Oct 15, 2019

Bảo trợ mù quáng


          Tre Việt - Vừa qua, bà Margarete Bause, Phát ngôn viên Khối đảng Xanh về nhân quyền trong Quốc hội Đức đã thông báo nhận bảo trợ cho Hoàng Đức Bình - một tù nhân Việt Nam - theo chương trình “Dân biểu bảo vệ dân biểu”. Đồng thời, ra thông cáo báo chí; trong đó, yêu cầu Chính phủ Việt Nam trả tự do cho Hoàng Đức Bình ngay lập tức, vô điều kiện và bồi thường thích đáng cho thời gian ông bị cầm tù. Đây là đòi hỏi hết sức phi lý, can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia độc lập, có chủ quyền cần lên án, loại bỏ.
          Trước hết, khẳng định rằng Chính phủ Việt Nam luôn tôn trọng và tạo điều kiện để công dân thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của công dân đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Song cũng kiên quyết xử lý nghiêm minh, thích đáng với những công dân cố tình lợi dụng cái gọi là đấu tranh cho tự do dân chủ để có những hành động tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá chính quyền, gây rối trật tự công cộng. Chính Hoàng Đức Bình là một công dân như thế!
          Ngày 25-12-2015, Bình đã rải tờ rơi trái phép tại Thành phố Hồ Chí Minh và bị công an tạm giữ, xử phạt hành chính. Tuy nhiên, Bình không nộp phạt mà trốn về Nghệ An. Tại đây, Bình đã đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội Facebook nhiều nội dung nói xấu chế độ, tuyên truyền chống phá Nhà nước. Không những thế, lợi dụng sự cố môi trường biển miền Trung, Hoàng Đức Bình đã đứng ra kêu gọi, thành lập các tổ chức trái phép, kích động biểu tình, gây rối. Hoàng Đức Bình và Bạch Hồng Quyền đã kích động nhân dân giáo xứ Trung Nghĩa (Lộc Hà, Hà Tĩnh) bao vây, tấn công tổ tuần tra của công an xã Thạch Bằng và công an huyện Lộc Hà; tháng 02-2017, Hoàng Đức Bình đã lôi kéo, tập trung đông người lợi dụng danh nghĩa đi kiện công ty Formosa đã không chấp hành lực lượng chức năng phân luồng giao thông dẫn đến ách tắc giao thông kéo dài trên Quốc lộ 1A, v.v. Những hành động của Hoàng Đức Bình đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam và đã bị kết án 14 năm tù. Đây là một bản án nghiêm minh, thích đáng, chính xác đối với một người cố tình coi thường pháp luật.
          Vậy, xin hỏi bà Margarete Bause: nếu một công dân ở đất nước Đức vi phạm pháp luật như vậy có đáng bị kết án tù hay chưa? Mà Bà còn đứng ra bảo trợ cho Hoàng Đức Bình một cách mù quáng. Phải chăng do Bà quá thiếu thông tin và mới chỉ nghe thông tin một chiều? 
          Hơn thế nữa, đòi hỏi của Bà là hết sức phi lý, đã can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác có độc lập, chủ quyền. Bà đã lấy danh nghĩa bảo vệ dân chủ, nhân quyền để đi quá xa rồi đó, nên hãy tỉnh táo và dừng lại nếu không muốn là người vi phạm luật pháp quốc tế./.

Tẩy não cái đầu chứa đầy thù hận


Tre Việt - Ngày 10-10 vừa qua, VOA tiếng việt loan tin sự kiện ông Nguyễn Từ Huấn, người Việt đầu tiên được thăng quân hàm cấp tướng trong lực lượng Hải quân Mỹ. Đây là tin mừng vì sự bứt phá vươn lên của những cá nhân kiều bào ta ở nước ngoài. Nhiều năm nay, câu chuyện về Việt kiều thành đạt trên nhiều lĩnh vực không phải là hiếm. Bên cạnh những gương mặt quen thuộc, như: GS. Trần Văn Khê nổi danh thế giới về nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam; GS. Trần Thanh Vân được đánh giá là một nhà vật lý nguyên tử hàng đầu thế giới; TS. Đặng Lương Mô có hơn 300 công trình nghiên cứu và 13 bằng phát minh sáng chế được công nhận trên thế giới và được coi là nhà khoa học đi tiên phong trong việc phát triển ngành công nghệ vi mạch tại Việt Nam, v.v. Còn có  nhiều gương mặt mới nổi, như: TS. Võ Đình Tuấn, Viện trưởng Viện Fitzpatrick của Đại học Duke (Bắc Carolina, Mỹ), được bình chọn là một trong “100 thiên tài đương thời thế giới”; Nguyễn Tường Khang (sinh năm 1999), năm 2011 được trường đại học ở bang Virginia mời làm giáo viên thỉnh giảng, mỗi tuần 4 giờ, thu nhập  250 USD/giờ, v.v.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là họ luôn mong muốn giúp ích cho quốc gia, dân tộc Việt Nam. Tiêu biểu, như GS, TS. Trần Đại Phúc có hơn 46 năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ điện hạt nhân tại Pháp đã quay về sinh sống tại Việt Nam và tặng 2.000 cuốn sách thu thập được trong quá trình làm việc ở hải ngoại liên quan đến kỹ thuật điện hạt nhân cho Bộ Khoa học và công nghệ; ông chia sẻ, “Mỗi người nên tìm cách sống để có ích cho cộng đồng, dù có tan thành cát bụi thì vẫn có ích cho tương lai”. GS. Trần Văn Khê đã hiến tặng cho Thành phố Hồ Chí Minh 420 hiện vật quý liên quan đến âm nhạc. TS. Đặng Lương Mô đã tham gia thiết kế và chế tạo thử nghiệm thành công bộ vi xử lý 32 bit đầu tiên tại Việt Nam là VN1632. GS. Trần Thanh Vân đã dùng khoảng 3 triệu Euro để trao học bổng cho học sinh, sinh viên trong nước có thành tích học tập xuất sắc, giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn, nhất là học sinh ở vùng sâu, vùng xa, v.v. Tài năng và tấm lòng cao quý của những Việt kiều đó khiến nhân dân Việt Nam tự hào, thế giới cảm phục.
Ông Huấn đã có những thành đạt trong kỹ thuật an ninh mạng gắn với cương vị cao ở Quân đội Mỹ. Ông phục vụ ở đâu không quan trọng. Tấm lòng của ông thế nào? Quan điểm, tư tưởng của ông về quê hương ra sao? Vẫn chưa được thể hiện qua lời nói hoặc hành động của bản thân. Nhưng những người bạn của ông, trong đó có người chú ruột đã khơi lại quá khứ đau buồn khi cho rằng, “Biệt kích Cộng sản Việt Nam vào năm 1968 đã sát hại bảy thành viên trong gia đình tại Sài Gòn vì cha ông, Đại tá Nguyễn Tuấn thuộc Quân lực Việt Nam Cộng hòa” và coi đó là “món nợ” của Huấn. Quá khứ đó đã xa, những thiệt hại trong chiến tranh thuộc về lịch sử, trách nhiệm không hẳn thuộc về bên nào. Thông tin đó chưa hẳn là sự thật, nhưng nó là biểu hiện của sự chấp nhất, khơi dậy lòng thù hận, đe dọa phá hủy những điều tốt đẹp trong tương lai. Nếu ông là người có tâm, hãy suy ngẫm và tẩy não những cái đầu chứa đầy thù hận đó./.