May 29, 2014

Về cái gọi là “Thư chung” gửi Nhà nước Việt Nam trên internet!

Tre Việt - Vừa qua trên internet xuất hiện cái gọi là “Thư chung” do 61 “nhân vật quốc tế” ký tên gửi Nhà nước Việt Nam. Với nội dung chủ yếu là lên án, phản đối Nhà nước Việt Nam đã “đàn áp nghiêm trọng với Phật giáo” cái gọi là “Thư chung” này không chỉ xuyên tạc tình hình hoạt động bình thường theo đúng pháp luật của Phật giáo nói riêng và các tôn giáo khác nói chung, mà còn vu khống một cách trắng trợn về quan điểm, chính sách và pháp luật của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam!
Ai cũng biết rằng, Việt Nam là một quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo, với khoảng 95% dân số có tín ngưỡng, tôn giáo. Hiện nay, Việt Nam có 13 tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Cao đài, Hòa hảo,…), với gần 23 triệu tín đồ, chiếm khoảng 27% dân số; đồng thời, có hàng chục tổ chức tín ngưỡng, tôn giao đang tồn tại và xin cấp phép hoạt động. Từ trước đến nay, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam luôn có quan điểm, chính sách và pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tiến bộ, phù hợp với thực tiễn đất nước và các công ước quốc tế về quyền con người, đảm bảo tự do hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và trên thế giới.
Về quan điểm, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán coi: tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, luôn tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng luôn thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết giữa đồng bào theo các tôn giáo, giữa đồng bào theo tôn giáo hoặc không theo tôn giáo; tạo mọi điều kiện để đồng bào các tôn giáo luôn bình đẳng, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng chung sức phấn đấu “tốt đời, đẹp đạo”.
Về pháp luật, cụ thể hóa quan điểm trên, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tín ngưỡng, tôn giáo nhằm đảm bảo quyền tự do tôn giáo cho mọi người dân và các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được thực thi theo pháp luật, phù hợp với điều kiện Việt Nam và thông lệ quốc tế. Điều 24, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do theo tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Quốc hội Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, Chính phủ đã ban hành các nghị định để hướng dẫn, quy định chi tiết về thực hiện Pháp lệnh nêu trên,... Hiến pháp, các văn bản pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tôn giáo của Nhà nước Việt Nam đã được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên internet, những ai quan tâm, tìm hiểu đều có thể tra cứu dễ dàng. Như vậy, về quan điểm, đường lối và chính sách, pháp luật của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo là rõ ràng, minh bạch, được mọi người dân ủng hộ. Đây là sự thật không thể bác bỏ! Chính điều đó đã làm cho đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân nói chung, hoạt động của các tôn giáo nói riêng ở Việt Nam đều diễn ra bình thường, thậm chí phát triển rất sống động, theo đúng pháp luật.
Trên thực tiễn, đến nay, ở Việt Nam đã có 37 tổ chức tôn giáo và 01 pháp môn tu hành đã được Nhà nước công nhận và cấp phép hoạt động; trên 20.000 cơ sở thờ tự của các tôn giáo đã được sửa chữa, trùng tu, 2.000 cơ sở được xây mới; trên 50 cơ sở đào tạo của các tôn giáo, với các cấp đào tạo khác nhau. Các tín đồ tôn giáo đều thực hiện tốt phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo”, đẩy mạnh các hoạt động “đồng hành cùng dân tộc”, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo,… để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Các hoạt động báo chí, xuất bản ấn phẩm tôn giáo cũng rất sống động. Nhà nước đã cấp phép xuất bản cho khoảng 4.000 đầu sách tôn giáo, với hàng chục triệu bản in; cấp phép cho 15 tờ báo và tạp chí của các tôn giáo hoạt động,… Các hoạt động tôn giáo quốc tế lớn, đối ngoại của các tôn giáo được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, như: Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (VESAK) năm 2008, Hội nghị nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XI năm 2009 - 2010, Lế Khai mạc Năm Thánh của Giáo hội Công giáo năm 2009, Kỷ niệm 100 năm đạo Tin lành đến Việt Nam năm 2011, Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục châu Á lần thứ X năm 2013,… gần đây nhất là Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (VESAK) năm 2014 được tổ chức tại Chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam. Điều đó, chứng tỏ đời sống tôn giáo ở Việt Nam luôn lành mạnh; Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện để các tôn giáo hoạt động bình đẳng trước pháp luật, thực hiện tốt phương châm “tốt đời, đẹp đạo”, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mọi luận điệu xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam, vu cao Nhà nước Việt Nam “đàn áp” tôn giáo đều cần phải bị lên án và bác bỏ!
Quay trở lại cái gọi là “Thư chung” do 61 “nhân vật quốc tế” gửi Nhà nước Việt Nam cho rằng: Nhà nước Việt Nam đàn áp nghiêm trọng Phật giáo(!) Không biết các tác giả “Thư chung” căn cứ vào cơ sở lý luận, thực tiễn và pháp lý nào để đưa ra nhận định trên? Phải chăng họ bị lừa dối, hay cố tình vẽ ra, chơi trò “đánh lận con đen”? Không. Họ là những “nhân vật quốc tế” có đầy đủ nhận thức, điều kiện để nhìn thấy, cảm nhận và đánh giá khách quan về tình hình hoạt động của tôn giáo Việt Nam. Đó là, những ông, bà “thân quen”, mang những cái chức vụ “to tướng”, của những tổ chức “quốc tế” cũng “to tướng” như: Katrine Lanstos Swett, “Phó Chủ tịch Ủy ban Hoa kỳ bảo vệ tự do tôn giáo trên thế giới”, “Chủ tịch Ủy ban nhân quyền Tom Lantos”, người lớn tiếng “…chúng tôi cực kỳ lên án sự đàn áp tôn giáo tiếp diễn tại Việt Nam, nhắm trực tiếp vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cũng như các cộng đồng Tin lành, Công giáo, người Thượng Thiên Chúa giáo,… và nhiều trường hợp khác nữa mà tôi không thể kể hết ra đây”!? Và còn có nhiều ông, bà khác nữa mà không tiện nêu tên ở đây với nhiều “chức vị, danh hiệu” cũng rất oách; bởi, nếu nêu tên họ ra thì các tổ chức quốc tế, các chính phủ của họ sẽ xấu hổ bởi đã có những công dân lú lẫn, luôn tìm mọi cách để “thay trắng, đổi đen”! Như vậy, 61 cá nhân, mà tiêu biểu những cái tên nêu trên có đầy đủ nhân thức, điều kiện để hiểu rõ tình hình tôn giáo Việt Nam. Nhưng họ đã không làm vậy. Họ đã cố tình dựa vào những thông tin không đúng sự thật, với cái nhìn sai lệch đầy định kiến, để xuyên tạc tình hình tôn giáo và vu khống Nhà nước Việt Nam “đàn áp các tôn giáo”!
Thực ra nhân dân, cũng như tín đồ các tôn giáo Việt Nam và trên thế giới đều thấy rõ bản mặt xấu xa của họ là: muốn tín đồ các tôn giáo phải là một lực lượng chính trị đối lập với chế độ, Nhà nước Việt Nam và sử dụng lực lượng này để thực hiện mưu đồ đưa đất nước Việt Nam đi theo “chế độ dân chủ” phục vụ cho lợi ích của họ! Thực tế, thời gian qua, cùng những con người “đáng kính”, ở những tổ chức chống cộng nêu trên đã lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam ra sức cổ vũ cho những cái gọi là: “Chính phủ Đề-ga” lưu vong; “Chính phủ Khmer tự do”,… Rồi kích động ly khai dân tộc, đòi thành lập cái gọi là: “Vương quốc Mông” ở Tây Bắc, “Nhà nước Đề-ga độc lập” ở Tây Nguyên, “Nhà nước Khmer – Crôm độc lập” ở Tây Nam Bộ, “Nhà nước Chăm độc lập” ở Nam Trung Bộ của Việt Nam. Nhưng tất cả những âm mưu của họ đã bị nhân dân Việt Nam đập tan, đồng báo các tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc để dựng xây và bảo vệ Tổ quốc.
Về Phật giáo, có thật “Nhà nước Việt Nam đàn áp Phật giáo” như lời bà Katrine Lanstos Swett nói không? Không có và cũng không bao giờ có. Phật giáo đã có mặt ở Việt Nam hàng nghìn năm nay và luôn đồng hành cùng dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước, nhiều thời kỳ đã trở thành Quốc đạo của Việt Nam (thời Nhà Lý, Nhà Trần,…). Hiện nay, với đội ngũ nhà tu hành, phật tử đông đảo, cơ sở thờ tự, hệ thống trường đào tạo khang trang,… Phật giáo đã đóng góp quan trọng trong xây dựng xã hội an bình, nhân dân hạnh phúc, đất nước vững mạnh. Việc Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện để Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai, chủ trì và tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (VESAK) năm 2014 (với sự phối hợp của Ủy ban Tổ chức quốc tế (ICDV), có sự tham gia của 1.500 đại biểu đến từ 95 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và cùng hơn 20.000 Phật tử trong nước và quốc tế) đã bác bỏ luận điệu xuyên tạc, vu cáo của cái gọi là “Thư chung” do 61 “nhân vật quốc tế” cùng ký tên gửi Nhà nước Việt Nam.

