Sau cuộc chiến chống
Covid-19, ông Steve Jackson tự cho mình mang một món nợ lớn và rằng Việt Nam có
thể làm bất cứ điều gì.
Ông Steve Jackson 49 tuổi,
người Anh, đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ ở Hà Nội, đã chia
sẻ với VnExpress những cảm xúc, suy nghĩ cá nhân và
cuộc sống gia đình ông trong cuộc chiến chống Covid-19 ở Việt Nam.
Một người bạn châu Á của tôi
có mẹ già ở Anh. Trong những cuộc trò chuyện qua mạng, cô ấy bảo Covid-19
khiến con người rơi vào “nỗi buồn quay chậm”. Nỗi buồn ấy đã khiến cô có
lần vừa chạy bộ vừa khóc. Tôi thừa nhận, mình có nhiều đêm không thể
ngủ được. Ngay cả thứ nhỏ nhất cũng khiến tôi xúc động. Tôi không thể nghĩ về
tương lai xa bởi mọi thứ thật đen tối.
Khi dịch bùng lên ở Vũ Hán,
Việt Nam đã khẩn trương lên kế hoạch ứng phó. Trường mẫu giáo của con
gái tôi bị đóng cửa. Khẩu trang trở thành vật bắt buộc. Chính phủ ráo riết
tìm dấu người nhiễm bệnh. Ứng dụng được ra mắt, cung cấp nhiều tính năng
khác nhau. Đáng kể nhất, bạn chỉ cần ấn nút là một nhóm nhân viên y tế trong bộ
đồ bảo hộ sẽ xuất hiện.
Ở Việt Nam, người nhiễm virus
(F0) được nhập viện. Người từng tiếp xúc với bệnh nhân (F1) được cách ly. Người
tiếp xúc với người từng tiếp xúc với bệnh nhân (F2) cũng được cách ly. Cứ như thế,
bạn có thể hình dung được toàn bộ bức tranh.
Cùng lúc này, Covid-19 ở châu
Âu đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Nhất là ở Italy. Hàng trăm người chết mỗi ngày.
Nước Anh thì chối bỏ sự nghiêm trọng của dịch bệnh.
Về phần chúng tôi, trường mẫu
giáo của con gái tôi đóng cửa hàng tuần, rồi lên tới hàng tháng. Tôi làm
việc ở nhà. Chúng tôi cố gắng xoay xở. Điều đó chẳng dễ dàng gì. Sau vài tuần,
chúng tôi gửi con nhỏ đến nhà bà ngoại từ thứ hai đến thứ sáu. Hai tuần trôi
qua, chúng tôi nhận ra không ai vui vẻ cả. Chúng tôi nhớ nhau và nỗi lo còn tệ
hơn. Những cơn giận dữ thỉnh thoảng xuất hiện. Tôi quyết định đón con về nhà
và cùng tìm cách thích nghi.
Ở giai đoạn đó, một điều khó
tin xảy ra ở Việt Nam. Chúng tôi, những người nước ngoài sống ở đây, bắt đầu
nhận ra đó là một thứ phi thường.
Có hai bức ảnh khiến tôi rơi
nước mắt. Bức đầu tiên là các chiến sĩ nằm trên sàn bê tông. Bức thứ hai là
những người trẻ Việt Nam, có lẽ bay từ nước ngoài về, ngồi trên
giường tầng, đeo khẩu trang và trò chuyện. Các chiến sĩ đã nhường giường
ngủ của họ cho việc cách ly. Họ nấu nướng, dọn dẹp. Các chiến sĩ phục vụ
người dân, giúp người dân sống sót. Và lúc ấy, có hàng chục nghìn người được
cách ly.
Rồi một cô gái nhiễm bệnh bay
về từ châu Âu. Cô ấy đến viện, và người ta phải phong tỏa cả con phố. Mạng xã
hội Việt Nam bùng nổ. Điều đó tạo nên sự khác biệt. Đôi khi, sự minh bạch trở
nên nguy hiểm quá mức cần thiết, nhưng cũng đem tới cảm giác rằng mỗi ca bệnh,
mỗi mạng sống đều quan trọng.
Việt Nam vẫn không có ca tử
vong nào.
Hàng nghìn người Việt Nam trở
về từ nước ngoài. Họ đều được cách ly. Chính họ cũng hiểu rằng đó là việc
phải làm.
Nếu bạn là một người đàn ông
trung niên da trắng, bạn sẽ hiểu việc “tái lập trình suy nghĩ” của mình khó
khăn thế nào. Khi dịch bệnh mới xuất hiện ở Việt Nam, chúng tôi không biết đất
nước này có đủ máy thở không. Đến khi Covid-19 thực sự ảnh hưởng tới Việt Nam,
tôi đã chắc chắn đất nước này sẽ chịu tổn thất nặng nề bởi nếu so sánh, ít
nhất, Anh cũng là một nước phát triển hơn. Liệu tôi có nên về nước không?
Tôi không dám lạc quan. Việt Nam sẽ đối phó ra sao? Liệu Việt Nam có thể đối
phó không?
