Bất kỳ một hiện tượng gì gây chú ý trong dư luận xã hội ở Việt
Nam, đều bị các nhà dân chủ giả hiệu xuyên tạc, lèo lái.
Thời gian gần đây, sau khi các cơ quan chức năng ở Việt Nam
khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại
Nam và ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn
FLC, trên nhiều trang mạng hải ngoại, một số tổ chức cá nhân chống phá Việt Nam
đã cố tình đánh tráo bản chất các vụ án hình sự thành những vấn đề chính trị nhằm
đả kích, chống phá Nhà nước Việt Nam.
Ngày 31/3, phát biểu khi tham dự Hội nghị phối hợp công tác
giữa Ban Nội chính Trung ương với Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân
dân tối cao, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng, vụ bà Nguyễn Phương
Hằng và vụ thao túng thị trường chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết là các vụ
việc sai phạm có tính chất thách thức đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật
của Nhà nước, thách thức dư luận xã hội và phải xử lý nghiêm minh, kịp thời.
Ngay lập tức, ngày 01/4, trả lời phỏng vấn Đài Châu Á tự do
RFA, “nhà báo độc lập” Nguyễn Ngọc Già đã bình luận rằng: “Tuyên bố của ông Võ Văn Thưởng cho thấy khi bắt bà Nguyễn Phương Hằng
đã được Bộ Chính trị đồng ý. Tức câu chuyện trầm trọng hơn rất nhiều so với những
gì dư luận nghĩ. Tuy nhiên, nhiều người ngạc nhiên khi bà Hằng bị bắt vì Điều
331 lợi dụng quyền tự do dân chủ, thay vì tội danh vu khống, làm nhục…”
Cũng chính tác giả này tuyên bố: “Bà Hằng thách thức danh dự của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, tức
mang tính chính trị. Còn ông Quyết thách thức khả năng quản trị quốc gia, tức về
mặt kinh tế”.
Xin được thưa rằng, các vụ án trên thách thức pháp luật
ở chỗ, nó xảy ra trong một thời gian dài, các cá nhân ngang nhiên xâm phạm quyền,
lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Nguyễn Phương Hằng đã nhiều lần
bị nhắc nhở, xử phạt hành chính. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng phải
tiến hành những bước đi thận trọng, tập hợp đủ chứng cứ mới tiến hành
các hoạt động tố tụng. Khi bắt hai cá nhân này, phần lớn dư luận tỏ rõ sự đồng
tình, thể hiện niềm tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật và chờ đợi những bước
đi tiếp theo khi mở rộng vụ án.
Nhưng, bất kỳ một hiện tượng gì gây chú ý trong dư luận xã hội
ở Việt Nam, đều bị các nhà dân chủ giả hiệu xuyên tạc, lèo lái.
Trước khi cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn
Phương Hằng, truyền thông hải ngoại ra sức đơm đặt rằng, bà Hằng có thế lực
chính trị hậu thuẫn nên được ngang nhiên, phách lối, thậm chí họ còn dựng chuyện
vợ chồng bà Hằng là công cụ chính trị để chấn chỉnh, tranh giành ảnh hưởng ở Việt
Nam.
Còn sau khi cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án, khởi tố
bị can, tạm giam Nguyễn Phương Hằng để điều tra về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền
và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” thì lập tức họ lại quay ngoắt, vu
cáo Việt Nam không có “tự do ngôn luận”,
đòi xóa bỏ Điều 331, Bộ luật Hình sự vì cho rằng, đây là điều luật “mơ hồ”, “được tạo ra để chụp mũ lên bất kỳ đối tượng nào họ muốn trừng trị”.
Như vậy, từ vị thế được “chính
quyền chống lưng”, giới “dân chủ”
đã ngay lập tức biến bà Hằng thành “nạn
nhân của chính quyền” hay chính trị hóa vụ việc bằng việc xuyên tạc “bắt bà Nguyễn Phương Hằng đã được Bộ Chính
trị đồng ý…”
Đúng là sự lật lọng trắng trợn, lá mặt lá trái, mục đích cuối
cùng là để chống phá, tạo sự bất mãn trong dư luận xã hội ở Việt Nam.
Đối với Điều 331, Bộ luật Hình sự về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi
ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, không chỉ
Việt Nam, hàng loạt quốc gia cũng đặt ra những điều khoản cụ thể để ngăn chặn
việc lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm các mối quan hệ xã hội được pháp luật
bảo vệ. Ví dụ, Hiến pháp Đức quy định: “Ai
lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là tự do báo chí, tự do tuyên truyền…
làm công cụ chống lại trật tự của xã hội, tự do dân chủ, sẽ bị tước bỏ quyền
công dân”.