Những cái nhìn thiếu thiện chí, khách quan, hay những âm mưu, thủ đoạn nhằm xuyên tạc tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, vu cáo Nhà nước Việt Nam “đàn áp tôn giáo” chẳng che giấu được ai, nhất định sẽ bị nhân dân lên án và đấu tranh làm thất bại./.

May 20, 2014

Chính nghĩa thuộc về Việt Nam

Tre Việt - Biển, đảo Việt Nam có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm môi trường và quốc phòng - an ninh đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như mối quan hệ giao thương hàng hải, hàng không đối với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong lịch sử, cũng như hiện tại và tương lai, nhân dân Việt Nam luôn thấy rõ vị trí, tầm quan trọng biển, đảo của Tổ quốc, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình theo đúng pháp luật Việt Nam, luật pháp và thông lệ quốc tế, củng cố hòa binh, an ninh trên biển. Trên cơ sở đó, nhân dân Việt Nam đã khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên biển, đảo phục vụ cho công cuộc dựng xây và bảo vệ đất nước. Trong Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, Đảng ta nêu rõ: Phải phấn đấu để nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường, v.v.
Ngày nay, các nước trên thế giới đều thấy rõ vai trò, vị trí của biển, đảo. Khi các nguồn tài nguyên trên đất liền ngày càng cạn kiệt, cùng với sự gia tăng dân số và phát triển của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, các nước đều tìm mọi cách để vươn ra biển, khai thác các nguồn lợi to lớn trên biển, như: đánh bắt hải sản, khai thác nguồn tài nguyên đáy biển, bảo đảm giao thông, vận tải hàng hóa bằng đường biển và đường không trên biển,... Chính điều đó, cùng với nhiều nguyên nhân khác, trong đó có những hành xử bất chấp đạo lý, luật pháp và thông lệ quốc tế của một số nước đã làm cho vấn đề tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán ở các vùng biển, đảo trên thế giới, trong đó có khu vực biển của Việt Nam trở nên gay gắt, thậm chí bị biến thành vấn đề chính trị nóng bỏng, tác động mạnh mẽ đến môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn trên biển của thế giới, nhất là với các quốc gia, vùng lãnh thổ ven biển, có đường biên giới biển liền kề. Đó là hành động phi nghĩa.
Việt Nam và Trung quốc có mối quan hệ rất đặc biệt, “núi liền núi, sông liền sông”, “chung Biển Đông,... chung tình hữu nghị”, có cả đường biên giới trên đất liền và trên biển. Trong quá trình phát triển, Việt Nam và Trung Quốc đều đã tập trung khai thác các nguồn lợi từ các vùng biển thuộc chủ quyền của mình và có những thỏa thuận để cùng nhau khai thác nguồn lợi từ các vùng biển có tranh chấp một cách hòa bình, phục vụ cho sự phát triển mỗi nước, phù hợp với đặc điểm của mình và thông lệ quốc tế. Chính điều đó đã tạo điều kiện để cả Việt Nam và Trung Quốc đều có bước phát triển mạnh mẽ cả về thế và lực, đời sống nhân dân hai nước không ngừng được cải thiện, nâng cao, quốc phòng - an ninh được tăng cường, môi trường hòa bình, ổn đỉnh, an ninh, an toàn trên biển thuộc chủ quyền hai nước và các nước trong khu vực và quốc tế được đảm bảo,... Trung Quốc đã trở thành nước có nền kinh tế đứng thứ 2 trên thế giới, có tiềm lực quân sự mạnh,... Tuy nhiên, với tham vọng độc chiếm Biển Đông, biến tuyên bố đường biên giới “lưỡi bò” trên biển thành hiện thực, Trung Quốc đã không ít lần có những hành động ngang ngược, ảnh hưởng đến môi trường hòa bình, gây mất an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông, trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, từ ngày 01-5-2014 đến nay, Trung Quốc đã ngang ngược, bất chấp luật pháp và thông lệ quốc tế đã đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Khi các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam ra nhắc nhở, thì Trung Quốc huy động các loại tầu, trong đó cả tầu quân sự để tấn công trực diện các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển của Việt Nam. Nguy hiểm hơn, bất chấp sự phản đối của Việt Nam, của các nước, các tổ chức quốc tế và nhân dân trên thế giới (cả những người dân, các học giả Trung Quốc), Trung Quốc ngang ngược tuyên bố về cái gọi là “chủ quyền” trên vùng biển, thềm lục địa Việt Nam; dựng chuyện “Việt Nam khiêu khích, gây gia tăng căng thẳng”, đòi Việt Nam phải “rút hết các tầu đang ngăn chặn hoạt động của Hải Dương-981 của Trung Quốc” về nước, để “đàm phá hòa bình, giảm căng thẳng trong tranh chấp” (!). Nên nhớ, theo Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982, vị trí giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc hạ đặt là thuộc chủ quyền Việt Nam! Hành động trên của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, trực tiếp đe dọa đến nền độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, cũng như an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, môi trường hoà bình trong khu vực và trên thế giới.
