Nov 15, 2018

Việt Nam không phải là ngoại lệ



Tre Việt - Mới đây, trang Web BuzzFeed News - cơ quan quản lý internet của Anh đã đăng tải thông tin, Chính phủ Anh chuẩn bị ra Luật Internet mới, buộc các hãng công nghệ phải chịu trách nhiệm pháp lý trước các nội dung đăng trên nền tảng mạng xã hội và có quyền trừng phạt những công ty không gỡ nội dung bất hợp pháp, phát ngôn thù địch trong vài tiếng.
Theo đó, Luật Internet mới quy định khung dành cho các “tác động xấu đến cộng đồng” trên mạng được hình thành. Trước đó, hôm 18-9, Sharon White, người đứng đầu Ofcom (cơ quan đang quản lý phát thanh truyền hình, viễn thông và bưu chính) kêu gọi các hãng công nghệ phải bị quản lý tương tự như ngành viễn thông và di động. Chính phủ Anh đang cân nhắc giới thiệu bộ quy tắc bắt buộc đối với các nền tảng mạng xã hội và các luật mới nghiêm khắc, như: thời gian gỡ bỏ, buộc các website phải xóa phát ngôn thù địch và bất hợp pháp trong một khoảng thời gian quy định, nếu không sẽ bị phạt. Cơ quan quản lý sẽ có quyền trừng phạt các nền tảng mạng xã hội không xóa bỏ nội dung khủng bố, hình ảnh lạm dụng trẻ em, phát ngôn thù địch cũng như thực thi các quy định mới liên quan đến nội dung hợp pháp và hành vi trên mạng.
Điều đó cho thấy, việc Quốc hội (khóa XIV) thông qua Luật An ninh mạng không phải là ngoại lệ. Thế mà, các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí vẫn chưa từ bỏ mưu đồ đen tối, tiếp tục tổ chức chống phá. Nhất là sắp đến ngày 01-01-2019, thời điểm Luật An ninh mạng có hiệu lực pháp lý, các đối tượng trên càng hoạt động ráo riết với rất nhiều thủ đoạn, làn sóng phản đối, xuyên tạc Luật An ninh mạng bỗng dấy lên một cách bất thường với giọng điệu, biên độ rộng, tần số cao hơn. Đi đầu là tổ chức có tên “theo dõi nhân quyền” (AI) với việc công bố “thư ngỏ gửi các đại biểu Quốc hội Việt Nam”, trong đó đưa ra các đánh giá tùy tiện, đòi hỏi lố bịch, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Tre Việt đặt ra câu hỏi là: tại sao, từ khi Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua đến nay, trong khi hàng chục triệu người sử dụng internet ở Việt Nam, các tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam,… không lên tiếng phản đối, thậm chí họ hy vọng Luật An ninh mạng và văn bản hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng sớm được triển khai có hiệu quả, thì chỉ có mấy “nhà dân chủ, người yêu nước” và các thế lực thù địch, thiếu thiện chí vốn vẫn tồn tại như “thế lực chống lưng” cho họ là la lối, rùm beng? Câu trả lời rất đơn giản: Hàng chục triệu người sử dụng internet và các doanh nghiệp đã nhận thức rằng Luật Aan ninh mạng chính là cơ sở pháp luật bảo vệ họ; còn các thế lực thù địch, thiếu thiện chí, mấy “nhà dân chủ, người yêu nước” phản ứng vì với Luật An ninh mạng, mọi hành vi chống phá, truyền bá luận điệu sai trái, hô hào biểu tình bất hợp pháp, đưa tin giả lừa dối dư luận, xuyên tạc và vu cáo chính quyền,... sẽ đứng trước nguy cơ phải đối diện với pháp luật. Vì thế, dù hiểu rất rõ vấn đề nhưng họ vẫn lớn tiếng tiếp tục lừa dối, bịa đặt và vu khống, bất chấp nguyên tắc bất di bất dịch là luật pháp ra đời để bảo vệ xã hội, bảo vệ con người và luật pháp không phải là công cụ phục vụ, phải chiều theo đòi hỏi của một nhóm nhỏ tồn tại theo xu hướng coi thường luật pháp, đạp lên trên luật pháp để gây nhiễu loạn đời sống tinh thần, chống phá xã hội và con người, cản trở sự phát triển của đất nước. Mặt khác, Việt Nam không phải là ngoại lệ, mà việc luật hóa các vấn đề liên quan đến an ninh mạng là một xu thế của tất cả các nước trên thế giới./.

