Tre Việt - Ngày 22/12, Đài Á Châu Tự Do (RFA), đăng bài: “Nhân quyền Việt Nam 2023: tiếp tục tồi tệ từ năm 2018!”, bài viết rêu rao: “Tồi tệ, ảm đạm, hung hãn… là những tính từ mà một số nhà hoạt động dùng để mô tả khái quát tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2023”. Đây là luận điệu mang tính quy chụp của RFA, cố tình xuyên tạc sự thật về thành tựu thúc đẩy và bảo đảm nhân quyền của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong năm 2023 và những năm gần đây.
Cần khẳng định rằng: bảo vệ và thúc đẩy
quyền con người là chính sách nhất quán của Việt Nam. Đảng, Nhà nước Việt Nam
luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng
đất nước; là trung tâm của các chính sách kinh tế - xã hội; thúc đẩy và bảo vệ
quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm thắng
lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mọi chủ trương, đường lối
của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam đều phấn đấu cho mục tiêu:
“dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, phát triển đất nước phồn
vinh, hạnh phúc, tất cả vì con người và cho con người; nhân dân là trung tâm,
là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương,
chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích
chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.
Tham gia vào các công ước quốc tế về quyền
con người là một chủ trương thường xuyên và nhất quán của Việt Nam, thể hiện
cam kết cũng như quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo đảm và thực hiện các
tiêu chuẩn pháp lý quốc tế về quyền con người. Từ năm 1977, sau khi trở thành
thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia hầu hết
vào các công ước quốc tế về quyền con người. Đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn,
gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn,
gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước
cơ bản. Trong khu vực và các nước phát triển, Việt Nam là một trong những nước
dẫn đầu về số lượng là thành viên các công ước quốc tế về quyền con người. Đi
đôi với việc chủ động, tích cực tham gia các công ước quốc tế về quyền con người,
Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia, bảo đảm sự
hài hòa giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế.
Cùng với những nỗ lực trong xây dựng và
hoàn thiện thể chế về quyền con người, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong bảo
đảm quyền con người trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các quyền con người
về dân sự, chính trị ở Việt Nam được bảo đảm một cách tích cực, chủ động. Quyền
bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý nhà nước và xã hội của người dân được bảo đảm.
Việt Nam tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông
tin; quyền tự do hội họp và lập hội; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền
bình đẳng của các dân tộc; quyền sống, được tôn trọng về nhân phẩm và bất khả
xâm phạm về thân thể; quyền tự do đi lại và cư trú,… của người dân. Các quyền
kinh tế, xã hội và văn hóa cũng được thực hiện một cách tích cực. Các chương
trình, mục tiêu, chính sách quốc gia, như: bảo đảm quyền thoát nghèo; quyền về
việc làm, thu nhập; quyền sở hữu; an sinh xã hội, quyền được chăm sóc y tế, sức
khỏe; quyền được học tập, giáo dục; quyền tham gia vào đời sống văn hóa,… đều
hướng đến người dân. Mới đây, đúng vào Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3/2023), Mạng
lưới giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc công bố Báo cáo Hạnh phúc
toàn cầu lần thứ 10 về mức độ hạnh phúc của hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ (dựa
trên đánh giá trung bình từ năm 2020 đến năm 2022), Việt Nam đứng thứ 65/150,
tăng 12 bậc so với năm 2020. Đánh giá trên cho thấy, chỉ số hạnh phúc của
người dân Việt Nam những năm gần đây được nâng lên đáng kể. Năm 2022, tạp chí
kinh doanh, thương mại hàng đầu thế giới CEOWORLD (Mỹ) công bố báo cáo xếp hạng
chỉ số “chất lượng sống” của 165 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, thì
chỉ số “chất lượng sống” của Việt Nam đạt 78,49 điểm, xếp vị trí 62/165 (tăng
39 bậc so với năm 2021).
Những thành tựu về đảm bảo quyền con người
của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Không phải ngẫu nhiên mà Việt
Nam trúng cử với số phiếu cao trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp
quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đánh
giá: “Việt Nam là một đối tác quan trọng của Liên hợp quốc, đã có nhiều đóng
góp thực chất và hiệu quả vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Mối quan hệ tốt đẹp này cần được tăng cường hơn nữa trong thời gian tới để thúc
đẩy hòa bình, sự phát triển bền vững và quyền con người trên thế giới”.
Kết quả đó được nhân dân ta và bạn bè quốc
tế ghi nhận, đánh giá cao; Việt Nam có quyền tự hào về những kết quả đã đạt được
trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Thế nhưng, RFA vẫn cố tình tìm mọi
cách bóp méo, xuyên tạc sự thật về nhân quyền Việt Nam. Luận điệu này cần phải
kiên quyết đấu tranh, bác bỏ./.