Trước âm mưu độc chiếm Biển Đông và hành động khiêu khích ngang ngược của Trung Quốc, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã nêu cao chính nghĩa, phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế, huy động tối đa các nguồn lực, tiềm lực trong nước và ngoài nước để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Chúng ta đã và đang đấu tranh hòa bình, bằng các biện pháp chính trị, ngoại giao và luật pháp, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng lực lượng xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Luật pháp và dư luận quốc tế, chính nghĩa, lẽ phải đứng về chúng ta - Việt Nam!
Việt Nam là một đất nước có truyền thống yêu chuộng hòa bình, hòa giải, hòa hiếu, hòa hợp dân tộc, quốc gia và quốc tế. Việt Nam đã là thành viên có trách nhiệm của các tổ chức quốc tế có uy tín trong khu vực và trên thế giới (Liên hợp quốc, ASEAN,... Việt Nam đã ký kết, xây dựng mối quan hệ tốt, làm đối tác kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh với nhiều nước trên thế giới; trong đó, là đối tác hợp tác toàn diện với Mỹ, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với các nước: Anh, Pháp, Nga,... và cả Trung Quốc. Như vậy, chứng tỏ Việt Nam luôn là bạn, là đối tác có trách nhiệm với các nước, luôn phấn đấu vì hòa bình, phát triển của thế giới. Và chính điều này, Việt Nam có đủ các nguồn lực trong nước và quốc tế để bảo vệ chủ quyền của đất nước. Lịch sử dựng xây và phát triển của đất nước, dân tộc Việt Nam đã chững minh rõ: mọi hành động xâm phạm chủ quyền của đất nước Việt Nam đều bị thất bại.
Lẽ phải, chính nghĩa thuộc về Việt Nam! Âm mưu, hành động trắng trợn đưa giàn khoan Hải Dương – 981 và sâu trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc là phi nghĩa, vi phạm trắng trợn chủ quyền, quyền quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển của Việt Nam.
Hệ thống pháp lý về chủ quyền biển, đảo Việt Nam (bao gồm những văn bản của Nhà nước Việt Nam và quốc tế) đã chỉ rõ điều đó. Việt Nam, là nước đã tham gia Hội nghị lần thứ ba của Liên hợp quốc về luật biển từ năm 1977, là một trong 130 quốc gia tán thành Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 và cũng là một trong 119 quốc gia ký Công ước này từ ngày đầu (10-12-1982). Ngày 23-6-1994, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ra Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; ngày 12-5-1997, Chính phủ Việt Nam ra công bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Quá trình xác lập chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trong khu vực đã được Đảng và Chính phủ ta cụ thể hóa bằng việc phê duyệt, ký kết song phương và đa phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam với các nước có liên quan về vấn đề chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển chồng lấn hoặc có tranh chấp như: Hiệp định về vùng nước lịch sử Việt Nam – Cam-pu-chia (07-7-1982); Thỏa thuận hợp tác khai thác chung Việt Nam – Ma-lai-xi-a (05-6-1992); Phân định biển Việt Nam - Thái Lan (09-8-1997); Hiệp định Phân định vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá ở vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam - Trung Quốc (25-12-2000); Nguyên tắc ứng xử ở Biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC) ngày 04-11-2002; Hiệp định phân định thềm lục địa Việt Nam – In-đô-nê-xi-a (26-6-2003),... Như vậy về khía cạnh pháp lý, lẽ phải thuộc về Việt Nam.
Trước thực trạng chủ quyền biển, đảo Việt Nam bị vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến vị thế và quyền lợi quốc gia dân tộc, bằng những căn cứ pháp lý, thực tiễn chính xác, có tính thuyết phục cao, các nước, các tổ chức, các học giả, nhà nghiên cứu và nhân dân trên thế giới đã phản đối mạnh mẽ hành động ngang ngược của Trung Quốc. Các nước, như: Anh, Pháp, Mỹ, Úc,.... các tổ chức như: Liên hợp quốc, EU, ASEAN,... các học giả, nhà nghiên cứu (trong đó có cả ở Trung Quốc) đều cho rằng hành động của Trung Quốc là “ngang ngươc”, “khiêu khích”, “cực kỳ nguy hiểm”,... làm mất ổn định ở Biển Đông, trong khu vực và trên thế giới,... Công luận trong nước và quốc tế đứng về Việt Nam, bởi Việt Nam chính nghĩa, hành động của Trung Quốc là phi nghĩa. Cùng với đó, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, nghề nghiệp, các học giả, nhà khoa học và nhân dân Việt Nam trong nước và sinh sống, công tác ở nước ngoài đã đoàn kết một lòng tạo sức mạnh tổng hợp cùng Đảng, Chính phủ kiên quyết đẩy lùi các hành động ngang ngược của Trung Quốc một cách hòa bình. Đặc biệt, trước hành động hung hăng, nguy hiểm của các lực lượng hộ tống giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc, các lực lượng bảo vệ chủ quyền, thục thi pháp luật, nhất là lực lượng thực thi pháp luật, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng đối phó, đối phó thắng lợi với mọi hành động gây hấn, khiêu khích trắng trợn vi phạm chủ quyền đất nước của Trung Quốc.

