Feb 18, 2021

Chỉ là “lo bò trắng răng”

 

Tre Việt - Nhằm hoàn thiện hệ thống các văn bản, nghị định hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng; mới đây, Bộ Công an đã hoàn thành và công bố Dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân (lần 2), nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi phạm pháp luật về dữ liệu cá nhân, để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Dự thảo Nghị định, gồm 6 chương, 30 điều, quy định về dữ liệu cá nhân, xử lý dữ liệu cá nhân, biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân, Ủy ban bảo vệ dữ liệu cá nhân, xử lý vi phạm về dữ liệu cá nhân, trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Dự thảo Nghị định cũng đưa ra nhiều mức phạt đối với tổ chức, cá nhân vi phạm, xâm hại dữ liệu cá nhân; dự kiến mức phạt cao nhất lên đến 80 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ dữ liệu cá nhân trái phép, Bộ Công an cho biết sẽ lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Nghị định trong thời gian 02 tháng kể từ ngày công bố.

Tuy nhiên, thay vì những đóng góp mang tính xây dựng, nhiều tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đã cố ý đưa ra những quan điểm sai lệch nhằm mục đích phá hoại. Ngày 16/02/2021, trang RFA Tiếng Việt đăng bài “Lo ngại về vấn đề Nhân quyền trong Dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân”, dẫn lời một người được cho là thạc sỹ chuyên ngành nhân quyền (không rõ danh tính), cho rằng: quy định tại Điều 6, Dự thảo Nghị định này “đi ngược lại với tinh thần tôn trọng quyền con người tại Hiến pháp năm 2013 và Luật Nhân quyền quốc tế”. Theo người này, việc sử dụng các thuật ngữ, như: “an ninh quốc gia, sức khỏe cộng đồng, đạo đức xã hội,…” làm điều kiện để yêu cầu các bên phải tiết lộ dữ liệu cá nhân là “mơ hồ và có phạm vi rộng”. Thậm chí, vị thạc sỹ này còn dẫn chứng hàng loạt văn bản như Tuyên ngôn Nhân quyền phổ quát 1948 (UDHR) và Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị (ICCPR), thậm chí là cả Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013) để rêu rao rằng Dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân “vi hiến”, “vi phạm pháp luật quốc tế”, v.v.

Tre Việt khẳng định, trên thực tế UDHR, ICCPR, Hiến pháp (năm 2013) đều ghi nhận quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của con người. Tuy nhiên, sự ghi nhận này không phải ở mức tuyệt đối. Minh chứng là: Khoản 2, Điều 29, UDHR, quy định: “Khi thụ hưởng các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ phải tuân thủ những hạn chế nhất định do Luật định, nhằm mục đích bảo đảm sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền tự do của người khác, cũng như đáp ứng các yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Khoản 1, Điều 17, Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị (ICCPR), quy định: “Không ai bị can thiệp một cách độc đoán hoặc bất hợp pháp đến đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xúc phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín”. Có nghĩa rằng, việc can thiệp trong giới hạn luật định (can thiệp hợp pháp) là điều khả thi. Hoặc tại Khoản 2, Điều 14, Hiến pháp (năm 2013) cũng quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Như vậy, RFA trích dẫn lý lẽ của người được cho là thạc sỹ chuyên ngành nhân quyền đã “vô tình” bỏ quên không ít nội dung pháp lý quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của con người. Pháp luật quốc tế hay pháp luật Việt Nam hiện đều ghi nhận các quyền cơ bản này, tuy nhiên cũng đưa ra rất rõ ràng những trường hợp hạn chế quyền. Tôn trọng quyền cá nhân không đồng nghĩa với việc được xâm phạm đến quyền, lợi ích chung của cộng đồng hay của cá nhân khác. Ngoài ra, việc sử dụng các thuật ngữ, như: “an ninh quốc gia”, “sức khỏe cộng đồng”, “đạo đức xã hội”,… làm điều kiện để yêu cầu các bên phải tiết lộ dữ liệu cá nhân cũng không hề mơ hồ như lời đánh giá chủ quan của RFA. Các thuật ngữ ấy luôn được sử dụng xuyên suốt trong các văn bản pháp luật quốc tế và các văn bản pháp luật của Việt Nam, chứ không phải mới xuất hiện lần đầu tiên tại Dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, như lời RFA lu loa.

