May 9, 2020

Lại võ đoán



Tre Việt - Đã thành thông lệ, cứ mỗi khi đến ngày Chiến thắng 30/4 là trên mạng xã hội lại có những ý kiến khác nhau. Năm nay, điều đó không phải ngoại lệ. Mới đây, có ý kiến cho rằng, vì miền Bắc xâm lược miền Nam nên mới có sự kiện ngày 30/4/1975. Điều đó chỉ thống nhất được đất nước mà không thống nhất được lòng người. Vậy nên, mới có tình trạng thuyền nhân - một số người bỏ nước ra đi để đến nước khác bằng đường biển - của những năm sau năm 1975. Nói vậy là võ đoán.
Thống nhất đất nước là nguyện vọng chung của cả dân tộc Việt Nam, không phải của riêng người dân miền Bắc mà cả người dân miền Nam. Đúng như Tố Hữu viết: “Đường giải phóng mới đi một nửa/ Nửa mình còn trong lửa nước sôi/ Một thân không thể chia đôi”. Điều đó cho thấy, quyết tâm thống nhất đất nước là nguyện vọng thiết tha của cả dân tộc Việt Nam. Cho nên, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nếu chỉ có sự tấn công của các binh đoàn chủ lực mà không có sự nổi dậy của quần chúng nhân dân, sự nổi dậy của đồng bào ở các vùng địch tạm chiếm thì khó mà giành được thắng lợi. Khắp nơi ở miền Nam đều có sự nổi dậy của quần chúng nhằm chống lại ách áp bức của chủ nghĩa thực dân mới, điển hình là phong trào đồng khởi của đội quân tóc dài tỉnh Bến Tre những năm 1960. Không chỉ có sự nổi dậy, mà chính đồng bào miền Nam còn giúp sức để các đơn vị chủ lực có điều kiện thuận lợi nhất tăng sức mạnh tấn công. Do có sự kết hợp giữa tiến công của các đơn vị chủ lực với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân mà mùa Xuân 1975 quân và dân Việt Nam đã giành thắng lợi vẻ vang, thống nhất đất nước, thỏa ước mong của con dân đất Việt. Nhờ huy động được sức mạnh của miền Bắc và sức mạnh nổi dậy của đồng bào miền Nam nên chúng ta đã tạo nên sức mạnh vượt trội giành chiến thắng trong chiến tranh theo quy luật: mạnh được yếu thua là có sự kết hợp ấy. Vì vậy, không thể nói miền Bắc xâm lược miền Nam, mà thống nhất đất nước là mong ước của muôn người ở khắp các vùng miền của đất nước, do là mong ước của mọi người, nên không chỉ thống nhất đất nước mà đã thỏa ước mong của mọi người nên đã thống nhất được lòng người.
Vấn đề đặt ra là thống nhất được lòng người thì làm sao lại có tình trạng “thuyền nhân” của những năm sau 1975? Có tình trạng “thuyền nhân” do nhiều nguyên nhân; trong đó, phải kể đến nước nào sau chiến tranh cũng gặp không ít khó khăn, phải ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh thêm vào đó là công tác tuyên truyền sai sự thật, xuyên tạc của bên thua cuộc làm cho một số người ít nhiều có dính dáng đến bên thua cuộc, nhẹ dạ cả tin nghe theo lời tuyên tuyên của bên thua cuộc, nên đã tìm đến miền đất hứa. Vì thế, họ tìm cách vượt biên trái phép bằng đường biển trên các tàu thuyền nhỏ đầy nguy hiểm đến tín mạng. Theo lẽ thông thường thì: “Con không chê cha mẹ khó/ Chó không chê chủ nghèo”. Thế mà, một số người không theo lẽ thông thường đó, họ vẫn cố tình tìm cách vượt biên, tạo nên cái gọi là “thuyền nhân” là sao? Ngày nay, người Việt ở nước ngoài, mỗi khi khó khăn đều tìm về đất mẹ Việt Nam. Trong đại dịch Covid-19 đang diễn ra, thể theo nguyện vọng của đồng bào ta ở nước ngoài, Nhà nước ta đã có nhiều chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước, có ai “bỏ” nước để đến nước khác đâu. Mặc dù, nhiều người đang sinh sống, học tập, công tác ở những nước mà trước đây những người tạo ra cái gọi là “thuyền nhân” cho đó là miền đất hứa, người ta vẫn thiết tha về với đất mẹ Việt Nam đấy thôi. Thế mà họ lại nói sự kiện 30/4/1975 chỉ thống nhất được đất nước mà không thống nhất được lòng người là sao? Hiện tượng “thuyền nhân” chỉ là nhất thời, xảy ra trong một thời điểm nhất định. Nên không vì thế mà quy là sự kiện 30/4/1975 chỉ thống nhất đất nước, không thống nhất được lòng người. Bởi đó là cách nói võ đoán./.