Apr 7, 2018

Một sự hồ đồ


Tre Việt - Vừa qua, trên diễn đàn mạng có đăng bài viết “Tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân là gián tiếp giết ngư dân” của Trần Trung Đạo. Sau khi dẫn lại thông tin một số tàu cá của ngư dân bị các tàu lạ xua đuổi, đâm va, ông ta cho rằng: “chính vì treo cờ Tổ quốc nên chiếc ghe máy thô sơ mới bị đuổi bắn suốt 3 giờ” và “tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân mà không bảo vệ họ được chẳng khác gì chỉ điểm cho các tàu lạ tấn công, giết hại ngư dân”. Đây là một sự hồ đồ.
Trần Trung Đạo đã bỏ quê hương, vượt biên bằng đường biển, sang Mỹ định cư từ năm 1981. Do ông xa quê đã lâu, tuổi đã cao, không còn đủ minh mẫn để cập nhật những gì đang diễn ra ở Việt Nam, nên mới có sự hồ đồ như vậy. Thực tế là đây, thưa ông Trần Trung Đạo.
Với vùng biển rộng lớn, nguồn tài nguyên phong phú, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định phải bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Thực hiện chủ trương đó, cùng với xây dựng lực lượng Hải quân hiện đại thì các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, như: Cảnh sát biển, Bộ đội Biên Phòng, Kiểm ngư đã được quan tâm, đầu tư phát triển mạnh cả về con người, phương tiện, trang thiết bị. Các lực lượng đã phối hợp, hiệp đồng tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển để bảo vệ chủ quyền biển, đảo và bảo vệ ngư dân hoạt động hợp pháp trên vùng biển Việt Nam. Lực lượng Cảnh sát biển đã xây dựng cơ chế phối hợp, thiết lập đường dây nóng với lực lượng thực thi pháp luật của các nước trong trao đổi thông tin, xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động nghề cá trên biển; tổ chức tuần tra chung với các nước có vùng biển giáp ranh; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về nghề cá,… giúp ngư dân yên tâm khai thác hợp pháp trên các ngư trường thuộc chủ quyền Việt Nam. Thế mà ông lại nói rằng, Nhà nước không có các biện pháp bảo vệ ngư dân là sao?
Bên cạnh đó, Chính phủ, các cấp, các ngành đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển kinh tế biển và nhiều hoạt động, phong trào đồng hành, hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển. Tiêu biểu là mô hình “Cảnh sát biển Việt Nam đồng hành với ngư dân”, phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”,... với các hoạt động cụ thể, thiết thực, như: tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tặng cờ Tổ quốc, tủ thuốc, phao cứu sinh, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, v.v. Các hoạt động này ngày càng phát triển, lan tỏa sâu rộng, đã động viên, khuyến khích, tạo điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Nếu như trên 111.000 tàu cá của ngư dân ta trên cả nước mỗi khi ra khơi đều treo cờ Tổ quốc sẽ tạo thành những cột mốc sống khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển, điều đó chẳng phải tự hào lắm sao? Đồng thời sẽ giúp ngư dân ta yên tâm, vươn khơi bám biển, gắn bó, đoàn kết, tạo nên sức mạnh để tự ngư dân bảo vệ nhau, cùng với sự bảo vệ ngư dân của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển thì thử hỏi có tàu lạ nào dám gây hấn! Thưa ông?
Thực tế thời gian qua, có các vụ tàu cá của ngư dân ta bị tàu lạ xua đuổi, tấn công là có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là do một số nước trong khu vực chưa phân định được các vùng chồng lấn, tranh chấp trên Biển Đông, nên tăng cường tuần tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý mạnh các tàu đánh cá ở vùng biển này nhằm khẳng định chủ quyền của họ. Trong số tàu cá, ngư dân Việt Nam bị nước ngoài xua đuổi, bắt giữ có không ít tàu cá đang hoạt động ở vùng biển chồng lấn, vùng biển chưa phân định. Về nguyên nhân chủ quan, là do một bộ phận ngư dân chưa nhận thức, chấp hành nghiêm pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế; ý thức tôn trọng chủ quyền vùng biển các nước chưa cao nên vẫn cố tình vi phạm vùng biển nước khác, nên bị nước đó xua đuổi cũng là lẽ bình thường, như Việt Nam xua đuổi tàu nước ngoài vi phạm vùng biển nước mình mà thôi.

Sự thật là vậy đó, nên ông hãy tỉnh ngộ để nhìn nhận, đánh giá cho đúng, tránh hồ đồ.