Biển, đảo là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ quốc gia, có vị trí, vai trò to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam không chỉ là nhiệm vụ thường xuyên mà còn là vấn đề mang tính cấp bách hiện nay, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mỗi người dân. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, đẩy mạnh đấu tranh trên mặt trận chính trị, ngoại giao và pháp lý, nhất định chúng ta sẽ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bởi, chính nghĩa thuộc về Việt Nam./.

May 16, 2014

Đấu tranh bảo vệ chủ quyền không nên "quá sốt ruột"


          Tre việt - Vừa qua Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục đại của Việt Nam[1] và cho hàng chục tàu các loại, trong đó có cả tàu quân sự hộ tống, bảo vệ. Trước việc làm đó đó, những ngày qua, trên khắp cả nước, các tầng lớp nhân dân có nhiều hành động cụ thể như tuần hành, mít tinh, ra tuyên bố,… phản đối việc làm sai trái của Trung Quốc. Đây là những việc làm tỏ rõ quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước, thể hiện tinh thần đoàn kết, yêu nước, nêu cao chính nghĩa, truyền thống nhân đạo, khoan dung, hòa hiếu của dân tộc Việt Nam, được quốc tế ủng hộ. Tuy nhiên, một số ít người, do chưa nhận thức được vấn đề đã tỏ ra “quá suốt ruột”, muốn giải quyết sớm sự việc trong ngày một, ngày hai, thậm chí bị kích động có việc làm vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến sản xuất, phát triển kinh tế, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Những việc làm đó là không thể chấp nhận, cần lên án, xử lý nghiêm khắc.
          Phải thấy rằng, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, “núi liền núi, sông liền sông”, có quan hệ truyền thống lâu đời, tuy có lúc thăng trầm nhưng hợp tác, hữu nghị là chủ yếu. Nhất là, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Trung Quốc đã giúp đỡ quân và dân Việt Nam với số lượng hàng trăm tấn vũ khí, đạn, thuốc, quân trang,… tạo điều kiện để chúng ta đấu tranh giành thắng lợi. Sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa đó của Chính phủ, nhân dân Trung Quốc chúng ta luôn ghi nhớ, không bao giờ quên. Trong quan hệ giữa hai nước, tuy còn có điểm bất đồng, tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, song, Đảng, Nhà nước, nhân dân hai nước luôn quam tâm xây đắp tình hữu nghị đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đặt nền móng, theo phương châm: 16 chữ “Đoàn kết hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, và 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc là đối tác chiến lược của nhau. Trung Quốc là thị trường lớn tiêu thụ hàng nông sản Việt Nam, đồng thời phía Trung quốc có nhiều doanh nghiệp đầu tư, làm ăn tại Việt Nam.
          Mặt khác, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo không chỉ là đấu tranh trên thực địa mà còn là cuộc đấu tranh về mặt pháp lý tuân theo quy định của Công ước, luật pháp quốc tế, cần phải có cơ sở, chứng cứ pháp lý để thế giới công nhận và buộc Trung Quốc phải thừa nhận. Do đó cần có thời gian nhất định, không thể kết thúc trong ngày một, ngày hai.
          Hơn ai hết, chúng ta hiểu rất rõ giá trị của hòa bình. Để có được hòa bình như ngày hôm nay, dân tộc ta đã phải đổi bằng bao xương máu của các thế hệ người Việt Nam, nên chúng ta luôn mong muốn được chung sống hòa bình với các dân tộc, các quốc gia trên trái đất, nhất là các nước trong khu vực.
          Từ những lý do trên, việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, chúng ta phải hết sức tỉnh táo, bình tĩnh, thực hiện đúng quan điểm của Đảng, không nóng vội, chủ quan; không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân kích động gây rối, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.
          Nói như vậy, không phải để “bao biện”, “nguôi dần” rối chấp nhận giàn khoan của Trung Quốc cắm trên vùng biển của ta, mà để thấy tính khó khăn, phức tạp của việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo, từ đó mỗi người có nhận thức đúng và sự chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh lâu dài để bảo vệ độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Dân tộc Việt Nam có truyền thống kiên cường, bất khuất, khi cần mọi người Việt Nam sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ độc lập, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Lịch sử đã chứng minh, ở Việt Nam, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng. Đánh cho nó chích luân bất phản, đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Song, chúng ta phải tỉnh táo, bình tĩnh có phương pháp đấu tranh phù hợp, vừa bảo vệ được chủ quyền, vừa giữ được môi trường hòa bình để phát triển đất nước.
          Việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam là việc làm ngang ngược, thách thức, bất chấp luật pháp quốc tế, gây nguy hiểm cho giao thông hàng hải, hàng không trong khu vực. Cho nên, ngay sau khi phát hiện Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta, Bộ Ngoại giao đã điện đàm với phía Trung Quốc phản đối việc làm trên và yêu cầu họ đưa giàn khoan ra khỏi vùng biển của ta. Đồng thời, Cảnh sát biển, Kiểm ngư đã cử lực lượng ra đấu tranh tại thực địa. Các lực lượng của Trung Quốc tại khu vực giàn khoan không những không hợp tác với ta mà ngày càng hung hăng, ngoan cố, còn dùng các phương tiện, lực lượng ngăn chặn, phá hoại các tàu, gây thương tích đối với lực lượng ta. Song, Đảng, Nhà nước ta đã khẳng định, tuyên bố rõ ràng và chỉ đạo các lực lượng kiên quyết, kiên trì, kiềm chế bằng các biện pháp hòa bình để đấu tranh bảo vệ chủ quyền.
          Ngày 11-5-2014 ở thủ đô Nay Pyi Taw (My-an-ma) trong phiên họp toàn thể của các nhà lãnh đạo ASEAN, trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã vạch rõ hành động của Trung Quốc, đồng thời, nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam là mong muốn cùng Trung Quốc giải quyết sự việc bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Song lãnh thổ là thiêng liêng, Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế.
          Ngày 14-5-2014, phát biểu tại buổi bế mạc Hội Nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ chín, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “…giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và những thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam - Trung Quốc”. Các hoạt động của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta tỏ rõ tinh thần hòa hiếu, khoan dung, mong muốn cùng Trung Quốc giải quyết vấn đề bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ ở luật pháp quốc tế. Những việc làm đó của chúng ta được dư luận quốc tế đánh giá cao và đồng tình. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều phản đối việc làm của Trung Quốc, là ngang ngược, khiêu khích, nguy hiểm, vi phạm pháp luật quốc tế. Điều đó cho thấy, phương pháp giải quyết của chúng ta là phù hợp, được quốc tế đồng tình, ủng hộ, từng bước “cô lập” Trung Quốc. Song, tiếc rằng, trong cơn thèm khát tài nguyên ở Biển Đông mà bộ phận nào đó của chính quyền Trung Quốc đã bất chấp tất cả, vẫn ngoan cố, tăng thêm tàu các loại đến bảo vệ giàn khoan làm cho tình hình trên thực địa thêm phức tạp.
          Việc các lực lượng nhân dân tổ chức tuần hành, mít tinh phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 891 là việc làm cần thiết, đúng đắn, song để xảy ra hành động quá khích của một số công nhân đập phá các công ty người Trung Quốc ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh là việc làm vi phạm pháp luật, đi quá giới hạn cho phép và rất nguy hiểm, có hại cho phát triển kinh tế, an ninh, xã hội, môi trường đầu tư của ta và quan hệ hợp tác lâu dài giữa Việt Nam với Trung Quốc và các quốc gia khác. Những người đó phải bị xử lý nghiêm khắc theo pháp luật làm gương cho kẻ khác. Chúng ta không thể để “mồi lửa nhỏ” làm ảnh hưởng đến nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc; đồng thời, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.
          Đối với Trung Quốc khi gây hấn đến mức ngang ngược như vậy, chắc chắn, họ cũng đã chuẩn bị cho mọi phương án, thậm chí sẵn sàng tạo cớ và mượn cớ để sử dụng quân sự, nhằm hiện thực ý đồ độc chiếm Biển Đông. Do đó, chúng ta càng phải tỉnh táo để không tạo cớ cho Trung Quốc dựa vào đó mà gây xung đột, cho nên, lúc này mọi người Việt Nam phải bình tĩnh, không nên “sốt ruột”, nóng vội mà mắc phải sai lầm. Tinh thần yêu nước, đoàn kết của nhân dân Việt Nam sẽ là làn sóng “thần” nhấn chìm tất cả lũ cướp nước như Bác Hồ đã khẳng định./.

