May 1, 2022

Năm tháng sẽ qua đi, chiến thắng 30/4 mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc

          Cách nay 47 năm (1975), khi thời cơ tổng công kích vào thành lũy cuối cùng của chính quyền Sài Gòn đã điểm, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết địnhmởchiến dịch quyết chiến chiến lược mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Sau gần 04 ngày tổng tiến công và nổi dậy, trưa ngày 30/4/1975, quân và dân ta làm chủ thành phố Sài Gòn – Gia Định, bắt giữ và buộc Tổng thống chính quyền Sài Gòn phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đánh dấu sự chấm hết của chế độ thực dân mới, mà đế quốc Mỹ đã dày công xây dựng bị sụp đổ hoàn toàn.Đây là sự kiện trọng đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta nửa cuối thế kỷ XX, có ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại sâu sắc.

Sau khi Hiệp định Paris “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết (27/01/1973), nhận thấy tương quan so sánh lực lượng đã hoàn toàn nghiêng về phía ta, ngày 07/01/1975, Bộ Chính trị họp “Bàn về tình hình và nhiệm vụ cuộc chống Mỹ, cứu nước” hạ quyết tâm lịch sử: Giải phóng miền Nam. Bộ Chính trị nhận thấy quân Mỹ khó có khả năng quay lại tham chiến tại miền Nam và nhất trí thông qua phương án giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 – 1976, đồng thời chọn chiến trường Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu và xác định: “Chúng ta phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975. Điều đó là một khả năng hiện thực”[1].

Để kiểm chứng nhận định trên, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Đường số 14 – Phước Long, diễn ra từ ngày 13/12/1974 đến ngày 06/01/1975. Qua đòn trinh sát chiến lược này, Bộ Chính trị đã họp bổ sung quyết tâm giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Đặc biệt, sau những thắng lợi liên tiếp của các đòn tiến công chiến lược, ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị nhận định: “Cách mạng nước ta đang phát triển với nhịp độ một ngày bằng hai mươi năm”. Do vậy, Bộ Chính trị quyết định: Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không  để chậm”[2].

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã đoàn kết một lòng, nỗ lực cao độ, tạo thành sức mạnh “triều dâng thác đổ” như thế chẻ tre, tiến hành thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh – trận quyết chiến chiến lược quyết định cuối cùng với quân thù. Chỉ trong một thời gian ngắn, với tinh thần “một ngày bằng hai mươi năm”, cùng lực lượng áp đảo, với một khối lượng lớn vật chất hậu cần đã có mặt ở khu vực tập kết, sẵn sàng tổng tiến công vào nội đô Sài Gòn. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã diễn ra và kết thúc thắng lợi vào ngày cuối cùng của tháng Tư (30/4/1975), theo đúng nhận định của Bộ Chính trị. Sau gần 4 ngày tổng tiến công và nổi dậy, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối. 

Chiến thắng 30/4/1975 của dân tộc ta vô cùng vẻ vang oanh liệt, là thắng lợi của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thắng lợi của đường lối và phương pháp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam – Đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội – Đường lối chiến tranh nhân dân: Toàn dân, toàn diện, tự lực, tự cường; vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối, phương pháp cách mạng và đường lối chiến tranh nhân dân độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo và đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện linh hoạt, sáng tạo bảo đảm thành công đường lối đó; giải quyết đúng đắn các mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp; giữa độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội; giữa lợi ích dân tộc và lợi ích quốc tế; động viên toàn dân, toàn quân đoàn kết tham gia kháng chiến và kiến quốc, tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc và thời đại, đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn. Hơn nữa, chiến thắng 30/4/1975 còn là thắng lợi của nền văn hóa Việt Nam được xây đắp từ tinh hoa văn hoá của 54 dân tộc anh em trên đất nước ta, đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, vươn lên tự khẳng định sức sống trường tồn. Đó là nền văn hóa bắt nguồn từ lòng yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu đất nước, yêu độc lập, tự do, hòa bình; từ lòng nhân ái, trọng chính nghĩa, ghét gian tà, thấm đượm chủ nghĩa nhân văn cao cả và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; cởi mở tiếp thu những tinh hoa của nhiều nền văn hoá thế giới. Nền văn hoá ấy ngày càng được bồi đắp và không ngừng phát huy lên tầm cao mới – Nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là cội nguồn sức mạnh vĩ đại của ý chí và trí tuệ Việt Nam, của bản lĩnh, lòng quả cảm và cốt cách Việt Nam, tạo nên sức sống mãnh liệt của nền văn hiến Việt Nam. Đồng thời, chiến thắng 30/4/1975 thể hiện sự hội tụ sức mạnh của toàn dân tộc, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Đó là sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, với sự hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sĩ cả nước, với tinh thần: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” và khí phách: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”; là thắng lợi của khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, tự do và thống nhất non sông của dân tộc Việt Nam.

