Aug 30, 2017

Hành động vô ích

Tre Việt - Bạn đọc Sơn Ngọc gửi đến Tre Việt bài viết “Hành động vô ích” bày tỏ sự đồng tình với bài viết “Vô liêm sỉ” của Tre Việt ngày 30-8. Xin giới thiệu với bạn đọc và cảm ơn bạn Sơn Ngọc.

HÀNH ĐỘNG VÔ ÍCH
Sơn Ngọc
Vừa qua, Cộng đồng người Việt Quốc gia tại Mỹ đã sản xuất ra “Thỉnh nguyện thư” có nội dung kêu gọi mọi người ký tên phản đối, ngăn cản quá trình ứng cử của ông Phạm Sanh Châu làm Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Đây là việc làm vô ích.
UNESCO là một trong những tổ chức chuyên môn lớn của Liên hiệp quốc, hoạt động với mục đích “Thắt chặt sự hợp tác giữa các quốc gia về giáo dục, khoa học và văn hóa để đảm bảo sự tôn trọng công lý, luật pháp, nhân quyền và tự do cơ bản cho mọi người, không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo”. Đồng thời, là tổ chức xã hội, phi chính phủ, không vụ lợi, các nước tham gia trên tinh thần tự nguyện; hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục nên không có các ràng buộc về lợi ích chính trị, kinh tế với quốc gia thành viên. Hoạt động với phương châm là không can thiệp vào vấn đề nội bộ của các quốc gia nên các đơn, thư liên quan đến vấn đề chống phá chính trị nội bộ như “Thỉnh nguyện thư” nói trên sẽ không được UNESCO tiếp nhận.
Bên cạnh đó, lựa chọn Tổng Giám đốc là công tác nội bộ của UNESCO, do Hội đồng chấp hành đề nghị và Đại hội đồng bầu cử. Quá trình lựa chọn phải căn cứ vào quy chế hoạt động của tổ chức, trình độ, năng lực, lòng nhiệt tâm của ứng viên; không phụ thuộc vào các mối quan hệ kinh tế, chính trị. Hơn nữa, đây là lần đầu tiên UNESCO áp dụng quy trình hoàn toàn mới trong việc tuyển chọn Tổng Giám đốc, như: cho phép mọi người vào khán phòng để nghe thuyết trình, tăng thời lượng phỏng vấn từ 60 phút lên 90 phút, cho phép hỏi trực tiếp, truyền hình trực tiếp,… để tăng thêm tính công khai minh bạch. Vì vậy, không một quốc gia, tổ chức nào có khả năng can thiệp vào quá trình lựa chọn này.
Mặt khác, Cộng đồng người Việt Quốc gia tại Mỹ là một tổ chức phản động tự phong (hình thức câu lạc bộ, không có tên trong Wikipedia), hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam, chia rẽ mối quan hệ giữa người Việt trong và ngoài nước, phá hoại mối đại đoàn kết toàn dân tộc, không tôn trọng công lý, luật pháp Việt Nam. Cộng đồng này luôn cổ súy cho việc “Không chấp nhận hòa hợp, hòa giải dân tộc dưới bất cứ hình thức nào” là đi ngược với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của nhân dân Việt Nam. Việc phản đối ông Phạm Sanh Châu tham gia ứng cử vào chức Tổng giám đốc UNESCO của Liên hợp quốc có lẽ là ý kiến thể hiện sự đố kỵ của một số cá nhân trong Cộng đồng người Việt Quốc gia tại Mỹ. Đây là một hành động thiếu văn hóa, người dân bình thường chẳng ai ủng hộ, và đương nhiên, một tổ chức chuyên về văn hóa như UNESCO sẽ không thèm để ý.
Ông Phạm Sanh Châu, sinh năm 1961, được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, sử dụng thành thạo tiếng Anh và tiếng Pháp; bắt đầu sự nghiệp ngoại giao từ năm 1983, từng làm Đại sứ nước ta tại Bỉ, Lúc-xăm-bua, có nhiều năm làm việc tại UNESCO Việt Nam. Hiện nay, Ông đang là Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về các vấn đề UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam. Hiện tại, Ông đang được phỏng vấn vòng 3 của cuộc thi tuyển Tổng Giám đốc UNESCO; phần thi của Ông đã nhận được phản hồi rất tích cực từ các đại biểu dự phỏng vấn. Là ứng viên có nhiều người đặt câu hỏi nhất, nhưng Ông đã thu hút được cử tọa nhờ cách trình bày hay và ấn tượng, đầy cá tính, nắm bắt vấn đề vững vàng.

Với kết quả như vậy, Tre Việt tin rằng, ông Phạm Sanh Châu có đủ năng lực, kinh nghiệm và bản lĩnh để vượt qua các vòng phỏng vấn, trở thành người Việt Nam đầu tiên đảm nhận cương vị chủ chốt trong một tổ chức quan trọng của của Liên hợp quốc./.

Vô liêm sỉ

Tre Việt - Mới đây, Cộng đồng người Việt Quốc gia tại Mỹ đã ra “Thỉnh nguyện thư” kêu gọi mọi người ký tên phản đối, ngăn cản quá trình ứng cử vào chức Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) của ông Phạm Sanh Châu. Đó là việc làm vô liêm sỉ!

          Vậy, ông Phạm Sanh Châu là người như thế nào mà Cộng đồng người Việt Quốc gia tại Mỹ lại có việc làm ngớ ngẩn trên? Ông sinh năm 1961, bắt đầu sự nghiệp ngoại giao từ năm 1983, từng làm Đại sứ Việt Nam tại các nước: Bỉ, Lúc-xăm-bua và đã có nhiều năm làm việc tại UNESCO Việt Nam. Ông sử dụng thành thạo tiếng Anh và tiếng Pháp. Hiện nay, Ông đang là Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước ta, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về các vấn đề UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam. Ông có đầy đủ các tiêu chí để ứng cử vào chức Tổng giám đốc UNESCO của Liên hợp quốc. Do vậy, ông Phạm Sanh Châu đã được UNESCO chấp nhận là một trong những ứng viên ứng cử vào chức vụ danh giá này. Đó là niềm vui, niềm tự hào và kiêu hãnh của người Việt Nam dù sinh sống ở trong hay ngoài nước. Chưa biết kết quả cuối cùng thế nào vì việc lựa chọn chức Tổng Giám đốc UNESCO phải trải qua các khâu, các bước theo một quy trình chặt chẽ để lựa chọn người xứng đáng nhất. Ông Phạm Sanh Châu đã qua 02 vòng phỏng vấn, nhận được nhiều phản hồi tích cực và đang được phỏng vấn vòng 3. Là người Việt Nam có lương tri tất thảy đều mong ông Phạm Sanh Châu vượt qua ngoạn mục đòi hỏi của quy trình lựa chọn chức vụ Tổng Giám đốc UNESCO, vượt qua các ứng viên khác để là người Việt Nam đầu tiên đảm nhiệm chức vụ cao quý này! Ấy thế mà cái gọi là Cộng đồng người Việt Quốc gia tại Mỹ lại có việc làm vô liêm sỉ đưa ra cái “Thỉnh nguyện thư” điên rồ kia là sao? Họ luôn kêu gọi, hô hào Việt Nam phải thế nọ, thế kia để bằng bạn bằng bè, thế mà giờ đây lại có việc làm ngược lại. Lời nói và việc làm của họ sao cách nhau xa thế?
Cho nên, việc ngăn cản ông Phạm Sanh Châu ứng cử vào chức Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc của Cộng đồng người Việt Quốc gia tại Mỹ là việc làm vô liêm sỉ quả không sai./.