Oct 5, 2022

Vạch trần chiêu trò ngăn cản Việt Nam ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025

           Tre Việt - Việt Nam đã được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của Hiệp hội chính thức ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025. Trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị bảo vệ Báo cáo quốc gia thực thi Công ước về quyền của người dân tộc thiểu số (CERD), Công ước Chống tra tấn (CAT), triển khai các khuyến nghị UPR chu kỳ III, thì các tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam triệt để lợi dụng vấn đề nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để tiến hành hoạt động chống phá ngăn cản Việt Nam đại diện cho ASEAN ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025. Các tổ chức này đã liên kết với nhiều tổ chức phản động trong nước để cung cấp thông tin xuyên tạc tình hình. Một số phần tử chống đối trong nước tích cực tham gia hội luận trực tuyến do bên ngoài tổ chức, xuyên tạc rằng “chính quyền Việt Nam “cướp đất” của người Khmer, đàn áp người dân tộc,... nhằm mục đích chống Nhà nước Việt Nam, hạ uy tín của Việt Nam.

(Ảnh: Huongsenviet.com)

Cùng với đó, dưới chiêu bài “phản biện, góp ý xây dựng, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ dân chủ, nhân quyền”, các tổ chức phản động lôi kéo, kích động quần chúng đòi tự do “dân chủ”, “nhân quyền” theo tiêu chí phương Tây, kêu gọi chính giới phương Tây can thiệp, tác động chính quyền; dung túng, hậu thuẫn cho số chống đối, kêu gọi đưa Việt Nam trở lại “danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo”, trả tự do cho tất cả “tù nhân lương tâm”, đòi sửa đổi, xóa bỏ các điều luật hình sự quy định về tội Xâm phạm an ninh quốc gia. Đồng thời, chúng còn tăng cường tác động “từ bên ngoài”, như: đòi Nhà nước Việt Nam phải đáp ứng ngay tiêu chuẩn về các quyền dân sự, chính trị (tự do lập hội, tự do xuất bản báo chí tư nhân, hoạt động tôn giáo không cần sự quản lý của Nhà nước…) theo tiêu chí phương Tây, gắn dân chủ, nhân quyền với các vấn đề hợp tác phát triển,... hòng thúc đẩy tối đa cái gọi là “xã hội dân sự” theo kiểu phương Tây.

Trắng trợn, thô thiển hơn một vài tổ chức nhân danh quốc tế về “nhân quyền” gửi cái gọi là “thư ngỏ” tới các quốc gia thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc nhằm vận động không bỏ phiếu cho Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025.

          Cần khẳng định rõ: Việc Việt Nam tiếp tục ứng cử là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 là hoàn toàn xứng đáng. Bởi, thực tiễn đã minh chứng, năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 với số phiếu 184/192, cao nhất trong số các nước thành viên mới (14 thành viên mới). Và, những sáng kiến của Việt Nam trong nhiệm kỳ 2014 - 2016 đã được quốc tế đánh giá cao, tiêu biểu như việc Việt Nam phối hợp cùng các quốc gia khác đưa ra: vấn đề về bảo đảm quyền lao động của người khuyết tật; về bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động trên biển; Nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu với quyền trẻ em; về nâng cao giáo dục trong phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, v.v. Đó là minh chứng xác đáng cho những thành tựu và nỗ lực không ngừng của Việt Nam nhằm đảm bảo quyền con người ở trong nước cùng với mong muốn chung tay cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy bảo đảm quyền con người trên toàn cầu.

          Vì vậy, những chiêu trò lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để xuyên tạc, bôi xấu, nhằm hạ thấp uy tín và ngăn cản Việt Nam đại diện cho ASEAN ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 cần phải lên án, đấu tranh, bác bỏ./.