Đại tướng Văn Tiến Dũng – Nguyên Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam thời chống Mỹ, cứu nước đã khẳng định với các nhà báo và học giả phương Tây rằng: “Một lần nữa tôi muốn nói rõ rằng nguồn gốc mọi thắng lợi của chúng tôi là sức mạnh của cả một dân tộc vùng lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình trong thời đại ngày nay”[3].

Hiện nay, trên một số phương tiện thông tin đại chúng, website và mạng xã hội xuất hiện những luận điệu xuyên tạc lịch sử, phủ nhận tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng 30/4/1975; xuyên tạc bản chất, tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta; hạ thấp tầm vóc của chiến thắng, cho rằng chiến thắng 30/4/1975 không thể gọi là một chiến thắng vẻ vang, mà chỉ là một kết quả tất nhiên khi Mỹ thay đổi chính sách đối ngoại, rút quân, cắt viện trợ, bỏ rơi chính quyền và quân đội Sài Gòn,… Tuy nhiên, thực tiễn lịch sử đã bác bỏ những luận điệu sai trái đó, vì cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam là cuộc chiến đấu chính nghĩa nhằm đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Thắng lợi vĩ đại 30/4/1975 là kết quả của cả một quá trình đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam. Do đó, chiến thắng 30/4/1975 thuộc về dân tộc Việt Nam, Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại; thắng lợi của sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè, các lực lượng tiến bộ và yêu chuộng hòa bình trên thế giới, đúng như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12/1976) đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tình thời đại sâu sắc”[4].

Trong giai đoạn cách mạng mới, dù tình hình quốc tế, khu vực luôn có những diễn biến phức tạp, khó lường; sự nghiệp đối mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn phải vượt qua nhưng tầm vóc, ý nghĩa và giá trị của chiến thắng 30/4/1975 – Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước mãi trường tồn. Đó vừa là niềm tự hào, là động lực và để lại nhiều kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay./.


[1] ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 36, Nxb CTQG, H. 2004, tr.10.

[2] ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 36, Nxb CTQG, H. 2004, tr.95 – 96.

[3] Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Cơ Thạch: Vì sao Mỹ thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Nxb. Sự thật, H. 1986, tr.48.

[4] Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (12/1976). Dẫn theo Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tậpTập 37 (1976), Nxb CTQG, H. 2004, tr.471.

 

          (Nguồn Hương Sen Việt)

Thống nhất đất nước: Hòa hợp, hòa giải và lợi ích dân tộc cốt lõi

           Ngày 30/4/1975 đưa đất nước Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới – độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tròn 47 năm thống nhất đất nước cũng là chừng ấy thời gian Đảng, Nhà nước ta đẩy mạnh chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai.

Chính sách hòa hợp, hòa giải của Đảng và Nhà nước ta dựa trên lợi ích cốt lõi của quốc gia, dân tộc là Tổ quốc độc lập, thống nhất, giàu mạnh, lãnh thổ toàn vẹn, nhân dân làm chủ, đoàn kết gắn bó máu thịt giữa hơn 98 triệu người trong nước với hơn 05 triệu người Việt ở nước ngoài.

