Feb 3, 2022

Quan điểm về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của Việt Nam là không thể xuyên tạc

           Quan điểm của Việt Nam trong bảo vệ, bảo đảm và phát triển quyền con người là rất rõ ràng. Thế nhưng lâu nay, một số tổ chức, cá nhân thù địch vẫn cố tình bóp méo, xuyên tạc quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong bảo vệ và phát triển quyền con người.

Tết Nhâm Dần vừa đến. Trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội do tác động ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng Đảng và Nhà nước ta vẫn nỗ lực để bảo đảm cho mọi người, mọi nhà đều phải có Tết với tinh thần “nghĩa tình, tri ân, an toàn, lành mạnh, vui tươi, hạnh phúc, tiết kiệm”.

Ông Terence Jones, Quyền Đại diện thường trú
UNDP tại Việt Nam đánh giá cao cam kết và nỗ lực
của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ
các quyền con người.

Theo tinh thần ấy trong suốt thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” xem có ai khó khăn, có ai thiếu ăn, thiếu mặc,… nhất là các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, công nhân lao động, những gia đình chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 với quyết tâm không ai bị bỏ lại phía sau, không người nào, không gia đình nào không có Tết, v.v. Đây được xem là một dẫn chứng sinh động, cụ thể khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người.


Không phải đến bây giờ Đảng, Nhà nước Việt Nam mới khẳng định điều ấy mà ngay trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ, cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Trong suốt quá trình lãnh đạo, điều hành đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định: con người là trung tâm của các chính sách kinh tế – xã hội, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Việt Nam đều nhằm phấn đấu cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, tất cả vì con người và cho con người.

Hơn ai hết, Việt Nam hiểu rõ giá trị của nhân quyền. Bởi, đất nước này đã từng phải gánh chịu những hậu quả nặng nề bởi các cuộc chiến tranh xâm lược của ngoại bang, từng là nạn nhân của những hành động vi phạm nhân quyền khủng khiếp nhất. Đảng, Nhà nước Việt Nam nhận thức rất rõ rằng quyền con người vừa mang tính phổ biến, thể hiện khát vọng chung của nhân loại, vừa có tính đặc thù đối với từng xã hội và cộng đồng. Trong một thế giới ngày càng đa dạng, Chính phủ Việt Nam cho rằng khi tiếp cận và xử lý vấn đề quyền con người cần kết hợp hài hòa các chuẩn mực, nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế với những điều kiện đặc thù về lịch sử, chính trị, kinh tế – xã hội, các giá trị văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán của mỗi quốc gia và khu vực.

Các thế lực thù địch, phản động tuyên truyền xuyên tạc nói xấu tình hình nhân quyền Việt Nam rồi so sánh với nước khác và tỏ ra thiện chí “khuyên” rằng phải “học theo” nước này, nước nọ thì mới cải thiện được nhân quyền, v.v. Về việc này, Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố, những hành động, luận điệu đó là vô lối, không thể chấp nhận và phải kiên quyết đấu tranh phản bác. Quan điểm của Việt Nam là không một nước nào có quyền áp đặt mô hình chính trị, kinh tế, văn hóa của mình cho một quốc gia khác. Cần tiếp cận một cách toàn diện tất cả các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa trong một tổng thể hài hòa, không được xem nhẹ bất cứ quyền nào. Theo Việt Nam, các quyền và tự do của mỗi cá nhân chỉ có thể được bảo đảm và phát huy trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích chung của dân tộc và cộng đồng; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ, trách nhiệm đối với xã hội. Việc chỉ ưu tiên hoặc tuyệt đối hóa các quyền dân sự, chính trị và một số quyền tự do cá nhân, không quan tâm thích đáng đến quyền phát triển, các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của cả cộng đồng là cách tiếp cận chủ quan, phiến diện, không phản ánh đầy đủ bức tranh toàn cảnh về quyền con người.

Chính phủ Việt Nam cho rằng, trách nhiệm và quyền hạn của trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trước hết thuộc về mỗi quốc gia. Các quốc gia có trách nhiệm xây dựng hệ thống pháp luật trong nước phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc có tính đến hoàn cảnh của mỗi nước để bảo đảm cho người dân được thụ hưởng quyền con người một cách tốt nhất. Do khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, chế độ chính trị, trình độ phát triển, giá trị truyền thống văn hóa,… nên cách tiếp cận về quyền con người của mỗi quốc gia có thể khác nhau. Việc hợp tác và đối thoại giữa các quốc gia để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là một yêu cầu cần thiết và khách quan. Việt Nam ủng hộ việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người trên cơ sở đối thoại bình đẳng, xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ ngày càng tốt hơn các quyền con người. Việt Nam sẵn sàng học hỏi, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của nhân loại nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng kiên quyết phản đối việc một số quốc gia, tổ chức, cá nhân có những âm mưu, thủ đoạn, hành động lợi dụng vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, trong đó có Việt Nam. Nhà nước và nhân dân Việt Nam cho rằng đó là hành động vô lối và không thể chấp nhận. Theo Việt Nam, không cho phép bất kỳ nước nào có quyền sử dụng vấn đề quyền con người làm công cụ can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia, gây đối đầu, gây sức ép chính trị, thậm chí sử dụng vũ lực hoặc làm điều kiện trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại,… với nước khác.

Trong một thế giới hội nhập ngày càng sâu rộng, tùy thuộc lẫn nhau, Việt Nam cho rằng các quyền con người chỉ có thể được tôn trọng và bảo vệ trong một môi trường hòa bình, an ninh, bình đẳng và phát triển bền vững, trong đó các giá trị nhân bản được tôn trọng và bảo vệ. Cuộc đấu tranh vì các quyền con người cần tiến hành đồng thời với các biện pháp ngăn chặn các cuộc chiến tranh, xung đột, khủng bố, nghèo đói, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia,… đang hàng ngày, hàng giờ đe dọa hòa bình, an ninh, độc lập và phồn vinh của mọi quốc gia, ngăn cản việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới.

Các quan điểm, chính sách nhất quán như đã đề cập của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc, nội dung cơ bản và xu thế phát triển theo hướng tiến bộ của luật pháp quốc tế nói chung và trong lĩnh vực quyền con người nói riêng. Bảo vệ, bảo đảm, thúc đẩy phát triển quyền con người là quan điểm nhất quán, xuyên suốt mọi đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Những năm qua, đặc biệt là sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm quyền con người. Nhưng bằng mọi âm mưu, thủ đoạn, luận điệu, chiêu trò các thế lực thù địch vẫn cố tình phủ nhận thành tựu mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã đạt được, gia tăng sự chống phá Việt Nam núp dưới chiêu bài “dân chủ, nhân quyền”. Việt Nam kịch liệt phản đối, lên án và kiên quyết đấu tranh với những âm mưu và hành động ấy. Bởi, nó không giúp ích cho bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người mà trái lại đó là những hành động trắng trợn xúc phạm các giá trị của nhân quyền không hơn không kém./.

 (nguồn Hương Sen Việt)

0 comments:

Post a Comment