                                                                                     




[1] - Giàn khoan Hải Dương – 981 của Trung Quốc đặt tại tọa độ 15°29′58″B 111°12′1″Đ cách đảo Tri Tôn (Trung Quốc gọi là đảo Trung Kiến), thuộc quần đảo Hoàng Sa Việt Nam 17 hải lý (khoảng 30 km) về phía Nam, cách đảo Hải Nam 180 hải lý về phía Nam, cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam) khoảng 120 hải lý về phía Đông.

Chiêu trò “vừa ăn cướp, vừa la làng” của Trung Quốc

Tre Việt - Những ngày gần đây, phủ kín trên các trang báo và đầy ắp các chương trình phát thanh, truyền hình cả trong và ngoài nước đều chỉ trích thái độ, hành động ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc về việc đưa giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Vị trí của giàn khoan này chỉ nằm cách đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) 17 hải lý và cách đảo Lý Sơn 120 hải lý.
Giàn khoan nước sâu Hải Dương-981 do chính Trung Quốc chế tạo và được giới cầm quyền Bắc Kinh gọi là những lãnh thổ di động, vũ khí chiến lược để phát triển ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi của Trung Quốc. Cách gọi đó đã làm cho nhiều người hết sức khó hiểu về hàm ý sâu xa của Trung Quốc, song nó không còn gì là bí ẩn nữa khi những hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông đã minh chứng, đó chính là “ngoại giao giàn khoan”.
Mọi người đều dễ dàng nhìn thấy mục đích của Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trước hết là nhằm làm thay đổi hiện trạng thực tế trên Biển Đông, tiến tới khoan dầu, ăn cắp tài nguyên và tạo ra một tiền lệ để tiếp tục hành xử tương tự ở các vùng đặc quyền kinh tế của những nước khác trong khu vực. Nếu phản ứng của Việt Nam lặp lại như bãi cạn Scarborough (Philipines) thì bước tiếp theo là Trung Quốc sẽ triển khai khu nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, tương tự như ADIZ mà Họ đã áp đặt ở biển Hoa Đông (11-2013). Bởi, Bắc Kinh cho rằng: đã đơn phương thiết lập được chủ quyền trên vùng biển thì tất yếu sẽ thiết lập được chủ quyền vùng trời, đây là tư duy logic của vấn đề theo kiểu Trung Quốc,… Điều đó cho thấy, Bắc Kinh đang mạo hiểm thực hiện từng bước hợp pháp hóa cái gọi là “Đường lưỡi bò”, mở màn cho chiến lược độc chiếm Biển Đông.
Khi bị Việt Nam và thế giới lên án, thì Trung Quốc lại trở mặt phủ nhận sạch trơn những hành động cố tình gây hấn của mình; đồng thời, trắng trợn vu khống rằng: Việt Nam “khiêu khích”, “bắt nạt” Trung Quốc, chiếm đoạt biển của Trung Quốc,… Hơn thế nữa, họ còn tạo dựng nhiều thông tin gây “kinh ngạc”, như: Tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc; người nhái Việt Nam lặn sâu xuống biển đặt lưới và nhiều vật dụng quanh tàu Trung Quốc,… đe dọa về an ninh an toàn hàng hải, làm ảnh hưởng đến mối quan hệ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, v.v.

