Aug 30, 2017

Hành động vô ích

Tre Việt - Bạn đọc Sơn Ngọc gửi đến Tre Việt bài viết “Hành động vô ích” bày tỏ sự đồng tình với bài viết “Vô liêm sỉ” của Tre Việt ngày 30-8. Xin giới thiệu với bạn đọc và cảm ơn bạn Sơn Ngọc.

HÀNH ĐỘNG VÔ ÍCH
Sơn Ngọc
Vừa qua, Cộng đồng người Việt Quốc gia tại Mỹ đã sản xuất ra “Thỉnh nguyện thư” có nội dung kêu gọi mọi người ký tên phản đối, ngăn cản quá trình ứng cử của ông Phạm Sanh Châu làm Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Đây là việc làm vô ích.
UNESCO là một trong những tổ chức chuyên môn lớn của Liên hiệp quốc, hoạt động với mục đích “Thắt chặt sự hợp tác giữa các quốc gia về giáo dục, khoa học và văn hóa để đảm bảo sự tôn trọng công lý, luật pháp, nhân quyền và tự do cơ bản cho mọi người, không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo”. Đồng thời, là tổ chức xã hội, phi chính phủ, không vụ lợi, các nước tham gia trên tinh thần tự nguyện; hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục nên không có các ràng buộc về lợi ích chính trị, kinh tế với quốc gia thành viên. Hoạt động với phương châm là không can thiệp vào vấn đề nội bộ của các quốc gia nên các đơn, thư liên quan đến vấn đề chống phá chính trị nội bộ như “Thỉnh nguyện thư” nói trên sẽ không được UNESCO tiếp nhận.
Bên cạnh đó, lựa chọn Tổng Giám đốc là công tác nội bộ của UNESCO, do Hội đồng chấp hành đề nghị và Đại hội đồng bầu cử. Quá trình lựa chọn phải căn cứ vào quy chế hoạt động của tổ chức, trình độ, năng lực, lòng nhiệt tâm của ứng viên; không phụ thuộc vào các mối quan hệ kinh tế, chính trị. Hơn nữa, đây là lần đầu tiên UNESCO áp dụng quy trình hoàn toàn mới trong việc tuyển chọn Tổng Giám đốc, như: cho phép mọi người vào khán phòng để nghe thuyết trình, tăng thời lượng phỏng vấn từ 60 phút lên 90 phút, cho phép hỏi trực tiếp, truyền hình trực tiếp,… để tăng thêm tính công khai minh bạch. Vì vậy, không một quốc gia, tổ chức nào có khả năng can thiệp vào quá trình lựa chọn này.
Mặt khác, Cộng đồng người Việt Quốc gia tại Mỹ là một tổ chức phản động tự phong (hình thức câu lạc bộ, không có tên trong Wikipedia), hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam, chia rẽ mối quan hệ giữa người Việt trong và ngoài nước, phá hoại mối đại đoàn kết toàn dân tộc, không tôn trọng công lý, luật pháp Việt Nam. Cộng đồng này luôn cổ súy cho việc “Không chấp nhận hòa hợp, hòa giải dân tộc dưới bất cứ hình thức nào” là đi ngược với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của nhân dân Việt Nam. Việc phản đối ông Phạm Sanh Châu tham gia ứng cử vào chức Tổng giám đốc UNESCO của Liên hợp quốc có lẽ là ý kiến thể hiện sự đố kỵ của một số cá nhân trong Cộng đồng người Việt Quốc gia tại Mỹ. Đây là một hành động thiếu văn hóa, người dân bình thường chẳng ai ủng hộ, và đương nhiên, một tổ chức chuyên về văn hóa như UNESCO sẽ không thèm để ý.
Ông Phạm Sanh Châu, sinh năm 1961, được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, sử dụng thành thạo tiếng Anh và tiếng Pháp; bắt đầu sự nghiệp ngoại giao từ năm 1983, từng làm Đại sứ nước ta tại Bỉ, Lúc-xăm-bua, có nhiều năm làm việc tại UNESCO Việt Nam. Hiện nay, Ông đang là Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về các vấn đề UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam. Hiện tại, Ông đang được phỏng vấn vòng 3 của cuộc thi tuyển Tổng Giám đốc UNESCO; phần thi của Ông đã nhận được phản hồi rất tích cực từ các đại biểu dự phỏng vấn. Là ứng viên có nhiều người đặt câu hỏi nhất, nhưng Ông đã thu hút được cử tọa nhờ cách trình bày hay và ấn tượng, đầy cá tính, nắm bắt vấn đề vững vàng.

