Tre Việt - Ngày 04-9-2014 trên trang Ba Sàm
có đăng “Kiến nghị của một số cựu sĩ quan
Lực lượng vũ trang nhân dân gửi Lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ CHXHCN
Việt Nam”. Đọc kiến nghị thấy rõ trách nhiệm cao của các bác đối với
hình ảnh của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân trong con mắt của nhân dân
và trách nhiệm với độc lập, chủ quyền của quốc gia, dân tộc. Là người Việt Nam
có trách nhiệm với đất nước, dân tộc chắc rằng ai cũng có trách nhiệm như các
bác. Nhưng có lẽ do nghỉ công tác đã lâu, các bác thiếu thông tin nên tỏ tâm
trạng lo lắng, băn khoăn.
Kiến nghị thứ nhất, các bác viết: “để
bảo vệ uy tín của Quân đội là lực lượng có nhiệm vụ hiến định “quốc
phòng”, tức là bảo vệ Tổ quốc trước ngoại xâm, cần chấm dứt ngay việc huy động
Quân đội vào những sự vụ mang tính đối kháng với Nhân dân, như giải tỏa đất
đai, ngăn chặn các cuộc biểu tình yêu nước ôn hòa…”. Viết vậy, là các bác mới
thấy chức năng đội quân chiến đấu của Quân đội, mà chưa thấy các chức năng
khác, như: đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất. Trong trường hợp này,
sự hiện diện của cán bộ, chiến sĩ quân đội là thực hiện chức năng đội quân công
tác, tức thực hiện công tác dân vận. Theo đó, cán bộ, chiến sĩ quân đội sẽ giúp
đỡ nhân dân nhận thấy đúng sai, phải trái để chấp hành đường lối, chủ trương
của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chứ không phải để trấn áp nhân dân
như các bác lầm tưởng. Sự hiện diện của cán bộ, chiến sĩ quân đội trong những
trường hợp này cần thiết là vì thế.
Kiến nghị thứ hai, các bác viết: “phải
nhanh chóng giải quyết những cách cư xử không đúng đối với thương binh và gia
đình liệt sĩ. Đặc biệt, phải sớm khôi phục danh dự và quyền lợi đã bị lãng quên
của các liệt sĩ và thương binh đã hy sinh xương máu trong chiến tranh biên giới
phía Bắc và ngoài biển đảo,…”. Về vấn đề này, có thể ở nơi này nơi khác, lúc
này lúc khác có những trường hợp cư xử không đúng, không thỏa đáng đối với
thương binh, gia đình liệt sĩ. Đó cũng là điều khó tránh khỏi các bác ạ. Nhưng
nhìn tổng thể, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến thương binh và gia đình
liệt sĩ. Tất nhiên, sự quan tâm, giúp đỡ ấy cũng tùy thuộc vào khả năng của nền
kinh tế đất nước, nhưng tư tưởng chỉ đạo chung là không để thương binh và gia
đình liệt sĩ (gia đình chính sách) có mức sống thấp hơn mức sống trung bình của
địa phương. Đảng, Nhà nước, Quân đội đang tích cực tìm kiếm, cất bốc, quy tập
hài cốt liệt sĩ ở trong nước và các liệt sĩ hy sinh ở nước bạn Lào, Cam-pu-chia
về Nghĩa trang Liệt sĩ trong nước. Nhưng do cuộc chiến tranh ác liệt, kéo dài
nên còn nhiều hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy, chưa được quy tập; lại có
không ít hài cốt liệt sĩ đã tìm thấy và quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ nhưng
còn thiếu thông tin. Đây là nỗi đau không chỉ của thân nhân các liệt sĩ mà là
nỗi đau của cả dân tộc ta. Nỗi đau này nhắc nhở chúng ta hiện nay là bảo vệ
vững chắc Tổ quốc, nhưng phải bằng mọi cố gắng để không xảy ra chiến tranh. Mặt
khác, hiện nay, thân nhân liệt sĩ hằng năm được trợ cấp một khoản tiền để cúng
giỗ liệt sĩ. Đối với thương binh, liệt sĩ trong cuộc chiến bảo vệ biên giới
phía Bắc năm 1979 cũng được Đảng, Nhà nước quan tâm chung như thương binh, liệt
sĩ trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc. Mới đây, tại Phủ Chủ
tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp mặt các cựu chiến binh của Sư đoàn
456 (hiện nay Sư đoàn đã giải tán) chiến đấu ở Hà Tuyên năm 1979, để Chủ tịch
nước lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các cựu chiến binh và chỉ đạo các cơ
quan chức năng có chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để công nhận thương
binh, liệt sĩ đối với các trường hợp không còn đủ giấy tờ; đồng thời, tìm kiếm,
cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ về Nghĩa trang Liệt sĩ.
