Sep 7, 2023

Việt Nam luôn kiên định, nhất quán trong đường lối đối ngoại

 

Tre Việt - Trước chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, một số tổ chức, cá nhân phản động, đài báo nước ngoài đã phát tán nhiều tài liệu, bình luận xuyên tạc về đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta. Đơn cử như: ngày 28/8, đối tượng Nguyễn Văn Đài đăng tải nội dung bình luận, cho rằng Việt Nam muốn nâng cấp quan hệ ngoại giao là để “cứu Đảng chứ không phải cứu dân, cứu nước”; kêu gọi cần cứng rắn trong đàm phán về nhân quyền, v.v. Đây là hành động xuyên tạc tình hình nội bộ Việt Nam, kích động, chia rẽ mối quan hệ của Việt Nam và các nước trên thế giới, cần đấu tranh, bác bỏ.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (Ảnh: AP)

Trước hết, cần khẳng định rõ: ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam không có lợi ích gì khác. Tất cả hoạt động của Đảng đều vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Trên lĩnh vực đối ngoại, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn kiên định, nhất quán với đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Điều này được khẳng định trong văn kiện các kỳ đại hội toàn quốc của Đảng, được đánh dấu từ Đại hội VI (tháng 12/1986) đến Đại hội XIII của Đảng (tháng 01/2021). Qua mỗi kỳ đại hội, quan điểm đường lối đối ngoại của Đảng ta tiếp tục được bổ sung, phát triển, hoàn thiện hơn, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phù hợp với xu thế phát triển của tình hình khu vực và thế giới.

Thứ hai, với việc kiên trì, nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn, đất nước ta đã từng bước phá thế bao vây, cấm vận, tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giải quyết hòa bình các vấn đề biên giới, lãnh thổ, biển, đảo với các nước có liên quan; mở rộng quan hệ đối ngoại theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa; tham gia sâu, rộng vào các tổ chức quốc tế. Sau 37 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng có ý nghĩa to lớn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội: kinh tế tăng trưởng khá, chính trị ổn định, văn hóa - xã hội có bước phát triển mới, quốc phòng, an ninh được tăng cường; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới (có cả 05 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc); trong đó, có 33 nước là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện; 04 nước là đối tác chiến lược toàn diện. Đồng thời, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của các tổ chức quốc tế lớn, như: Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), v.v.

Thứ ba, để đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục kiên định, nhất quán với đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Do vậy, việc mở rộng, nâng cấp quan hệ ngoại giao trở thành đối tác chiến lược toàn diện với các nước lớn trên thế giới là hoàn toàn bình thường, phù hợp với xu thế của thời đại.

Chính vì thế, việc Nguyễn Văn Đài cho rằng Việt Nam muốn nâng cấp quan hệ ngoại giao là để “cứu Đảng chứ không phải cứu dân, cứu nước” là hoàn toàn phi lý, lộ rõ dã tâm xấu độc của kẻ có thâm thù với chế độ đang phải sống tha phương cầu thực mà thôi./.