Với kết quả như vậy, Tre Việt tin rằng, ông Phạm Sanh Châu có đủ năng lực, kinh nghiệm và bản lĩnh để vượt qua các vòng phỏng vấn, trở thành người Việt Nam đầu tiên đảm nhận cương vị chủ chốt trong một tổ chức quan trọng của của Liên hợp quốc./.

Vô liêm sỉ

Tre Việt - Mới đây, Cộng đồng người Việt Quốc gia tại Mỹ đã ra “Thỉnh nguyện thư” kêu gọi mọi người ký tên phản đối, ngăn cản quá trình ứng cử vào chức Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) của ông Phạm Sanh Châu. Đó là việc làm vô liêm sỉ!

          Vậy, ông Phạm Sanh Châu là người như thế nào mà Cộng đồng người Việt Quốc gia tại Mỹ lại có việc làm ngớ ngẩn trên? Ông sinh năm 1961, bắt đầu sự nghiệp ngoại giao từ năm 1983, từng làm Đại sứ Việt Nam tại các nước: Bỉ, Lúc-xăm-bua và đã có nhiều năm làm việc tại UNESCO Việt Nam. Ông sử dụng thành thạo tiếng Anh và tiếng Pháp. Hiện nay, Ông đang là Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước ta, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về các vấn đề UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam. Ông có đầy đủ các tiêu chí để ứng cử vào chức Tổng giám đốc UNESCO của Liên hợp quốc. Do vậy, ông Phạm Sanh Châu đã được UNESCO chấp nhận là một trong những ứng viên ứng cử vào chức vụ danh giá này. Đó là niềm vui, niềm tự hào và kiêu hãnh của người Việt Nam dù sinh sống ở trong hay ngoài nước. Chưa biết kết quả cuối cùng thế nào vì việc lựa chọn chức Tổng Giám đốc UNESCO phải trải qua các khâu, các bước theo một quy trình chặt chẽ để lựa chọn người xứng đáng nhất. Ông Phạm Sanh Châu đã qua 02 vòng phỏng vấn, nhận được nhiều phản hồi tích cực và đang được phỏng vấn vòng 3. Là người Việt Nam có lương tri tất thảy đều mong ông Phạm Sanh Châu vượt qua ngoạn mục đòi hỏi của quy trình lựa chọn chức vụ Tổng Giám đốc UNESCO, vượt qua các ứng viên khác để là người Việt Nam đầu tiên đảm nhiệm chức vụ cao quý này! Ấy thế mà cái gọi là Cộng đồng người Việt Quốc gia tại Mỹ lại có việc làm vô liêm sỉ đưa ra cái “Thỉnh nguyện thư” điên rồ kia là sao? Họ luôn kêu gọi, hô hào Việt Nam phải thế nọ, thế kia để bằng bạn bằng bè, thế mà giờ đây lại có việc làm ngược lại. Lời nói và việc làm của họ sao cách nhau xa thế?
Cho nên, việc ngăn cản ông Phạm Sanh Châu ứng cử vào chức Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc của Cộng đồng người Việt Quốc gia tại Mỹ là việc làm vô liêm sỉ quả không sai./.

