Aug 25, 2018

Hãy mau tỉnh ngộ


Tre Việt - Từ ngày 13 đến ngày 17-8-2018, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị ngoại giao lần thứ 30 của ngành Ngoại giao Việt Nam. Sau thành công của Hội nghị, ngày 22-8-2018, trên trang Facebook cá nhân, luật sư Ngô Ngọc Trai đăng bài: Ngoại giao Việt Nam cần gỡ “rào cản nhân quyền”. Được biết, luật sư Ngô Ngọc Trai là Giám đốc Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn Công chính, thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Ngô Ngọc Trai có rất nhiều bài viết xuyên tạc, nói xấu tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam đăng trên các trang mạng xã hội có nội dung chống đối Việt Nam, như BBC, RFA, VOA, v.v. Trong bài viết này, Ngô Ngọc Trai đã có cách nhìn hết sức thiểm cận, phiến diện và lạc lõng rằng “Việt Nam nỗ lực hội nhập nhưng có một điểm gây tắc nghẽn trên con đường phát triển, đó là vấn đề dân chủ, nhân quyền”. Cuối bài viết, Ngô Ngọc Trai kết luận xanh rờn rằng, việc cải thiện môi trường dân chủ trong nước và trả tự do cho tù nhân lương tâm sẽ giúp ích cho các hoạt động đối ngoại và tạo đà phát triển cho Việt Nam.

Tuy nhiên, Ngô Ngọc Trai như “ếch ngồi đáy giếng”, “nhìn thấy cây mà không thấy rừng”, trên thực tế, trong những năm qua, Việt Nam luôn nhất quán với đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, quang minh, chính đại của mình, thực hiện phương châm, nhiệm vụ: vừa hợp tác, vừa đấu tranh nhằm mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định của đất nước, tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; nâng cao vị thế và uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Kết quả đó được minh chứng là: Việt Nam là nước trong khối ASEAN duy nhất có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và toàn bộ nhóm G7, 13/20 nước G20. Chúng ta đã tạo dựng được sự đan xen lợi ích song phương với các nước đối tác toàn diện, giúp Việt Nam tranh thủ được các nguồn lực quốc tế to lớn cho phát triển. Đan xen lợi ích giữa kinh tế với các vấn đề chính trị, an ninh, đã giúp chúng ta hóa giải vướng mắc trong các quan hệ bằng cách tiếp cận sáng tạo, linh hoạt hơn. Chúng ta chủ động can dự thúc đẩy được “điểm đồng lợi ích” với các đối tác, giảm bất đồng, đưa quan hệ đi vào chiều sâu, cùng có lợi, nhất là các nước lớn điều chỉnh mạnh về chính sách.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực xã hội, chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn tôn trọng và thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc không ngừng đảm bảo và cải thiện các quyền cơ bản của người dân trong thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
          Theo Tre Việt, thật đáng hổ thẹn là luật sư lẽ ra Ngô Ngọc Trai phải ý thức được sứ mệnh của mình, biết giữ gìn phẩm chất và danh dự nghề nghiệp trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Nhưng Ngô Ngọc Trai đã dùng cái danh luật sư, tự đề cao bản thân mình, nói liều, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; cổ súy cho các hành động sai trái của các đối tượng cơ hội, chống đối chính trị.
          Với lời lẽ và ý đồ thâm độc như vậy, Ngô Ngọc Trai đã tự cho mình là có trình độ vượt trội hơn hẳn người bình thường để mạnh mồn, tuyên bố những lời, bài viết có nội dung xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bôi nhọ tình hình Việt Nam. Đồng thời, y cũng đã bộc lộ bản chất thật sự của mình, cũng chỉ là một “nhà dân chủ rởm” giống như những luật sư biến chất Lê Công Định, Cù Huy Hà Vũ,… mà thôi. Vì vậy, Tre Việt có lời khuyên Ngô Ngọc Trai hãy mau tỉnh ngộ, dừng lại, trước khi quá muộn./.

