May 23, 2023

“Bổn cũ soạn lại” của Bộ Ngoại giao Mỹ

           Tre Việt – Ngày 15/5/2023, Văn phòng Tự do tôn giáo quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo thường niên về tình hình tự do tôn giáo quốc tế năm 2022 của gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Cũng giống những năm trước, Báo cáo năm nay của Bộ Ngoại giao Mỹ được xây dựng theo Đạo luật Tự do tôn giáo quốc tế của Mỹ nhằm đánh giá tình hình “tôn trọng tự do tôn giáo” theo tiêu chuẩn của Mỹ, để từ đó Ngoại trưởng Mỹ sẽ đưa một số nước và tổ chức mà Mỹ cho là “vi phạm nghiêm trọng về tôn giáo” vào danh sách “Các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo - CPC”, “Các nước cần theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo - SWL”“Các tổ chức cần quan tâm đặc biệt”.

Đại lễ Phật đản Vesak-2019

Phần về Việt Nam, tuy Bộ Ngoại giao Mỹ đã ghi nhận một số tiến bộ trong thúc đẩy tự do tôn giáo và trích dẫn một số thông tin chính thống của các cơ quan Chính phủ Việt Nam, song vẫn đưa ra những nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin chưa được kiểm chứng và không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam do các tổ chức và cá nhân chống đối trong và ngoài nước cung cấp. Họ cáo buộc Chính phủ Việt Nam thực hiện chính sách xóa bỏ đạo Dương Văn Mình và Hội Thánh Tin lành Đấng Christ; ép các tín đồ Tin lành người H’mông ở nhiều tỉnh miền Bắc và người Thượng ở khu vực Tây Nguyên bỏ đạo; tháo dỡ các cơ sở thờ tự; sách nhiễu những thành viên của các nhóm tôn giáo tham gia vào các hoạt động vận động nhân quyền hoặc có liên hệ với các cá nhân và tổ chức chỉ trích chính quyền; cấm và phá rối các cuộc tụ họp và tịch thu các ấn phẩm của các nhóm tôn giáo, v.v.

Thực chất, đây là trò “bổn cũ soạn lại” của Bộ Ngoại giao Mỹ với những thông tin sai lệch, đánh giá thiếu khách quan về tình hình và công tác bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

Là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo với đời sống tín ngưỡng, tôn giáo phong phú, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Các quyền này được ghi nhận trong Hiến pháp của Việt Nam, trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, được bảo đảm trên thực tế.

Những tiến bộ về tự do tôn giáo của Việt Nam đã được thể hiện sinh động trên thực tế khi hoạt động tôn giáo ở Việt Nam ngày càng cởi mở và được các cấp chính quyền tạo điều kiện. Theo thông tin từ Ban Tôn giáo Chính phủ, chỉ tính trong gần 20 năm qua (từ năm 2003 đến năm 2022), số lượng chức sắc, chức việc, cơ sở thờ tự của các tôn giáo đềutăng. Nếu như, năm 2003, cả nước có 06 tôn giáo, 15 tổ chức, với 17 triệu tín đồ, khoảng 20 nghìn cơ sở thờ tự; 34 nghìn chức sắc, 78 nghìn chức việc. Đến năm 2022, Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động với hơn 55 nghìn chức sắc, hơn 145 nghìn chức việc, hơn 29 nghìn cơ sở thờ tự; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành trong các tôn giáo luôn được quan tâm; 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có 26,5 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số cả nước). Việt Nam có đời sống sinh hoạt tôn giáo phong phú với hơn 8.000 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo hàng năm, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ và quần chúng nhân dân. Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tôn giáo tiến hành các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế. Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn tổ chức thành công ở Việt Nam, để lại ấn tượng sâu sắc, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Nhìn tổng quan, hoạt động của các tôn giáo ở Việt Nam cơ bản ổn định, đời sống tôn giáo có nhiều chuyển biến sâu sắc, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được tôn trọng, bảo đảm; đồng bào các tôn giáo luôn đoàn kết trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các tổ chức tôn giáo được công nhận, cấp đăng ký hoạt động; thực hiện đường hướng hành đạo phù hợp với văn hóa truyền thống, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành trong các tôn giáo ở Việt Nam luôn được quan tâm. Mọi sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam đều diễn ra bình thường, không gặp bất cứ sự cản trở nào.

Nhà nước Việt Nam có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào có đạo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi khó khăn. Việc giao quyền sử dụng đất để xây dựng, mở mang cơ sở đào tạo, thờ tự của các tôn giáo luôn được chính quyền các địa phương quan tâm. Nhà nước Việt Nam luôn chú ý đến công tác báo chí, tuyên truyền, in ấn, xuất bản đáp ứng yêu cầu hoạt động của các tôn giáo. Bạn bè quốc tế khi đến Việt Nam đều dễ dàng nhận thấy người dân có tín ngưỡng, tôn giáo sinh hoạt bình thường. Các lễ hội của từng tôn giáo được tổ chức chu đáo tại các cơ sở thờ tự thu hút sự tham gia đông đảo của người dân. 

Như vậy, những nhận xét thiếu khách quan, mang đầy tính quy chụp của Bộ Ngoại giao Mỹ trong Báo cáo thường niên về tình hình tự do tôn giáo quốc tế năm 2022 là không đúng sự thật, chỉ là trò “bổn cũ soạn lại” của những năm trước, cần đấu tranh bác bỏ./.

     

0 comments:

Post a Comment