Ngày 30/4/1975 đưa đất nước
Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới – độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tròn
47 năm thống nhất đất nước cũng là chừng ấy thời gian Đảng, Nhà nước ta đẩy
mạnh chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt
đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn
trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai.
Chính sách hòa hợp, hòa giải
của Đảng và Nhà nước ta dựa trên lợi ích cốt lõi của quốc gia, dân tộc là Tổ
quốc độc lập, thống nhất, giàu mạnh, lãnh thổ toàn vẹn, nhân dân làm chủ, đoàn
kết gắn bó máu thịt giữa hơn 98 triệu người trong nước với hơn 05 triệu người
Việt ở nước ngoài.
Hễ ai là người Việt Nam!
Lúc sinh
thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định, đoàn kết toàn dân tộc là cội nguồn
sức mạnh, là chìa khóa quyết định thành công của cách mạng Việt Nam. Người nêu
rõ: Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa
số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác.
Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng
đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác. Bất kỳ
ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những
người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với
họ.
Ngày
19/12/1946, trong Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn
mạnh: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không chia tôn giáo,
đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp
để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì
dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Thấm
nhuần tư tưởng của Bác, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam trong mọi giai đoạn
cách mạng đều nêu cao tinh thần đại đoàn kết để tập hợp tất cả “hễ ai là người
Việt Nam” vì lợi ích cốt lõi của quốc gia, dân tộc. Điều này càng được thể hiện
rõ nét từ sau đại thắng Mùa Xuân năm 1975.
Chính
sách hòa hợp, hòa giải của Đảng và Nhà nước Việt Nam lấy lợi ích quốc gia, dân
tộc làm điểm tương đồng của mọi người có dòng máu Việt, dù ở trong nước hay
nước ngoài. Nhà nước ta tạo điều kiện cho mọi người, kể cả những người từng làm
việc trong chế độ cũ, về thăm, đóng góp để xây dựng quê hương. Tháng 01/1994,
Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ, (khóa VII) của Đảng chủ trương tăng
cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy mọi năng lực sáng tạo của công nhân,
nông dân và trí thức, các tầng lớp, các giai cấp, các tôn giáo, kể cả cộng đồng
người Việt Nam ở nước ngoài.
Tháng
6/1996, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng nhấn mạnh: “Để tiếp
tục đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên, giành những thành tựu lớn hơn, cần thực
hiện tốt hơn nữa việc mở rộng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, ở cả
trong nước và nước ngoài, phát huy dân chủ, động viên tối đa sức mạnh của toàn
thể dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”. Đảng
xác định phương châm: Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở lấy
liên minh công – nông – trí làm nền tảng, đoàn kết mọi người trong đại gia đình
dân tộc Việt Nam dù sống ở trong nước hay đang định cư ở nước ngoài…
Tháng
4/2001, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng cụ thể hóa về sức mạnh
đại đoàn kết toàn dân: “Thực hiện đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, giai cấp,
tầng lớp, thành phần kinh tế, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng của đất nước,
người trong Đảng và người ngoài Đảng, người đang công tác và người đã nghỉ hưu,
mọi thành viên trong đại gia đình Việt Nam dù sống trong nước hay ở nước ngoài.
Phát huy sức mạnh của cả cộng đồng dân tộc, truyền thống yêu nước, ý chí tự
lực, tự cường và lòng tự hào dân tộc, lấy mục tiêu giữ vững độc lập dân tộc,
thống nhất, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm
điểm tương đồng, tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích chung
của dân tộc, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, giai cấp,
thành phần, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, hướng tới tương lai… trên
cơ sở liên minh vững chắc giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ
trí thức”. Ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa
IX) ra Nghị quyết số 23-NQ/TW về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì
dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tại hội nghị này,
Đảng ta sử dụng thuật ngữ “đại đoàn kết toàn dân tộc” thay cho thuật ngữ “đại
đoàn kết toàn dân” với ý nghĩa mở rộng đại đoàn kết, đoàn kết ở trong nước và
cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Các Đại
hội X, XI, XII và XIII của Đảng tiếp tục khẳng định tầm quan trọng to lớn của
đại đoàn kết toàn dân tộc, không phân biệt vai trò, đóng góp của người Việt Nam
ở trong nước hay ở nước ngoài đối với đất nước. Đặc biệt, ngày 26/3/2004, Bộ
Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết về công tác đối với người Việt
Nam ở nước ngoài (Nghị quyết 36-NQ/TW). Nghị quyết 36-NQ/TW nêu rõ: Mặc dù sống
xa Tổ quốc, đồng bào luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân
tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa và hướng về cội nguồn, dòng tộc, gắn bó với
gia đình, quê hương. Nhiều người đã có những đóng góp về tinh thần, vật chất và
cả xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Công tác
đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn
kết toàn dân tộc. Cơ sở của sự đoàn kết là ý thức dân tộc và lòng yêu nước,
niềm tự hào dân tộc và mục tiêu chung của mọi người Việt Nam là giữ vững nền
độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công
bằng, dân chủ, văn minh; xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ
hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin
cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân
tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, có mong
muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết
toàn dân tộc. Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một
nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Không đào bới quá nhưng không phủ mờ lịch sử
Để đất
nước có được độc lập, thống nhất trọn vẹn, nhân dân được sống trong hòa bình
như ngày nay, chúng ta đã trải qua các cuộc trường kỳ kháng chiến với những hy
sinh, mất mát lớn lao. Cả nước có 1.146.250 liệt sỹ, trong đó 191.605 liệt sỹ
trong kháng chiến chống Pháp, 849.018 liệt sỹ trong kháng chiến chống Mỹ,
105.627 liệt sỹ trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (chiến tranh bảo vệ
biên giới Tây Nam, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, cuộc chiến đấu bảo vệ
chủ quyền biển, đảo…); khoảng hơn 04 triệu dân thường đã thiệt mạng hoặc bị
thương tật suốt đời do chiến tranh.