Biến trắng thành đen


         Tre Việt - Ngày 22-8-2018, trên VOA Tiếng Việt đăng bài: “Biến cố tháng 8, 1945 và cuộc kháng chiến cuối cùng chống Pháp” của Thiện Ý.
          Bài viết này, trên cơ sở điểm lại và sự phân tích hoàn toàn bịa đặt một số sự kiện trong và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của nhân dân Việt Nam, Thiện Ý đi đến một kết luận hồ đồ rằng, “…Việt Nam đã có độc lập từ lâu (từ khi Nhật trao trả độc lập cho vua Bảo Đại với Chính phủ Trần Trọng Kim vào năm 1945)…”(!).

Đây là bài viết sặc mùi phản động, hoàn toàn xuyên tạc lịch sử Việt Nam của Thiện Ý nhưng không thiện tâm. Có đúng Việt Nam đã độc lập từ lâu (từ khi Nhật trao trả độc lập cho vua Bảo Đại với Chính phủ Trần Trọng Kim vào năm 1945) không? Hoàn toàn không! Đó chỉ là chính phủ bù nhìn mà Nhật lập ra để phục vụ cho mục đích của chúng. Chỉ dẫn chứng thế này, ngày 30-3-1945, trong một cuộc họp với công chức người Việt ở Long Xuyên, Toàn quyền Nhật Bản là Minoda nói về bản chất sự “độc lập” của Đế quốc Việt Nam - tên nước Việt Nam do Chính phủ Trần Trọng Kim đặt - “Có một sự hiểu lầm lớn về sự độc lập ở Đông Dương. Sự độc lập này là hoàn toàn ở dưới sự kiểm soát quân sự của Nhật Bản. Sự độc lập của đế chế Trung Kỳ và cũng như của Cao Miên đã được tuyên bố. Nam Kỳ chẳng những ở dưới sự kiểm soát quân sự mà còn dưới cả sự cai trị quân sự của Nhật Bản. Vậy thì không có sự độc lập của Nam Kỳ”. Luật sư Phan Anh, một bộ trưởng trong Chính phủ Trần Trọng Kim, sau này viết “Chúng tôi đã lầm rất lớn. Chúng tôi đã tưởng lợi dụng được một đế quốc chống một đế quốc khác, tranh thủ quyền lợi về ta, nhưng trái lại bọn Nhật đã lợi dụng chúng tôi, ít nhất cũng là về danh nghĩa. Đó là một bài học đau đớn!”. Những câu nói này cũng rất phổ biến trên internet, một người viết bài đưa lên mạng như Thiện Ý chắc cũng quá biết, chẳng qua là giả ngây, giả ngô để nói càn!
Còn nữa, nạn đói năm 1945 đã giết chết bao người Việt Nam khắp từ Bắc vào Nam, khi đó Chính phủ Trần Trọng Kim đã làm gì? Lẽ dĩ nhiên, nguyên nhân nạn chết đói đó chủ yếu không phải là do Chính phủ Trần Trọng Kim mà là do chế độ thực dân, là chính sách tàn bạo của Pháp - Nhật. Nhưng, sự bất lực, bù nhìn của Chính phủ Trần Trọng Kim đã không thể làm được gì khi trong kho của quân Nhật đầy ắp thóc, gạo. Bởi, Chính phủ đã hứa là tiếp tế cho Nhật bằng hoặc hơn Pháp, để xứng đáng với cái “độc lập” mà Nhật ban cho! Vậy thử hỏi cái “độc lập” của Chính phủ Trần Trọng Kim có cần không? Chắc chắn là không! Độc lập mà để dân đói, mọi việc vẫn phải dưới sự điều hành của ngoại bang thì độc lập để làm gì? Đó là một chính phủ phục vụ quân đội phát xít. Một chính phủ như vậy, nếu không bị nhân dân lật đổ thì cũng bị Quân đồng minh giải thể sau khi phát xít thua trận.
Như vậy, nếu nói Việt Nam đã độc lập từ lâu (từ khi Nhật trao trả độc lập cho vua Bảo Đại với Chính phủ Trần Trọng Kim vào năm 1945) là hoàn toàn bịa đặt, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận sự đấu tranh hy sinh, gian khổ của nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc với biết bao gian khổ và hy sinh. Chỉ khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam mới thực sự giành được độc lập dân tộc, thực là người chủ đất nước, đúng với mong mỏi của toàn thể dân tộc Việt Nam./.