Một bệnh viện ở Hà Nội bùng
phát dịch. Cần nỗ lực khổng lồ mới vệ sinh và cách ly được nó. Số ca tiếp tục
tăng lên.
Chúng tôi chờ đợi sự bùng nổ.
Chúng tôi chờ đợi thời điểm mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát. Nhưng sự bùng
nổ ấy không bao giờ đến. Nhanh chóng, số ca hồi phục tăng lên. Nhiều ngày trôi
qua mà không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong cộng đồng. Số ca tử vong vẫn là
không.
Chẳng mấy chốc, cả tháng trôi
qua mà không có ca nhiễm mới nào. Trường học mở cửa trở lại. Vui quá! Tôi muốn
lấy cờ cổ vũ bóng đá Việt Nam ra, buộc vào xe máy khi đưa con đến trường. Tôi
muốn đập tay với tất cả các phụ huynh và giáo viên.
Cuộc sống bình thường của
chúng ta quay trở lại. Cái sự tắc đường cũng trở nên tuyệt vời. Kể cả những
ngày nắng nóng 40 độ C cũng được chào đón. Bầu trời xanh đối lập với ký ức về
bầu trời mùa đông xám xịt đầy lo lắng.
Tôi cảm thấy như mình vừa
trúng xổ số.
Ở Anh, gia đình tôi đang đối
phó với dịch bệnh, nhưng tất nhiên, tôi lo lắng cho họ. Chị em tôi là giáo viên
và các trường học đang mở cửa trở lại. Anh rể tôi vẫn phải làm việc suốt thời
gian phong tỏa bởi phần lớn những đứa trẻ anh dạy thuộc nhóm dễ bị tổn thương.
Bong bóng bảo vệ của họ không hề chắc chắn. Do phong tỏa, bố mẹ tôi chỉ
được rời nhà khi cho chó đi dạo. Nhưng giờ, cuộc sống được “mở” hơn một chút.
Bố mẹ tôi đủ thông minh để không đưa mình vào tình huống nguy hiểm nhưng cũng
tận hưởng những lần ra ngoài. Có lẽ phải vài năm nữa tôi mới được gặp lại
họ.
Ở Anh, số ca tử vong do
Covid-19 được công bố là 42.000. Thực tế, con số này có lẽ cao hơn 50%.
Thỉnh thoảng, các phương tiện
truyền thông, tổ chức và học giả lại đặt câu hỏi về những con số ở Việt Nam,
cho rằng đất nước này đang giấu giếm điều gì đó: “ít nhất phải có một, hai ca
chứ”. Trong khi hàng nghìn người Anh tử vong, ở Việt Nam, chỉ còn vài ca nhiễm
virus đơn lẻ.
Tuần này, tôi muốn trích dẫn
một câu trong bài hát Ghen Cô Vy mà Việt Nam phát hành để kêu gọi cộng
đồng rửa tay và đeo khẩu trang. Tôi tìm kiếm video có phụ đề tiếng Anh
trên YouTube. Mấy tháng trước, tôi phát ngán bài hát này vì những xe đi qua khu
phố nhà tôi cứ bật nó suốt. Bài hát lan truyền khắp thế giới. Đó là bằng chứng
đầu tiên cho thấy Việt Nam sẽ đưa ra biện pháp đối phó đẳng cấp thế giới.
Tôi ngạc nhiên khi thấy giờ
đây bài hát khiến mình hoài niệm.
Tôi mang một món nợ với Việt
Nam. Có thể tôi sẽ cho lại điều gì đó. Hoặc có thể, tôi chỉ đơn giản trở nên
tốt hơn. Việt Nam cũng có thể tiến bộ, hoặc đúng hơn là duy trì những thứ
làm nên đẳng cấp thế giới như bây giờ, bao gồm sự minh bạch, cởi mở, đoàn
kết. Chúng có thể áp dụng cho mọi thứ và sẽ trở thành tiêu chuẩn mới. Việt
Nam không bỏ ai lại phía sau, nhìn khẩu hiệu xuất hiện khắp nơi trong cuộc
chiến Covid-19 là đủ đánh giá được tình hình.
Người ta thường nói người
Việt chăm chỉ nhưng không sáng tạo. Một bài hát nổi tiếng toàn cầu đã đập tan
định kiến đó. Họ nói Việt Nam có thể sản xuất nhưng không thể phát triển sản
phẩm riêng. Hãy nhìn vào những bộ xét nghiệm và ứng dụng.
Tôi cược rằng Việt Nam sẽ sản
xuất được vaccine. Việt Nam có thể làm bất cứ thứ gì.
Việt Nam vẫn không có cái
chết nào do Covid-19.
(Nguồn VnExpress)
3 comments:
Việt Nam đã có những biện pháp rất quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh covid 19; do đó đã kiểm soát được dịch bệnh và đặc biệt đã không có trường hợp nào tử vong; điều đó đã được cả thế giới đánh giá rất cao.
Bạn nói rất chính xác, Việt Nam tuyệt vời
Đây là cảm xúc tuyệt vời của một người Anh đang sống ở Việt Nam
Post a Comment