Tuy nhiên, những lời lu loa theo kiểu đó của các nhà cầm quyền Bắc Kinh đã làm cho nhiều người từ các chính trị gia, học giả, các chuyên gia bình luận sự kiện và mọi người dân trên toàn thế giới nghe thấy rất nực cười và vô giá trị. Bởi lẽ, mưu đồ  muốn nuốt trọn Biển Đông của Trung Quốc bằng những lập luận vô căn cứ và bằng hành động quân sự mang tính khiêu khích, đe dọa đã quá rõ ràng, không thể nào che đậy được, nên đành phải dùng lối “hành văn” của những kẻ ngang ngược để bao biện cho hành động phi pháp của mình. Đúng là Họ đang chơi trò “vừa ăn cướp, vừa la làng”.

May 9, 2014

Hành xử ngang ngược theo kiểu bá quyền nước lớn!


Tre Việt - Việt Nam là một quốc gia độc lập có chủ quyền. Hiện nay, Việt Nam không chỉ là thành viên của Liên hợp quốc, của nhiều tổ chức quốc tế, mà còn có quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ, đối tác toàn diện chiến lược với nhiều nước, trong đó có Anh, Pháp, Nga và Trung quốc. Điều này khẳng định rõ: Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, phấn đấu chung sống hòa bình, làm bạn, là đối tác có trách nhiệm với các nước trong khu vực và trên thế giới trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của mỗi quốc gia. Mọi hành động làm tổn hại bầu không khí chung sống hòa bình, đến chủ quyền của các nước trong khu vực và trên thế giới đều bị Việt Nam lên án.
Vừa qua, Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương (CNOOC) Trung Quốc đã điều giàn khoan HD – 981 đến đặt tại khu vực lô dầu khí 143 thuộc thềm lục địa Việt Nam. Không chỉ thế, khi Việt Nam điều các lực lượng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa ra nhắc nhở, ngăn chặn, thì họ đã ra lệnh cho lực lượng hộ tống, trong đó có cả tầu quân sự tấn công vào các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam. Hành động của Trung Quốc là bất hợp pháp, ngang nhiên vi phạm luật pháp và thông lệ quốc tế; vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Hành động của Trung Quốc còn làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường chung sống hòa bình của các nước trong khu vực; đến sự tin cậy, hợp tác, cùng phát triển giữa hai nước. Đặc biệt hơn, khi hành động của Trung Quốc bị các nước, các tổ chức quốc tế, các học giả lên án mạnh mẽ, thì đại diện Bộ Ngoại giao và đại diên CNOOC lại cố tình vu cáo, đổ lỗi cho “Tàu Việt Nam quấy nhiễu Trung Quốc”(!) Thật ngang ngược!

Nhân dân Việt Nam rất phẫn nộ và kiên quyết phản đối và lên án hành động ngang ngược này!
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước “núi liền núi, sông liền sông”, có mối quan hệ rất đặc biệt, “vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Trong lịch sử, nhân dân Trung Quốc đã có những giúp đỡ quý báu đối với nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, nhân dân Việt Nam không bao giờ quên những sự giúp đỡ quý báu đó. Ngày nay, Việt Nam và Trung Quốc đã có mối quan hệ hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện; nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc vốn có mối quan hệ chung sống hòa hiếu, cùng nhau cần cù lao động. Mối quan hệ này, đã tạo môi trường thuận lợi để mỗi nước tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc phù hợp với đặc điểm của mình và luật pháp quốc tế. Đến nay, nền kinh tế Việt Nam cũng như nền kinh tế của Trung Quốc đã có bước phát triển vững chắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân hai nước được nâng lên; Trung Quốc được thế giới đánh giá là nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới, có tiềm lực quân sự mạnh trong khu vực, có tầm ảnh hưởng chính trị, kinh tế toàn cầu,... Hành động ngang ngược của Trung Quốc, nhân dân Việt Nam có quyền đặt câu hỏi: Phải chăng, Trung Quốc cậy là “nước lớn”, đông dân, có nền kinh tế “đứng thứ 2” trên thế giới, có tiềm lực quân sự mạnh,… nên có hành động theo kiếu bá quyền nước lớn?
Việt Nam và Trung Quốc đã cùng ký Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Hành động của Trung Quốc có đúng với Công ước nói trên. Chẳng nhẽ, chữ ký của lãnh đạo Trung Quốc vào Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 chỉ để đùa hay sao? Hơn nữa, lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc cũng đã ký Thảo thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển phù hợp với các quy định và thực tiễn pháp luật quốc tế và nhiều văn kiện mang tính pháp lý khác giữa hai nước cũng như trong khu vực về việc giải quyết những bất đồng trên biển,… Vậy mà Trung Quốc nhanh quên vậy! “Quên” để ăn người thì cả thế giới lên án. Một người hay một đất nước như thế thì khó mà kết bạn.

Việt Nam có đầy đủ các nguồn lực, biện pháp, trước hết là những biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền của đất nước. 

