May 16, 2014

Đấu tranh bảo vệ chủ quyền không nên "quá sốt ruột"


          Tre việt - Vừa qua Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục đại của Việt Nam[1] và cho hàng chục tàu các loại, trong đó có cả tàu quân sự hộ tống, bảo vệ. Trước việc làm đó đó, những ngày qua, trên khắp cả nước, các tầng lớp nhân dân có nhiều hành động cụ thể như tuần hành, mít tinh, ra tuyên bố,… phản đối việc làm sai trái của Trung Quốc. Đây là những việc làm tỏ rõ quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước, thể hiện tinh thần đoàn kết, yêu nước, nêu cao chính nghĩa, truyền thống nhân đạo, khoan dung, hòa hiếu của dân tộc Việt Nam, được quốc tế ủng hộ. Tuy nhiên, một số ít người, do chưa nhận thức được vấn đề đã tỏ ra “quá suốt ruột”, muốn giải quyết sớm sự việc trong ngày một, ngày hai, thậm chí bị kích động có việc làm vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến sản xuất, phát triển kinh tế, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Những việc làm đó là không thể chấp nhận, cần lên án, xử lý nghiêm khắc.
          Phải thấy rằng, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, “núi liền núi, sông liền sông”, có quan hệ truyền thống lâu đời, tuy có lúc thăng trầm nhưng hợp tác, hữu nghị là chủ yếu. Nhất là, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Trung Quốc đã giúp đỡ quân và dân Việt Nam với số lượng hàng trăm tấn vũ khí, đạn, thuốc, quân trang,… tạo điều kiện để chúng ta đấu tranh giành thắng lợi. Sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa đó của Chính phủ, nhân dân Trung Quốc chúng ta luôn ghi nhớ, không bao giờ quên. Trong quan hệ giữa hai nước, tuy còn có điểm bất đồng, tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, song, Đảng, Nhà nước, nhân dân hai nước luôn quam tâm xây đắp tình hữu nghị đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đặt nền móng, theo phương châm: 16 chữ “Đoàn kết hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, và 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc là đối tác chiến lược của nhau. Trung Quốc là thị trường lớn tiêu thụ hàng nông sản Việt Nam, đồng thời phía Trung quốc có nhiều doanh nghiệp đầu tư, làm ăn tại Việt Nam.
          Mặt khác, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo không chỉ là đấu tranh trên thực địa mà còn là cuộc đấu tranh về mặt pháp lý tuân theo quy định của Công ước, luật pháp quốc tế, cần phải có cơ sở, chứng cứ pháp lý để thế giới công nhận và buộc Trung Quốc phải thừa nhận. Do đó cần có thời gian nhất định, không thể kết thúc trong ngày một, ngày hai.
          Hơn ai hết, chúng ta hiểu rất rõ giá trị của hòa bình. Để có được hòa bình như ngày hôm nay, dân tộc ta đã phải đổi bằng bao xương máu của các thế hệ người Việt Nam, nên chúng ta luôn mong muốn được chung sống hòa bình với các dân tộc, các quốc gia trên trái đất, nhất là các nước trong khu vực.
          Từ những lý do trên, việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, chúng ta phải hết sức tỉnh táo, bình tĩnh, thực hiện đúng quan điểm của Đảng, không nóng vội, chủ quan; không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân kích động gây rối, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.
          Nói như vậy, không phải để “bao biện”, “nguôi dần” rối chấp nhận giàn khoan của Trung Quốc cắm trên vùng biển của ta, mà để thấy tính khó khăn, phức tạp của việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo, từ đó mỗi người có nhận thức đúng và sự chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh lâu dài để bảo vệ độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Dân tộc Việt Nam có truyền thống kiên cường, bất khuất, khi cần mọi người Việt Nam sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ độc lập, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Lịch sử đã chứng minh, ở Việt Nam, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng. Đánh cho nó chích luân bất phản, đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Song, chúng ta phải tỉnh táo, bình tĩnh có phương pháp đấu tranh phù hợp, vừa bảo vệ được chủ quyền, vừa giữ được môi trường hòa bình để phát triển đất nước.
          Việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam là việc làm ngang ngược, thách thức, bất chấp luật pháp quốc tế, gây nguy hiểm cho giao thông hàng hải, hàng không trong khu vực. Cho nên, ngay sau khi phát hiện Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta, Bộ Ngoại giao đã điện đàm với phía Trung Quốc phản đối việc làm trên và yêu cầu họ đưa giàn khoan ra khỏi vùng biển của ta. Đồng thời, Cảnh sát biển, Kiểm ngư đã cử lực lượng ra đấu tranh tại thực địa. Các lực lượng của Trung Quốc tại khu vực giàn khoan không những không hợp tác với ta mà ngày càng hung hăng, ngoan cố, còn dùng các phương tiện, lực lượng ngăn chặn, phá hoại các tàu, gây thương tích đối với lực lượng ta. Song, Đảng, Nhà nước ta đã khẳng định, tuyên bố rõ ràng và chỉ đạo các lực lượng kiên quyết, kiên trì, kiềm chế bằng các biện pháp hòa bình để đấu tranh bảo vệ chủ quyền.
          Ngày 11-5-2014 ở thủ đô Nay Pyi Taw (My-an-ma) trong phiên họp toàn thể của các nhà lãnh đạo ASEAN, trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã vạch rõ hành động của Trung Quốc, đồng thời, nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam là mong muốn cùng Trung Quốc giải quyết sự việc bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Song lãnh thổ là thiêng liêng, Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế.
          Ngày 14-5-2014, phát biểu tại buổi bế mạc Hội Nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ chín, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “…giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và những thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam - Trung Quốc”. Các hoạt động của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta tỏ rõ tinh thần hòa hiếu, khoan dung, mong muốn cùng Trung Quốc giải quyết vấn đề bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ ở luật pháp quốc tế. Những việc làm đó của chúng ta được dư luận quốc tế đánh giá cao và đồng tình. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều phản đối việc làm của Trung Quốc, là ngang ngược, khiêu khích, nguy hiểm, vi phạm pháp luật quốc tế. Điều đó cho thấy, phương pháp giải quyết của chúng ta là phù hợp, được quốc tế đồng tình, ủng hộ, từng bước “cô lập” Trung Quốc. Song, tiếc rằng, trong cơn thèm khát tài nguyên ở Biển Đông mà bộ phận nào đó của chính quyền Trung Quốc đã bất chấp tất cả, vẫn ngoan cố, tăng thêm tàu các loại đến bảo vệ giàn khoan làm cho tình hình trên thực địa thêm phức tạp.
          Việc các lực lượng nhân dân tổ chức tuần hành, mít tinh phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 891 là việc làm cần thiết, đúng đắn, song để xảy ra hành động quá khích của một số công nhân đập phá các công ty người Trung Quốc ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh là việc làm vi phạm pháp luật, đi quá giới hạn cho phép và rất nguy hiểm, có hại cho phát triển kinh tế, an ninh, xã hội, môi trường đầu tư của ta và quan hệ hợp tác lâu dài giữa Việt Nam với Trung Quốc và các quốc gia khác. Những người đó phải bị xử lý nghiêm khắc theo pháp luật làm gương cho kẻ khác. Chúng ta không thể để “mồi lửa nhỏ” làm ảnh hưởng đến nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc; đồng thời, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.
          Đối với Trung Quốc khi gây hấn đến mức ngang ngược như vậy, chắc chắn, họ cũng đã chuẩn bị cho mọi phương án, thậm chí sẵn sàng tạo cớ và mượn cớ để sử dụng quân sự, nhằm hiện thực ý đồ độc chiếm Biển Đông. Do đó, chúng ta càng phải tỉnh táo để không tạo cớ cho Trung Quốc dựa vào đó mà gây xung đột, cho nên, lúc này mọi người Việt Nam phải bình tĩnh, không nên “sốt ruột”, nóng vội mà mắc phải sai lầm. Tinh thần yêu nước, đoàn kết của nhân dân Việt Nam sẽ là làn sóng “thần” nhấn chìm tất cả lũ cướp nước như Bác Hồ đã khẳng định./.

                                                                                     




[1] - Giàn khoan Hải Dương – 981 của Trung Quốc đặt tại tọa độ 15°29′58″B 111°12′1″Đ cách đảo Tri Tôn (Trung Quốc gọi là đảo Trung Kiến), thuộc quần đảo Hoàng Sa Việt Nam 17 hải lý (khoảng 30 km) về phía Nam, cách đảo Hải Nam 180 hải lý về phía Nam, cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam) khoảng 120 hải lý về phía Đông.

2 comments:

Anonymous said...

Đúng rồi. Chúng ta phải tỉnh táo để không mắc mưu Trung Quốc.

Lắp đặt loa hội thảo said...

Chúng ta phải tỉnh táo để không mắc mưu Trung Quốc.

Post a Comment