Hễ ai là người Việt Nam!

Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định, đoàn kết toàn dân tộc là cội nguồn sức mạnh, là chìa khóa quyết định thành công của cách mạng Việt Nam. Người nêu rõ: Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác. Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ.

Ngày 19/12/1946, trong Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Thấm nhuần tư tưởng của Bác, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam trong mọi giai đoạn cách mạng đều nêu cao tinh thần đại đoàn kết để tập hợp tất cả “hễ ai là người Việt Nam” vì lợi ích cốt lõi của quốc gia, dân tộc. Điều này càng được thể hiện rõ nét từ sau đại thắng Mùa Xuân năm 1975.

Chính sách hòa hợp, hòa giải của Đảng và Nhà nước Việt Nam lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm điểm tương đồng của mọi người có dòng máu Việt, dù ở trong nước hay nước ngoài. Nhà nước ta tạo điều kiện cho mọi người, kể cả những người từng làm việc trong chế độ cũ, về thăm, đóng góp để xây dựng quê hương. Tháng 01/1994, Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ, (khóa VII) của Đảng chủ trương tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy mọi năng lực sáng tạo của công nhân, nông dân và trí thức, các tầng lớp, các giai cấp, các tôn giáo, kể cả cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Tháng 6/1996, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng nhấn mạnh: “Để tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên, giành những thành tựu lớn hơn, cần thực hiện tốt hơn nữa việc mở rộng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, ở cả trong nước và nước ngoài, phát huy dân chủ, động viên tối đa sức mạnh của toàn thể dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”. Đảng xác định phương châm: Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở lấy liên minh công – nông – trí làm nền tảng, đoàn kết mọi người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống ở trong nước hay đang định cư ở nước ngoài…

Tháng 4/2001, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng cụ thể hóa về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân: “Thực hiện đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, thành phần kinh tế, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng của đất nước, người trong Đảng và người ngoài Đảng, người đang công tác và người đã nghỉ hưu, mọi thành viên trong đại gia đình Việt Nam dù sống trong nước hay ở nước ngoài. Phát huy sức mạnh của cả cộng đồng dân tộc, truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và lòng tự hào dân tộc, lấy mục tiêu giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng, tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, giai cấp, thành phần, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, hướng tới tương lai… trên cơ sở liên minh vững chắc giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) ra Nghị quyết số 23-NQ/TW về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tại hội nghị này, Đảng ta sử dụng thuật ngữ “đại đoàn kết toàn dân tộc” thay cho thuật ngữ “đại đoàn kết toàn dân” với ý nghĩa mở rộng đại đoàn kết, đoàn kết ở trong nước và cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Các Đại hội X, XI, XII và XIII của Đảng tiếp tục khẳng định tầm quan trọng to lớn của đại đoàn kết toàn dân tộc, không phân biệt vai trò, đóng góp của người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài đối với đất nước. Đặc biệt, ngày 26/3/2004, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (Nghị quyết 36-NQ/TW). Nghị quyết 36-NQ/TW nêu rõ: Mặc dù sống xa Tổ quốc, đồng bào luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa và hướng về cội nguồn, dòng tộc, gắn bó với gia đình, quê hương. Nhiều người đã có những đóng góp về tinh thần, vật chất và cả xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Cơ sở của sự đoàn kết là ý thức dân tộc và lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và mục tiêu chung của mọi người Việt Nam là giữ vững nền độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, có mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Không đào bới quá nhưng không phủ mờ lịch sử

Để đất nước có được độc lập, thống nhất trọn vẹn, nhân dân được sống trong hòa bình như ngày nay, chúng ta đã trải qua các cuộc trường kỳ kháng chiến với những hy sinh, mất mát lớn lao. Cả nước có 1.146.250 liệt sỹ, trong đó 191.605 liệt sỹ trong kháng chiến chống Pháp, 849.018 liệt sỹ trong kháng chiến chống Mỹ, 105.627 liệt sỹ trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo…); khoảng hơn 04 triệu dân thường đã thiệt mạng hoặc bị thương tật suốt đời do chiến tranh.

