đẩy mạnh. Ngày 26/9/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1252/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc.

Các hội nghị, hội thảo, và tập huấn về ICCPR được tổ chức trên toàn quốc với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, và cộng đồng, từng bước nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời giúp các cơ quan chức năng thực thi pháp luật hiệu quả hơn, tạo nền tảng quan trọng giúp các quyền quy định trong ICCPR được hiện thực hóa sinh động trong đời sống.

Những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực thi ICCPR nhận được sự ghi nhận tích cực từ cộng đồng quốc tế và các chuyên gia trong nước. Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc, trong các khuyến nghị sau Phiên đối thoại lần thứ 3 năm 2019, ghi nhận những tiến bộ của Việt Nam trong việc hoàn thiện khung pháp luật và thực thi các quyền như quyền tự do tôn giáo, quyền xét xử công bằng, và quyền bình đẳng giới.

Đáng chú ý, tại Phiên rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV (tháng 9/2024) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Hội đồng Nhân quyền chấp thuận Báo cáo quốc gia của Việt Nam với 271 trên tổng số 320 khuyến nghị, đạt tỷ lệ 84,7%, cao nhất trong 4 chu kỳ. Nhiều quốc gia bày tỏ tán đồng và đánh giá cao các thành tựu trong bảo đảm quyền con người, bao gồm quyền dân sự và chính trị của Việt Nam.

Mặc dù đạt nhiều thành tựu, Việt Nam vẫn đối mặt với một số luận điệu xuyên tạc, phủ nhận những nỗ lực trong việc thực thi ICCPR. Một số tổ chức, cá nhân cực đoan, thiếu thiện chí dựa trên nguồn thông tin không khách quan, không chính xác để cáo buộc Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận, giam giữ tùy tiện, và hạn chế quyền hội họp. Họ cho rằng Việt Nam hạn chế quyền tự do ngôn luận, nhất là trên không gian mạng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy người dân Việt Nam được tự do tham gia mạng xã hội và bày tỏ quan điểm, ý kiến trong khuôn khổ pháp luật.

Theo Báo cáo Digital Việt Nam 2025 của We Are Social & Meltwater, tính đến đầu năm 2025, Việt Nam có 79,8 triệu người sử dụng internet với tỷ lệ 78,8% dân số có kết nối trực tuyến. Luật An ninh mạng năm 2018 chỉ ngăn chặn các hành vi lạm dụng quyền tự do ngôn luận để lan truyền thông tin sai lệch, kích động bạo lực, hoặc gây mất ổn định xã hội. Một số trường hợp vi phạm bị xử lý thời gian qua đều được tiến hành theo đúng trình tự pháp luật.

Một cáo buộc khác cho rằng Việt Nam giam giữ tùy tiện một số cá nhân nhưng thiếu bằng chứng cụ thể và không xem xét các quy định pháp luật hiện hành là luận điệu sai sự thật. Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) quy định rõ mọi cá nhân bị bắt giữ đều có quyền được thông báo lý do, quyền có luật sư, và quyền được xét xử công bằng. Hệ thống trợ giúp pháp lý miễn phí của Việt Nam hỗ trợ rất nhiều trường hợp, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương, phù hợp với quyền được bảo vệ theo Điều 9 và Điều 14 của ICCPR.

Những thí dụ nêu trên phần nào cho thấy cách nhìn nhận, đánh giá thiếu khách quan của một số tổ chức, cá nhân, nhằm phủ nhận những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc thực thi ICCPR. Tuy nhiên minh chứng sống động trong phát triển kinh tế-xã hội, cải cách pháp luật, và cam kết quốc tế của Việt Nam là bằng chứng thuyết phục nhất cho những thành quả và quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo đảm và thúc đẩy các quyền dân sự và chính trị, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết: “Những thông tin, bằng chứng đưa ra tại báo cáo cũng như phiên đối thoại sẽ là câu trả lời rõ ràng, phản bác những thông tin sai lệch về tình hình quyền con người tại Việt Nam”.

Với những kết quả đạt được, chúng ta tự tin khẳng định, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong việc thực thi Công ước ICCPR. Từ những cải cách mạnh mẽ trong xây dựng pháp luật, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia phù hợp với đòi hỏi giai đoạn mới, tăng cường phối hợp liên ngành, Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế, đồng thời hướng tới mục tiêu cao hơn: Xây dựng xã hội công bằng, dân chủ và thịnh vượng, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới. Chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, hiện việc bảo đảm các quyền dân sự, chính trị vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, song Việt Nam luôn thể hiện tinh thần cầu thị, cởi mở, lắng nghe ý kiến góp ý xác đáng, tiếp tục hoàn thiện các chính sách quyền con người.

Theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Việt Nam tham gia phiên đối thoại “trên tinh thần cầu thị, cởi mở đối với các vấn đề được đề cập để tiếp thu, tiếp tục thúc đẩy những nội dung chúng ta đã thực hiện tốt. Đồng thời, có cách tiếp cận phù hợp để thúc đẩy thực thi Công ước hiệu quả hơn nữa”. Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người chính là mục tiêu của Đảng, Nhà nước ta, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước./.

(Trích nguồn: nhandan.vn)

Tinh gọn tổ chức bộ máy là đòi hỏi tất yếu từ thực tiễn

Tinh gọn bộ máy nhà nước là một cuộc cách mạng hành chính sâu rộng, thận trọng và kiên trì - xuất phát từ yêu cầu bức thiết của thực tiễn phát triển đất nước và đặt trong tổng thể tiến trình đổi mới.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, khảo sát thực tế
tại Trung tâm dịch vụ hành chính công
phường Xuân Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh
(Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)


Những thành tựu to lớn, vĩ đại và khá toàn diện đã đạt được sau 40 năm đổi mới, cùng với sự phát triển như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đem đến cơ hội lịch sử đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thực tiễn đó cũng đặt ra cho Việt Nam yêu cầu cấp bách thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong kỷ nguyên mới.

Dù vậy, các thế lực thù địch, phản động và những phần tử cơ hội chính trị vẫn không ngừng lan truyền các luận điệu xuyên tạc, phản động, bóp méo bản chất của vấn đề, nhằm gây hoài nghi trong nhân dân, kích động tâm lý bất mãn, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, cản bước phát triển của đất nước. Chúng lan truyền hàng loạt thông tin, bài viết, video clip với những nội dung “sáp nhập là cách Đảng muốn thanh trừng phe cánh”; “cơ cấu bộ máy nhà nước nói là tinh gọn nhưng không thay đổi mà chỉ chuyển người từ chỗ này sang chỗ khác, chỉ gây tốn kém, phức tạp”; “việc tinh giản biên chế ở Việt Nam chỉ là hình thức, mị dân.”

Trước hết, tình trạng bộ máy cồng kềnh, chồng chéo chức năng không chỉ là vấn đề kỹ thuật tổ chức, mà ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng tới quyền lợi của người dân, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và sự phát triển của nền kinh tế. Việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và cơ quan đầu mối là yêu cầu cấp thiết để xây dựng một nền hành chính hiện đại, hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thêm vào đó, gánh nặng tài chính mà bộ máy cồng kềnh gây ra là rất lớn. Theo số liệu từ Bộ Nội vụ (công bố năm 2023), tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị là khoảng 2,5 triệu người, trong đó viên chức sự nghiệp chiếm phần lớn. Chi thường xuyên cho bộ máy hành chính, trong đó có tiền lương, phụ cấp và chi phí hoạt động, đang chiếm một phần đáng kể trong ngân sách nhà nước. Số liệu thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, trong nhiều năm liền, chi thường xuyên luôn chiếm khoảng 65-70% tổng chi ngân sách nhà nước, trong đó phần lớn là chi trả lương, phụ cấp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đây là gánh nặng không nhỏ đối với nền tài chính quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta cần ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển, ứng phó với biến đổi khí hậu và các thách thức toàn cầu như dịch bệnh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng.

Trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế, việc tinh giản bộ máy là điều kiện tiên quyết để giảm áp lực tài chính và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.Khi Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, thì nền hành chính công hiện đại, minh bạch, linh hoạt là yếu tố then chốt để thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Hơn nữa, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên trong năm 2025 và hai con số trong những năm tiếp theo để hiện thực hóa quyết tâm đạt mức thu nhập cao vào năm 2045. Một bộ máy cồng kềnh, trì trệ sẽ không thể thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thời đại số và xu hướng quản trị hiện đại.Ngoài ra, tinh giản bộ máy còn là bước đi cần thiết trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Khi bộ máy được sắp xếp hợp lý, trách nhiệm rõ ràng, cơ chế giám sát minh bạch, thì những kẽ hở cho tham nhũng sẽ bị thu hẹp. Đồng thời, đây cũng là cách để củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước.

Sự thật rõ ràng như vậy, song các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị vẫn trắng trợn xuyên tạc. Chúng rêu rao rằng đổi mới ở Việt Nam là đổi mới nửa vời vì không đổi mới chính trị và cải tổ hệ thống chính trị thì việc hợp nhất bộ máy không giải quyết gì. Đây là sự ngụy biện nguy hiểm, đánh tráo khái niệm nhằm phủ nhận nỗ lực cải cách thực chất và bài bản của Việt Nam, là sự xuyên tạc có chủ đích, mang tính kích động, nhằm làm mất lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đổi mới đang đi.

