Feb 17, 2022

Không thể bôi nhọ hình ảnh Việt Nam thông qua bảng xếp hạng thiếu khách quan về dân chủ

           Tre Việt - Ngày 16/02, trang facebook Việt Tân đăng bài “Việt Nam trong tốp 10 nước đứng cuối bảng xếp hạng dân chủ” của Phạm Nhật Bình, bài viết trích dẫn báo cáo chỉ số dân chủ năm 2021 của tổ chức có tên là Bộ phận Tình báo Kinh tế (EUI) thuộc tập đoàn Economist tại Anh xếp Việt Nam vào nhóm nước phi dân chủ. Theo đó, họ xuyên tạc, quy chụp: Việt Nam, nơi mà trong thời gian hai năm qua bắt giam và xử án tù thật nặng hàng loạt nhà văn, ký giả độc lập và các nhà bất đồng chính kiến ôn hòa. Dân chủ xã hội chủ nghĩa dưới một thể chế tam quyền phân lập giả mạo, trở thành kẻ thù lâu dài của xã hội dân sự và của internet, đã biến đất nước thành một nhà tù lớn mà mọi công dân đều có thể vi phạm tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước…”

Trước hết, cần khẳng định “dân chủ” hay dân làm chủ là một mục tiêu mà mọi quốc gia văn minh, tiến bộ, trong đó có Việt Nam đều theo đuổi. Nó thể hiện ở việc chính quyền luôn hướng đến việc xây dựng nhà nước với các chính sách “của dân, do dân và vì dân”. Thế nhưng thuật ngữ này đã bị một số quốc gia và tổ chức chính trị lợi dụng, biến thành của riêng để chê bai nước khác là thiếu dân chủ. Cũng cần phải nhìn nhận rằng, tùy theo văn hóa, xã hội và các đặc điểm riêng của mình, mỗi quốc gia sẽ xây dựng các cơ chế, mô hình xã hội chính trị riêng biệt để đáp ứng nhu cầu phát triển đặc thù. Khi một quốc gia nào đó vơ lấy khái niệm “dân chủ” và đặt tên nó cho mô hình chính trị xã hội của riêng mình thì bản thân khái niệm này đã không còn giữ được tính đúng đắn khách quan như bản chất của nó nữa.

Báo cáo chỉ số Dân chủ của (EUI) ra đời từ năm 2006 và ra mắt đều đặn hàng năm kể từ năm 2010. Trong báo cáo mới nhất năm 2021, có tổng cộng 167 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng “dân chủ”, trong đó có 74 quốc gia “dân chủ” hoặc “dân chủ thiếu sót” bao gồm Mỹ và toàn bộ các quốc gia châu Âu. Trong báo cáo này, Việt Nam bị xếp vào nhóm nước phi dân chủ, độc tài. Tôn trọng và bảo vệ nhân quyền là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Để bảo đảm cho mọi người Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ quyền con người, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Năm 2021, Việt Nam tiếp tục thông qua và sửa đổi nhiều Bộ luật quan trọng, như: Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi; xem xét thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh qua các năm luôn đảm bảo nguyên tắc ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án luật nhằm triển khai thi hành các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Việt Nam không chỉ coi bảo đảm quyền dân chủ, tự do ngôn luận, tự do báo chí và tiếp cận thông tin là những nghĩa vụ theo các Điều ước quốc tế về quyền con người mà thực chất xuất phát từ chính lợi ích mang lại cho phát triển đất nước. Việt Nam còn được ghi nhận là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng và sử dụng internet cao trên thế giới. Các nền tảng số, mạng xã hội tạo nên những kênh, giao diện kết nối quan trọng để người dân tiếp cận thông tin, trao đổi và bày tỏ quan điểm của mình. Tính tới tháng 12/2021, hơn 70% dân số Việt Nam sử dụng internet, có đến 72 triệu người dùng mạng xã hội, chỉ trong năm qua đã tăng 07 triệu người dùng; hện có hơn 76 triệu tài khoản facebook tại Việt Nam.

