Jun 8, 2014

Nguyễn Hưng Quốc buồn vì nhận thức sai lầm

          Tre Việt - Trong blog của mình vào đầu tháng 6, Nguyễn Hưng Quốc có bài viết Còn Đảng còn mình lại được VOA tiếng Việt loan tin. Trong bài viết Quốc phân tích, phê phán câu còn Đảng còn mình và kết thúc bài viết rằng “Buồn”. Tại sao buồn? Hãy xem Quốc phân tích gì? Nhận thức của anh ta đúng hay sai?
          Mở đầu bài viết, Quốc cho rằng: “Câu khẩu hiệu “còn Đảng còn mình”, cho đến nay, chỉ xuất hiện trước các đồn công an và, từ đó, trở thành một đối tượng để phê phán của những người ngoài đảng và có tinh thần dân chủ và độc lập”. Tại sao vậy? Quốc phân tích: “trên thế giới, từ lâu, người ta đã biết và đã thực thi nguyên tắc: Công an phải độc lập với đảng cầm quyền. Nhiệm vụ của công an không phải là để phục vụ và kiếm lợi từ cái đảng ấy. Nhiệm vụ của công an là bảo đảm an toàn và an ninh cho xã hội và chỉ tuân theo luật pháp”. Nói vậy, là Quốc mới thấy hiện tượng chưa thấy bản chất của vấn đề. Ở một số nước gọi là đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, nhưng về thực chất chỉ có đảng của giai cấp tư sản thay nhau nắm quyền. Ở nước Mỹ, chỉ có Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa thay nhau nắm quyền, còn các đảng khác chưa từng và không thể nắm quyền. Dù là Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa đều là đảng của giai cấp tư sản, sự tranh giành giữa hai đảng này về thực chất là tranh giành lợi ích giữa các nhóm tư sản chóp bu. Cho nên, nhiệm vụ của công an ở những nước như thế “là bảo đảm an toàn và an ninh cho xã hội và chỉ tuân theo luật pháp” là đúng. Còn ở Việt Nam lại khác, hiện nay, giai cấp công nhân chỉ có một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản. Đảng đó lãnh đạo nhà nước và xã hội, nên công an vừa bảo vệ Đảng, vừa bảo đảm an toàn và an ninh cho xã hội, tất nhiên, phải tuân theo luật pháp nữa.
          Quốc còn có tình “mũ ni che tai” khi cho rằng: “câu khẩu hiệu trên phản ánh không những tình trạng đảng trị và phi dân chủ mà còn cả sự mua chuộc của Đảng Cộng sản đối với lực lượng công an”. Thực tế cho thấy, bằng cơ sở lý luận và thực tiễn nhiều học giả đã phân tích, chứng minh để có kết luận: tình trạng dân chủ hay mất dân chủ không phụ thuộc vào chế độ đa đảng hay độc đảng mà phụ thuộc vào bản chất của đảng cầm quyền, đảng ấy phục vụ cho ai và cho giai cấp nào? Theo đó, đảng của giai cấp tư sản chỉ phục vụ lợi ích của giai cấp tư sản, còn chính đảng của giai cấp công nhân phục vụ lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành hình mẫu trong thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc được các nước và các tổ chức quốc tế đánh giá cao, nhất là thành tựu về xóa đói giảm nghèo. Đáng chú ý là Việt Nam đã đạt và về đích trước 5/8 Mục tiêu Thiên niên kỷ. Điều đó chẳng phải Đảng Cộng sản Việt Nam vì lợi ích của quảng đại nhân dân lao động hay sao? Ấy thế mà Quốc lại nói là “phi dân chủ”, thật nực cười.
          Quốc còn cho rằng, “Hiện nay, Đảng Cộng sản bảo vệ thế đứng độc tôn của mình trên chiếc kiềng ba chân: một là, quân đội; hai là, công an; và ba là, nền kinh tế quốc doanh,…”. Điều đó cho thấy, Quốc không biết hay cố tình lờ đi lý luận ra đời của nhà nước. Lịch sử phát triển của xã hội loài người đã chứng minh, khi giai cấp xuất hiện thì nhà nước cũng ra đời và từ đó xuất hiện công cụ bạo lực để bảo vệ quyền lợi của giai cấp và nhà nước đã sinh ra mình. Do vậy, không chỉ Đảng Cộng sản mà bất kỳ đảng cầm quyền nào cũng phải dựa vào quân đội, công an để quản lý, điều hành và duy trì vai trò lãnh đạo của mình.