Aug 29, 2017

Không thể tư nhân hóa toàn bộ nền kinh tế

Tre Việt - Sau khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII), câu chuyện về tư nhân hóa nền kinh tế nước ta lại nổi lên. Một số đối tượng tự nhóm họp và bàn thảo về kinh tế Việt Nam. Họ cho rằng, chúng ta phải tư nhân hóa toàn bộ nền kinh tế thì mới giải quyết được những khuyết tật trong quá trình phát triển kinh tế đất nước (!)
Sau hơn hai mươi năm chuyển đổi cơ cấu kinh tế, khu vực kinh tế tư nhân nước ta đã hồi phục và phát triển nhanh chóng, có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế nước ta thể hiện qua các yếu tố sau: thứ nhất, kinh tế tư nhân phát triển làm cho các quan hệ sở hữu của nền kinh tế trở nên đa dạng, quan hệ sản xuất linh hoạt, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất vốn còn thấp và không đều giữa các vùng, các ngành trong cả nước. Nhờ vậy đã khơi dậy và phát huy tiềm năng về vốn, đất đai, lao động, kinh nghiệm sản xuất của các tầng lớp nhân dân. Quyền làm chủ của nhân dân về kinh tế được phát huy, tạo cơ sở để mở rộng quyền làm chủ về chính trị, văn hóa, xã hội. Thứ 2, kinh tế tư nhân góp phần quan trọng thu hút vốn nhàn rỗi của xã hội và sử dụng tối ưu các nguồn lực của địa phương; đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng GDP (xấp xỉ với tốc độ tăng GDP của toàn bộ nền kinh tế), chiếm tỉ trọng 39% - 40% GDP; tạo lập sự cân đối trong phát triển giữa các vùng, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn; tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và rút ngắn khoảng cách chênh lệch về trình độ kinh tế, văn hóa giữa các vùng, miền. Thứ ba, kinh tế tư nhân thu hút một bộ phận lớn lực lượng lao động (khoảng 85%), đào tạo nguồn nhân lực mới đông đảo, đa dạng, phong phú cả về số lượng và chất lượng, từ lao động thủ công đến lao động chất lượng cao ở mọi vùng, miền, ngành kinh tế của đất nước,... góp phần đào tạo đội ngũ lao động có kỹ năng và tác phong công nghiệp. Thứ tư, kinh tế tư nhân góp phần thúc đẩy đất nước hội nhập kinh tế quốc tế. Kinh tế tư nhân chủ động liên doanh với nước ngoài, tích cực đổi mới, lựa chọn công nghệ thích hợp để giảm chi phí sản xuất, mở rộng thị trường, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, v.v. Từ đó, kinh tế tư nhân góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và tiếp thu kinh nghiệm quản lý; thúc đẩy thương mại Việt Nam phát triển và hội nhập nhanh vào nền kinh tế thế giới.

Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân thường có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ, trình độ quản trị, năng lực tài chính thấp; kinh doanh mang tính tự phát nên cơ cấu ngành nghề còn bất hợp lý, thiếu liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác. Điều đó dẫn tới sức cạnh tranh thấp, năng lực hội nhập kinh tế quốc tế hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của các chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu. Đồng thời, do chạy theo lợi nhuận, kinh tế tư nhân dễ dàng vi phạm pháp luật, gian lận thương mại, trốn thuế và cạnh tranh không lành mạnh; sản xuất hàng hóa ồ ạt gây khủng hoảng thừa, gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; nhiều doanh nghiệp của tư nhân không bảo đảm lợi ích của người lao động, sẵn sàng ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, v.v.
Mặt khác, trong thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế có sự pha trộn nhiều thành phần, vừa có thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa (đại diện là kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể), vừa có thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa (đại diện là kinh tế tư nhân). Sự đúng đắn của điều này đã được kiểm chứng qua thực tiễn phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới, tuyệt đối hóa thành phần kinh tế nào cũng sẽ dẫn tới thất bại hoặc khủng hoảng. Tuyệt đối hóa thị trường tự do và kinh tế tư nhân, tư bản dẫn tới sự khủng hoảng chu kỳ của chủ nghĩa tư bản. Hiện nay, hầu hết các quốc gia xây dựng nền kinh tế hỗn hợp theo học thuyết kinh tế “Trường phái chính hiện đại” của P.A.Samuelson, đây là mô hình kinh tế kết hợp giữa kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước, hoạt động theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước.