Mặt khác, cho dù là phạm vi rộng, nhưng bất cứ một thành tố nhỏ nào thuộc “an ninh quốc gia”, “sức khỏe cộng đồng”, “đạo đức xã hội”,… bị xâm hại thì cũng sẽ gây tác động rất lớn đến cộng đồng xã hội. Vì thế, việc sử dụng những thành tố mang tính khái quát này vào quy định hạn chế quyền là hợp lý.

Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân (Dự thảo) đúng như tên gọi của nó là nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân của công dân, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về dữ liệu cá nhân, hoàn toàn không có sự xâm hại bất hợp pháp đến quyền con người. Vì vậy, việc RFA lo ngại về vấn đề nhân quyền trong Dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân, chỉ là “lo bò trắng răng”./.

 

“Nhai lại” những điều đã cũ

  

Tre Việt - Ngày 16/02/2021, Facebook Việt Tân đã đăng tuyên bố: “Quan điểm của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng về cuộc xâm lược của Trung Quốc ngày 17/02/1979”; trong đó, đưa ra một số yêu cầu đối với Nhà nước, Quốc hội, các cấp chính quyền liên quan đến cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, năm 1979.

Trước hết, cần khẳng định rằng những yêu cầu trong bản tuyên bố của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng là hoàn toàn vi hiến, không phù hợp với các quy định của pháp luật. Bởi, cái gọi là “Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng” chỉ là tập hợp một nhóm nhỏ những phần tử bấy lâu nay vẫn tự xưng là đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tự lập nên. Họ không thể và không bao giờ là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của đa số nhân dân. Do đó, những yêu cầu trong bản tuyên bố là không có giá trị, vô nghĩa.

Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã phải đương đầu với nhiều thế lực giặc ngoại xâm. Nhưng với lòng yêu nước, ý chí, tinh thần quật cường, dân tộc ta luôn đoàn kết chiến đấu, giành thắng lợi. Khi đất nước hoàn toàn được độc lập, tự do, Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta đã mong muốn khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, xây dựng mối quan hệ hợp tác cùng phát triển. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của nhân loại.

Thực tế cho thấy, những yêu cầu của bản tuyên bố cũng chỉ là “nhai lại” những điều đã cũ. Đơn cử, như việc họ yêu cầu “phải ghi cuộc chiến tranh biên giới phái Bắc vào sử sách minh bạch và được giảng dạy trong nhà trường”, thì thời gian qua đã có nhiều cuộc hội thảo ở trong nước nghiên cứu, mổ xẻ về cuộc chiến tranh này với sự tham gia của các nhà khoa học, sử học. Và tới đây, trong sách giáo khoa mới môn lịch sử ở một số cấp học sẽ đề cập đến nội dung này với dung lượng phù hợp. Với yêu cầu “Nhà nước cần phải tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sĩ”, thì thực tế những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quân đội ta vẫn đang đẩy mạnh thực hiện công tác này, coi đây là nội dung quan trọng trong chính sách hậu phương Quân đội, “Đền ơn đáp nghĩa”. Với việc triển khai thực hiện Đề án số 1237 về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến năm 2020 và những năm tiếp theo, từ năm 2013 đến nay, các địa phương trong cả nước đã tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính được hàng chục nghìn hài cốt liệt sĩ; rà soát, kết luận địa bàn và tiến hành lập, xây dựng bản đồ tìm kiếm trên phạm vi cả nước. Hay gần đây nhất, trước việc Trung Quốc ban hành Luật Hải cảnh trong đó có những điểm không phù hợp, thì các cơ quan chức năng của ta thông qua nhiều kênh khác nhau đã làm việc, lên tiếng phản đối, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển, chấp hành đúng các quy định, điều ước của luật pháp quốc tế.

Việc Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng “nhai lại” những điều đã cũ cho thấy bản chất của chúng là đào bới lịch sử, bới lông tìm vết, lợi dụng quá khứ để kích động, chia rẽ mối quan hệ đoàn kết giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc mà thôi./.