Kiến nghị thứ ba, đúng như các bác
viết: “Lực lượng vũ trang cần được xác định rõ ràng và chính xác đối thủ, không
thể mơ hồ biến thù thành bạn hoặc coi bạn là thù”. Vấn đề là cần có đầy đủ
thông tin để xác định đúng đối tác, đối tượng. Nhắc lại lời C. Mác, thiết nghĩ
rất đúng trong trường hợp này. Đó là: nếu mọi hiện tượng thống nhất với bản
chất thì khoa học đều trở nên thừa. Đồng thời, phải thống nhất nhận thức biện
chứng của Đảng rằng, trong mỗi đối tượng cũng có những mặt cần hợp tác, trong mỗi
đối tác có mặt cần đấu tranh. Trong thế giới mở cửa và hội nhập quốc tế sâu
rộng hiên nay, vấn đề đặt ra là làm sao tạo lập và giữ được môi trường hòa bình
để xây dựng và phát triển đất nước theo tinh thần Việt Nam sẵn sàng là bạn, là
đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế phấn
đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Vì vậy, trước các hành động
Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam cũng không nên ngộ nhận đó
là đối tượng, mà cần phải đấu tranh với hành động đó để bảo vệ chủ quyền, thống
nhất, toàn vẹn lãnh thổ, tránh “để cái sảy nảy cái ung”, không giữ được môi
trường hòa bình để xây dựng đất nước. Còn với Hoa Kỳ, mặc dù đã bình thường hóa
quan hệ với Việt Nam sắp được 20 năm rồi, nhưng mục đích của họ như tuyên bố công khai của phía Hoa Kỳ đại ý
rằng: bình thường hóa để đẩy mạnh dân chủ hóa hơn, đưa Việt Nam đi theo quỹ đạo
của Hoa Kỳ. Như vậy, dù Hoa Kỳ có bình thường hóa với Việt Nam cũng là một biện
pháp để lái Việt Nam theo quỹ đạo của họ. Tất nhiên, như trên đã nói, không có
ai hoàn toàn là đối tượng và cũng không có ai hoàn toàn là đối tác, mà trong
từng trường hợp vẫn có mặt hợp tác đồng thời có mặt phải đấu tranh và ngược
lại.
Về vấn đề xác định bạn và không phải
bạn thiết nghĩ trong các bài trả lời phóng vấn báo chí của Chủ tịch nước và Thủ
tướng đã thể hiện rõ. Trong bài trả lời phóng viên TTXVN của Chủ tịch nước
Trương Tấn Sang trước tình hình dư luận trong nước, quốc tế, nhiều đại biểu
Quốc hội bức xúc về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981
(Haiyang Shiyou-981) vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của
Việt Nam (hồi tháng 5 vừa qua), khi trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, Chủ
tịch nước đã nhắc lại lời của vua Lê Thánh Tông từng nói với triều thần: “Một
thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết
tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang
phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước núi, một
tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!”.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm
việc tại Philippines và dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) khu vực Đông Á tại
thủ đô Manila vào tháng 5-2014 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời
phỏng vấn hai hãng thông tấn AP (Mỹ) và Reuters (Anh) về các diễn biến tại Biển
Đông. Trong đó, nhấn mạnh rằng: “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi
ích chính đáng của mình vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng
liêng. Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo
đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định
không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình,
hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó. Có lẽ như tất cả các nước, Việt Nam chúng
tôi đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp
lý, theo luật pháp quốc tế”.
Trả lời TTXVN của Chủ tịch nước và trả
lời AP (Mỹ), Reuters (Anh) của Thủ tướng đã rõ ràng quan điểm và lập trường bảo
vệ toàn vẹn, thống nhất chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Và đó là điều thiêng liêng
đối với mỗi người Việt Nam dù sinh sống ở trong nước hay ở nước ngoài. Vậy nên,
các tin đồn đoán này khác ở đâu đó, như các bác nhắc đến Hội nghị Thành Đô nào đấy
là không đúng sự thật. Các bác cần cảnh giác trước các tin thất thiệt. Chúng ta
vừa kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của
Đảng; trong đó, câu nói: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” của Tổng Bí thư Trần
Phú giờ đây còn được hiểu thêm là “Hãy giữ vững niềm tin vào Đảng” các bác ạ!
1 comments:
Bọn phản động luôn lợi dụng các vấn đề nhạy cảm để xuyên tạc, kích động và chống phá đất nước; vì vậy chúng ta phải cảnh giác
Post a Comment