Nov 14, 2018

Không đạt được mục đích khi bản chất của sự việc được làm sáng tỏ



Tre Việt - Thời gian gần đây, trước những thông tin chưa đầy đủ, không chính thống được lan truyền trên mạng xã hội, các thế lực thù địch đã lợi dụng để xuyên tạc, bôi nhọ, nói xấu chế độ, nhằm hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước, Quân đội; kích động tụ tập đông người, đập phá tài sản, chống người thi hành công vụ, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Điển hình như: lợi dụng việc Quốc hội nước ta thảo luận, thông qua Luật An ninh mạng, dự thảo Luật Đặc khu kinh tế hay lợi dụng thông tin một số phần tử tiêu cực, bất mãn tuyên bố từ bỏ Đảng, hoặc lợi dụng việc bắt giữ, xét xử những phần tử hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, v.v. Tuy nhiên, chúng không đạt được mục đích, khi bản chất sự việc được làm sáng tỏ trước dư luận.
Gần đây nhất, chúng tuyên truyền, xuyên tạc rằng: trong Quân đội đang có phong trào sĩ quan xin ra khỏi Đảng, tuyên bố từ bỏ Đảng, v.v. Trước thông tin này, các cơ quan báo chí đã phối hợp với cơ quan chức năng của Quân đội tìm hiểu, cung cấp thông tin rộng rãi, công khai, chính xác về bản chất, chân tướng sự việc cho bạn đọc. Theo đó, trường hợp của Nguyễn Hữu Hiếu là do bản thân anh ta thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm kỷ luật, khi bị xử lý không ăn năn, nhận ra khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa mà xin ra quân, rồi tự tuyên bố từ bỏ Đảng. Đây là cá biệt, vậy thì, làm sao gọi là phong trào “từ bỏ Đảng” như bọn chúng rêu rao.
Cũng như vậy, khi các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền rộng rãi về sự cần thiết phải ban hành, tác dụng của Luật An ninh mạng, Luật Đặc khu đối với an ninh quốc gia, sự phát triển của đất nước đã được dư luận nhân nhân đồng thuận. Và với những phân tích của các cơ quan thực thi pháp luật những người do thiếu hiểu biết, nông nổi dẫn đến bị lợi dụng, kích động tụ tập đông người, đập phá, gây rối ở tỉnh Bình Thuận đã hiểu ra bản chất sâu sa của sự việc, nhận thấy lỗi lầm của mình và đã phải nhận những bản án hoàn toàn xứng đáng của pháp luật.
Hay với việc bắt giữ, xét xử những phần tử phản động, tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước, như: Lê Đình Lượng, Nguyễn Văn Hóa,… đều đã được các cơ quan chức năng làm rõ bản chất của sự việc, đưa ra những bằng chứng về hoạt động tuyên truyền, chống phá lật đổ Nhà nước với những tội danh được quy định rõ trong Bộ luật Hình sự. Và tất nhiên họ phải nhận những bản án đích đáng là hoàn toàn phù hợp quy định của pháp luật.
Vậy nên, trong thời buổi bùng nổ internet và mạng xã hội hiện nay, việc các thế lực thù địch cho dù triệt để lợi dụng những thông tin chưa đầy đủ, không chính thống được lan truyền trên mạng để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá nhưng bọn chúng sẽ không đạt được mục đích khi bản chất của các sự việc được làm sáng tỏ./.