Còn vụ việc liên quan Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết,
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị
can với ông Trịnh Văn Quyết và 2 người em là: bà Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh
Thị Minh Huế về tội Thao túng thị trường chứng khoán. Theo cơ quan chức năng,
việc làm của những cá nhân trên gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh
hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Có thể nói, đây
là hành vi lừa đảo nhà đầu tư, phạm tội có tổ chức và cần phải cắt bỏ “ung nhọt” để thị trường chứng khoán
lành mạnh hơn. Việc Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam cho thấy cơ
quan pháp luật không nhân nhượng với bất cứ hành vi nào làm ảnh hưởng tới niềm
tin của nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán, giúp cho thị trường thêm
minh bạch.
Tuy nhiên, khi bắt giam ông Trịnh Văn Quyết, một số cá nhân
và tổ chức nước ngoài không bỏ lỡ cơ hội. Họ tỏ ra “am tường”, “hiểu chuyện” khi cho rằng, đó chẳng qua là những màn “đấu đá nội bộ” hay bắt các doanh nghiệp
lớn nhằm “tịch thu tài sản”, v.v. Tác
giả Lê Ánh viết trên trang web của Việt Tân: “Những sự kiện mới xảy ra liên quan đến các đại gia “bất động sản” bị
“xộ khám”, nhiều người cho rằng, chẳng qua là do các thế lực ngầm đằng sau lưng
đang đấu đá với nhau. Họ đưa những con cờ “đại gia” vừa làm tốt thí để khoa
trương thế lực, lại vừa hưởng được tài sản kếch xù của các đại gia”.
Trong khi đó, các đối tượng: Nguyễn Văn Đài, Phạm Minh Vũ,
Hoàng Dũng tán phát thông tin “ngân sách cạn kiệt nên mới bắt giữ ông Trịnh Văn
Quyết nhằm tịch thu tài sản nuôi bộ máy”. Một số đối tượng phản động tiếp tục
khoét sâu luận điệu cho rằng, hành vi sai phạm của ông Quyết đã bị xử lý hành
chính (theo Nghị định số 156/2020 của Chính phủ) đang có hiệu lực nhưng cơ quan
tố tụng vẫn tiến hành khởi tố hình sự, vi phạm nguyên tắc cấm xử lý 2 lần cho một
hành vi phạm tội. Trên thực tế, ngay khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự,
khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết, cơ quan Công an
đồng thời có văn bản đề nghị Ủy ban chứng
khoán nhà nước hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bị
can này.
Đấu tranh quyết liệt với hành vi sai phạm, dù bất kể trong
lĩnh vực nào, kể cả với thành phần kinh tế tư nhân để giữ gìn sự ổn định xã hội,
tạo môi trường lành mạnh, công bằng cho các nhà đầu tư,… đó là mục tiêu, là
đích đến để Việt Nam phát triển bền vững. Sai phạm phải xử lý hình sự thì
dứt khoát phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Mặc dù chính sách nhất quán
của Việt Nam là tạo môi trường, tạo sân chơi bình đẳng, khuyến khích thành phần
kinh tế tư nhân phát triển nhưng dứt khoát phải là những ông chủ đàng hoàng,
tuân thủ pháp luật.
Các màn “đấu đá nội bộ”
(mà các vị rêu rao) để đưa ra ánh sáng những đại gia vi phạm pháp luật, như: Hà
Văn Thắm, Nguyễn Đức Kiên, Phạm Nhật Vũ, Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng,… thì đó
là kết quả tích cực hay tiêu cực hỡi các “nhà
dân chủ”?
Tại Hội trực tuyến toàn quốc về tình hình kinh tế - xã hội
tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2022 ngày 05/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các
cơ quan chức năng cần nắm sát tình hình, ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời
các vi phạm trong lĩnh vực bất động sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái
phiếu doanh nghiệp, rà soát, phát hiện các lỗ hổng về cơ chế, chính sách để điều
chỉnh phù hợp.
Thói đời “mượn gió, bẻ
măng”, lợi dụng các các vụ việc được dư luận quan tâm để tung ra những luận
điệu xuyên tạc hòng làm phức tạp thêm tình hình. Thủ đoạn này đâu có gì mới.
Bởi vậy, dù cố tình chính trị hóa các vụ án hình sự thì sớm muộn thực tế sẽ có
câu trả lời thỏa đáng./.
(nguồn VOV.vn)