Việt Nam là nước đi sau, đã chắt lọc tinh hoa, học hỏi, kế thừa một cách sáng tạo những thành tựu chung của thế giới, để “Xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần có sự điều tiết của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đảng, Nhà nước ta chủ trương giải phóng mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế để phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nên đã ban hành Nghị quyết 10/NQ-TW (khóa XII), khẳng định: kinh tế tư nhân cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể là 3 trụ cột để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Đây là một bước đột phá đưa kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng trong GDP, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển sang kinh tế thị trường đầy đủ theo các cam kết quốc tế. Nhưng kinh tế nhà nước phải đi tiên phong trong thực hiện các chương trình phúc lợi xã hội, quốc phòng, an ninh và các chương trình mà tư nhân không làm hoặc khó làm; đóng vai trò chủ đạo trên một số lĩnh vực trọng yếu như viễn thông, năng lượng, đào tạo nhân lực, v.v. Đó là điều kiện để kinh tế nhà nước có khả năng can thiệp, điều tiết, hướng dẫn, giúp đỡ, liên kết, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác cùng phát triển, bảo đảm an sinh xã hội.
Như vậy, vấn đề tuyệt đối hóa kinh tế tư nhân và kêu gọi tư nhân hóa toàn bộ nền kinh tế là không có cơ sở khoa học, pháp lý. Nếu tư nhân hóa toàn bộ nền kinh tế thì sẽ đưa nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, xấu hơn nữa là làm sụp đổ kinh tế và chính trị sẽ sụp đổ theo, Đảng ta mất vai trò cầm quyền. Đó là mục tiêu mà các thế lực thù định muốn hướng tới.

Aug 23, 2017

Quy định vi phạm pháp luật


           Tre Việt - Tối ngày 08-8-2017, Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình theo sự chỉ đạo của linh mục Nguyễn Thanh Tịnh, quản xứ Cồn Sẻ đã tổ chức cuộc họp, thống nhất thành lập “Đội bảo an” gồm 30 người; trong đó, có 10 người là thành viên “Hội anh em dân chủ”. “Đội bảo an” này đã đưa ra những quy định vừa lạm quyền, vừa vi phạm quyền con người và trái với pháp luật. Cụ thể là:
“Đội bảo an” quy định: đội này có trách nhiệm can thiệp, ngăn ngừa, lập biên bản hiện trường đối với những vụ xung đột giữa người dân, sau đó đưa về nhà thờ xứ để giải quyết. Quy định này đã vi phạm pháp luật. Việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội là trách nhiệm của chính quyền và lực lượng chức năng của địa phương. Nếu ai và ở đâu cũng hành xử như “Đội  tự quản” nói trên thì sẽ tạo nên các cát cứ, mỗi nơi có quy định riêng và hành xử theo quy định của mình đặt ra. Điều đó không còn sự thống nhất của nhà nước pháp quyền. Đó là cách hành xử của xã hội đen, xử theo quy định của riêng mình, bất tuân luật pháp. Như vậy, việc xử như thế nào là theo ý muốn chủ quan của người phán xử, không căn cứ vào điều luật nào cả, làm mất đi tính trung thực, khách quan của luật pháp. Quy định ấy tạo điều kiện cho cách làm tùy tiện, muốn bắt ai là bắt, muốn xử ai như thế nào là được thế ấy. Vô cùng nguy hiểm cho người dân Giáo xứ Cồn Sẻ trong thực hiện quyền công dân của mình.