Ngày 30/8/2021, Chủ tịch nước đã ký Quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho 3.035 người. Đây là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, vừa nghiêm minh trong xét xử người phạm tội, đồng thời khoan hồng, nhân đạo đối với những phạm nhân có quá trình cải tạo, lao động, học tập tốt, trở về với cộng đồng hướng thiện, rèn luyện tiến bộ để trở lại làm người có ích cho xã hội; không chỉ đối với công dân Việt Nam mà còn cả đối với những trường hợp quốc tịch nước ngoài được thực hiện trên cơ sở công bằng, minh bạch cũng giúp cộng đồng quốc tế nhận thức rõ hơn về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, góp phần tăng cường quan hệ song phương với các nước có công dân được đặc xá, v.v.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm bảo đảm ổn định cuộc sống tối thiểu cho người dân, đặc biệt là người nghèo. Gói an sinh xã hội lần thứ nhất đã được triển khai có quy mô 62.000 tỷ đồng và gói an sinh xã hội lần thứ hai với tổng trị giá 26.000 tỷ đồng là nền tảng để bảo vệ các quyền con người, đồng thời cho thấy nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ, bảo đảm, thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí Việt Nam chủ động phản biện, đóng góp ý kiến về các dự thảo luật, các chính sách của Chính phủ, các kế hoạch, chiến lược, dự án lớn. Chính phủ thường xuyên lắng nghe các ý kiến phản biện xây dựng, xác đáng, điều chỉnh các chính sách, biện pháp phù hợp với tình hình thực tế đất nước, điển hình là trong công tác phòng chống dịch Covid-19, giải quyết các bất cập trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Song, nhiều đối tượng lợi dụng “tự do, dân chủ” để gây rối loạn xã hội, vi phạm luật pháp Việt Nam đã bị bắt tạm giam, bắt giam, khởi tố, xét xử và phải nhận những án phạt tù thích đáng. Không hề có hiện tượng bắt giam và xử án tù thật nặng hàng loạt nhà văn, ký giả độc lập và các nhà bất đồng chính kiến ôn hòa, như Việt Tân và Phạm Nhật Bình xuyên tạc, quy chụp.

Việc các “nhà dân” chủ lợi dụng bảng xếp hạng “tào lao” của EUI về dân chủ để công kích, xuyên tạc tình hình bảo đảm dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam chỉ là trò hề. Việc làm đó không thể bôi nhọ được hình ảnh của Việt Nam./.

 

Ngăn cản thực hiện nghĩa vụ quân sự là vi phạm pháp luật

         Tre Việt - Cứ vào dịp đầu xuân (tháng hai hằng năm), hàng trăm nghìn thanh niên cả nước lại hăng hái lên đường tòng quân, thực hiện nghĩa vụ quân sự, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thế nhưng, những ngày gần đây, có hiện tượng một số linh mục cực đoan tại một số giáo xứ, giáo phận lại tuyên truyền, vận động không cho thanh niên là giáo dân tham gia nhập ngũ. Việc làm này của các linh mục đã đi ngược lại giáo lý, vi phạm pháp luật; đồng thời, đẩy các con chiên ngoan đạo vào vòng lao lý, cần bị vạch trần, lên án.

Vinh dự và trách nhiệm của công dân
khi được trở thành quân nhân QĐND Việt Nam

Thực hiện nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên. Điều 4, Luật Nghĩa vụ Quân sự năm 2015 đã quy định rõ: “Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định,…”.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể ở địa phương, cơ sở luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác này. Từ công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức đăng ký, khám tuyển, tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ đều được thực hiện chặt chẽ, dân chủ, công khai, công bằng theo đúng quy định của pháp luật. Song song với đó, Đảng, Nhà nước, Quân đội luôn quan tâm, chăm lo, lãnh đạo, chỉ đạo các cấp thực hiện tốt các chế độ chính sách đãi ngộ đối với gia đình, công dân trước, trong và sau thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự. Các đoàn thể địa phương, cơ sở tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà cùng nhiều hình thức khuyến khích thanh niên lên đường nhập ngũ. Điều này, tạo động lực cho thanh niên trong độ tuổi hăng hái lên đường thực hiện nghĩa vụ của tuổi trẻ; nhiều công dân đã viết đơn tình nguyện xung phong nhập ngũ, tham gia bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, tất cả công dân Việt Nam trong độ tuổi nói chung, những thanh niên công giáo nói riêng cần nhận thức đầy đủ về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân của mình để chấp hành, thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Với những linh mục tuyên truyền, vận động thanh niên giáo dân không tham gia nghĩa vụ quân sự là đi ngược lại với giáo lý, truyền thống “sống tốt đời, đẹp đạo”. Tại khoản 1 Điều 59 Luật Nghĩa vụ Quân sự 2015 quy định rõ: “Tổ chức, cá nhân có hành vi trốn tránh, chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Do vậy, việc làm của những linh mục cũng như bất kỳ thanh niên giáo dân nào tin, làm theo sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đúng là thực tế trong thời gian gần đây, ở một số đơn vị Quân đội có hiện tượng chiến sĩ cũ và chiến sĩ mới xảy ra xích mích trong sinh hoạt, công tác. Tuy nhiên, đây chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, chỉ là trường hợp cá biệt. Sau mỗi vụ việc, các cơ quan chức năng của Quân đội đã chủ động vào cuộc, điều tra, làm rõ nguyên nhân đúng sai, kiên quyết xử lý những quân nhân vi phạm theo đúng quy định của kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị đã tăng cường công tác giáo dục, quán triệt, quản lý bộ đội không để xảy ra những vụ việc tương tự. Vì thế, cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở vùng có đạo tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nhận thức đúng, tự giác chấp hành thực hiện nghiêm Luật Nghĩa vụ quân sự, hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm vẻ vang với Tổ quốc. Bất cứ hoạt động nào ngăn cản hoặc vi phạm Luật nghĩa vụ Quân sự sẽ đều bị xử lý nghiêm trước pháp luật./.