Chúng ta không đào bới quá khứ để nuôi hận thù, làm sâu sắc thêm sự mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ. Nhưng chúng ta không lãng quên lịch sử; ghi nhớ sự mất mát trong chiến tranh để trân trọng hòa bình và những thành quả có được ngày hôm nay. Chúng ta ghi nhận thái độ hòa giải, thiện chí hòa hợp, đóng góp xây dựng đất nước từ phía những người từng quay lưng với lợi ích cốt lõi của dân tộc là Tổ quốc độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng bên cạnh đại đa số người Việt Nam ở nước ngoài có thiện chí hòa hợp, hòa giải, vẫn còn một bộ phận cố chấp, hằn học, chống phá, sau gần nửa thế kỷ đất nước được thống nhất, non sông thu về một mối mà vẫn gọi ngày 30/4 là “ngày quốc hận”, “tháng tư đen”. Hòa hợp, hòa giải không phải là cái cớ để những người này đưa ra những đòi hỏi phi lý đối với đất nước, đánh tráo chân lý, đổi trắng thay đen, bóp méo ý nghĩa lịch sử trọng đại của Ngày thống nhất đất nước, phủ nhận những thành tựu kinh tế-xã hội-đối ngoại mà Việt Nam đã nỗ lực đạt được trong 47 năm qua, đặc biệt là sau gần 36 năm đổi mới.

Thực tế đã chứng minh: Đông đảo bà con người Việt ở nước ngoài hoan nghênh công cuộc đổi mới và chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước ta, mong muốn đất nước cường thịnh, sánh vai với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; nhiều người đã về thăm gia đình, quê hương, tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học, công nghệ, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, nhân đạo, từ thiện…

Mở rộng vòng tay đón nhận những người con xa quê hướng về Tổ quốc, Đảng, Nhà nước ta luôn tạo điều kiện thuận lợi để bà con trở về nguồn cội, thăm thân, thờ cúng tổ tiên, đóng góp cho quê hương đất nước; đã ban hành nhiều chính sách, cụ thể hóa và hoàn thiện các quy định về xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại của người Việt Nam ở nước ngoài theo hướng thông thoáng, thuận tiện và đơn giản thủ tục; tiếp tục giải quyết những vấn đề tồn tại về mua nhà ở trong nước, thừa kế, hôn nhân gia đình, nhận con nuôi,… liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài; giải quyết có tình, có lý và trên cơ sở đạo lý Việt Nam các vấn đề nhân đạo do lịch sử để lại, nhằm thực hiện chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc.

Vậy mà, một số ít người Việt Nam ở nước ngoài đến nay chưa có dịp trở về, chưa được tận mắt thấy được những thành tựu phát triển đất nước; hoặc do thành kiến, mặc cảm, nên chưa hiểu đúng về tình hình đất nước, cố tình đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc, ra sức phá hoại mối quan hệ hợp tác giữa nước sở tại với Việt Nam,… Với bộ phận thiểu số này, với những hành vi cố tình chống đối chủ trương hòa giải, lợi dụng chính sách hòa hợp để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, cố tình “đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc, ra sức chống phá đất nước”, Đảng, Nhà nước và nhân dân sẽ không nhân nhượng. Họ sẽ phải đối mặt với sự xa lánh của cộng đồng, lạc lõng giữa dòng chảy mạnh mẽ của cả dân tộc hướng về phía trước. Và “những viên sỏi hận thù” bé nhỏ ấy, chắc chắn sẽ chìm nghỉm dưới đáy sông./.

(Nguồn Hương Sen Việt)