Trong suốt gần 40 năm kể từ công cuộc Đổi mới được khởi xướng từ Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa lịch sử trên nhiều lĩnh vực. Từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu, hứng chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế năng động, đầy tiềm năng và triển vọng hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đến năm 2024, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt hơn 476 tỉ USD, trở thành một trong 32 nền kinh tế lớn nhất thế giới, thu nhập bình quân đầu người tăng từ dưới 100 USD năm 1988 lên gần 5.000 USD năm 2024. Việt Nam lọt vào nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; nằm trong nhóm 20 nền kinh tế thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất thế giới từ năm 2019 đến nay, là một trong 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới.

Xuất khẩu đạt trên 405,53 tỉ USD, đưa Việt Nam lọt vào nhóm 20 quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất thế giới. Khu vực kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vai trò quan trọng khi đóng góp hơn 40% GDP. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ hơn 70% năm 1986 xuống dưới 3% hiện nay (theo chuẩn nghèo đa chiều). Đồng thời, quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội được đảm bảo, hệ thống an sinh xã hội ngày càng hoàn thiện, bảo hiểm y tế bao phủ trên 92% dân số.

Trong lĩnh vực đối ngoại, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, trong đó có 18 đối tác chiến lược và toàn diện. Việt Nam là thành viên năng động trong các tổ chức quốc tế, tích cực đóng góp vào hòa bình, hợp tác khu vực và toàn cầu.       Việc tổ chức thành công các sự kiện lớn như Hội nghị cấp cao ASEAN, WEF, APEC,... hay đảm nhận hai nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là minh chứng cho uy tín ngày càng lớn của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thành quả sau 40 năm đổi mới là bằng chứng hùng hồn nhất phản bác những luận điệu xuyên tạc cho rằng Việt Nam “đổi mới nửa vời” vì chưa cải cách hệ thống chính trị.       Thực tế chứng minh rằng Việt Nam đổi mới chính trị một cách có nguyên tắc, phù hợp với điều kiện lịch sử, văn hóa và thực tiễn phát triển của đất nước. Không thể có một Việt Nam phát triển, ổn định và hội nhập quốc tế như ngày nay nếu không có sự đổi mới về tư duy chính trị, về tổ chức bộ máy, về pháp luật và quản lý nhà nước.

Đổi mới chính trị là một phần then chốt trong mô hình đổi mới toàn diện mang bản sắc Việt Nam. Lịch sử chứng minh rằng mọi cuộc cách mạng chân chính, dù là về chính trị, kinh tế hay xã hội, đều cần đến sự hy sinh - thậm chí là hy sinh rất lớn. Cuộc cách mạng tinh giản bộ máy, đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay cũng không phải ngoại lệ. Sự hy sinh ở đây là sự từ bỏ vị trí, quyền lợi, sự ổn định của cá nhân vì lợi ích lớn hơn: sự vận hành hiệu của bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả - phục vụ tốt hơn cho nhân dân và doanh nghiệp.

Hàng chục nghìn cán bộ, công chức, viên chức đã chấp nhận rời vị trí, chuyển công tác, nghỉ hưu trước tuổi hay từ chối tái bổ nhiệm, không phải vì họ yếu kém, mà vì họ đặt cái chung lên trên cái riêng, hiểu rằng một bộ máy cồng kềnh sẽ kìm hãm sự phát triển của cả đất nước. Tuy nhiên, trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện để người rời vị trí nhận được sự hỗ trợ tài chính, được chuyển đổi nghề nghiệp hoặc tiếp cận các chính sách an sinh xã hội.

Tinh gọn bộ máy nhà nước không phải là một sự thay đổi hình thức hay mang tính đối phó, càng không phải là “đổi mới nửa vời” như những luận điệu xuyên tạc mà các thế lực thù địch cố tình reo rắc. Trái lại, đây là một cuộc cách mạng hành chính sâu rộng, thận trọng và kiên trì – xuất phát từ yêu cầu bức thiết của thực tiễn phát triển đất nước và được đặt trong tổng thể tiến trình đổi mới toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Vì vậy, chúng ta cần kiên quyết phản bác những luận điệu thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền làm rõ bản chất con đường đổi mới ở Việt Nam: toàn diện, có lộ trình, có chiều sâu và vì lợi ích lâu dài của nhân dân và dân tộc./.

(Trích nguồn: TTXVN)