Chúng ta
không đào bới quá khứ để nuôi hận thù, làm sâu sắc thêm sự mặc cảm, định kiến,
phân biệt đối xử do quá khứ. Nhưng chúng ta không lãng quên lịch sử; ghi nhớ sự
mất mát trong chiến tranh để trân trọng hòa bình và những thành quả có được
ngày hôm nay. Chúng ta ghi nhận thái độ hòa giải, thiện chí hòa hợp, đóng góp
xây dựng đất nước từ phía những người từng quay lưng với lợi ích cốt lõi của
dân tộc là Tổ quốc độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng bên cạnh đại
đa số người Việt Nam ở nước ngoài có thiện chí hòa hợp, hòa giải, vẫn còn một
bộ phận cố chấp, hằn học, chống phá, sau gần nửa thế kỷ đất nước được thống
nhất, non sông thu về một mối mà vẫn gọi ngày 30/4 là “ngày quốc hận”, “tháng
tư đen”. Hòa hợp, hòa giải không phải là cái cớ để những người này đưa ra những
đòi hỏi phi lý đối với đất nước, đánh tráo chân lý, đổi trắng thay đen, bóp méo
ý nghĩa lịch sử trọng đại của Ngày thống nhất đất nước, phủ nhận những thành
tựu kinh tế-xã hội-đối ngoại mà Việt Nam đã nỗ lực đạt được trong 47 năm qua,
đặc biệt là sau gần 36 năm đổi mới.
Thực tế đã chứng minh: Đông
đảo bà con người Việt ở nước ngoài hoan nghênh công cuộc đổi mới và chính sách
đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước ta, mong muốn đất nước cường
thịnh, sánh vai với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; nhiều người đã
về thăm gia đình, quê hương, tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh, hợp tác
khoa học, công nghệ, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, nhân đạo, từ
thiện…
Mở rộng vòng tay đón nhận
những người con xa quê hướng về Tổ quốc, Đảng, Nhà nước ta luôn tạo điều kiện
thuận lợi để bà con trở về nguồn cội, thăm thân, thờ cúng tổ tiên, đóng góp cho
quê hương đất nước; đã ban hành nhiều chính sách, cụ thể hóa và hoàn thiện các
quy định về xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại của người Việt Nam ở nước ngoài theo
hướng thông thoáng, thuận tiện và đơn giản thủ tục; tiếp tục giải quyết những
vấn đề tồn tại về mua nhà ở trong nước, thừa kế, hôn nhân gia đình, nhận con
nuôi,… liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài; giải quyết có tình, có lý và
trên cơ sở đạo lý Việt Nam các vấn đề nhân đạo do lịch sử để lại, nhằm thực
hiện chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc.
Vậy mà, một số ít người Việt
Nam ở nước ngoài đến nay chưa có dịp trở về, chưa được tận mắt thấy được những
thành tựu phát triển đất nước; hoặc do thành kiến, mặc cảm, nên chưa hiểu đúng
về tình hình đất nước, cố tình đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc, ra sức
phá hoại mối quan hệ hợp tác giữa nước sở tại với Việt Nam,… Với bộ phận thiểu
số này, với những hành vi cố tình chống đối chủ trương hòa giải, lợi dụng chính
sách hòa hợp để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, cố tình “đi ngược lại lợi
ích chung của dân tộc, ra sức chống phá đất nước”, Đảng, Nhà nước và nhân dân
sẽ không nhân nhượng. Họ sẽ phải đối mặt với sự xa lánh của cộng đồng, lạc lõng
giữa dòng chảy mạnh mẽ của cả dân tộc hướng về phía trước. Và “những viên sỏi
hận thù” bé nhỏ ấy, chắc chắn sẽ chìm nghỉm dưới đáy sông./.
(Nguồn
Hương Sen Việt)