“Đội bảo an” quy định: những người lạ quá 22 giờ nếu không phận sự không được vào Giáo xứ Cồn Sẻ, nếu có việc quan trọng phải thông báo cho người thân và người thân có trách nhiệm thông báo qua ban thường trực hoặc liên hệ với “Đội bảo an” mới được vào Giáo xứ. Những người dân của Cồn Sẻ nếu cố tình đi lại quá giờ quy định, vi phạm các quy định của Giáo xứ và của “Đội bảo an” đã đưa ra đều bị trừng phạt. Quy định này đã lạm quyền, vi phạm quyền con người, quyền công dân. Trong khi họ luôn hô hào phải tôn trọng quyền tự do của cá nhân, thế mà, chính họ lại đặt ra quy định ngặt nghèo làm hạn chế quyền con người, quyền tự do đi lại của công dân. Với danh nghĩa bảo vệ trị an để đưa ra quy định tùy tiện, trái với luật pháp, tạo cơ sở cho việc làm vi pháp của “Đội bảo an” với danh nghĩa thực hiện các quy định của đội này đã đặt ra. Đó là quy định theo luật rừng của xã hội đen, của các băng đảng thật nguy hiểm! Phải dừng ngay việc làm vi pháp này ở Giáo xứ Cồn Sẻ nếu không muốn biến mình thành băng đảng, xã hội đen. Việc làm đó không những vi phạm pháp luật mà còn đi ngược lại lời răn dạy của Chúa! 

Aug 22, 2017

Định Kiến

Tre Việt - Bạn Minh Quân gửi đến Tre Việt bài viết Định kiến tỏ sự đồng tình với bài “Bản phúc trình mới, nội dung cũ” của Tre Việt đăng ngày 17-8-2017. Xin giới thiệu với bạn đọc và cảm ơn bạn Minh Quân.

ĐỊNH KIẾN

                                                                           Minh Quân

Việt Nam là một nước đa tôn giáo, với sự hiện diện, hoạt động của nhiều tôn giáo lớn, như: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, v.v. Mặc dù nguồn gốc hình thành khác nhau, từ nội tại nhu cầu văn hóa tâm linh của đất nước hay du nhập từ nước ngoài bằng những con đường khác nhau, nhưng cộng đồng các tôn giáo ở Việt Nam đều luôn đoàn kết, thực hiện mục tiêu sống “tốt đời đẹp đạo”, gắn bó, phục vụ lợi ích của dân tộc, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng, đặc sắc; tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước. Hiện nay, ở Việt Nam, việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân được thể hiện rõ trong Hiến pháp, hệ thống luật pháp và bảo đảm trên thực tế. Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến đầu năm 2017, Việt Nam có 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo khác nhau được Nhà nước công nhận và cấp phép hoạt động, với 25 triệu tín đồ, 53 nghìn chức sắc, hơn 133 nghìn chức việc, 2 nghìn cơ sở thờ tự. Các tôn giáo ở Việt Nam đã có hệ thống đào tạo quy mô từ đại học, cao đẳng, trung cấp và hệ thống báo, tạp chí, nhà xuất bản, bản tin riêng phù hợp với từng tôn giáo. Đặc biệt, không chỉ được tạo điều kiện cho hoạt động trong nước, việc mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế của các tôn giáo cũng được Nhà nước hết sức quan tâm tạo điều kiện thuận lợi. Điều đó được các tín đồ tôn giáo và nhân dân trong nước cũng như cộng động quốc tế đánh giá cao.