May 5, 2014

Tội nghiệp cho Bùi Tín

Tre Việt - Mới đây, Bùi Tín có bài viết Chữ ký của người Cộng sản” trong blog của mình, lại được mõ làng VOA tiếng Việt loan tin. Đọc bài viết trên, TreViệt không biết gọi như thế nào cho chính xác đối với Bùi Tín: đáng giận, đáng thương hay thật tội nghiệp. Thôi thì cứ tạm gọi Tội nghiệp cho Bùi Tín. Tại sao vậy?
Bùi Tín thuật lại việc ngày 23-01-1973, ông ta được chỉ định sẽ tham gia Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa trong Ban Liên hợp Quân sự 4 bên, làm việc tại Sài Gòn trong 60 ngày với tư cách là Người phát ngôn của Đoàn, trong quan hệ với giới thông tin báo chí trong và ngoài nước. Bùi Tín “Nhớ lại cả thời gian ấy, rồi trong cả 2 năm 1973 và 1974, chúng tôi vẫn cho rằng việc thống nhất đất nước sẽ còn gay go và lâu dài, cho tận cuối năm 1974 khi trận Bình Long đang diễn ra không một ai nghĩ rằng chiến tranh sẽ ngã ngũ trong năm 1975, thậm chí trong năm 1976. Tôi nhớ cuối năm 1974 khi nhìn vào tấm bản đồ lớn trong Sở Chỉ huy, chỉ mới có 3 quận được “giải phóng” là Lộc Ninh, Đắc Tô và Cam Lộ, 3 điểm nhỏ xíu trên bản đồ mênh mông. Năm 1972 ý đồ chiến lược là mở rộng một vùng giải phóng rộng “vài ba tỉnh để đặt trụ sở Chính phủ Cách Mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam” vẫn còn trong mơ tưởng”. Thế rồi, miền Nam được giải phóng trong năm 1975, ông ta cho rằng, do Mỹ cắt viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa. Nói vậy, là Bùi Tín đã quên quy luật của chiến tranh là mạnh được yếu thua. Bùi Tín quên Thế thắng lực: quả cân tuy nhỏ nhưng ở thế có lợi lại nâng được hàng tạ là vậy đó. Bùi Tín bỏ quê hương đến xứ người đã lâu, nên hẳn ông ta đã quên truyền thống văn hóa Việt Nam là Chị ngã em nâng, Môi hở răng lạnh, Máu chảy ruột mềm,… Bởi vậy, nhân dân miền Bắc không nỡ để người anh em miền Nam trong ách kìm kẹp của chính quyền bù nhìn, tay sai cho đế quốc Mỹ. Việc giải phóng miền Nam là sự kết hợp giữa tấn công của các binh đoàn chủ lực với sự nổi dậy của quần chúng. Không có sự nổi dậy của quần chúng, không có quần chúng dẫn đường thì những cánh quân của các binh đoàn chủ lực không thể tiến vào Sài Gòn, vào Dinh  Độc Lập nhanh chóng được. Chính quyền bù nhìn, tay sai cho đế quốc Mỹ đã bị nhân dân miền Nam phản đối, do vậy, mới có địa đạo Củ Chi, Vĩnh Mốc,… và nhân dân miền Nam đã ra sức giúp sức, che giấu, nuôi dưỡng quân giải phóng để cùng nhân dân “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Đó chính là quyền tự quyết của nhân dân miền Nam đúng với Hiệp định Pa-ri đấy ông già Bùi Tín ạ! Và sau khi đất nước thống nhất, cả nước đã tiến hành tổng tuyển cử bầu Quốc hội và cơ quan nhà nước thống nhất trong cả nước. Đây chẳng phải là quyền tự quyết của nhân dân miền Nam nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung đó sao? Thế mà Bùi Tín lại cho rằng, người cộng sản ký mà không thực hiện cam kết đã ký (!). Từ việc này, Bùi Tín lại xiên xẹo ra các vấn đề khác hiện nay “nhắc lại việc ký kết năm xưa để ghi nhớ rằng thương lượng với Cộng sản, ký kết với Cộng sản phải hết sức dè chừng”. Nói vậy, là Bùi Tín đã sai to, là sự suy diễn bụng ta ra bụng người. Chẳng nhẽ, các văn bản mà người cộng sản đã ký với nhau, hay ký với các đối tác khác lại không có giá trị hay sao? Vậy tại sao các đối tác vẫn ký kết với cộng sảncác bên vẫn thực thi những nội dung đã ký kết đấy thôi. Chỉ có ông ta - Bùi Tín là Bội tín thôi. Thật tội nghiệp cho ông, ở tuổi gần đất xa trời rồi nhẽ ra Bùi Tín được an nhàn tuổi già. Thế mà, giờ đây ông vẫn còn phải viết những gì mà những cá nhân hay tổ chức nào đó cần để kiếm mấy đồng tiền lẻ từ họ sống qua ngày nơi đất khách quê người. Thật tôi nghiệp cho ông. Đúng là gieo nhân nào gặt quả nấy. Ông trách ai bây giờ? Ngoài trách chính mình mà thôi./.

May 3, 2014

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2014 đã bác bỏ cáo buộc của Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ đối với Việt Nam

            Tre Việt - VOA tiếng Việt, ngày 02-5 đưa tin: Ủy Ban Tự do Tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách CPC. Theo bài viết trên, Uỷ Ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo quốc tế vừa công bố bản phúc trình thường niên về tình hình tự do tôn giáo trên thế giới năm 2014. Ủy ban đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa thêm 8 nước vào “danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm (CPC)” trong đó có Việt Nam. USCIRF nói rằng cũng như trong nhiều năm qua, thành tích nhân quyền của Việt Nam trong năm 2013 tiếp tục xấu đi. Chính quyền “siết chặt quyền kiểm soát các quyền tự do tôn giáo” (!).
          Cũng đúng lúc này, ở Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các cấp chính quyền đang khẩn trương hoàn thành các công việc cuối để Đại lễ Vesak Liên  hợp quốc (LHQ) 2014 được thành công tốt đẹp. Đại lễ Vesak 2014 LHQ sẽ diễn ra từ ngày 7 đến ngày 10 tháng 5 tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình. Với chủ đề chính của Đại lễ là “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của LHQ”. Chủ đề của Đại lễ cho thấy, Phật giáo nói riêng, tôn giáo ở Việt Nam nói chung đồng hành cùng dân tộc. Bởi Việt Nam là một trong số ít nước được LHQ đánh giá là đã rất thành công trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và nhiều mục tiêu đã về đích sớm.
          Đại lễ Vesak LHQ 2014 do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai chủ trì. Đây là lần thứ 2 Đại lễ Vesak LHQ được tổ chức tại Việt Nam (lần đầu được tổ chức vào tháng 5-2008). Đại lễ năm 2014 dự kiến sẽ tiếp đón khoảng 1.500 lãnh đạo các giáo hội, hệ phái phật giáo, các giáo sư, tiến sĩ, học giả, nhà nghiên cứu Phật học cũng như các phật tử thuộc nhiều truyền thống Phật giáo đến từ gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và khoảng 10.000 phật tử và nhân dân Việt Nam.
          Đại lễ và các chương trình Hội nghị cũng sẽ được nghe: Thông điệp của Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon; Thông điệp của Thư ký Ủy ban Kinh tế - Xã hội LHQ Dr.Shamshad Akhtar; Thông điệp của Tổng Giám đốc Unesco H.E.Irina Bokova; Thông điệp của Tăng thống Sri Lanka; Thông điệp của Hòa thượng Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc; Thuyết trình “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu Mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ của Hòa thượng Thích Đức Nghiệp"; Thông điệp của Quốc vương Cam-pu-chia Sihamoni; Bài phát biểu của Thủ tướng Sri Lanka H.E. D.M.Jayaratne; Thông điệp của lãnh tụ các Giáo hội Phật giáo thế giới: Thái Lan, Cam-pu-chia, Nhật Bản, Lào. v.v.

