Jan 12, 2021

Sao không thấy họ lên tiếng cho ông Donald Trump?

 

Tre Việt - Có thể thấy, cuộc bạo loạn diễn ra vào ngày 06/01 tại tòa nhà Quốc hội Mỹ đã phơi bày gần như toàn bộ những gì gọi là “đen tối” nhất trong lòng nước Mỹ. Đó không chỉ là một cuộc bầu cử mị dân (theo như lời ông Trump), đó còn là hiện tượng ở một đất nước mà người Tổng thống của quốc gia đó không thể quản lý được truyền thông và không được “tự do” bày tỏ quan điểm và nguyện vọng của mình. Nhiệm kỳ Tổng thống vẫn chưa hết, ông  Trump vẫn đang là đương kim Tổng thống, không biết những quan điểm, lời kêu gọi của Tổng thống Donald Trump đúng hay sai và có tác động như thế nào đến cuộc bạo loạn xảy ra tại tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 06/01, nhưng chỉ sau vài giờ diễn ra cuộc bạo loạn này, một loạt trang mạng xã hội lớn, như: Twitter, Facebook, Instagram đều tạm thời khóa tài khoản của Tổng thống Donald Trump, không cho Ông phát biểu nữa. 

Hình ảnh Twitter khóa tài khoản
          của ông Donald Trump (ảnh: internet)

Theo thông tin Tre Việt biết, mới đây, sau khi mở lại được ít giờ thì cả Facebook và Twitter đều tuyên bố đóng vĩnh viễn tài khoản của Ông ấy; cùng với đó, các nền tảng khác, như: Snapchat, YouTube, Discord, Reddit,… cũng đưa ra hạn chế đối với Ông. Trong khi trước đây, các trang mạng nói trên luôn cổ vũ cho việc “tự do ngôn luận” cũng như hành động của ông Donald Trump và luôn mặc định, đó phải là điều bình thường trong xã hội tự do ở Mỹ.

Ở Việt Nam, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, không ít người Việt được đà kêu ca và phản đối “Luật An ninh mạng bóp nghẹt tự do ngôn luận trên internet” và ca ngợi nước Mỹ tự do. Nhưng nay một vị Tổng thống Mỹ chưa hết nhiệm kỳ đã bị “bịt miệng” bởi các  nền tảng mạng xã hội có trụ sở đặt ngay trên chính nước Mỹ, thế mà lại không thấy bóng dáng của những kẻ thường ngày vẫn hay xu nịnh “tự do ngôn luận theo kiểu Mỹ” đang ở đâu?

Một số nhà hoạt động “dân chủ” luôn tung hô, cổ súy Mỹ là “thiên đường” tự do, dân chủ, ra sức tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, khi cơ quan chức năng khởi tố, bắt giam những kẻ vi phạm, như: Phạm Chí Dũng, Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Cấn Thị Thêu,… thì các trang mạng VOA Tiếng Việt, BBC Tiếng Việt, Việt Nam thời báo, RFA Tiếng Việt, Việt Tân,… tiếp tay, trở thành phương tiện cho những kẻ chống đối, cơ hội chính trị xuyên tạc, lan truyền các luận điệu quy chụp Nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền, tự do ngôn luận , kêu gọi các tổ chức quốc tế can thiệp; đồng thời, xuyên tạc Nhà nước Việt Nam thao túng các trang mạng xã hội để “bóp nghẹt” quyền tự do ngôn luận của người dân. Thế nhưng, khi Tổng thống Trump bị các nền tảng mạng xã hội khóa tài khoản cá nhân, “bóp nghẹt” quyền tự do ngôn luận thì sao chẳng thấy họ lên tiếng?

Nhân sự kiện cả Facebook và Twitter tuyên bố đóng vĩnh viễn tài khoản của Tổng thống Donald Trump, thấy rằng môi trường mạng xã hội phát triển, tham gia mạng xã hội là quyền tự do cá nhân của mỗi người, pháp luật không cấm. Tuy nhiên, người sử dụng mạng xã hội dù là ai, kể cả người đứng đầu quốc gia đến những người dân bình đều phải tuân thủ và chịu sự tri phối của hệ thống pháp luật của quốc gia sở tại, tuân thủ tiêu chuẩn và vì lợi ích chung cộng đồng.