Nhân đây cũng nói thêm rằng, bên cạnh đại đa số những tín đồ tôn giáo chân chính luôn phấn đấu để “sống tốt đời đẹp đạo”, “nước vinh, đạo sáng”,.. thì không ít kẻ núp bóng tôn giáo có những hành vi gây mất trật tư, an toàn xã hội, vi phạm pháp luật, thậm chí mưu đồ chống đối chế độ, chống đối sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý, điều hành của Nhà nước Việt Nam. Trong số này, có những chức sắc, chức việc tôn giáo. Điển hình như, trong đạo Phật, có “hòa thượng” Thích Không Tánh, chống đối quyết liệt việc Nhà nước giải tỏa khu “chùa” Liên Trì để lấy đất phục vụ cho lợi ích của công đồng, sự phát triển của thành phố Hồ Chí Minh. “Hòa thượng” này cho rằng Chùa Liên Trì là cơ sở của Phật giáo, nhưng thực chất đây chỉ là khu đất thờ tự, do họ tự xây dựng trái phép, không phải là cơ sở thờ tự được các cấp có thẩm quyền cấp phép cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng cơ sở thờ tự. Mặc dù đã nhiều lần được cơ quan chức năng giải thích rõ, làm như vậy là vi phạm pháp luật, nhưng Thích Không Tánh cố tình không chấp hành, khi bị tiến hành giải tỏa thì cố tình dựng chuyện để “tố cáo chính quyền Việt Nam vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Hành động đó đã đi ngược lại giáo lý của đạo Phật, vi phạm pháp luật. Trong Công giáo, có: Nguyễn Thái Hợp, Trần Đình Lai, Phan Văn Lợi, Đặng Hữu Mai,… những kẻ đã sử dụng “quyền năng” chức sắc tôn giáo để trực tiếp xuyên tạc tình hình ô nhiễm môi trường biển ở 04 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế do Công ty Formosa gây ra và chính sách hỗ trợ nhân dân trên địa bàn của Nhà nước; xúi giục, tổ chức, buộc bà con giáo dân, các em học sinh,… thuộc giáo phận Vinh, giáo xứ Phú Yên, giáo xứ Đồng Yên, giáo xứ Yên Lạc,… bỏ việc làm, học hành, tụ tập đông người, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Họ còn bày trò “hiệp thông” kêu gọi bà con giáo dân ở các giáo phận khác trên cả nước “đứng lên đấu tranh” chống lại chính quyền. Không chỉ vậy, các chủ chăn này còn biến “thánh đường”, “thánh thất” trở thành nơi giáo dưỡng tư tưởng tôn giáo cực đoan, tuyên truyền xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, tổ chức xây dựng lực lượng, liên kết với các cá nhân, tổ chức phản động để nối giáo cho các thế lực chống cộng bên ngoài chống phá sự phát triển bền vững của đất nước.
Những hành động đó là vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của các tín đồ, tổ chức tôn giáo và đã bị nhân dân lên án, Nhà nước trừng trị trước pháp luật một cách nghiêm minh.

Thực tế hiển nhiên này ai cũng thấy, chỉ có Bộ Ngoại giao Mỹ “không thấy”, do họ vẫn giữ thái độ định kiến về tình hình tôn giáo ở Việt Nam./.

Aug 17, 2017

Rao giảng một đằng, làm một nẻo

Tre Việt - Vừa qua một số linh mục ở các giáo xứ thuộc tỉnh Quảng Bình và giáo phận Vinh (Nghệ An) đã lôi kéo các con chiên ngoan đạo của mình ép buộc, ngăn cản một số người là những giáo dân tiến bộ phải viết đơn xin ra khỏi Đảng hay không được tham gia các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể ở địa phương, cơ sở.
Trước hết, ai cũng dễ dàng nhận thấy rằng những vị linh mục này hằng ngày vẫn thường xuyên rao giảng giáo lý cho các con chiên của mình phải luôn hướng thiện, làm điều tốt, xây dựng cuộc sống tốt đẹp. Nhưng họ lại đang hành động ngược lại chính lời rao giảng, với giáo lý khi ép buộc, ngăn cản giáo dân tham gia các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể; quá đáng hơn khi họ dùng mọi cách để tạo sức ép lên gia đình, người dân để ép buộc người viết đơn xin ra khỏi Đảng. Đây là hành động thể hiện sự rao giảng một đằng, làm một nẻo, đang ngăn cản sự hướng thiện, làm những điều tốt đẹp của giáo dân. Bởi vì, khi giáo dân tham gia các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể ở địa phương để cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, củng cố tình đoàn kết, xây dựng cuộc sống gia đình, cá nhân tốt đẹp, lành mạnh.
Các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể ở địa phương đều hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, công dân ở độ tuổi nào, giới tính gì, nếu có đủ điều kiện và tự nguyện thì đều được tham gia vào các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể phù hợp với độ tuổi, giới tính, ngành nghề của mình và hoạt động theo quy định của điều lệ. Hơn nữa, mục đích hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể ở địa phương không có bất cứ mục đích gì khác ngoài việc tập hợp nhân dân, phát huy sức mạnh tập thể, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, mang lại đời sống vật chất, tinh thần ngày càng tốt đẹp cho hội viên của mình. Vì vậy, hành động ngăn cản, ép buộc giáo dân không tham gia các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể chính là ngăn cản giáo dân hướng tới cuộc sống vật chất, tinh thần tốt đẹp hơn.
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, năm 2013, quy định tại Điều 16 “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội” và Điều 25 “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Hành động ngăn cản, ép buộc giáo dân không được tham gia các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể của các vị linh mục nói trên đã vi phạm Hiến pháp - đạo luật gốc của nước ta, nên phải được nghiêm trị.

