Mar 1, 2022

Sự suy diễn thiếu căn cứ

          Tre Việt - Vụ việc công ty Việt Á bị khởi tố về hành vi nâng giá kit xét nghiệm Covid-19 vẫn đang được các cơ quan chức năng Việt Nam tích cực mở rộng điều tra, lần lượt “đưa ra ánh sáng” những cán bộ sai phạm theo tinh thần “không có vùng cấm”. Tuy nhiên, lợi dụng những bức xúc của dư luận, một nhóm tự xưng là các tổ chức xã hội dân sự đã ra “Tuyên bố” về đại án kit xét nghiệm Việt Á, trong đó kêu gọi “giải quyết tận gốc vấn đề bằng việc khẩn trương cải cách thể chế chính trị”. Họ cho rằng, nếu không “sớm muộn cũng dẫn đến ngày tàn của chế độ và đẩy đất nước vào con đường diệt vong”.

Bị can Phan Quốc Việt (bìa trái) cùng các bị can
ở Công ty Việt Á (Ảnh: Bộ Công an )

Cần phải khẳng định rõ: đây là một vụ án nghiêm trọng, xảy ra vào thời điểm “nhạy cảm”, khi cả nước đang nỗ lực cao nhất để đẩy lùi dịch bệnh và những tổn thất về người và của là rất lớn. Song, trong lúc “nước sôi lửa bỏng” là thế, một số cán bộ thoái hóa, biến chất đã “bắt tay” với doanh nghiệp để ăn chia lợi nhuận theo kiểu “đục nước béo cò”. Hành động đó phải kịch liệt lên án và phải bị nghiêm trị thích đáng.

Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ việc, với tinh thần quyết liệt để không bỏ lọt sai phạm, chỉ trong thời gian ngắn, Bộ Công An và các cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án (tháng 12/2021), bắt Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á và các phần tử liên quan về tội nâng giá bộ xét nghiệm Covid 19 và đưa nhận hối lộ; trong đó, đã khởi tố hàng loạt quan chức từ Trung ương đến địa phương, trong đó có các cán bộ cấp vụ của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc CDC các tỉnh Hải Dương, Nghệ An, Bình Dương, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế, và chắc chắn, con số chưa dừng lại ở đó.

Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là xử lý triệt để, bất kể người sai phạm là ai, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị. Theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực,  năm 2022, trong 10 đại án được yêu cầu xét xử, dứt khoát phải có vụ án Việt Á. Ngày 27/01/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Công an tiếp tục mở rộng điều tra, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và thất thoát, sớm đưa các đối tượng ra xét xử. 

Vụ án Việt Á cho thấy sai phạm mang tính hệ thống vì xảy ra trên diện rộng và liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương. Nhưng nó không đồng nghĩa với “lỗi hệ thống”. Nguyên nhân căn bản là do một số thủ tục trong quá trình đấu thầu được rút gọn để phục vụ công tác chống dịch, việc giám sát còn nhiều sơ hở, thiếu công khai, minh bạch dẫn đến những việc làm khuất tất. Và “Miếng mồi ngon” đó đã khơi dậy lòng tham của những kẻ thoái hóa, biến chất. Tuy nhiên, vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á chỉ là một biểu hiện tự phát trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trên đất nước ta. Nếu quy kết nguyên nhân gây ra vụ án là do bản chất và hậu quả của chế độ “độc đảng” và kêu gọi “cải cách thể chế chính trị” là điều không thể chấp nhận được. Bởi, mục đích của những kẻ cơ hội chính trị là lợi dụng vụ việc này để suy diễn, thổi phồng, nhào nặn, chế biến thành công cụ để hướng lái dư luận, đánh lận giữa “hiện tượng” và “bản chất”; vẽ lên một bức tranh xám xịt về thực trạng xã hội Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo, gây hoài nghi trong nhân dân về hệ thống chính trị, hoài nghi về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn.

Thực tế cho thấy, không một quốc gia nào trên thế giới dám khẳng định là đã loại bỏ tham nhũng ra khỏi hệ thống chính trị. Ngay ở các quốc gia dân chủ, cựu tổng thống cũng phải hầu tòa vì cáo buộc tham nhũng. Đối với Việt Nam, các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều thể hiện thái độ đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, coi đây là “giặc” nội xâm. Quyết tâm đó thể hiện bằng hành động cụ thể và vụ việc Việt Á nối dài danh sách những đại án mà Đảng và Nhà nước quyết tâm xử lý. Vì vậy, không thể phủ nhận thành quả đã đạt được trong công tác phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta để cho rằng: những vụ việc tiêu cực như Việt Á có thể dẫn đến “ngày tàn của chế độ”, từ đó đòi hỏi phải “cải cách thể chế chính trị”. Đây là sự suy diễn thiếu căn cứ!