Apr 3, 2017

Ấu trĩ

Tre Việt - Lợi dụng việc Bộ Thông tin - Truyền thông thu hồi thẻ nhà báo của một số nhà báo vi phạm Luật Báo chí trong thời gian qua, Phạm Nhật Bình định cư tại Mỹ, kiếm cớ lu loa rằng: “muốn báo chí sống lành mạnh thì chỉ có một điều kiện duy nhất là phải chấm dứt việc coi báo chí như công cụ tuyên truyền cho chế độ”. 

Phạm Nhật Bình thật ấu trĩ ! Bởi, hoạt động báo chí, về bản chất, không tách rời chính trị. Biểu hiện của tính chất đó là việc báo chí tác động vào nhận thức chính trị - tư tưởng của nhân dân, giám sát các cơ quan quyền lực của nhà nước, tham gia vào hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội và bảo vệ những giá trị, lợi ích chính đáng của quốc gia, dân tộc.
Về nguyên tắc, luật pháp các quốc gia công nhận quyền tự do của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, nhưng đó không phải là tự do vô hạn dẫn đến việc xâm phạm quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức, nhà nước. Điều 29 của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên hợp quốc ra đời năm 1948 nêu: trong việc hành xử nhân quyền và thụ hưởng tự do, mọi người chỉ phải chịu những hạn chế do luật định - và những hạn chế này chỉ nhằm mục tiêu bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng nhân quyền và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về luân lý, trật tự công cộng, và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ.
Báo chí tự do ở Mỹ cũng như các quốc gia khác vẫn nằm trong khuôn khổ quy định của pháp luật như Bộ luật Hình sự Mỹ (Chương 115, Điều 2385), Đạo luật Phản loạn được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1798 quy định: Nghiêm cấm mọi hành vi in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng hoặc tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hoặc bạo lực, v.v. Những quy định chặt chẽ đó không ngoài mục đích ngăn chặn việc lợi dụng tự do báo chí nhằm mục đích chống chính quyền, lật đổ chính quyền, xâm phạm đến quyền tự do của cá nhân khác, v.v.
 Xin nhắc để Phạm Nhật Bình biết đừng nói càn: Tổng thống Trump đã cáo buộc giới truyền thông là “dối trá, phản quốc, là kẻ thù của nhân dân Mỹ”. Ông Trump đã buộc giới truyền thông phải chịu đựng 80 phút nghe Ông phê phán, cáo buộc họ “thiếu trung thực, phổ biến tin tức giả và âm mưu làm suy yếu vị thế Tổng thống của Ông”. Ngày 24-02-2017, Nhà Trắng đã cấm một số hãng truyền thông và báo chí lớn, như: CNN, BBC, New York Times,… tham dự cuộc họp báo hằng ngày mà không có lý do cụ thể.
Thử hỏi Phạm Nhật Bình: như thế thì báo chí Mỹ có phải là công cụ tuyên truyền phục vụ cho lợi ích của nước Mỹ không?
Ở Việt Nam, tất cả các cơ quan, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương đều có báo hoặc tạp chí; báo chí còn được phân theo giới tính, lứa tuổi: từ nhi đồng, thiếu niên, thanh niên, người cao tuổi đều có báo và tạp chí của mình. Thậm chí hội của những người chơi cây cảnh, cá cảnh, chơi ten-nít đều có tạp chí. Hiện nay, cả nước có 845 cơ quan báo chí in với 1.118 ấn phẩm, một hãng thông tấn quốc gia, 67 đài phát thanh - truyền hình với 179 các kênh chương trình phát thanh - truyền trình quảng bá, 33 đơn vị cung cấp truyền hình cáp, 98 cơ quan báo chí điện tử và 1.525 trang thông tin điện tử tổng hợp; 420 mạng xã hội được phép hoạt động với lượng truy cập rất cao, ảnh hưởng ngày càng lớn về thông tin.
Trước sự phát triển của in-tơ-nét, các mạng xã hội và nhiều ứng dụng khác, cho đến nay các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam không ngăn chặn và can thiệp, bảo đảm quyền tự do thông tin của mọi công dân. Hành lang pháp lý bao gồm Hiến pháp, Luật và các Nghị định, Thông tư liên quan đến quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ngày càng tiếp tục hoàn thiện hơn, phù hợp với các điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và tình hình phát triển của báo chí. Các cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, nghề nghiệp trở thành diễn đàn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mọi tầng lớp nhân dân. Quan trọng hơn nữa, báo chí Việt Nam không chỉ đóng vai trò tuyên truyền, phổ biến mà còn phản biện, góp ý cho đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuy nhiên, tự do báo chí không phải là vô hạn. Quyền tự do đó phải được đặt trong khuôn khổ của pháp luật, phục vụ lợi ích của quốc gia, dân tộc; không xâm phạm đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân. Điều 2, Luật Báo chí nêu rõ: Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân. Như vậy, đối với nhà báo, ngoài trách nhiệm thông tin đúng sự thật, vai trò công dân của nhà báo phải được đặt lên hàng đầu với sứ mệnh đặc biệt đối với lợi ích quốc gia, dân tộc.

Cũng như các quốc gia khác, việc cơ quan chức năng xử lý những cá nhân, cơ quan báo chí vi phạm luật báo chí làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc là lẽ đương nhiên, ở Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ! Do vậy, Phạm Nhật Bình đưa ra nhận định trên chẳng những không hiểu gì về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của báo chí, mà còn thể hiện rõ sự ấu trĩ của y!

1 comments:

Phân phối tăng âm truyền thanh said...

Tất cả những kẻ phản quốc, hại dân phải bị trừng trị thật nghiêm khắc

Post a Comment