Tre Việt - Có ý kiến cho rằng, thực hiện đa đảng, có
nhiều đảng cạnh tranh nhau thì sẽ dân chủ hơn, sẽ tốt hơn một đảng! Có đúng như
vậy không? Câu trả lời là không. Hãy xem chính người Mỹ nói về nước Mỹ - một
nước thực hiện chế độ đa đảng, thực chất là thế nào. Họ nói rằng, nước Mỹ là
một nước “tự do”, người dân được tự do biểu tình, báo chí được tự do phanh phui
những chuyện nhạy cảm, xuyên tạc, bôi xấu lẫn nhau vì sự cạnh tranh, hạ uy tín
của đảng này với đảng phái kia, v.v. Nhưng điều đó không phải là bản chất thực
sự của dân chủ, xin minh chứng bằng câu nói của giáo sư Paul Mishler, trường
Đại học bang Indiana của Mỹ: “Mọi đói nghèo, thất nghiệp, thất học... đều do
lỗi của hệ thống, lỗi từ chủ nghĩa tư bản Mỹ gây ra”; “Nước Mỹ tự xưng là đa
đảng nhưng thực chất chỉ là một đảng, đó là đảng của chủ nghĩa tư bản, dù là
đảng Cộng hòa hay Dân chủ”[1].
Như vậy, có thể rút ra một số vấn đề sau: thứ nhất,
chế độ đa đảng của nước Mỹ “thực chất chỉ là một đảng”, là sự cầm quyền của
đảng tư sản; thứ hai, dân chủ ở nước Mỹ là dân chủ tư sản, không phải là dân
chủ của đa số, không thực hiện quyền lực thực sự thuộc về nhân dân; thứ ba,
thực chất đa đảng đối lập trong xã hội tư bản chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là bảo
đảm quyền lực cho giai cấp tư sản. Và, bất cứ một nền dân chủ nào, cũng đều
nhằm đảm bảo sự thống trị của giai cấp thống trị, cầm quyền. Dân chủ không phụ
thuộc vào cơ chế độc đảng hay đa đảng, mà nó phụ thuộc vào bản chất của đảng
cầm quyền phục vụ cho giai cấp nào. Bản thân nền dân chủ tư sản, dù có được tô
vẽ như thế nào chăng nữa, thì đó vẫn là nền dân chủ của giai cấp tư sản, nhằm
bảo đảm sự thống trị, bóc lột của giai cấp tư sản đối với xã hội và lao động
làm thuê. Trong các nước tư bản chủ nghĩa, dù tồn tại đa đảng và các đảng đối
lập, nhưng vẫn định hình một đảng cầm quyền. Chính trường ở đó thường xuyên
diễn ra các cuộc tranh giành quyền lực giữa các đảng chính trị tư sản. Họ chỉ
đa nguyên, đa đảng trên hình thức, còn trên thực tế đều tỏ rõ sự nhất nguyên,
bởi đảng chính trị tư sản nào cũng không bao giờ xa rời mục đích bảo vệ cho
quyền thống trị và sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản. Ở các nước đó, chưa bao giờ
có chuyện Đảng Cộng sản cầm quyền cả.
Không phải cứ đa nguyên, đa đảng là có thể xây dựng
được xã hội dân chủ. Cũng không phải một đảng là trở ngại của sự phát triển dân
chủ. Nêu lên quan điểm này người ta đã vô tình, hoặc cố ý không tính đến sự
khác biệt bản chất giữa các đảng chính trị tư sản và cộng sản, giữa dân chủ tư
sản và dân chủ XHCN. Với thực tiễn và đổi mới của Việt Nam, không ai có thể phủ
nhận được những bước tiến rõ rệt về dân chủ mà Đảng và nhân dân ta đã đạt được
trong những năm qua, trong nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền, trong thực hành
dân chủ, đặc biệt là sự thừa nhận của chính người dân, về những nỗ lực của
chúng ta trong việc thực hiện tính công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm
trong công tác lãnh đạo, quản lý, trong tranh luận, thảo luận, trong bầu cử, trong
cải cách hành chính và cải cách tư pháp, v.v. Thành tựu của đổi mới sở dĩ có
được là nhờ lực đẩy của dân chủ hóa và chính dân chủ là một trong những thành
tựu nổi bật của đổi mới. Cuộc thảo luận rộng rãi trong toàn dân đóng góp cho Văn
kiện Đại hội XII của Đảng là một minh chứng rõ rệt cho sự quan tâm đầy trách
nhiệm của người dân đối với Đảng và Nhà nước của mình, cũng như nhân dân đã
tham gia vào công việc xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị. Trả
lời chất vấn của đại biểu Quốc hội kỳ họp cuối khóa XIII vừa bế mạc là một thí
dụ khác. Đó là những bằng chứng nói lên sức sống của đời sống chính trị dân chủ
ở nước ta. Bởi thế, chắc chắn là, đông đảo các tầng lớp nhân dân sẽ có tiếng
nói phê phán với những hoạt động tuyên truyền, những lời kêu gọi đòi đa nguyên,
đa đảng ở nước ta. Cuộc sống vốn tường minh và nhân dân vốn sáng suốt, công
bằng, nhạy cảm đủ sức sàng lọc, phân định để làm rõ chân và giả, thiện chí xây
dựng và những toan tính sai lầm, gây hại cho dân, cho nước. Nhân dân đón nhận
và ủng hộ những gì công tâm, chính trực và chối từ những ngụy tạo, ác ý.
Tôn trọng sự thật và chân lý để hành động có trách
nhiệm, đó là thái độ và sự lựa chọn của chúng ta. Trên tất cả các phương diện
từ lý luận khoa học đến thực tiễn chính trị cũng như sự trong sáng đạo đức,
những ai thiện tâm, thiện chí, vì Tổ quốc, dân tộc và nhân dân đều thấy rõ,
Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và cầm quyền là một thực tế lịch sử, không gì
có thể làm dao động lý trí và tình cảm của chúng ta. Điều 4 Hiến pháp 2013 đã
khẳng định về vai trò lãnh đạo cầm quyền của Đảng. Đó là ý chí của dân, nguyện
vọng của dân, đạt được sự đồng thuận rất lớn của xã hội. Đảng ta trong nhận
thức và đánh giá của dân, có đầy đủ tính chính đáng pháp lý và sự xứng đáng về
phẩm giá và uy tín của một Đảng lãnh đạo và cầm quyền.
Đảng cần ra sức tự vượt lên những hạn chế và khiếm
khuyết bằng cách tự đổi mới, tự chỉnh đốn để xứng đáng với trọng trách của mình
và niềm tin của nhân dân. Đóng góp vào công việc hệ trọng này là hành động có
trách nhiệm của mỗi đảng viên và mỗi người dân. Bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế
độ, về thực chất là bảo vệ dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của dân,
hiện tại cũng như lâu dài./.
1 comments:
Chúng ta phải nâng cao cảnh giác và đấu tranh chống lại âm mưu của các thế lực thù địch, phản động
Post a Comment