Tre Việt - Một số trang mạng ngày 13-8 đưa tin: Dựa trên báo cáo về tự do
tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố hôm 10-8, Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự
do tôn giáo quốc tế (USCIRF), hôm 12-8 yêu cầu đưa Việt Nam, cùng 6 quốc gia
khác vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo (CPC). Yêu
cầu này chết yểu là điều tất yếu. Bởi nó thiếu tính khách quan.
Thật vậy, tự do tôn giáo ở Việt Nam được pháp luật ghi nhận. Điều 24, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy
định: “(1) Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng. (2) Nhà nước tôn trọng và bảo hộ
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. (3) Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng,
tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Điều I, Pháp
lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI) thông qua
ngày 18-6-2004, cũng quy định: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo,
theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo của công dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy. Các tôn giáo đều
bình đẳng trước pháp luật. Công dân có tín ngưỡng, tôn giáo hoặc không có tín
ngưỡng, tôn giáo cũng như công dân có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau phải tôn
trọng lẫn nhau”. Ðiều 9 của Pháp lệnh này cũng quy định: “Trong hoạt động tín
ngưỡng, tôn giáo, người có tín ngưỡng, tín đồ có trách nhiệm tôn trọng quyền tự
do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của người
khác; thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không cản trở việc thực hiện
quyền và nghĩa vụ công dân; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng quy định của
pháp luật”. Không chỉ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong hệ thống
pháp luật, mà Đảng, Nhà nước luôn bảo đảm quyền này được thực thi trên thực
tế. Theo thống kê chưa đầy đủ, khoảng 95% dân số Việt Nam có đời sống tín
ngưỡng. Hiện cả nước có 13 tôn giáo với 36 tổ chức tôn giáo và 01 pháp môn tu
hành đã được công nhận và cấp đăng ký hoạt động, với khoảng 30 triệu tín đồ;
trên 100 nghìn chức sắc, chức việc, nhà tu hành; hàng chục cơ sở đào tạo chức sắc
tôn giáo; hàng chục nghìn cơ sở thờ tự, v.v. Hằng năm, có khoảng 8.500 lễ hội
tôn giáo, tín ngưỡng được tổ chức. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà
tu hành được duy trì, mở rộng. Nhiều chức sắc và nhà tu hành Việt Nam được cử
đi đào tạo ở nước ngoài. Đại diện chức sắc các tôn giáo Việt Nam đã tham gia đối
thoại tôn giáo, tín ngưỡng, giao lưu học hỏi, trao đổi giáo lý và giáo luật tại
các diễn đàn lớn, như: Diễn đàn hợp tác Á- Âu (ASEM), Hiệp hội các quốc gia
Đông Nam Á (ASEAN),… và có quan hệ với Vatican kể từ năm 1989. Trên cơ sở mối
quan hệ này, Vatican đã cử Ðại diện không thường trú tại Việt Nam từ năm 2011. Đến
nay, đặc phái viên không thường trú của Vatican đã thực hiện trên 20 chuyến
thăm tới 60/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Các tổ chức nhân quyền và tôn giáo
quốc tế đã nhiều lần đến thăm, làm việc, khảo sát thực tế và thừa nhận việc đảm
bảo quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ. Trong chuyến thăm
và làm việc tại Việt Nam, Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb đánh giá: “Cho dù vẫn còn
những quan điểm cá nhân về một vài vụ việc cụ thể liên quan đến tự do tôn giáo
tại Việt Nam, nhưng không thể phủ nhận những tiến bộ về tự do tôn giáo tại Việt
Nam,…”.
Vậy mà, cái gọi là Ủy ban kia lại yêu cầu đưa
Việt Nam vào danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tôn giáo. Đó chỉ là sự
thiếu khách quan, áp đặt, nên yêu cầu ấy sẽ bị chết yểu mà thôi./.