Các giáo dân hãy mau tỉnh ngộ trước những hành động lợi dụng tôn giáo của các vị linh mục cực đoan để mu muội giáo dân, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kéo lùi sự phát triển của quê hương, đất nước!

Lưỡi không xương

Tre Việt - Thời gian qua, chúng ta đón nhận nhiều tin vui về kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đã có không ít quan chức nhà nước, quan chức các doanh nghiệp nhà nước, từ sản xuất, kinh doanh đến tài chính ngân hàng,… lần lượt bị kỷ luật, bị khởi tố, bắt giam hoặc bị kỷ luật tước hết các chức vụ. Đặc biệt, trong số đó có cả cán bộ cấp cao ở Trung ương nắm giữ những vị trí quan trọng của nền kinh tế đất nước, v.v Những kết quả ấy như luồng gió mới tiếp thêm sức mạnh cho cả xã hội cùng với Đảng, Nhà nước ta vượt qua khó khăn tiếp tục cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.
Trong khi người dân cả nước đang hân hoan, phấn khởi trước quyết tâm cao độ của Đảng, Chính phủ và cảm nhận thấy con bạch tuộc tham nhũng đang có dấu hiệu “co vòi” thì các nhà dâm chủ lại đang tìm mọi cách xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận kết quả và quyết tâm của Đảng và nhân dân ta. Chúng xuyên tạc rằng: Đảng, Nhà nước Việt Nam bắt đầu “cuộc càn quét mới” nhằm vào “phe cánh của nhóm lợi ích cũ” hay “Sở dĩ công tác phòng chống tham nhũng được tiến hành mạnh mẽ như hiện nay là có sự chỉ đạo từ phía Trung Quốc”!

Dân gian có câu “Lưỡi không xương lắm đường lắt léo”, câu thành ngữ này áp dụng đối với cái mồm của các nhà “dân chủ” hiện nay quả không sai tí nào. Nếu Đảng không tích cực đấu tranhh chống tham nhũng thì họ bảo là Đảng bao che tham nhũng, rằng tham nhũng là bản chất của Đảng. Đảng đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng thì họ lại xuyên tạc là Đảng đấu đá nội bộ, lợi ích nhóm. Cái bản chất đê hèn, xảo trá của những kẻ phản động, bán nước cũng được phơi bày từ cái lưỡi không xương của chúng.

Ngược lại với những xuyên tạc của những kẻ phản bội Tổ quốc, người dân đang thấy một quyết tâm cao độ của Đảng, Chính phủ trong đấu tranh chống tham nhũng bằng những hành động thực tiễn chứ không phải hô hào, nói suông. Người dân thấy Trịnh Xuân Thanh về nước đầu thú, thấy bà thứ trưởng Kim Thoa bị kỷ luật, thấy đại gia Trầm Bê bị bắt và chuyện tiêu cực khác của cán bộ như dinh thực, biệt phủ, kê khai thu nhập bị kiểm tra làm rõ,… là quyết tâm cao độ của Đảng và chống tham nhũng trở thành phong trào của cả xã hội mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ví như lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy./.