          Đại lễ Vesak LHQ 2014 cùng các hoạt động của Đại lễ được tổ chức ở Việt Nam là những căn cứ sống động bác bỏ cáo buộc của Ủy Ban Tự do Tôn giáo quốc tế Mỹ đối với Việt Nam là hoàn toàn vô căn cứ./.

May 1, 2014

Dân biểu Ed Royce tiếp tay cho khủng bố

         Tre Việt - VOA tiếng Việt, ngày 01-5-2014 đăng bài “Dân biểu Ed Royce gặp gỡ các blogger và nhà tranh đấu Việt Nam”, của Hoài Hương. Đọc bài viết trên cho thấy, dân biểu Ed Royce đã tiếp tay cho khủng bố. Theo nhận thức của Tre Việt về khủng bố thì có nhiều loại: về đánh bom liều chết, về tinh thần,… Loại mà dân biểu Ed Royce tiếp tay là thuộc loại khủng bố tinh thần. Loại này, tuy không làm người ta chết ngay, nhưng nó nguy hiểm hơn loại đánh bom, vì mỗi tin, bài mà loại này đưa ra nó reo rắc sự hoài nghi, làm xói mòn niềm tin của người ta vào chế độ, nguy hại hơn nó có thể làm sụp đổ cả một chế độ.
          Tại sao Tre Việt lại nói vậy? Bằng chứng là, dân biểu Ed Royce đường đường là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, đại diện Đảng Cộng Hòa tại California mà lại hạ thấp mình “làm việc” với mấy người chuyên chọc ngoáy, chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Tại sao nói dân biểu Ed Royce hạ thấp mình? Bởi, ông ta là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, nhẽ ra theo thông lệ ngoại giao quốc tế thì ông ta làm việc với người đồng cấp của Quốc hội Việt Nam chứ? Nhưng không. Ông ta đã đi cửa sau, làm việc kiểu xã hội đen, như kiểu vỗ vai mấy tay anh chị, lại bợm rượi đi nhậu vậy. Ông mời gọi, làm việc với mấy người ấy mà Quốc hội, Nhà nước Việt Nam không hề hay biết. Tại sao ông phải làm việc chui như vậy? Việc làm ấy của dân biểu Ed Royce vô tình hay hữu ý đã tự hạ thấp mình. Viết đến đây, Tre Việt bỗng dưng nhớ câu: Hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ cho anh biết anh là người như thế nào.
          Vậy, hãy xem “các blogger và nhà tranh đấu Việt Nam” là ai? Theo bài viết của Hoài Hương thì đó là “nhà báo độc lập” Tô Oanh, blogger Nguyễn Tường Thụy, “phóng viên độc lập” Lê Thanh Tùng, nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim Chi, blogger Nguyễn Đình Hà, “nhà báo độc lập” Ngô Nhật Đăng và Đỗ Hoàng Điềm, Chủ tịch Đảng Việt Tân. Ôi chao! Nào là “nhà báo độc lập”, nào là “phóng viên độc lập” mà họ gán cho mới tệ hại làm sao? Không hiểu căn cứ vào đâu mà Hoài Hương cùng dân biểu Ed Royce lại phong cho mấy cái tên kể trên là “nhà báo độc lập”, “phóng viên độc lập”? Nếu chỉ căn cứ vào những ai viết blog, facebook thì được phong là “nhà báo độc lập”, “phóng viên độc lập” thì ở Việt Nam có nhiều lắm. Bởi chỉ cần hoàn thành giáo dục tiểu học là có thể viết blog, facebook và ở Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học lâu rồi. Thực tế cho thấy, ở Việt Nam, rất nhiều học sinh tiểu học đã viết blog, facebook rồi đấy. Còn theo tiêu chí của Việt Nam, những ai trở thành nhà báo phải được các cấp hội xem xét đủ tiêu chuẩn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xét duyệt, đủ điều kiện mới cấp thẻ, khi ấy mới được gọi là nhà báo. Và đã là nhà báo thì phải hoạt động theo Luật Báo chí. Cũng giống như các quốc gia phương Tây và Mỹ, Chính phủ Việt Nam không can thiệp vào hoạt động báo chí. Mặc dù vậy, luật pháp của các quốc gia phương Tây cũng như ở Mỹ đều có những quy định nhằm ngăn chặn sự lạm quyền của báo chí. Các chính phủ của các nước này đều phân biệt những thông tin nào được phép phổ biến cho công chúng, thông tin nào thuộc loại phổ biến hạn chế và thông tin nào thuộc loại tuyệt mật, không thể tiết lộ với mục đích bảo vệ lợi ích quốc gia. Chẳng thế mà, Edward Snowden tiết lộ bí mật hoạt động của cơ quan tình báo Mỹ, dẫn đến cựu nhân viên tình báo này phải tỵ nạn ở Nga trước sự truy bắt gắt gao của Chính phủ Mỹ, cũng chỉ vì tội tiết lộ bí mật quốc gia.
          Còn Đỗ Hoàng Điềm, Chủ tịch Đảng Việt Tân, thì không cần phải nói Việt Tân là như thế nào mọi người đã rõ. “Việt Tân là việt tần, tức vật tiền”! Ngay từ ngày đầu thành lập tổ chức này đã là một “sự ô hợp”. Chính Trần Khải Thanh Thủy - một thành viên (trước đây) của Đảng Việt Tân cũng đã thừa nhận không ít người cho rằng: Việt Tân là “đảng phở bò”, “đảng vật tiền”,...  Vậy mà, dân biểu Ed Royce chú ý lắng nghe Đỗ Hoàng Điềm điều trần. Đúng như ông cha ta có câu: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, hay “Rau nào, sâu nấy”! Vậy là đã rõ, cả dân biểu Ed Royce cùng mấy “nhà báo độc lập”, “phóng viên độc lập”, Đảng Việt Tân đều cùng một giuộc mà thôi. Việc làm trên của dân biểu Ed Royce đích thị là tiếp tay cho khủng bố. Điều đó đi ngược lại quan hệ ngoại giao đã ký kết giữa Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam và đi ngược lại lợi ích của nhân dân hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ. Những mong với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, dân biểu Ed Royce cần cân nhắc thật kỹ trước những việc làm của mình, kẻo tổn thương đến quan hệ ngoại giao đang tốt đẹp giữa hai nước Hoa Kỳ - Việt Nam /.