          Đảng Cộng sản phải dựa trên kinh tế quốc doanh, chính xác là kinh tế nhà nước thì cũng không sai. Bởi cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng. Đảng Cộng sản phải dựa trên kinh tế nhà nước, thì đảng cầm quyền của giai cấp tư sản phải dựa trên kinh tế tư bản tư nhân - dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân TBCN về tư liệu sản xuất. Đó cũng là điểm khác nhau về bản chất giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với đảng của giai cấp tư sản. Về điểm này cho thấy sự tiến bộ, văn minh của Đảng Cộng sản so với đảng của giai cấp tư sản. Bởi sự ra đời của chế độ công hữa về tư liệu sản xuất thể hiện rõ sự tiến bộ hơn so với chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Như vậy, sự phê phán của Quốc vô tình cho người ta thấy điều ngược lại.
          Quốc nhận xét một cách hàm hồ rằng, “trước khi vụ giàn khoan Hải Dương-981 bùng nổ, tất cả những toan tính chiến lược của nhà cầm quyền Việt Nam không phải là bảo vệ đất nước mà, trước hết, bảo vệ quyền lực và quyền lợi của chính họ; và vì những quyền lực và quyền lợi ấy gắn bó với sự tồn tại, hơn nữa, tồn tại một cách độc tôn của Đảng Cộng sản, do đó, hệ quả là, mọi người cứ lo chăm chăm bảo vệ đảng dù cái giá phải trả có khi là mất đi một phần lãnh thổ hay lãnh hải”. Xin hỏi Quốc: cuộc chiến đấu của quân và dân Việt Nam bảo vệ biên giới Tây Nam năm 1978, bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 là gì?
          Quốc võ đoán cho là cách tư duy “còn đảng còn mình” chi phối thái độ và chính sách của Việt Nam đối với Mỹ và Tây phương nói chung: Các quốc gia ấy lúc nào cũng đòi hỏi dân chủ và nhân quyền tức là lúc nào cũng âm mưu “diễn biến hòa bình” để lật đổ chế độ XHCN. Mà tất cả những kẻ nào có ý định lật đổ chế độ XHCN đều bị xem là “lực lượng thù nghịch”. Nói thế cho thấy Quốc là người xa Tổ quốc và bị “cấm cửa” không còn đường quay về đã không hiểu chủ trương và chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tuyên bố từ những năm 1990 rằng: Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước và các dân tộc phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Trên thực tế, Việt Nam đã và đang thực hiện chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ đối ngoại. Việt Nam đã trở thành đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với nhiều quốc gia, dân tộc; trong đó, là đối tác toàn diện với Hoa Kỳ. Đâu có phải Mỹ và các nước phương Tây là thù nghịch của Việt Nam như Quốc nói. Việt Nam đã công bố quan điểm của mình rằng: những ai cản trở con đường xây dựng CNXH ở Việt Nam đều là đối tượng phải đấu tranh; những ai ủng hộ con đường đó đều là đối tác. Và rằng, trong mỗi đối tượng có mặt cần hợp tác, trong mỗi đối tác có mặt phải đấu tranh.

          Quốc hồ đồ rằng: “dưới mắt giới lãnh đạo Việt Nam, những kẻ bị xem là “thù nghịch” không phải là những kẻ mưu toan lấn chiếm vùng biển và hải đảo Việt Nam mà chính là những kẻ muốn Việt Nam được dân chủ hóa. Nói cách khác nữa, với họ, việc bảo vệ đảng quan trọng hơn việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải”. Đúng là Quốc nói không có suy nghĩ. Mọi người dân Việt Nam, từ người lãnh đạo đến những người dân bình thường sinh sống ở trong nước và hay ở nước ngoài luôn luôn ý thức rằng, chủ quyền, lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Mới đây, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: Việt Nam quyết không đánh đổi chủ quyền quốc gia lấy tình hữu nghị một cách viển vông. Đó cũng là ý chí của mọi người Việt Nam. Vậy thì hà cớ gì mà Nguyễn Hưng Quốc phải “buồn”. Buồn vì chính Quốc có nhận thức sai lầm. Những mong Quốc học hỏi thêm; đồng thời, cập nhật tình hình trong nước thường xuyên và kịp thời khỏi bị lạc hậu để không còn “buồn” và cùng góp sức bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc như mọi người Việt Nam yêu nước./.