Không biết, sau lần này, BBC Tiếng Việt, RFA Tiếng Việt, VOA Tiếng Việt, Việt Tân,… có còn “can đảm” để lên tiếng phản đối Chính phủ Mỹ can thiệp, thao túng các nền tảng mạng xã hội vi phạm và hạn chế quyền “tự do ngôn luận” thay cho ông Donald Trump như những lần “kêu oan” cho những “anh hùng bàn phím”, vi phạm pháp luật, chống phá chính quyền trong nước Việt Nam nữa không?

Trông người mà khẳng định bên ta

Tre Việt - Ngày 11/01, kênh VOA Tiếng Việt đăng bài “Mạng xã hội chặn Tổng thống Trump, người Việt tranh cãi nảy lửa về tự do ngôn luận”. Bài viết đã đăng tải ý kiến của một số người Việt lâu nay tự coi là nhà hoạt động cho tự do ngôn luận, dân chủ, nhân quyền về sự kiện mạng xã hội Twitter, Facebook chặn, khóa tài khoản của Tổng thống Trump. Theo bài viết thì hiện đang có 2 luồng ý kiến tranh luận trái ngược nhau về vấn đề này. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng việc mạng xã hội Twitter, Facebook làm như vậy “đã vi phạm đạo đức”, là “đi tiên phong bịt miệng ông Trump”, là “hành động tồi tệ, đàn áp tự do”, v.v. Còn luồng ý kiến thứ hai lại cho rằng làm như vậy là “cần thiết và đúng lúc” vì lý do ông Trump đã sử dụng mạng xã hội “nhằm hô hào các giá trị độc tài phát xít đồng thời kích động bạo loạn” hay “ông Trump đã đưa ra những lời kêu gọi dẫn đến hậu quả xâm hại đến an ninh quốc gia và trật tự công cộng tại Hoa Kỳ”, v.v.

Tre Việt thấy rằng, sự kiện này đã càng làm sáng tỏ về bản chất của cái gọi là nền “dân chủ Mỹ”, “dân chủ phương Tây” mà bấy lâu nay một số người, nhất là với những người tự cho mình là nhà hoạt động, đấu tranh cho tự do ngôn luận, dân chủ, nhân quyền luôn dùng là thước đo, chuẩn mực để so sánh; luôn mơ tưởng, khao khát hướng tới. Bởi vì, họ đang lầm tưởng rằng: ở nơi ấy mọi người có thể được tha hồ phát ngôn cho “sướng mồm”, tự do nói, viết, đăng tải thế nào tùy thích. Sự thật là: với bất kỳ công dân nào, là ai, kể cả Tổng thống nhưng nếu có những phát ngôn trên mạng xã hội có tính kích động bạo lực, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia,… thì đều bị chặn, xóa tài khoản như thường.

“Trông người mà khẳng định bên ta”. Chính vì sớm nhận thấy, bên cạnh những lợi ích mà mạng xã hội mang lại thì đây chính là “mảnh đất” mà các thế lực thù địch, những phần tử bất mãn, tiêu cực, phản động,… triệt để lợi dụng để chống phá sự nghiệp cách mạng. Do đó, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí cho công dân theo Hiến pháp, pháp luật. Đồng thời, yêu cầu các nhà mạng phải hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát thông tin, kịp thời gỡ bỏ những tài khoản, thông tin xấu độc, có tính kích động bạo lực, tuyên truyền chống phá Nhà nước, xâm phạm an ninh quốc gia,… là hoàn toàn đúng và phù hợp. Việc này không chỉ có ở Việt Nam mà với bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới đều làm như vậy, kể cả với Mỹ - nơi lâu nay vẫn được giới hoạt động cho là “thiên đường” của tự do, dân chủ!

Vì thế, sau sự kiện này những người tự cho mình là nhà hoạt động, đấu tranh cho tự do ngôn luận, dân chủ, nhân quyền hãy suy nghĩ, nhận thức lại để có thái độ, hành vi ứng xử đúng đắn với quyền tự do ngôn luận của mình theo Hiến pháp, pháp luật. Có như vậy, thì dù sinh sống, làm việc gì, ở đâu cũng luôn cảm nhận được sự tự do./.