Bản phúc trình mới, nội dung cũ

Tre Việt – Ngày 15-8-2017, đương kim ngoại trưởng của Hoa Kỳ: Rex Ti-le-sơn công bố Bản Phúc trình về tự do tôn giáo thế giới; trong đó, họ vẫn cáo buộc Việt Nam “hạn chế tự do tôn giáo”, “kiểm soát, ngăn cấm hoạt động của các tổ chức tôn giáo không được thừa nhận”, v.v. Đúng là “Bình mới, rượu cũ”.
Trong bản báo cáo, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cố tình phớt lờ những thành tựu về tự do tôn giáo mà Việt Nam đã đạt được. Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định rõ mọi công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật. Tháng 11-2016, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo và dự kiến Luật có hiệu lực từ ngày 01-01-2018. Nhà nước Việt Nam đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 39 tổ chức tôn giáo, 1 pháp môn tu hành, hơn 24 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số. Cả nước có gần 53 nghìn chức sắc, gần 140 nghìn chức việc, 28 nghìn cơ sở thờ tự, v.v. Mọi sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam đều diễn ra bình thường, không bị cản trở. Những ngày lễ của các tôn giáo được tổ chức trọng thể theo đúng nghi thức, thu hút sự tham gia của đông đảo tín đồ. Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành không ngừng được duy trì và mở rộng. Nhiều chức sắc và nhà tu hành Việt Nam được cử đi đào tạo ở Mỹ, Pháp, I-ta-ly-a, Ấn Ðộ, v.v. Đại diện chức sắc các tôn giáo đã tham gia đối thoại tôn giáo, tín ngưỡng, giao lưu học hỏi, trao đổi giáo lý và giáo luật tại các diễn đàn lớn, như: Diễn đàn hợp tác Á- Âu (ASEM), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), v.v. Việt Nam và Va-ti-căng thiết lập quan hệ từ năm 1989, năm 2011, Va-ti-căng đã cử Ðại diện thường trú tại Việt Nam.
Các tổ chức nhân quyền và tôn giáo quốc tế nhiều lần đến thăm, làm việc, khảo sát thực tế và thừa nhận việc đảm bảo quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam. Ông Bob Roberts, mục sư cao cấp của Hội thánh Tin lành Northwood với 130 nhà thờ trên khắp nước Mỹ đã nhận xét: “Các tôn giáo ở Việt Nam đều đang phát triển. Tôi thấy rằng Chính phủ Việt Nam đã, đang tạo điều kiện để người dân được thực hành tôn giáo của mình”. Hơn nữa, Việt Nam còn là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016.

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của mọi công dân, nhưng không chấp nhận các hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để vi phạm pháp luật. Việt Nam kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi, gây rối an ninh trật tự, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng và Nhà nước, làm tổn hại lợi ích quốc gia, cản trở tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Việt Nam cũng như mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ đều xử phạt những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật. Luật pháp Mỹ quy định rất rõ những hành vi chống chính quyền và chế tài xử phạt tương ứng. Các tòa án của Mỹ rất nghiêm khắc đối với các hành vi truyền bá tư tưởng Hồi giáo cực đoan và bạo lực. Bất kể cá nhân hay tổ chức nào có hành vi nhân danh tôn giáo để tập hợp lực lượng, kích động bạo lực và khủng bố,… đều bị xét xử theo pháp luật. Nhà nước Việt Nam cũng vậy, không cho phép bất kỳ tôn giáo nào đứng ngoài vòng pháp luật. Việt Nam không ngăn cấm các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, mà chỉ ngăn chặn và xử phạt nghiêm khắc những kẻ lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động trái pháp luật.

Từ thực tế hoạt động tự do tôn giáo ở Việt Nam và hệ thống luật pháp Việt Nam quy định đối với hoạt động tự do tôn giáo chẳng có gì khác với luật pháp Mỹ về vấn đề này. Vậy mà, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra cái gọi là Bản Phúc trình về tự do tôn giáo năm 2016, phần về Việt Nam thì đúng là Bản Phúc trình mới, nhưng nội dung cũ, vẫn là cái nhìn thiên lệch về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam mà thôi./.